Tản mạn về "biểu tượng" cầu vượt sông Hương
Đau đầu chọn phương án thiết kế cầu vượt sông Hương | |
Chuyên gia ngành Cầu lên tiếng | |
Chọn phương án xây Cầu vượt sông Hương cần có một Hội đồng cấp Quốc gia! |
Cuộc thi tuyển Kiến trúc với nhưng những tiêu chí do Ban tổ chức đưa ra nhấn mạnh rằng công trình phải có kiến trúc tổng thể và điểm nhấn phù hợp với văn hoá đặc trưng của Xứ Huế, và là công trình văn hoá tiêu biểu của Huế, của Thành Phố Di sản – Du Lịch Miền Trung, kiểu như thi sáng tác “tượng đài làm biểu tượng cho thành phố”.
Điều đáng làm cho dư luận xôn xao là ”Công trình Văn Hoá tiêu biểu” đó lại phải gắn vào một cốt lõi công trình dân dụng là Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương ở Phường Kim Long. Nghĩa là đường Nguyễn Hoàng được kéo dài từ ngã ba với Đường Kim Long, Nguyễn Phúc Nguyên về phía Nam vượt qua Sông Hương rồi kết nối vào đường Bùi Thị Xuân.
Theo thông báo của Ban tổ chức cuộc thi lần 2, thì chỉ trong vòng 2 tháng (12-2015 ~ 2-2016) đã có trên 20 bài thi (Phương án) của 13 tổ chức tư vấn trong và ngoài nước gửi về.
Hội đồng chấm thi được thành lập gồm 11 thành viên đã làm việc trong suốt thời gian nhận bài thi, và chỉ được tiếp xúc với các bài thi để chấm và cho điểm trong một buổi sáng ngày 24-2-2016, bắt đầu từ sau 9h00 (giờ mở niêm phong bài thi) cho đến gần 12h00 thì kết thúc.
Phương án H - 269 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giải C, tuy nhiên phương án này không được chọn vì chất lượng kiến trúc không cao. Ảnh Nguyên Linh |
Căn cứ vào các tiêu chí và phân bổ số điểm cho từng chi tiết trong tổng điểm 100, các thành viên Hội Đồng xem xét qua 20 hồ sơ dự thi (mỗi hồ sơ gồm 5 tập bản vẽ, thuyết minh, video trình chiếu phương án…,) trao đổi và chấm điểm cá nhân, sau đó tổng hợp lại và công bố kết quả.
Các giải Nhất, Nhì, Ba được công bố vào ngày sau đó.
Dư luận xôn xao về mấy nhẽ suy từ kết quả, và cả từ cách làm việc của Hội đồng. (Những ai quan tâm có thể xem thêm ở các Báo LĐTĐ, Lao Động, Dân Trí, Du Lich Huế, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giao Thông, Người Đưa Tin, Baomoi, Pháp Luật, Tạp chí Sông Hương,… những ngày này, để biết rõ thêm tình tiết)
Trước những xôn xao đó, một vị lãnh đạo Sở GTVT TTH và sau đó là vị Chủ tịch UBND Tỉnh, có nói rằng “Không nhất thiết tác phẩm được giải Nhất sẽ được triển khai xây dựng(?)”, và còn có thể trưng bày các phương án dự thi như một triển lãm công cộng để “lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dân chúng, như là để an ủi và hy vọng cho các tác giả không được giải !
Trong bài viết này, người viết không đi sâu vào cuộc thi cụ thể đó, mà nhân đây bàn về “Biểu tượng” của một Thành Phố, một Địa Phương, một “Hãng – Logo” hay biểu tượng của một Đất Nước!
Trước hết, không ai mở cuộc thi sáng tác biểu tượng (cho một thành phố, một tỉnh, hay một đất nước), mà người ta có thể chỉ tổ chức các cuộc thi sáng tác tượng đài – sau đó nếu nó đẹp, nổi tiếng và mang tính đại diện, tính nghệ thuật cao, độc đáo,… sẽ được lấy/tôn vinh làm biểu tượng.
Cũng có khi chẳng có cuộc thi nào, mà như là một nhu cầu tự nhiên những nhà xây dựng tổ chức, xin phép xây dựng nên một công trình, sau đó có khi hàng chục, hàng trăm năm sau mới trở thành biểu tượng. Có khi các chính quyền một địa phương, một nước tìm trong các công trình nhân tạo, thiên tạo của đời trước có cái nào hay ho khả dĩ lấy làm biểu tượng (cho địa phương, cho đất nước mình) thì qyết định lấy đó làm biểu tượng.
Có thể kể ra khá nhiều thí dụ trong nước và trên thế giới như vậy. Và cũng cần nói thêm, biểu tượng của một địa phương, một nước, không phải là cố định vĩnh viễn, nó có thể thay đổi tuỳ theo trình độ tư duy, tầm văn hoá xã hội, của những người cầm quyền mỗi thời, và cũng còn phụ thuộc vào quan điểm địa chính trị của mỗi thời kỳ để duy trì biểu tượng cũ hay thay bằng biểu tượng mới. Tôi không luận bàn và lấy thí dụ cụ thể vì nó sẽ đụng chạm tới những quan điểm chưa bao giờ nhất quán, có thể gây ra những tranh cãi không cần thiết. Tôi chỉ xin phân tích theo mấy quan điểm rất cá nhân của người viết như sau.
Tự thân công trình xây dựng dân dụng (Toà nhà, tháp truyền hình, đền đài đình chùa, tháp kỷ niệm, tượng đài, công trình cầu, đường,…) có công năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hay nhu cầu thưởng thức của cộng đồng, lại mang đậm tính văn hoá, bởi những kết cấu kiến trúc và kỹ thuật độc đáo ngay trong thời kỳ xây dựng và cả một thời gian dài sau đó.
Khi thiết kế những công trình đó – trừ những công trình tượng đài và tháp kỷ niệm, không mang công năng dân dụng chỉ mang công năng thoả mãn sự thưởng thức văn hoá, thì những kỹ sư thiết kế luôn mong muốn đưa vào tác phẩm của mình những thành phần tối ưu của tiến bộ kỹ thuật đương thời về kết cấu, vật liệu, phương pháp thi công. Họ trăn trở tìm tòi các kiểu dáng kiến trúc, họ nghiên cứu các giải pháp mới để đạt được độ cao, độ dài, độ sâu lớn nhất có thể.
Họ chưa nghĩ đến kỷ lục trong lĩnh vực mà họ tạo ra. Thậm chí họ chưa thể nghĩ tới nó sẽ nổi tiếng và có thể trở thành biểu tượng. Nó đơn giản chỉ là công trình dân dụng đáp ứng tối đa công năng phục vụ sự phát triển của xã hội. Nếu thích thú chia sẻ với quan điểm này, các bạn có thể liên hệ đến sự có mặt của 6 cây cầu trong phạm vi 15 km sông Hồng chảy qua nội thành Hà Nội: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, trong vòng hơn 110 năm qua.
Có những lý giải khá hay, đã từng một thời làm khó dễ những nhà xây dựng mạng lưới giao thông qua sông Hồng. Cho đến nay vẫn còn có nhiều quan chức Hà nội khăng khăng muốn giữ cây cầu Long Biên 115 năm tuổi, một cây cầu dàn thép cũ nát bom đạn và thời gian tàn phá hư hỏng, chắp vá mất an toàn, cố gồng mình lên để chạy dăm ba chuyến tầu khách nhẹ bò qua với tốc độ hạn chế 15km/giờ… để làm Biểu tượng cho Thủ Đô, “để người dân thủ đô đi xa nhớ về hình dáng cây cầu này mà thoả lòng yêu nhớ quê hương đất nước”, lại còn có cả những triệu phú Người Việt xa quê muốn tận dụng cây cầu cũ nát này giữ làm bảo tàng để kinh doanh kỷ niệm, mà không nghĩ rằng nếu phải làm một cây cầu xe lửa mới ở vị trí khác thì gây ra biết bao nhiêu lãng phí và hệ luỵ sau này.
Ấy là chưa nói đến việc hậu thế sẽ cười vào mũi những người đương thời có tầm nhìn không qua mũi giầy. Nói thêm một chút, cách đây hơn một năm, khi khánh thành Cầu Nhật Tân, báo chí rầm rộ ca ngợi như là một “biểu tượng mới” của Hà Nội Thế kỷ 21, nào là “Một Ngày Mới – Nhật Tân” đã về Hà Nội ! Nào là một cây cầu hiện đại nhất (tuy rằng chẳng biết thế nào là hiện đại?). Nào là Cây cầu thể hiện tình hữu nghị Nhật Việt! Thế rồi qua đi chỉ một vài tuần, một đám thanh niên Hà Nội cỡ 15-17 tuổi đi qua quãng đê Phú Thượng, dừng xe (đạp) lại chống chân nhìn chếch lên cầu, chém gió với nhau. Câu chém gió hay nhất được cả đám hưởng ứng là “trông 5 tháp cầu như 5 thằng con giai mặc quần jean-pat dạng chân xếp hàng đứng… tè!!!”
Thế thì còn gì là Biểu tượng nữa? Hay là ở Đà Nẵng, vào năm 2000 khánh thành cây cầu Sông Hàn đầu tiên có nhịp quay dây văng dài có 120m thì đã ồn lên là “Biểu tượng của thành phố năng động!”, rồi liên tiếp các năm sau đó, các cây cầu Thuận Phước, cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Cầu Tiên Sơn, Cầu Rồng Phun Lửa… ra đời, cái sau dài hơn cái trước, đẹp hơn cái trước và lạ hơn cái trước (chưa nói lãng phí và kệch cỡm hơn cái trước) thì không còn tờ báo nào, quan chức nào muốn nó là biểu tượng của thành phố nữa.
Chưa ai thống kê dư luận khách du lịch và khách vãng lai qua lại hàng năm ở thành phố này bàn tán ra sao về sự kệch cỡm, sự lãng phí khi xây dựng và chi phí hàng năm cho cái đầu Rồng phun lửa bám “ký sinh” lên thân cây cầu bình thường? Người ta ngồi xe hơi đi vèo qua cây cầu có chưa đầy một phút, thì cái cảm nhận duy nhất là bực dọc “tại sao cái cầu chỉ là cái cầu cho người xe qua sông, lại đi tốn tiền gắn cái Con Rồng uốn lượn nơi đây? Lại còn tốn tiền mỗi tuần đêm đêm chăng đèn kết hoa và cho Rồng phun lửa giả phì phì?
Năm 1989, tôi có công việc nên qua Paris vào đúng dịp người dân thủ đô Cộng Hoà Pháp kỷ niệm 200 năm cuộc Cách Mạng Tư sản 1789, nhưng quan trọng không kém là họ cũng kỷ niệm 100 năm Ông kỹ sư Gustave Eiffel xây dựng Tháp mang tên ông trong cuộc Triển Lãm Công Nghiệp Thế Giới ở Paris vào năm 1889.
Trước khi leo lên tháp như hàng trăm ngàn người khác, tôi cứ đi loanh quanh trong cái hình vuông mà bốn góc là bốn chân tháp, mỗi cạnh hình vuông này dài đúng một trăm hai mươi lăm mét, thì ra cái diện tích hình vuông đó hơn một hecta rưỡi(15.625 mét vuông) để suy nghĩ về một đồng nghiệp (Ông Eiffel vốn là một kỹ sư cầu) đã dám bảo đảm với nhà đầu tư là tháp này sẽ là một biểu tượng của nền khoa học xây dựng Pháp.
Các số liệu lưu trữ cho biết tổng số trọng lượng thép xây dựng là 7000 tấn, với 2,5 triệu con ri-vê có hơn 1,05 triệu con được tán ở công trường, còn thì được tán ở xưởng thành những thanh ghép. Tháp cao đúng 300 mét lúc xây dựng, sau này thêm các anten phát thanh và tuyền hình là thành 325 met, là độ cao kỷ lục của thế giới lúc đó về công trình xây dựng.
Tôi cũng đã đi thang máy lên tầng 1 để ăn bữa cơm trưa trong hàng chục nhà hàng ăn ở đó, rồi đi thang máy lên tầng 2, tầng 3, xem cảnh thành phố. Ngắm bức tượng hai kỹ sư – bạn bè Gustave Eiffel và Thomas Edison ngồi chuyện trò trong một căn phòng nhỏ.
Tôi cũng còn giữ một tấm ảnh do anh bạn Phạm Mạnh (TBT Báo Bạn Đường) chụp cho “tôi-một kỹ sư cầu đứng tỳ vai vào một thanh thép của tháp với những con ri-vê đường kính 20mm, đầu mũ ri-vê bóng lộn lên vì nhiều người đi xem qua sờ vào. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất về Tháp Eiffel (bây giờ thì có thể ung dung mà gọi tên Tháp như thế) là lần tôi xin được với cơ quan quản lý Tháp “cho được leo thang bộ từ đỉnh tháp xuống, mà không đi xuống bằng thang máy!” Đó là vào tháng 8 năm 1990.
Lần đó, tôi cùng Giáo Sư Phạm Hữu Phức được Bộ cử đi xem xét về một số dự án xây dựng cầu có thể sau này hợp tác với Bộ Giao Thông Pháp. Giáo sư Phức hơn tôi mười tuổi, mà chân giáo sư lại bị thương tật, nhưng ông vẫn nhất định cùng tôi leo thang bộ trong lòng tháp Eiffel một lần.
Có lẽ không có chữ nghĩa nào có thể nói hết được cái cảm giác bước từng bậc một trên các bản thép dầy 5mm, kích thước 60x20cm, bậc nọ cách bậc kia 20cm, cứ quanh co như thế trong lòng tháp, gió thổi ù ù, từ độ cao 300 mét. Cùng đi (và cũng là phải có anh mở khoá cửa để từ tầng chót vào thang bộ) có anh Jacque Gasquet, là tổ trưởng quản lý duy tu Tháp, anh nói chuyện với chúng tôi về công việc hàng ngày của đội quản lý duy tu của anh. Việc đi lên xuống cầu thang bộ này là việc hàng ngày của các anh, như kiểu các công nhân tuần đường, tuần cầu của mình.
Lúc bắt đầu đi bộ xuống, tôi nhìn người đi như kiến bò dưới chân tháp, cũng hơi ngại ngùng, và tôi định làm cái việc “đếm bậc” cho quên đi cảm giác sờ sợ. Nhưng làm thế lại không quan sát được xung quanh khung cảnh thành phố. Jacque biết tôi định đếm bậc, anh bèn nói luôn khi chúng tôi bước vào một “chiếu nghỉ” đầu tiên: “Có tất cả 1485 bậc tính từ mặt sàn tầng chót cùng.
Từ sàn đó đến đỉnh tháp là 3met, là chiều cao cái buồng mà chúng ta từ đó đi vào thang bộ.” Bái phục. Từ trên tầng đỉnh tháp, nhìn khắp thành phố Paris, thấy rõ cả con đường Cánh đồng Tháng Ba, Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Bức Bà, Bảo tàng Khoa Học Pompidoux, bảo tàng Nghệ thuật Louvre có cái công trình được gọi là Pyramide de Louvre là cái toà nhà hình Kim Tự Tháp bằng thép và kính, thấy cả khu Nhà Ngục Bastille mà nay là Nhà Hát Opera.
Thấy xa hơn nữa là khu đồi Monmartre với nhà thờ Sacre Coeur (tôi cũng đã mò lên khu đồi này cả lần vào ngày chủ nhật và cả lần vào đêm thứ Bẩy, nhưng tôi không khoái xem dàn đồng ca hát trong khuôn viên nhà thờ mà thích đi lại phía sau, tìm lại nhà Ông Lý Trưởng của Làng (Maigre) nơi có quán Rượu mà Ba chàng Ngự Lâm về đây uống suốt đêm (trong cuốn truyện cùng tên của Alexandre Dumas).
Tôi còn tìm đến dãy nhà trọ của các Hoạ sĩ lang thang bên mình chỉ có một tấm placate và túi mầu, gạ vẽ chân dung cho các khách tham quan không lấy tiền công, mà chỉ cần được mời ngồi uống ly cà phê phin đen tại một trong các quán ven đường.
Nhìn xa sang phía bắc, khu Defance là khu mới với các nhà bloc cao tầng, đường cao tốc nội đô, cầu vượt, hầm chui… là khu các cơ quan chính phủ rời sang đây làm việc. Nơi này có “Khải Hoàn Môn mới” và khu Thương Mại mái Vòm Bán Cầu có diện tích cũng cỡ một hecta, có tên là CNIT…, khu Defence này là đối trọng với Khu Paris cổ chỉ tổ chức hành chính là 20 Quận theo chiều xoáy chôn ốc từ trung tâm ra ngoại vi, khu Defence được xây dựng nhà cao tầng hiện đại, làm cầu vượt, hầm chui, hầm để xe… chứ bên Paris cổ kia thì không được.
Có một thời vào thập niên 70 của thế kỷ trước, vị thị trưởng Paris lúc đó đã cấp phép đầu tư cho một nhà đầu tư Nhật xây dựng Tour Montparnasse là một cao ốc cao có 30 tầng bên trên nhà ga xe lửa Montparnasse, làm phá vỡ cảnh quan của thành phố vì toàn bộ phạm vi 20 quận Paris cũ chỉ có các khu nhà cao 5-6 tầng, đã bị Hội Đồng thành phố cho thôi chức Thị Trưởng!
Lan man như thế để quay trở lại, cho đến nay thì hình ảnh Tháp Eiffel vẫn nghiễm nhiên được coi là Biểu tượng của Paris, của Nước Pháp, chẳng ai bàn cãi và cũng chẳng có ai (chính quyền thành phố) lại đưa ra một cuộc thi tuyển thiết kế một biểu tượng cho thành phố! Có bao nhiêu cái đây, các vị cứ để cho nó tồn tại với thời gian, thi gan cùng tuế nguyệt, rồi nó sẽ chiếm được vị trí xứng đáng trong lòng người dân.
Thôi thì chẳng nhắc đến Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Khuê Văn Các… mà một thời gian dài các nhà văn hoá, các nhà sử học, các nhà Hà Nội học… cứ muốn lấy làm biểu tượng của Thủ đô. Đến nay đùng một cái, có một Bà Đại Gia đưa ra ý tưởng xin đầu tư xây dựng Tháp Truyền Hình cao Nhất Thế Giới đặt ở Thủ đô Hà Nội, cao những 633mét hay sao đó. Chẳng biết để làm gì, hay chỉ là muốn làm một kỷ lục?
Thôi thì Huế hãy cứ chọn xem “Cột cờ Phú Văn Lâu”, “Cầu Trường Tiền”, “Chợ Đông Ba”, “Ngọ Môn”, “Tháp Thiên Mụ”… tạm thời làm biểu tượng để quảng bá thu hút khách du lịch, một thời gian dài nữa xem có xuất hiện công trình nào khả dĩ “đánh bại” được các ấn tượng đó hay không?
Thành Phố Hồ Chí Minh vài chục năm gần đây có biết bao nhiêu công trình, tượng đài đẹp và hoành tráng, cũng như các công trình dân dụng, nhà ở cầu cống hầm chui vĩ đại, nhưng hình ảnh “Tháp Đồng Hồ Chợ Bến Thành” phỏng đã có hình ảnh nào qua mặt?
Thôi chẳng lan man thêm nữa, kẻo thể nào cũng phải nhắc lại câu chuyện hài hước có thật của một anh bạn rất thân người thành Vinh. Anh kể rằng, thành phố của anh vào những năm sau Đổi Mới, bắt đầu xây dựng khởi sắc theo định hướng thị trường.
Các quan chức của thành phố cũng nghĩ đến phải xây dựng một tượng đài gì đó mang đậm màu sắc lịch sử văn hoá đặc điểm vùng miền. Bao nhiêu các nhà văn hoá, kiến trúc sư, nhà sử học, các vị văn nghệ sĩ… thả sức tư duy tìm tòi sáng tạo. Một cuộc thi, hai cuộc thi, ba cuộc thi… vẫn chưa cho phương án nào khả dĩ đáp ứng đúng mục tiêu.
Chỉ có vị trí xây dựng tượng đài thì mọi người đều thống nhất là dựng ngay ở trước Chợ Vinh. Địa điểm đó là đắc địa. Con đường quốc lộ từ Thủ Đô vào xuyên thẳng đến chợ. Ngã Ba đó, một rẽ phải về quê Bác, một rẽ trái xuống Bến Thuỷ, vào phía Nam. Tượng đài dựng ở giữa Bùng Binh là đẹp nhất. Mọi xe cộ qua lại giảm tốc độ xoay vòng quanh chiêm ngưỡng tượng đài thật là tuyệt vời.
Nhưng Tượng đài là cái gì đây cho đáp ứng đúng mục tiêu đề ra? Đến cuộc họp xét duyệt Lần Thứ N vẫn không có phương án nào đạt. Hội Đồng bế tắc, ngồi uống trà xuông. Bỗng có một người gõ cửa xin vào “trình bày về phương án tượng đài dự thi” Nhìn ra, thì chàng trai khoẻ mạnh này là tài xế của một vị quan chức đầu tỉnh. Anh không vòng vo và xin phép nói ngay: “Thưa các Bác, các chú, các Cô, Cháu thấy nửa năm nay rồi mà các bác chưa tìm ra được phương án xây tượng đài. Anh em lái xe chúng cháu hằng ngày chở các bác lãnh đạo đi làm việc thường được nghe nhiều điều về quê hương xứ sở Nghệ Tĩnh mình: nào là Rừng vàng Biển bạc, con người cần cù chất phác. Rừng thì cơ man nào là Gỗ, biển thì cơ man nào là Cá…
Đó là thế mạnh của tỉnh ta. Cháu đề nghị chúng ta tìm một cây gỗ quý nhất, to nhất trên rừng Quỳ Châu – Nghĩa Đàn, mang về đẽo thành một con cá biển thật lớn nguyên cây gỗ đó, dựng ngay trước chợ. Rõ là đặc điểm xứ ta, trộn không lẫn! CÁ GỖ đấy thôi! Cả Hội đồng ồ lên: “Quá đúng! Quá đúng! Trí tuệ nhân dân thật vĩ đại, vĩ đại!” Phương án được thông qua một cách nhanh chóng không ngờ.
Bàn thảo thêm cho vui và cho nhẹ đi cái tâm tưởng nặng nề khi chọn biểu tượng. Cách đây cũng khá lâu, vào dịp đầu thế kỷ này khi về công tác ở Bến Tre, vừa qua phà Rạch Miễu chạy trên con lộ 60 lúc đó chưa nâng cấp, mươi mười lăm cây số, bắt đầu vào Thị xã Bến Tre (lúc đó Bến Tre chưa “lên” Thành Phố), ông bạn Giám đốc Sở Giao thông, người vốn có tính hài hước, ghé tai nói nhỏ: “Ông bạn người Hà Nội chú ý nhé nhìn Nhóm tượng đài đầu tỉnh rồi nhìn Nhóm tượng đài cuối tỉnh, chú ý!”
Tôi căng mắt nhìn, nhóm tượng đài đầu tiên là Nhóm ba người Phụ Nữ Miền Nam, khăn rằn áo bà ba, quay lung vào nhau, đứng thẳng, tay cầm súng. Ý đồ muốn ca ngợi “Đội quân tóc dài, quê hương Đồng Khởi” Rồi đến cuối con đường trục giữa thị xã, tôi lại thấy một Nhóm tượng thứ hai gồm Ba con chim bồ câu trắng quây quần bên hình mẫu trái đất, rõ là muốn nói đất Bến Tre yêu Hoà Bình.
Tôi quay qua hỏi anh bạn Bến Tre: Tượng đẹp, hoành tráng, có thấy gì đâu?” Anh ta bụm miệng cười: “thì ra mấy ông bắc xệt này hiền khô à? Ông không thấy dân Bến Tre đón tiếp các ông bằng một lời nhắn nhủ sao: Đầu tỉnh xem vú, cuối tỉnh xem chim ư?” Chim thì thấy rõ rồi, ba con chim bồ câu vĩ đại, còn “vú”? thì ra tượng đài ba người phụ nữ đại diện cho “đội quân tóc dài” của Bến Tre đã được các tác giả nhóm tượng gắn cho họ ba bộ ngực khủng! Chẳng biết bây giờ Bến Tre có dựng thêm được tượng đài nào khả dĩ trở thành biểu tượng của một tỉnh xứ Dừa?
Thôi thì, lại thôi thì, bàn lại một chút về ba cái giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi tuyển Kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương thuộc Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương của Thừa Thiên Huế. Chắc là với sự chia sẻ các khái niệm về biểu tượng mà người viết đã viết ra trên đây, khó có ai có thể chấp nhận Giải Nhất “Cái Nón” cách điệu bằng Bốn cột bê tông cốt thép chụm đầu vào nhau trên nhịp giữa sông của cây cầu dài 385 mét! Cũng khó chia sẻ với Giải Nhì “Vầng Trăng Xứ Huế” được cách điệu bằng một chữ O tròn trịa (hay một số Không tròn trịa?) mang ý nghĩa gì đây?
Lại còn Giải Ba: Mang trái núi Ngư Bình cách điệu thành một Nhịp Cầu Cong Vành Lược chắn ngang giữa sông, phỏng có làm cho mọi người đi qua cầu thấy được vẻ đẹp của núi Ngự Bình? Trong khi mảnh đất và con người xứ Huế biết bao điều đáng nói thì lại quên ! Thế mới biết, chính mấy cậu lái xe cho lãnh đạo tỉnh ngoài xứ Nghệ mới có những ý tưởng chính xác khó có các “nhà” nào địch nổi!
Thôi thì, lại thôi thì, nhân lúc nhàn rỗi, tản mạn mấy lời, mong khi đến được tai ai có làm cho người nào đó bớt cái trống rỗng trong những ngày mưa phùn đầu xuân.
TP Hồ Chí Minh, 11/03/ 2016
KSCC.Vũ Phạm Chánh - Nguyên chánh văn phòng Bộ GTVT.
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21