Đáng tiếc nếu chỉ dùng nước khoáng để giải khát. Nước khoáng nên thuốc dễ dàng nếu biết cách ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Thí dụ:
1. Giải độc cho cơ thể: Theo kinh nghiệm của thầy thuốc y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda, uống 300 ml nước khoáng, để lạnh càng tốt, vào buổi sáng sớm ngay sau khi thức dậy là biện pháp hiệu quả để giải độc toàn diện cho cơ thể, chẳng hạn cho người lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê..., người phải dùng nhiều loại thuốc đặc hiệu, nhờ tác dụng nhuận gan, lợi tiểu và nhuận trường một cách hoàn hảo và đồng bộ.
2. Bệnh tiểu đường: Viêm thần kinh ngoại biên dưới hình thức đau nhức, tê bại... là một trong các di chứng thường gặp do rối loạn dẫn truyền thần kinh gắn liền với tình trạng đường huyết không ổn định.
Kết hợp nước khoáng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày là giải pháp nhẹ nhàng và an toàn để bảo vệ cấu trúc của hệ thần kinh ngoại biên. |
3. Viêm loét dạ dày: Tùy theo bệnh lý cá biệt nên áp dụng như sau:
• Trong trường hợp ợ chua vì thừa chất toan (dịch vị) trong dạ dày, uống nước khoáng để lạnh dưới hình thức nhiều ngụm nhỏ trước bữa ăn khoảng 15 phút.
• Ngược lại, nếu ợ hơi khó tiêu do thiếu men tiêu hóa, uống nước khoáng cũng với nhiều ngụm nhỏ nhưng hâm nóng và ngay sau bữa ăn...
4. Trẻ con bội nhiễm: Rối loạn nước và chất điện giải là nguy cơ thường gặp ở trẻ bị bội nhiễm kéo dài, nhất là trong tình trạng tiêu chảy, sốt cao... Bên cạnh liệu pháp đặc hiệu, kịp thời bổ sung nước và chất điện giải càng sớm càng tốt, bằng cách pha nước khoáng với men vi sinh đường ruột, là biện pháp cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho trẻ để nhờ đó thu ngắn liệu trình.
5. Bệnh tim mạch: Dùng nước khoáng, nếu tìm được loại ít natri càng tốt, để chiêu thuốc hạ áp, trợ tim, bảo vệ thành mạch... là biết cách tận dụng các thành phần khoáng tố vi lượng dồi dào trong nước khoáng nhằm kéo dài hiệu năng của thuốc, đồng thời giảm thiểu phản ứng phụ của thuốc nhờ gia tốc tiến trình đào thải thuốc.
6. Bệnh tiết niệu: Uống nhiều nước là điều kiện cơ bản trong phác đồ điều trị bệnh dễ tái phát trên đường tiết niệu như viêm bàng quang, phì đại tiền liệt tuyến...
7. Vận động viên: Thất thoát nước và chất điện giải qua mồ hôi là chuyện cần được lưu ý hàng đầu cho người tập thể dục thể thao.
8. Người lao tâm lao lực: Nhằm phục hồi vì tiêu hao dưỡng chất, cũng như cho đối tượng sau khi chấn thương, sau phẫu thuật, sau hóa trị, xạ trị..., ly lớn nước khoáng sau mỗi bữa ăn nhiều chất đạm là cơ sở để gia tốc tiến trình tổng hợp dưỡng chất cho tế bào. Đủ đạm mà thiếu nước cũng gần như không!
9. Béo phì: Với người ăn kiêng hay nhịn ăn để giảm cân, nước khoáng là phương tiện đơn giản để một mặt giảm thiểu năng lượng và mặt khác không rối loạn nước và chất điện giải, một hậu quả thường gặp trong nhiều chế độ kiêng cữ.
10. Bảo vệ thị giác: Với người phải sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng thiên nhiên cũng như đối tượng phải làm việc nhiều giờ trước máy vi tính, thói quen uống 200 ml nước khoáng nhiều lần trong ngày, nếu được với chút nước trái cây chứa nhiều tiền sinh tố A như xoài, thơm, đu đủ..., là biện pháp để ổn định thị lực và phòng tránh tình trạng tăng nhãn áp, căn bệnh hiện nay không hiếm thấy ở nhiều người trẻ làm việc trong văn phòng đóng kín.
Trong uống, ngoài tắm toàn thuốc độc!
Nói chi chuyện thiếu nước. Ngay cả uống đủ lượng nước thì chuyện gì xảy ra nếu nước dùng là nước bẩn, nước giếng thừa kim loại nặng, nước máy chứa quá nhiều chất toan? Trong uống ngoài thoa, ai cũng cần nước sạch nhưng có một số đối tượng cần nước sạch nhiều hơn. Thành phần độc chất trong nước là nguyên nhân dẫn đến:
1. Mất tác dụng của thuốc đặc hiệu vì chất độc trong nước biến thể cấu trúc của thuốc.
2. Bào mòn sức đề kháng do cơ thể phải phân tán lực lượng để đối đầu với chất bẩn trong nước.
3. Trì trệ tiến trình phục hồi vì khả năng tổng hợp kháng thể, tái tạo nhu mô không thể diễn biến như mong muốn trong môi trường sinh học ngập rác từ nước bẩn.
Nước uống hiện nay không quá khó tìm. Nhiêu khê hơn nhiều là tìm được nước sạch. Éo le là ai nấy cứ lo thiếu tiền, thiếu nhà, thiếu xe, thiếu địa vị… nên quên bệnh xồng xộc vào nhà chỉ vì thiếu… nước sạch?!
Theo BS Lương Lễ Hoàng/Pháp luật TP HCM