Tình yêu đẹp của đôi vợ chồng tật nguyền của miền sơn cước
Đôi vợ chồng trẻ tật nguyền giành được hàng trăm huy chương các loại ở các giải đấu lớn dành cho người khuyết tật
Niềm tự hào của bản Khe Van
Ngược thành phố Đông Hà theo hướng Tây Nam gần 50km, chúng tôi đã vượt qua bao đèo cao dốc thẳm mới đến bản Khe Van để gặp đôi vợ chồng trẻ nghị lực, được nhiều người nể phục.
Đang hì hục sớt cỏ sắn ngoài vườn, thấy có khách miền xuôi ghé thăm, vợ chồng chị Lành bỏ dở cộng việc tay bắt mặt mừng đón chúng tôi vào nhà. Sau ly nước lá đậm hương vị núi rừng, vợ chồng chị Lành kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều thiệt thòi nhưng tràn đầy hạnh phúc của mình:
Hồ Thị Lành vốn là cô gái Vân Kiều đẹp người đẹp nết ở bản Giai (xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ngay từ khi còn nhỏ, sau một cơn bạo bệnh đã khiến chân trái của chị bị liệt. Biết phận mình bọt bèo, gia đình lại nghèo nên từ nhỏ chị Lành đã phải tự bươn chải, tập luyện bước đi bằng nạng gỗ cùng phụ giúp cha mẹ lo cho bữa ăn hàng ngày. Lớn lên đến tuổi đi học, chị Lành cũng phải tự mình đến trường khi bò, khi lết. Lúc nào may mắn cha mẹ rảnh thì cõng chị đến trường hoặc bạn bè dìu dắt đưa đi. Cực khổ đến vậy nhưng chị Lành cũng vượt qua 12 năm học với thứ hạng cao ở trường, được cô thầy, bè bạn cảm phục.
Còn với anh Hồ Xuân Phi, chàng trai Vân Kiều ở bản Khe Van cũng sinh ra trong gia đình nghèo khó. Tuổi mới lớn, chàng trai Vân Kiều tên Phi lại nổi tiếng bảnh bao khỏe mạnh nhất xã Hướng Hiệp được nhiều cô nàng để ý. Nhưng số phận lại trớ trêu khi anh Phi đang lên nương trỉa lúa thì một quả bom còn sót lại trong thời kì chiến tranh phát nổ cắt cụt cánh tay phải lành lặn của anh và khiến anh rơi vào cảm giác tự ti với hàng xóm, bạn bè. Được sự động viên giúp đỡ của bạn bè, người thân, anh Phi nhanh chóng lấy lại tinh thần rồi tự tập làm việc khi chỉ còn một cánh tay.
Cuộc sống hiện tại của anh chị tuy còn khá nhiều vất vả, nhưng vợ chồng anh chị luôn thương yêu, khuyến khích nhau làm ăn. Ngoài trồng sắn, anh Phi còn lên rừng kiếm củi để bán. Lúc nào cũng thế, anh Phi chẻ củi là chị Lành lại ngồi bên xếp đặt ngay ngắn, giúp chồng bó thành từng bó thật đẹp để anh vác ra chợ bán lấy tiền mua mớ rau con cá trang trải cuộc sống gia đình. Vợ chồng anh chị không bao giờ to tiếng với nhau. Chính vì thế, dù tật nguyền nhưng anh chị vẫn thấy hạnh phúc với những gì mình đang có.
Không chỉ giữ gìn cuộc sống đầm ấm trong gia đình, vợ chồng anh Phi còn tham gia công tác hòa giải cho những gia đình gặp khúc mắc, bất hòa trong cuộc sống. Trong bản, có gia đình nào vợ chồng gây gổ, lời qua tiếng lại với nhau là cả anh và chị đến thăm hỏi, chia sẻ động viện rồi hòa giải để cuộc sống của họ trở nên yên ấm hơn. Ông Hồ Xuân Thin, Trưởng bản Khe Van hào hứng khi nói về đôi vợ chồng đầy lòng nhiệt huyết với thôn bản: “Vợ chồng anh Phi, chị Lành là niềm tự hào của cả bản chúng tôi. Nhờ có anh chị ấy mà mọi chuyện mâu thuẫn trong mỗi gia đình đều được giải hòa êm ấm”. Ông Thin cho biết thêm, nhờ tấm gương sáng của vợ chồng anh Phi mà nhiều thanh niên lêu lổng trong bản đã tự ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội, ai nấy đều cố gắng làm ăn kinh tế, đóng góp tích cực cho thôn bản, cho xã hội. Cũng chính vì thế mà nhiều năm liền bản Khe Van được xã tuyên dương là bản kiểu mẫu của xã Hướng Hiệp.
Mỗi ngày lên nương với anh chị là một ngày đầy vất vả nhưng tràn ngập niềm vui
Thể thao là cầu nối tình yêu
Tuy cuộc sống vất cả nhưng cả anh và chị đều không chịu khuất phục số phận, chính thể thao đã giúp họ nhận ra mình còn làm được nhiều việc có ích, từ đó phát huy được những sở trường của bản thân. Và cũng chính thể thao đã trở thành “bà mối mát tay” giúp hai người con Vân Kiều ở cách xa nhau tận 50 cây số nên duyên vợ chồng.
Đến với thể thao sớm hơn anh Phi một năm, chị Lành tình cờ được giới thiệu tham gia vào đoàn thể thao người khuyết tật của huyện Hướng Hóa vào năm 2005. Chị Lành nhanh chóng làm quen với môi trường mới và sớm thể hiện rõ năng lực của mình. Đáp lại những ngày tập luyện vất vả, phải băng bó do chấn thương là những tấm huy chương vàng các cấp ở ba môn ném lao, ném đĩa và đẩy tạ. Từ thành viên của đội thể thao người khuyết tật cấp huyện, chị được nhận vào đội tuyển của tỉnh và tham gia các đại hội thể thao người khuyết tật cấp quốc gia.
“Từ các giải thi đấu trong tỉnh, tôi đã gặp được Lành. Ngay cái khoảnh khắc nhìn thấy Lành, tôi đã quyết tâm phải làm quen được với cô ấy và chắc chắn sẽ cưới cô ấy làm vợ” – anh Phi tâm sự. Xen lẫn trong khoảng thời gian thi đấu là những cái nhìn trộm thân thương nơi chàng trai Vân Kiều bản Khe Van dành cho cô gái Vân Kiều bản Giai. Cứ thế, ngọn lửa tình yêu trong anh rực cháy và nung nấu ý chí phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm sao để được gọi vào đội tuyển của tỉnh để được gặp gỡ Lành nhiều hơn.
Những năm tháng phấn đấu đó đã không uổng phí. Sau một khoảng thời gian tập luyện và giành được nhiều thành tích, anh Phi cũng được chọn vào đội tuyển thể thao người khuyết tật của tỉnh Quảng Trị. Và đó là cơ hội lớn để anh Phi “cưa đổ” chị Lành. Sau 2 năm tìm hiểu, anh chị đã tiến tới hôn nhân vào năm 2009. Cô gái của bản Giai ngày nào giờ chính thức làm dâu nơi bản Khe Van.
Nhớ lại cái ngày trở thành bước ngoặt thứ 2 của đôi vợ chồng trẻ, anh Phi cho biết: “Khi tôi nói với cha mẹ rằng muốn cưới Lành làm vợ, cha mẹ tôi chần chừ, ái ngại vì một chiếc đũa hư đã khổ, đằng này đôi đũa cọc cạch cả hai thì càng khổ hơn. Lỡ lúc ốm đau bệnh tật lấy ai chăm nom lo lắng. Nhưng rồi vợ chồng chúng tôi thuyết phục cả hai bên gia đình cuối cùng cha mẹ cũng mủi lòng đồng ý cho chúng tôi cưới nhau”. Ngày đôi đũa cọc cạch đến với nhau, cả xã đến chúc mừng. Bạn bè, đồng nghiệp, những vận động viên khuyết tật nhìn nhau ứa nước mắt chúc mừng hạnh phúc lứa đôi cho anh Phi chị Lành. “Chúng nó thương nhau thật lòng thật dạ thì mình cũng không miễn cưỡng. Mong sao cuộc sống của chúng nó sẽ mãi được hạnh phúc như bây giờ” – ông Hồ Văn Đèn, bố chị Lành tâm sự.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, giờ đây gia tài quý giá nhất của anh chị là cô con gái 4 tuổi Lê Thị Kim Cúc – là kết quả hạnh phúc của câu chuyện tình thể thao khiến nhiều người khâm phục. Từ khi còn bé, Cúc đã song hành cùng bố mẹ trên khắp các trận thi đấu được tổ chức tại các địa phương, từ Hà Nội, Đà Nẵng cho đến TP HCM, Cần Thơ, … chứng kiến những màn trình diễn thể thao ấn tượng của bố mẹ. Với anh Phi - chị Lành, đứa con gái xinh đẹp tên Cúc là động lực, là niềm tin để anh chị quyết tâm giành giải cao trong mỗi cuộc thi đấu. “Mỗi lần tập luyện, thi đấu mệt mỏi, chúng tôi đều hướng nhìn về ánh mắt của con gái. Con gái cười tươi vẫy tay động viên chúng tôi cố gắng. Và như có một sức mạnh phi thường nào đó, chúng tôi đã giành được nhiều huy chương cao quý” – chị Lành ôm đứa con vào lòng tâm sự.
Sau tấm kính là chiếc tủ gỗ đựng hàng trăm huy chương vàng, bạc, đồng mà anh Phi chị Lành đạt được qua các giải thi đấu cấp huyện, tỉnh, trung ương trong gần 10 năm qua. “Những tấm huy chương là gia tài quý giá mà chúng tôi luôn luôn trân trọng và giữ gìn” – anh Phi nhấn mạnh.. Chị Lành khoe, gần đây nhất, trong Hội thao người khuyết tật toàn quốc năm 2014, chị đã giành 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng ở các nội dung ném lao, ném đĩa và đẩy tạ.
Rời căn nhà sàn bé nhỏ của đôi vợ chồng miền sơn cước khi ánh chiều tà vàng vọt đã vắt qua những dãy núi trùng điệp nơi rẻo cao mù sương trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng lời nhắn nhủ của vợ chồng anh Phi: “Đời người ai cũng có những nỗi đau, sự mất mát về thể chất, tinh thần. Nhưng nếu có ý chí và dám đối mặt vượt qua thì chắc chắn sẽ tìm được hạnh phúc cho bản thân và còn giúp ích cho xã hội”.
Dương Hưng
Nên xem
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Ngân hàng nào liên quan đến đại án Xuyên Việt Oil?
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Tin khác
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Điều tra - bạn đọc 23/11/2024 15:04
Công an tỉnh Kiên Giang phản hồi đơn tố cáo của bạn đọc báo Lao động Thủ đô
Điều tra - bạn đọc 02/11/2024 14:22
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Huyện Định Quán mắc mớ gì mà chưa báo cáo?
Điều tra - bạn đọc 14/10/2024 10:44
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Chỉ có Tỉnh uỷ Đồng Nai mạnh mẽ vào cuộc
Điều tra - bạn đọc 19/09/2024 09:12
Cần nghiêm trị những "bảo mẫu" có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em
Điều tra - bạn đọc 05/09/2024 15:50
Công an xã Văn Đức (Gia Lâm): Không có căn cứ để thiết lập hồ sơ theo đơn thư phản ánh
Điều tra - bạn đọc 28/08/2024 10:24
Xâm phạm hồ Trị An - Bài 3: Hàng nghìn bè nuôi cá và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Điều tra - bạn đọc 15/08/2024 09:45
Xâm phạm hồ Trị An - Bài 1: Đua nhau lấn chiếm lòng hồ
Điều tra - bạn đọc 08/08/2024 13:55
Đề nghị xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp
Điều tra - bạn đọc 09/07/2024 08:48
Huyện Gia Lâm: Hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích?
Điều tra - bạn đọc 17/06/2024 18:44