Nồng nàn hương vị bánh chưng ngày Tết
Lá dong Tràng Cát: Gìn giữ nét truyền thống dân tộc | |
Trẻ nhỏ Thủ đô thích thú trải nghiệm gói bánh chưng | |
Tất bật làng bánh chưng Hà Nội |
Vài người tụ lại, người lau lá, người gói bánh, người canh nồi bánh bên bếp than hồng… ai nấy cũng đều hồ hởi, viên mãn. Nhiều gia đình, nhiều khu phố ở Hà Nội vẫn rủ nhau cùng gói và luộc bánh chưng như vậy. Đơn giản, đó là cách để gắn kết tình cảm gia đình, gìn giữ Tết xưa, cũng như để con trẻ hiểu hơn về phong vị Tết cổ truyền của dân tộc.
Từ 27 tháng Chạp Âm lịch, thậm chí sớm hơn, ở nhiều khu phố, khu dân cư, các điểm nấu bánh chưng của người dân đã rất rộn rã. Dạo một vòng qua các con phố như Đội Cấn, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, phố Huế, hay xa hơn là Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Mai, nhiều gia đình đã tập trung trên vỉa hè, giữa dòng xe cộ tấp nập những ngày cuối năm để gói, nấu bánh chưng. Để tránh gió, nhiều người đã che chắn nồi bánh chưng rất kỹ lưỡng bằng những tấm ván, gỗ mỏng dựng xung quanh rồi cứ thế đỏ lửa để nấu bánh.
Nhiều gia đình, nhiều khu phố ở Hà Nội vẫn rủ nhau cùng gói và luộc bánh chưng |
Bên nồi bánh chưng rực lửa trên phố Đội Cấn, bà Lê Thanh Mai và mấy người bạn hàng xóm cùng nhau ngồi trò chuyện. Dù nhà cách chợ Ngọc Hà chỉ vài bước chân nhưng năm nào bà Mai cũng gói, nấu bánh chưng chứ không đi mua. Xoay xoay chén trà nóng, bà kể: Cách đây khoảng 40 năm, không khí Tết tràn về từ hơi thở của đất trời. Khi đó, xuân sang, hoa nở, cây cối đâm chồi nảy lộc xanh mơn man và mưa xuân lất phât bay. Ngay cả nhịp sống của người dân cũng rất “Tết”.
Ngày đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, đa số đều phải mê mải làm ăn kiếm sống, cuối tháng Chạp là có thời gian dài nghỉ ngơi, chăm lo nhà cửa, chuẩn bị đón Tết. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, do đó, mọi người càng háo hức chuẩn bị, đón Tết, chuẩn bị cho mình và gia đình nghỉ xả hơi sau một năm bận rộn, mệt nhọc.
Tết bắt đầu từ các chợ phiên với sự biến đổi kỳ diệu của màu sắc hàng hóa. Bắt đầu từ khoảng 14 - 15 tháng Chạp là chợ đã tưng bừng hàng hóa dành cho ăn Tết, chơi Tết với màu đỏ, vàng rực rỡ, rất đặc trưng của ngày Tết. Tết Nguyên đán có 2 phần được xem trọng: Ăn Tết, chơi Tết. Ai đi chợ Tết cũng phải sắm đủ câu đối, tràng pháo đỏ, hoa lụa rực rỡ, tranh Đông Hồ treo Tết, hoa tươi, hoa đào, quất cảnh…
Phần ăn cũng khá nặng khi nhà nhà chung đụng lợn, thịt gà, gói giò, gói bánh chưng, nấu măng, kho cá… Nhà nào nghèo cũng cố gắng mua cái bánh, khoanh giò thì mới được coi là “có Tết”. Nồi bánh chưng giống như thước đo sự sung túc, thịnh vượng của một gia đình. Nhưng dù chơi có sang, ăn có nhiều bao nhiêu thì giá trị cốt lõi của tết Nguyên đán chính vẫn là sự sum họp. Tất cả các hoạt động trong Tết đều hướng về gia đình, nhằm quy tụ mọi người cùng làm, cùng chơi, cùng hưởng thụ không khí đầm ấm, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế, nhà nhà, người người cho dù công việc bận rộn, xa xôi đều tâm niệm trở về nhà mỗi khi xuân về Tết đến.
Bà Mai cũng chia sẻ, nhà bà hay nhiều gia đình khác vẫn muốn tự gói, nấu bánh chưng, bởi vẫn muốn giữ phong tục nấu bánh chưng ngày Tết, thậm chí nấu ngay trên góc phố, vỉa hè. Nấu bánh chưng bây giờ không nhằm “ăn” mà là cái cớ để giữ lại không khí sum vầy, đầm ấm bên nồi bánh chưng, người già vui sướng nhìn con cháu vây quanh. Và những người lớn khi được hỏi về các kỷ niệm ngày Tết, rất nhiều người nhắc đến kỷ niệm cùng gia đình vây quanh nồi bánh chưng, khoảnh khắc luôn khiến họ cảm thấy ấm áp, ngọt ngào hơn bao giờ hết tình yêu với gia đình.
Trên phố Bà Triệu, một người người đàn ông khoảng ngoài 80 và đứa cháu trai đang vui vẻ thêm củi cho nồi bánh chưng. Thấy ông cháu tình cảm, tôi đánh liều vào xin chén trà. Trong lúc nhâm nhi chén trà thơm nồng, ông Bảo kể: Ông vốn người gốc Hà Nội, hơn chục năm qua sống trong Sài Gòn với người con trai thứ. Nhưng năm nào cứ độ 26, 27 Tết là lại về Hà Nội ăn Tết. Ông nói cô con dâu cả mua củi, lá dong, thịt mỡ để về gói bánh chưng. “Vì nhà cũng ít người nên tôi rủ thêm nhà bên cạnh cùng nhau bánh cho vui. Năm nào cũng vậy, nấu xong là đưa lên cúng tổ tiên rồi đem cho con cháu ăn.
Nói chứ Tết cổ truyền, mà không có nồi bánh chưng thì còn gì ý nghĩa nữa”. Vui chuyện, ông cụ hồ hởi khoe, năm nay gia đình ông nấu ba chục cái bánh, năm ngoái mãi đến 29 ông mới nấu, muộn nên không nấu được nhiều, năm nay chuẩn bị được sớm nên nấu nhiều hơn để biếu người này người kia. “Giờ hai ông cháu cứ ngồi đây thôi, vừa trông lửa, vừa trông bánh, ngắm phố xá vào Tết. Không khí này quý lắm đấy!”, ôngBảo vui vẻ nói.
Chơi kế bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, bé Nam (4 tuổi) thích thú ngắm nhìn ngọn lửa đỏ đang cháy dưới nồi, mấy đứa trẻ khác cũng lân la tới chơi, rồi đòi ông Bảo kể chuyện. Cạnh đó, vài người con cháu của ông Bảo cũng đang rôm rả những câu chuyện vui trong lúc đợi bánh, dường như ai nấy đều mong mỏi một cái Tết mới lại đến với nhiều điều may mắn, hạnh phúc sum vầy.
Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...
Ngày nay, việc gói và dâng cũng vẫn còn đó, nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Ở thành phố, nhiều gia đình còn giữ lại phong tục gói bánh chưng, nhưng cũng không ít gia đình đặt những người chuyên làm bánh chưng hoặc ra chợ mua.Công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay cũng có nhiều đổi thay, có nơi, có chỗ đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga... Không khí Tết cũng vì thế mà nhạt dần.
Chính vì thế, ở nhiều nơi, mọi người đã vận động, khuyến khích nhau tiếp tục thực hiện phong tục này để tìm lại hương vị ngày Tết. Thông qua các cuộc thi gói bánh chưng, không khí Tết phần nào đã trở về với từng góc nhà, ngõ nhỏ. Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hòa quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hóa của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết.
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau. Cứ như vậy, vào mỗi dịp Tết, mỗi người, gia đình lại háo hức sắm Tết, nấu bánh chưng, cúng tất niên… Cùng trân quý những giờ phút quây quần, chia sẻ với người thân, mong chờ một năm mới an lành cho mọi nhà.
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01