Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Sẽ xử lý được ít nhất từ 6-8 ngân hàng
Năm 2014 được xem là một năm thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ, sang năm 2015 thách thức với chính sách tiền tệ còn lớn hơn khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ những định hướng điều hành tiền tệ như lãi suất, tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… trong những ngày đầu Xuân này.
- Thưa Thống đốc, năm 2014, thành tựu kinh tế xã hội của đất nước có phần đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng. Được biết năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15%, cao hơn năm qua, vậy mục tiêu này sẽ được cơ quan điều hành thực hiện ra sao thưa Thống đốc? Ngoài ra, lãi suất năm nay có tiếp tục được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp không thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Việc điều hành lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước là về cơ bản giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu điều kiện thuận lợi hơn thì cố gắng giảm lãi suất cho vay trung-dài hạn xuống thêm 1-1,5%/năm để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ mới để cải tiến nâng cao sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, điều hành lạm phát năm nay hết sức phức tạp, dù Quốc hội đặt ra mục tiêu lạm phát 2015 dưới 5%. Song hiện có 2 luồng phân tích và 2 luồng ý kiến về việc này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, thậm chí chúng ta có thể đạt mức lạm phát thấp hơn nữa, như năm 2014 vừa rồi chỉ đạt 1,84%. Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng, không thể chủ quan với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5% vì đạt được mức này cũng là một khó khăn, thách thức.
Dưới góc độ phân tích và trực tiếp làm công tác này, chúng tôi đồng tình với cả 2 luồng ý kiến này. Nghĩa là, Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát 5% là mục tiêu cốt lõi, nếu điều kiện cho phép thì sẽ hạ hơn nữa. Và chính sách tiền tệ cũng được điều hành để hướng tới mục tiêu này. Nếu thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát như vậy thì cũng có thêm dư địa để giảm mặt bằng lãi suất.
Còn điều hành về tăng trưởng tín dụng, suốt những năm qua chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đều đạt được. Điều này có 2 ý nghĩa: Mức tăng trưởng tín dụng như vậy mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng quan trọng hơn, với mức tăng trưởng tín dụng như vậy mới kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định tăng trưởng vĩ mô.
Nhìn lại năm 2014 mục tiêu là 12-14% thì trong suốt nửa đầu năm xã hội còn nhiều e ngại không biết có đạt được hay không, nhưng Ngân hàng Nhà nước kiên quyết giữ vững mục tiêu này, không điều chỉnh. Kết quả là cả năm 2014 tăng trưởng tín dụng đạt 14,16%.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng từ 13-15%, không phải là chủ quan mà chỉ tiêu này được đưa ra dựa trên tất cả các phân tích, tăng trưởng kinh tế xã hội và các khả năng đầu tư của nền kinh tế, thấy rằng mức 13-15% là hợp lý. Năm nay cũng có yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, đặt biệt là việc tăng giảm của giá dầu, giảm rất mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không loại trừ giá dầu thế giới có thể phục hồi. Việc tăng, giảm của giá dầu cũng có ảnh hưởng bất lợi nhất định tới chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô.
Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên là trong bối cảnh bình thường, còn nếu trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng nếu giá dầu biến động bất lợi thì Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu này lên mức 17% để làm sao tăng trưởng GDP đạt 6-6,2% như mục tiêu đề ra và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
- Thưa Thống đốc, vấn đề xử lý nợ xấu năm qua đã đạt được kế hoạch, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể như thế nào để đưa nợ xấu về mức dưới 3% như định hướng đề ra?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ngay từ đầu nhiệm kỳ này chúng tôi xác định xử lý nợ xấu là vấn đề quan trọng và theo suốt chúng tôi trong cả nhiệm kỳ. Ngày hôm nay đã đạt được một số kết quả, thể hiện nỗ lực của toàn ngành ngân hàng.
Tôi nhớ mãi ý kiến chỉ đạo, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2012: đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, việc xử lý nợ xấu Chính phủ trông chờ vào nỗ lực của hệ thống ngân hàng.
Quán triệt tinh thần này, cả hệ thống ngân hàng, từ Ngân hàng Nhà nước tới các ngân hàng thương mại đã tập trung, hết sức nỗ lực xử lý nợ xấu. Từ đó đến nay, dù không có những cơ chế hỗ trợ xử lý nợ xấu như tại nhiều nước nhưng tính đến tháng 8/2014 chúng ta đã xử lý được trên 54% nợ xấu phát sinh từ năm 2012 bằng chính nguồn lực và giải pháp của hệ thống ngân hàng. Đây là nỗ lực rất lớn.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã cam kết đến năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống về mức 3%. Nói như vậy không chỉ xuất phát từ ý chí đơn thuần mà dựa trên cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học, phân tích các giải pháp và thực trạng của hệ thống ngân hàng, chúng tôi khẳng định mục tiêu này là khả thi song phải hết sức cố gắng.
Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, trong năm 2014 các ngân hàng thương mại dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro để bản thân ngân hàng có thể xử lý nợ xấu hoặc một phần nợ xấu của ngân hàng mình. Các ngân hàng thương mại đã thực hiện rất nghiêm túc và thậm chí có lãnh đạo ngân hàng thương mại còn "khoe" đã trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn cả mức đáng ra phải trích lập để dự phòng cho những biến động xấu trong thời gian tới, đảm bảo rằng năm 2015 có đủ nguồn lực xử lý nợ xấu và đưa nợ xấu năm 2015 về dưới mức 3%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng cao thêm vị thế, khả năng hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Hiện giờ Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ và hy vọng ngay sau Tết Nguyên đán Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới sửa đổi, thay thế Nghị định 53 về quy định chức năng nhiệm vụ, hoạt động của VAMC. Với Nghị định mới sẽ tạo ra môi trường hoạt động thông thoáng hơn cho VAMC.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo và trình Chính phủ một cơ chế tài chính để cho VAMC có thêm điều kiện tài chính hoạt động trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng sẽ chỉnh sửa các văn bản pháp luật để tạo môi trường pháp lý cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới việc mua lại tài sản trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Hy vọng rằng, với tất cả giải pháp trên cùng việc sự phát triển kinh tế xã hội tốt hơn, nền kinh tế hồng hào hơn trong năm tới thì sẽ tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% như mục tiêu đề ra.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
- Song song với xử lý nợ xấu là quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có bước đi tiếp theo như thế nào để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng là một trong 3 nhiệm vụ tái cơ cấu trọng tâm đã được Chính phủ đề ra và triển khai quyết liệt.
Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là đề án Ngân hàng Nhà nước xây dựng trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt đầu tiên, sớm nhất. Việc tái cơ cấu ngân hàng đã được triển khai quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, đây là tiền đề cho ổn định chính sách tiền tệ nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung thời gian qua.
Giai đoạn 1 của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từ năm 2011-2015, chúng ta mới tập trung xử lý những ngân hàng yếu kém nhất, những mắt xích có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào.
Nhưng bước sang giai đoạn 2, chúng ta làm đồng bộ, toàn diện hơn, không chỉ ngân hàng yếu kém, kể cả những ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu để ổn định hơn, vững chắc hơn. Kể cả các ngân hàng ở mức trung bình cũng phải củng cố để vững chắc hơn để có thể tiến lên thành những ngân hàng tốt hơn.
Còn những ngân hàng yếu kém, chuẩn yếu kém của chúng ta cũng được nâng lên, để các ngân hàng phấn đấu có định hướng phát triển lâu dài. Điều rất quan trọng, tôi xin khẳng định, giai đoạn đầu của chương trình này, điều kiện vĩ mô của chúng ta hết sức bất ổn, khả năng và điều kiện của hệ thống ngân hàng hết sức hạn chế, thị trường khó khăn. Vì thế, chúng ta vẫn chưa làm được nhiều mà chủ yếu tập trung vào ngân hàng yếu kém, trên nguyên tắc tự nguyện, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, kinh tế vĩ mô ổn định, năng lực của Ngân hàng Nhà nước được nâng lên nhiều, chúng ta có nguồn lực để xử lý mạnh mẽ hơn trong giai đoạn này. Thậm chí, chúng ta sẵn sàng mua lại các ngân hàng, như việc mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng/cổ phiếu. Điều này phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông đã làm mất hết vốn của mình, thậm chí dùng cả vốn của xã hội thì những cổ đông lớn phải ra đi, Nhà nước phải tiếp quản lại. Việc tiếp quản lại của Ngân hàng Nhà nước là để giữ ổn định hợp pháp và đảm bảo lợi ích gửi tiền của người dân, doanh nghiệp trong ngân hàng này.
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình này. Không chỉ Ngân hàng Xây dựng mà cũng còn có một số ngân hàng yếu kém khác sẽ được xử lý theo hướng này trong thời gian tới.
Mục tiêu chung của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm sẽ triển khai quyết liệt và để theo dõi trong 6 tháng cuối năm để có hoạt động ổn định hơn, làm sao tới cuối năm 2015 những nội dung cơ bản của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện đầy đủ.
- Vậy dự kiến trong năm 2015 sẽ có bao nhiêu ngân hàng sẽ bị xử lý, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Chúng tôi hy vọng rằng trong năm nay sẽ xử lý được ít nhất từ 6-8 ngân hàng.
- Xin cảm ơn Thống đốc. Chúc Thống đốc một năm mới luôn mạnh khỏe và thành công với những định hướng của mình!
Theo Vietnam+
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Tin khác
TP.HCM: Nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử
Tài chính 19/11/2024 10:18
Vẫn còn bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân 0%
Tài chính 19/11/2024 06:18
Cơ quan thuế sắp triển khai hoãn xuất cảnh tự động
Tài chính 14/11/2024 06:38
Đề xuất bãi bỏ miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua đường chuyển phát nhanh
Tài chính 09/11/2024 12:15
Đề xuất chủ sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho hộ kinh doanh
Tài chính 09/11/2024 07:19
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền vào thị trường
Tài chính 09/11/2024 07:12
Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin bị xử phạt liên quan đến lĩnh vực thuế
Tài chính 07/11/2024 14:47
Vốn tín dụng cho “tam nông”
Tài chính 07/11/2024 06:35
Cổ phiếu công ty của ông Donald Trump biến động mạnh
Tài chính 06/11/2024 15:27
Huy động thành công gần 30.600 tỷ đồng qua kênh đấu thầu trái phiếu Chính phủ
Tài chính 06/11/2024 06:31