Những phận đời bám bến xe
Ai bánh mì đê...
Phổ biến nhất trong các công việc ăn theo tại bến xe là bán bánh mì. Dường như chẳng có bến xe nào vắng bóng những người phụ nữ khắc khổ từ trẻ đến già, đội thúng bánh mì trên đầu hoặc trên vai cất những tiếng rao, những lời mời chào tha thiết “Bánh mì đê” “Bác ơi, cô ơi,... mua bánh mì đi? Mua về làm quà đi”... Những tiếng rao, lời mời lọt thỏm giữa cái ồn ã của tiếng người, tiếng còi xe, tiếng động cơ chất chứa bao cố gắng và cả niềm hy vọng của những con người cực khổ. Công việc của những phụ nữ bán bánh mì ở bến xe luôn bắt đầu từ tảng sáng và chỉ kết thúc khi các bến xe không còn khách.
Tại bến xe Mỹ Đình, tôi gặp bà Hạnh, quê ở Hải Dương- người đã có 3 năm bán bánh mì ở bến xe để kiếm sống. Mới 50 tuổi, nhưng nắng mưa, bụi đường và những khó nhọc của cuộc đời đã khiến bà Hạnh già đi cả chục tuổi. Dáng người nhỏ bé, khắc khổ của bà như bị lẩn khuất trong đám đông người qua lại, bởi sự nồng nặc đến khó thở của xăng xe, khói thuốc...Bà Hạnh kể, nhà bà ở một xã thuần nông, truyền đời gắn bó với đồng ruộng. Nghe lời chồng và gia đình nhà chồng rằng phải đẻ nhiều để còn có người cấy gặt, rằng nhà đông con nhiều cháu mới là có phúc, nên bà sinh nở tới 3 lần. 3 đứa con chưa đủ lớn để có thể đỡ bố mẹ việc “cấy gặt” như mong ước, thì ruộng đất đã bị thu hẹp để phục vụ các dự án kinh tế, nên mấy đứa con chỉ có ăn chơi, lông bông. Hai thằng con đầu, vốn học lực kém, lại sẵn có tiền đền bù đất nông nghiệp, nên sớm bỏ học, ăn chơi lông bông, rồi trở nên nghiện ngập, cai mãi mới khỏi. May phúc, bây giờ chúng đã hết nghiện, lập gia đình nhưng cuộc sống vô cùng nghèo khó. Bởi thế, bà phải lăn lộn ra Thủ đô bán bánh mì kiếm tiền nuôi đứa út ăn học và giúp đỡ phần nào cho hai đứa lớn ổn định cuộc sống. “Vất vả lắm cô ơi! Chẳng bao giờ tôi dám mơ một giấc ngủ trưa. Còn đêm đến thì cũng phải 11-12 giờ mới được ngả lưng. Mà chưa kịp mơ đã phải dậy rồi. Dậy sớm thì sáng mới có bánh để bán. Mỗi chiếc bù đi bù lại cũng lãi được 200-300 đồng. Ngày nào đông khách thì cũng kiếm được 50.000-60.000 đồng”- vừa lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, bà Hạnh vừa than thở.
Già hơn bà Hạnh, cũng có 3 năm bán bánh mì ở bến xe Mỹ Đình để kiếm sống, hoàn cảnh của bà cụ Quý (70 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) còn đáng tủi hơn. Chồng mất sớm, bà Quý ở vậy một mình nuôi hai con trai. Con cái trưởng thành, yên bề gia thất, tuy không giàu có nhưng cũng có của ăn, của để. Ngặt nỗi, hai con trai bà lấy phải hai cô con dâu ghê gớm nanh nọc nên bà chẳng sống yên được với con nào. Cho đến một lần, hai nàng dâu xông vào đánh nhau ngay trước mặt bà, chỉ vì cãi cọ chuyện nên để bà ở với nhà ai, bà liền lặng lẽ bỏ nhà ra Hà Nội dừng bước ở bến xe này kiếm sống. “Lúc ra đi, tôi vẫn có chút hy vọng hai thằng con trai thương mẹ ra kiếm tìm, mời mẹ quay về, nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu. Mãi đến cả năm trời sau, qua lời đồng hương nói lại, tôi mới biết, hai thằng con trai cũng đã thăm dò thông tin, biết mẹ đang ở đây, còn sống, còn khỏe, thế là chúng “yên tâm” để mẹ tự xoay sở cuộc sống”- bà cụ buồn bã nói. Rồi cụ thở dài, nước mắt trào ra trên khóe mắt nhăn nheo: “Thân già giờ tự nuôi thân thôi, còn sống ngày nào thì phải làm việc ngày ấy. Mình già không làm được nhiều thì cứ túc tắc, đi một vòng bến xe thì lại nghỉ. Chỉ sợ những lúc trái gió trở trời, toàn thân đau nhức thì phải nghỉ không đi làm được”. Nói rồi bà cụ bưng thúng bánh mì, tiếp tục bước đi. Cái bóng già nhỏ nhoi khuất lẫn dần giữa đám người đông đúc.
Những người nhặt rác
Bên cạnh việc bán bánh mì, nhiều lao động ngoại tỉnh còn bám bến xe Mỹ Đình kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Bởi Mỹ Đình cũng như tất cả các bến xe khác, lúc nào cũng ngập trong rác. Trong số những người nhặt rác ở đây có bà cụ Nguyễn Thị Lư, năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn khá khỏe mạnh. Bà Lư quê ở Thanh Hóa, nhà làm ruộng nhưng mất mùa thường xuyên, con cái đi làm ăn xa, nên bà lặn lội thân già ra Hà nội mưu sinh. Thấm thoắt, bà cũng đã nhặt rác ở bến xe này 3 năm, thời gian đủ dài để bà quen việc bây giờ, bà có thể biết được cứ 10 vỏ chai trà xanh không độ là được 1kg, còn vỏ chai nước khoáng Lavie thì phải 12 chiếc mới được 1kg. Mỗi kg chai lọ như vậy cũng được từ 5 đến 6 nghìn đồng. Ngày nào, bà cũng phải dậy từ sớm tinh mơ để ra bến xe trực sẵn. Bà Lư tâm sự: “Bây giờ người nhặc rác ở đây đông lắm. Bà già yếu rồi, nên không ra sớm thì người ta nhặt hết mất”. Khi trời tối mịt, bà Lư mới trở về phòng trọ. Nói là phòng trọ nhưng thực ra đó chỉ là nơi bà ngủ tạm qua đêm. Vì căn phòng chưa đến 15 mét vuông mà có đến 10 người ở. Bà cũng như những người khác đều phải nằm dưới sàn nhà. Phía sau bến xe Mỹ Đình, bà có hẳn một nơi để chứa “hàng” nhặt được hằng ngày. Cứ gom nhặt được bao nhiêu, bà lại để ở đó, rồi đợi đến chiều sẽ có người đến mua. “Nghề nhặt rác ở bến xe này, tuy có cực nhọc nhưng mỗi ngày cũng được 20.000đ đến 50.000đồng. Chứ ở quê bây giờ, mỗi ngày làm gì ra được mấy chục bạc ấy hả cháu?”- bà Lư nói. Cũng làm nghề nhặt rác ở bến xe Mỹ Đình đã hơn 3 năm nay, nhưng hoàn cảnh của chị Bùi Thị Hoa lại khác. Quê ở một huyện ngoại thành, nhưng vì ở quê ruộng thì ít, mà nhà chị đang có 2 cậu con trai học đại học nên chị phải ra Thủ đô tìm đường kiếm sống. Lúc đầu, chị đi bán báo dạo, rồi bán bánh mỳ ở bến xe.
Nhưng, chị bảo: “Mình mới chân ướt chân ráo lên đây, chưa quen công việc này, lại bị mấy người đi bán lâu năm ở đây kèn cựa nên mới chuyển sang làm nghề nhặt rác”. Cũng như bao người khác làm nghề này, chị Hoa cũng phải tằn tiện hết sức để có tiền gửi cho con ăn học. Bữa sáng của chị là một gói mì tôm nhỏ. Mà chị chỉ ăn loại mỳ tôm bán cân chứ không dám ăn loại mỳ đắt tiền như Hảo Hảo, hay Omachi. Sau bữa sáng ấy là bắt đầu một ngày làm việc đến tận chiều ở bến xe. Bữa trưa của chị nhiều khi không có, hay chỉ ăn tạm chiếc bánh mỳ cho qua bữa. Ngày làm việc của chị chỉ kết thúc khi trời đã tối mịt. Cực nhọc vậy nhưng mỗi tháng, chị để dư được 800.000đồng đến 1 triệu đồng gửi cho hai cậu con trai. “Tôi chỉ có thể gửi cho các cháu được từng ấy, còn bao nhiêu, các cháu sẽ tự đi làm thêm để trang trải”. Nói rồi chị Hoa lại xách cái bao tải bước nhanh về phía thùng rác, nơi có bịch rác mới vừa vứt vào để bới nhặt.
Bến xe vẫn đông đúc, ồn ã, những con người nghèo khó vẫn cần mẫn mưu sinh. Đầu tháng 5, mới chớm hè nhưng tiết trời đã có vẻ oi ả. Cái nắng dường như càng gắt gỏng hơn với những người lao động chân tay cực nhọc khiến cho mồ của họ đổ nhiều hơn và nhanh mệt mỏi hơn. Nhưng nắng nôi cũng không khiến họ quản ngại, bởi nói như bà cụ Quý bán bánh mì “Trời nắng còn hơn trời mưa. Trời mưa thân già như chúng tôi ê ẩm mình mẩy lắm, chả làm được việc gì”. Dẫu sao cũng chúc cho những người lao động nhọc nhằn ở nơi đây, nhất là các cụ già như cụ Quý, luôn gặp được thời tiết thuận lợi, để có thể tự nuôi sống mình. Bởi dù đã ở tuổi thất thập, nhưng với bà, cái cụm từ “an hưởng tuổi già” hãy còn xa vời lắm!
Ngọc Trúc
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tin mới 21/11/2024 21:42
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Tin mới 21/11/2024 19:44
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55