Nhớ Trường Sa 41 năm trước
VietinBank ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” 5 tỷ đồng | |
Tặng quà cho mẹ, vợ liệt sĩ Trường Sa, DK1 |
Giữa đại dương bao la, họ dầm mình trong mưa rào, nắng lửa và đối mặt với bao gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt của bão tố, nhiều chiến sĩ đã bỏ mạng giữa ngàn khơi. Để rồi sau nhiều tháng ngày chạy đua với sóng gió, những “loa thành” mang dáng hình Tổ quốc đầu tiên mang tên Trường Sa mọc giữa biển Đông.
Cuộc hải trình sinh tử
Chiều cuối tuần một ngày cuối tháng Tư, tôi đến nhà cựu binh Trần Quốc Thống ở đường Đô Lương (Phường 11, TP.Vũng Tàu). 41 năm trước, ông Thống đeo quân hàm Trung tá, chỉ huy Trung đoàn 131 Công binh Hải quân cầm quân vượt sóng ra Trường Sa dựng nhà xây đảo Trường Sa Lớn - hòn đảo được coi là “thủ phủ” đầu tiên được xây dựng giữa biển Đông, mà chính ông là người chỉ huy bộ đội chuyển đá đắp nên “loa thành” ấy.
Trường Sa Lớn ngày đầu giải phóng. ảnh tư liệu |
“Sau giải phóng Trường Sa năm 1975, nhiệm vụ xây dựng đảo Trường Sa được đặt lên hàng đầu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Hải quân. Điều đó có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, vừa khẳng định với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Do vậy, đưa lực lượng khẩn cấp triển khai xây đảo được coi là nhiệm vụ cấp thiết lúc đó” - ông Thống nhớ lại
Sau 8 tháng kể từ ngày đất nước thống nhất, trước yêu cầu khách quan về nhà ở và hệ thống phòng thủ bảo vệ đảo, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiến hành khảo sát xây dựng các nhà kiên cố trên quần đảo Trường Sa.
Một góc đảo Trường Sa Lớn hôm nay. |
Việc xây dựng phải bảo đảm 2 yếu tố cơ bản: Phải là nơi phòng thủ kiên cố có tầm quan sát rộng, tiện cho cơ động sẵn sàng chiến đấu và tránh nắng nóng; vừa tránh được ẩm thấp nước biển mặn, đón được hướng gió, bảo đảm mọi sinh hoạt công tác, huấn luyện, vui chơi của bộ đội.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân xác định: “Dù khó khăn đến mấy, dù phải hy sinh đến tính mạng cũng phải xây dựng bằng được nhà kiên cố lâu bền trên các cụm đảo Trường Sa, đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính đối với Tổ quốc nơi tuyến đầu”.
Kế hoạch từ khâu vận chuyển đá, thép, vật liệu từ đất liền ra đảo được bàn thảo khẩn trương và khoa học. Hàng ngàn khối đá, xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng được chuyển xuống tàu, vượt sóng gió ra Trường Sa.
Chuyến tàu đầu tiên mang tên Đại Khánh do Đại úy Lê Nhật Cát - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3-Trung đoàn 83 chỉ huy 70 cán bộ, chiến sĩ trẻ ra Trường Sa Lớn vào cuối tháng 4.1976. “Việc đi Trường Sa ngày ấy đồng nghĩa với cuộc chia ly.
Bởi đất nước mới trải qua chiến tranh, tàn tích đau thương chưa xóa nhòa, giờ lại phải ra Trường Sa xây dựng đảo - một thử thách lớn với những người lính công binh thời bình” - ông Thống hồi tưởng lại.
Cuộc hải trình trên con tàu Đại Khánh có trọng tải 75 tấn vượt sóng ra Trường Sa từ cảng T thuộc Cam Ranh - Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) lúc chiều tối. Sau gần 4 ngày lênh đênh trên biển đã đến đảo Trường Sa Lớn. Bốn ngày vật lộn với sóng gió, 80% số cán bộ, chiến sĩ bị say sóng, nhiều chiến sĩ trẻ bỏ bữa.
Với Trường Sa, hầu hết các chiến sĩ chỉ hình dung là một hòn đảo xa xôi và thiêng liêng. “Ngày đó chưa có tàu hiện đại như bây giờ. Tất cả áo phao, phương tiện trên tàu cũng rất thô sơ. Đất nước mới giải phóng, đau thương chồng chất, đi Trường Sa lúc đó khác gì sinh tử. Nhưng vì nhiệm vụ, vì Trường Sa, chúng tôi lên đường không hề do dự” - ông Thống nhớ lại
Mưu sinh trên sỏi cát
Trường Sa Lớn ngày đầu giải phóng toàn là đất đá và thuốc súng. Ban ngày nhiệt độ nóng đến 38 độ, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh, hơi nước mặn từ biển bốc lên, càng làm cho khí hậu thêm khắc nghiệt. Công việc đầu tiên của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân là thiết kế nơi ăn ở, nhanh chóng bắt tay vào xây đảo.
Một bài toán vô cùng khó khăn đặt ra là làm gì để có nước ngọt, trong khi lượng nước ngọt do tàu Đại Khánh đựng trong can nhựa vơi dần, trời thì không mưa, nước từ giếng nhiễm mặn không sao ăn được.
Thời điểm đó, ngoài Trường Sa Lớn và Song Tử Tây, không có đảo nào có nước ngọt. Hai đảo này có bể chứa nước của lính Việt Nam Cộng hòa để lại, mỗi bể chừng 6 khối, nhưng cũng không dùng được vì nhiễm thuốc súng, phân và lông chim.
Trước tình thế ấy, để sinh tồn và xây đảo, chỉ bằng một cách là tiết kiệm tối đa cho đến khi có nguồn nước viện trợ từ đất liền. Kế hoạch tiết kiệm là mỗi người 1 lít/ngày cho cả đánh răng, rửa mặt.
Khi đó, chiều chiều, các chiến sĩ xuống biển tắm, rồi lên bờ dội lại nước lợ từ giếng. Do tắm nước biển lâu ngày, nên da người nào cũng xù xì như lớp sừng bám, đen cháy, khi cười chỉ nhìn thấy răng và mắt. Việc ăn uống vô cùng khổ sở. Có bữa ăn, cả đại đội chỉ vỏn vẹn 4 hộp thịt của Liên Xô, đổ thêm nước rồi nấu sôi, chan cơm.
Anh em thèm một bữa rau xanh cháy cổ, nhưng lấy đâu ra giữa Trường Sa chỉ có nắng gió, cát và sỏi đá ấy. Ông Thống nhớ lại: “Thời điểm xây những ngôi nhà đầu tiên trên đảo vô cùng khó khăn. Trên trời nắng cháy da, mặt đảo nóng hừng hực do cát bốc lên, anh em phải dùng bạt che tạm làm nhà ở.
Mùa gió chướng, cả đảo mù mịt cát bụi càng làm cho khí hậu khắc nghiệt, càng nhớ đất liền hơn. Khó khăn thì không thể nói hết được, nhưng điều quan trọng là cán bộ chiến sĩ luôn vững vàng, yên tâm tư tưởng và quyết tâm xây đảo”.
Nước mắt rơi trong niềm vui
Dưới cái nắng như thiêu như đốt, các chiến sĩ quần đùi áo lót ngày đêm vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo trên đá san hô. Trung bình mỗi chiến sĩ vác 200 hòn đá mỗi ngày. Ban ngày vận chuyển vật liệu, ban đêm đóng cọc dựng nhà che bạt ở tạm, cốt để bộ đội có chỗ ăn cơm và ngủ lấy lại sức.
Nắng gió rát mặt, các chiến sĩ như những con ong chăm chỉ, người vác đá, người trộn hồ, tung gạch. Sau gần một tháng thi công, ngôi nhà đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn hoàn thành cuối tháng 5.1976.
Trong tâm can của người lính “già” đã kinh qua hàng trăm lần xây đảo, có lẽ ông Thống không bao giờ quên được giây phút ông và đồng đội ôm nhau khóc giữa biển khơi. Đó là ngày khánh thành ngôi nhà đầu tiên trên đảo Trường Sa Lớn. “41 năm rồi, sao quên được cái buổi sáng hôm ấy.
Nhìn ngôi nhà sừng sững giữa đại dương, chúng tôi bật khóc. Khóc vì sung sướng. Khóc vì nghĩ lại những ngày chạy đua với sóng gió quá khổ. Chúng tôi ôm nhau reo hò và hy vọng một ngày nào đó trở lại đất liền thăm gia đình” - ông Thống nhớ lại
Trường Sa Lớn là đảo nổi đầu tiên được xây dựng. Đây là đảo nằm trong cụm T1, tức là đảo thuộc sở chỉ huy trung tâm. Nhà xây dựng trên đảo này là loại nhà “sê-ri” thế hệ đầu tiên kết cấu nửa chìm nửa nổi, chiều cao 2,8 mét, trong đó 1,5 mét ẩn âm trong lòng đảo, lòng nhà rộng 4,5 mét theo hình lục giác, có các cửa sổ, hứng gió 4 phía.
Cùng thời điểm này, tại các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca cũng được từng bước xây dựng. Mỗi công trình gắn liền với mồ hôi, nước mắt và xương máu của lính Công binh lúc đó.
Sau 41 năm giải phóng từ một nơi khô cằn sỏi đá, nay Trường Sa đã trở thành thị tứ sầm uất giữa biển khơi, đời sống của quân dân ngày một thay da đổi thịt.
Mai Thắng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Còn nhiều vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực bãi sông
Sự kiện 19/12/2024 16:30
Khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Sự kiện 19/12/2024 15:20
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Sự kiện 18/12/2024 13:20
Triển khai công tác Tư pháp năm 2025: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Sự kiện 17/12/2024 13:45
Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
Sự kiện 17/12/2024 11:50
Thành phố Hồ Chí Minh: Thông qua nhiều quyết sách quan trọng về an sinh xã hội
Sự kiện 17/12/2024 09:41
Quy định rõ việc cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em
Sự kiện 15/12/2024 22:32