Giao lưu trực tuyến: "Luật - ảnh hưởng của luật tới cuộc sống"
>> Mời quý độc giả nhấn phím F5 để cập liên tục buổi giao lưu
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án đưa báo Lao động Thủ đô vào các khu công nghiệp, khu chế xuất HN với sự ủng hộ tài trợ của UBND TP. Cũng trong khuôn khổ đề án này, trước đó, báo Lao động Thủ đô đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm giao lưu, hội thi trực tuyến với nhiều nội dung chủ đề,thiết thực, hiệu quả với người lao động.
Tới dự buổi giao lưu có các đ/c: Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động VN; đ/c Phạm Bá Vĩnh - Trưởng Ban tổ chức - LĐLĐ TP; đ/c Ngô Văn Minh - Trưởng Ban Tuyên giáo - LĐLĐTP; đ/c Chu Văn Giáp - Phó trưởng ban dân vận huyện Đan Phượng; đ/c Nguyễn Văn Tịnh - Chủ tịch LĐLĐ huyện; đ/c Bùi Văn Minh - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng.
Bà Nguyễn Minh Hạnh - Q. TBT Báo LĐTĐ cùng các đại biểu đến dự buổi giao lưu
Tham gia giao lưu, đối thoại , trả lời câu hỏi của CNLĐ và bạn đọc gồm các khách mời:
Ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng
Luật sư Phạm Ngọc Minh – Giám đốc Cty Luật TNHH YOUME.
Buổi giao lưu được truyền trực tuyến trên baolaodongthudo.com.vn. Công nhân, NLĐ trên địa bàn huyện có thể trực tiếp gửi tới các khách mời những băn khoăn thắc mắc xung quanh các vấn đề pháp luật, đặc biệt là luật lao động, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Ngoài ra, bạn đọc của báo Lao động Thủ đô cũng có thể gửi câu hỏi qua thư điện tử baodientuldtd@gmail.com.
Mặc dù buổi giao lưu diễn ra vào một ngày đi làm bình thường, nhưng được sự tạo ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo doanh nghiệp, CĐCS, nên ngay từ đầu giờ chiều, hàng trăm công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tấp nập tụ họp tại hội trường UBND xã Song Phượng.
Những dáng vẻ như còn vội vã tất tả sau ca làm việc buổi sáng nhưng ai nấy đều hào hứng, háo hức chờ đợi giờ phút buổi giao lưu khai mạc. Nhiều công nhân cho biết, đời sống CNLĐ trực tiếp còn rất nhiều khó khăn,vất vả, ít có điều kiện để tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật nên có người thì bị vi phạm quyền lợi nhưng phải chịu thiệt thòi vì không biết đấu tranh, có người lại hành xử không đúng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tập thể. Bởi vậy, buổi giao lưu hôm nay thực sự là cơ hội quý, để họ tìm hiểu và nâng cao thêm kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức pháp luật lao động, công đoàn, từ đó hiểu hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
14h, không khí của buổi giao lưu bắt đầu rộn ràng với những tiết mục “văn nghệ cây nhà lá vườn” nhưng không kém phần công phu, chuyên nghiệp.
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ VN phát biểu
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu ông Nguyễn Mẫn Nhuệ - Phó TBT Báo LĐTĐ cho biết: Tranh chấp lao động xảy ra do NLĐ không nắm vững pháp luật đối với NLĐ. Trước buổi giao lưu hôm nay, Báo Lao động Thủ đô đã tổ chức 2 cuộc tại Chương Mỹ, Từ Liêm, qua đó thấy hiệu quả lớn, kiến thức pháp luật lao động được tăng cường đối với công nhân lao động. Hy vọng với sự giải đáp của các chuyên gia, NLĐ và bạn đọc nói chung có thể nắm vững chính sách về luật lao động qua đó có biện pháp tự bảo vệ mình. Qua buổi giao lưu, các bạn có thể hỏi đáp mọi thắc mắc của mình tại DN. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn chỉ đạo của UBND, LĐLĐ TP, LĐLĐ huyện và UBND xã Song Phượng đã giúp đỡ để buổi giao lưu có kết quả tốt.
Ông Nguyễn Mẫn Nhuệ - PTBT phát biểu khai mạc buổi giao lưu
Ông Nguyễn Văn Tịnh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng tặng hoa cho Báo LĐTĐ
Ông Bùi Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng tặng hoa cho Báo LĐTĐ
14h15 cuộc giao lưu được bắt đầu với câu hỏi dành cho chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng
Tôi đang làm việc tại một Cty nhà nước và là đoàn viên công đoàn đã từ lâu nhưng tôi không được cấp phát thẻ đoàn viên CĐ, vậy CĐ cơ quan tôi làm vậy có đúng không?
Minh Vũ, Cầu Giấy, HN
Ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng: Theo điều lệ CĐ VN khi bạn đã viết đơn và được kết nạp vào tổ chức CĐ thì bạn phải được cấp thẻ. Nếu bạn chưa có thẻ bạn đề nghị CĐ cơ sở cấp, nếu CBCĐ vẫn có "ý kiến" thì bạn có thể phản ánh LĐLĐ huyện chúng tôi sẽ phát thẻ cho bạn .
Nếu doanh nghiệp không có hợp đồng lao động, không trả lương cho nhân viên thì phải làm sao thưa luật sư?
haithanh1978@gmail.com
Luật sư Phạm Ngọc Minh – Giám đốc Cty Luật TNHH YOUME: Theo quy định tại Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động tại Chương XIV từ Điều 194 đến Điều 234, trong đó đã có phân loại giữa giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
Theo đó nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động quy định tại (khoản 5, khoản 6 Điều 194 BLLĐ) là:
"Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện”.
- Nếu cá nhân NLĐ không được ký HĐLĐ, không được trả lương thì có quyền yêu cầu NSDLĐ thực hiện nghĩa vụ này. Nếu NSDLĐ không thực hiện nghĩa vụ này, hoặc giải quyết không thỏa đáng, giữa hai bên nảy sinh tranh chấp lao động cá nhân, NLĐ có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp theo trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân quy định tại Mục 2 của Chương XIV (từ Điều 200 đến Điều 202).
- Nếu tập thể NLĐ không được ký HĐLĐ, không được trả lương thì có quyền yêu cầu NSDLĐ thực hiện nghĩa vụ này. Nếu NSDLĐ không thực hiện nghĩa vụ này, hoặc giải quyết không thỏa đáng, giữa hai bên nảy sinh tranh chấp lao động tập thể. Tập thể NLĐ có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể quy định tại Mục 3 Chương XIV (từ Điều 203 đến Điều 208).
Ngoài ra Chương XIV còn quy định về đình công (Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động); Và Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công (Mục 5 từ Điều 223 đến Điều 234).
Mấy ngày qua cán bộ CĐ cấp trên có đến cơ quan tôi vận động thành lập CĐ, vận động CNVCLĐ tham gia CĐ, tôi xin hỏi, vào công đoàn tôi được hưởng quyền lợi gì?
duckhang@gmail.comhành
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Theo quy định của Điều lệ đoàn viên được bảo vệ khi phát sinh mâu thuẫnrong quan hệ lao động với chủ DN mà không giải quyết được thì tổ chức CĐ sẽ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho bạn. Ngoài ra khi bạn vào tổ chức CĐ bạn còn được tổ chức CĐ chăm lo các mặt vật chất, tinh thần như thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khi khó khăn...Ngoài ra còn nhiều quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Công ty tôi hiện đang gặp nhiều khó khăn nên dự kiến sẽ tạm thời cho bộ phận công nhân trực tiếp sản xuất ngừng việc. Đề nghị luật sư cho biết, trong trường hợp này, tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội cho những người lao động này công ty phải chi trả như thế nào?
hoanglien@yahoo.com
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Đối chiếu với câu hỏi của bạn hoanglien, tôi xin được trả lời bạn như sau. Tiền lương ngừng việc được quy định tại Điều 98 BLLĐ:
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Như vậy, NSDLĐ có thể thỏa thuận với NLĐ về mức lương và BHXH của NLĐ trong trường hợp ngừng việc.
Cán bộ CĐ kiêm nhiệm ăn lương của ông chủ, vậy người cá bộ CĐ phải làm thế nào vừa bảo vệ được NLĐ vừa không đối đầu với chủ sử dụng lao động?
duyanh@yahoo.com
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Quả là khó khi cán bộ CĐCS phải gánh hai vai. Tuy nhiên chủ tịch CĐ phải khéo phải nắm rõ luật để là cầu nối giữa chủ DN và NLĐ bảo vệ NLĐ đúng Luật. Phải có kỹ năng thương lượng, có bản lĩnh, có kiến thức khéo léo... để vừa bảo vệ được cho NLĐ vừa hoàn thành nhiệm vụ lại vừa không làm phật lòng chủ DN. Khi chủ tịch CĐ sẵn sàng động hành cùng DN và người lao động vận động NLĐ hăng say lao động, tạo năng suất chất lượng, hiệu quả trong công việc để vừa giúp DN phát triển vừa mang lại lợi ích cho mình và những cán bộ CĐ như vậy sẽ luôn được chủ DN ủng hộ và NLĐ tin tưởng.
Tôi ký hợp đồng lao động thử việc 1 tháng, nếu đạt yêu cầu thì tôi sẽ được ký hợp đồng chính thức theo quy định của nhà nước, nay tôi làm hết tháng thứ hai thì công ty cho tôi nghỉ việc ngay khi hết giờ làm việc ngày hôm đó. Xin hỏi như vậy nhà trường đã làm sai quy định đúng không? Tôi được hưởng những quyền lợi gì khi họ cho tôi nghỉ ngay mà không báo trước?
Minhthu1234@yahoo.com
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Vấn đề cam kết ko được sinh cũng rất nhiều DN áp dụng. Nhưng theo tôi đó là quy định hạn chế quyền của NLĐ bởi vì theo quy định luật, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận những điều khoản co lợi hơn với NLĐ. Trường hợp này, pháp luật lao động không quy định các bên thỏa thuận điều khoản làm mẹ là vô hiệu. Trước khi ký không thỏa thuận mà tiếp tục thực hiện hợp đồng mới đưa ra vân đề này, nếu gây thiệt hại cho NLĐ thì NLĐ có thể khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền để đòi hỏi quyền và lợi ich hợp phap của mình.
Tôi làm được 10 năm 6 thang và đóng bảo hiểm đầy đủ. Vậy khi chuyển công tac tôi được tiền trợ cấp thất nghiệp hay không?
Quách Thành Danh - Cụm CN Phùng, Đan Phượng
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo quy định của BLLĐ những trường hợp chấm dứt HĐLĐ đúng luật thì được hưởng trợ câp thất nghiệp. Như chị có 10 năm 6 thang sẽ được hưởng trợ cấp mỗi năm là nửa tháng tiền lương (tinh theo bảng lương của chị 6 tháng liền kề trươc khi chấm dứt HĐLĐ). Vì vậy bạn phải xem việc bạn chấm dứt HĐLĐ có đung với pháp luật lao động hay không.
Tôi làm việc tại xưởng sơn tĩnh điện, gần đây tôi đi khám và được biết mình bị bệnh về phổi do làm việc trong môi trương độc hại. Tôi muốn hỏi bảo hiểm xã hội có chế độ gì cho những người bị bệnh nghề nghiệp như tôi? Và mức hưởng tính như thế nào?
Kiều Lan - Cụm CN Phùng
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Trước hết anh (chị) phải đi khám bệnh để xác định anh (chị) có phải bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ lao động thương binh và xã hội ban hành. Sau khi xác định đúng là bị bệnh nghề nghiệp, anh phải đi giám định suy giảm khả năng lao động, nếu suy giảm sức khỏe 5% trở lên thì anh(chị) đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Sau khi giám định khả năng lao động, Theo Điều 42, Điều 43 Luật BHXH, người lao động bị bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng. Cách tính như sau
Trợ cấp một lần:
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
*Trợ cấp hàng tháng:
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Tôi ký hợp đồng lao động thử việc 1 tháng, nếu đạt yêu cầu thì tôi sẽ được ký hợp đồng chính thức theo quy định của nhà nước, nay tôi làm hết tháng thứ hai thì công ty cho tôi nghỉ việc ngay khi hết giờ làm việc ngày hôm đó. Xin hỏi như vậy công ty đã làm sai quy định đúng không? Tôi được hưởng những quyền lợi gì khi họ cho tôi nghỉ ngay mà không báo trước?
Thu Hà, TT Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo quy định của Bộ luật Lao động, thời gian thử việc tối đa là 60 ngày đối với lao động chuyên môn và 3 tháng đối với những lao động khác. Tuy nhiên ở nhiều đơn vị có trường hợp chỉ ký hợp đồng miệng hoặc các hợp đồng có thỏa thuận 1, 2 tháng sau khi kết thúc hợp đồng, do người lao động ngại không nói gì, điều này gây bất lợi cho người lao động vì khi có khiến kiến xảy ra thì sẽ không có căn cứ hoặc hợp đồng sơ sài.
Ví dụ hợp đồng của bạn có thời hạn 1 tháng trong điều kiện làm việc đến ngày thứ 31, nếu không có thỏa thuận gì khác thì hợp đồng tiếp theo sẽ là 24 tháng, còn nếu có thỏa thuận thì sẽ có hợp đồng với thời hạn thỏa thuận. Vì vậy, trong trường hợp này công ty của bạn đã làm sai quy định.
Để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp người thất nghiệp phải có các điều kiện gì? Mức đóng BHTN hiện nay là bao nhiêu? Người lao động đóng hay doanh nghiệp đóng?
Bích Thảo - Đan Phượng
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Theo điều 81 Luật BHXH, điều 15 nghị định 127/NĐ-CP, anh(chị) phải có đủ các điều kiện sau:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này.
* Mức đóng BHTN hiện nay: Theo điều 125 nghị định 127/NĐ-CP ngày 12/12/2008, mức đóng BHTN hiện nay là:
1. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.
Công ty tôi hiện đang gặp nhiều khó khăn nên dự kiến sẽ tạm thời cho bộ phận công nhân trực tiếp sản xuất ngừng việc. Đề nghị luật sư cho biết, trong trường hợp này, tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội cho những người lao động này công ty phải chi trả như thế nào?
Hoàng Liên - KCN TT Phùng
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Điều 98 Bộ luật lao động quy định rõ các điều khoản về Tiền lương ngừng việc:
“Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
Thứ nhất, nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
Thứ hai, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
Thứ ba, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Như vậy, NSDLĐ có thể thỏa thuận với NLĐ về mức lương và BHXH của NLĐ trong trường hợp ngừng việc và theo tôi về nguyên tắc nên phải trả đầy đủ lương cho NLĐ.
Ngoài ra Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động còn quy định: “Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này."
Tại Điều 49 BLLĐ quy định rõ
Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm”.
Tôi xin hỏi nếu nghỉ thai sản 6 tháng, nếu xin thêm có được không?
Nguyễn Thị Loan (Công ty APS, Hà Nội)
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Chị phải có sự thỏa thuận với Người sử dụng lao động còn nếu do sức khỏe yếu thì chị phải có chứng nhận sức khỏe.
Tôi làm cho một DN tư nhân ở KCN ở thị trân Phùng, vậy xin hỏi luật sư, nêu được đóng bảo hiểm thất nghiệp thì mưc đóng là bao nhiêu và điều kiện được đóng như thế nào?
Tuấn Đại (Đan Phượng, Hà Nội)
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Thưa bạn Đại, mưc đóng BHTN là 1% tiền lương bạn được hưởng. Còn điều kiện được đóng, luật quy định có 2 điều kiện:
NLĐ đã đóng đủ 12 tháng và trong thời hạn 24 tháng mất việc làm và chưa tìm được việc đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan co thẩm quyền.
Sau những phút rụt rè ban đầu, hội trường bắt đầu nóng lên rất nhiều câu hỏi trực tiếp từ CN dưới hội trường dồn dập gửi tới luật sư, các câu hỏi về các vấn đề thiết thực tới NLĐ như chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; chế độ trợ cấp khi bị thôi việc...và đã được luật sư trả lời thấu đáo.
Trong bộ luật Công đoàn quy đinh, là người lao động thì sẽ có quyền tham gia, thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn đúng không? ở đơn vị tôi cũng có tổ chức công đoàn, nhưng đa phần chỉ là ma chay hiếu hỉ mà không có nhiều những hoạt động thiết thực, vậy tôi có thể tự xin ứng cử để gia nhập hay không? Vai trò chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn là gì?
Tuấn Linh (tuanlinh_hn@gmail.com)
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Theo quy định của luật CĐ, người lao động ở tất cả các doanh nghiệp đều có quyền tham gia vào tổ chức Công đoàn. Công ty nơi bạn đang công tác đã có tổ chức Công đoàn rồi, nhưng nếu Công đoàn cơ sở công ty mới chỉ dừng lại ở các hoạt động như ma chay, hiếu hỉ thì hoạt động công đoàn quá đơn điệu, tẻ nhạt. CĐCS cần phải mở rộng thêm các hoạt động phong phú như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phát động các phong trào thi đua động viên người lao động hăng hái làm việc, như vậy mới thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa chủ doanh nghiệp với người lao động và hoạt động công đoàn mới có sức lôi cuốn đông đảo đoàn viên tham gia. Tôi không rõ bạn muốn xin ứng cử vào vai trò gì, nếu bạn đã là đoàn viên công đoàn và muốn ứng cử vào BCH thì bạn hoàn toàn có quyền...
Nếu công ty sử dụng lao động trên 3 năm mà không ký hợp đồng với người lao đông là đúng hay sai, và nếu muốn giải quyết vấn đề này thì phải nhờ cơ quan nào có thẩm quyền để giúp đỡ?
Trọng Nghĩa (Khu công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội)
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Đây là truyền thống khá phổ biến ở nước ta hiện nay, NSDLĐ và NLĐ không ký hợp đồng dù giữa các bên có thỏa thuận lao động, một bên bán sức LĐ một bên trả thù lao, tuy nhiên theo bộ LLĐ thì người sử dụng LĐ phải ký hợp đồng lao động, trong trường hợp này vì không có hợp đồng nên không đủ để bảo vệ quyền lợi của mình.
NLĐ nên trao đổi và thương lượng với NSDLĐ về việc ký hợp đồng bổ sung để bảo vệ quyền lợi của mình, trong trường hợp NSDLĐ không ký hoặc ký hợp đồng không phù hợp, trong trường hợp NSDLĐ cố tình không thực hiện NLĐ có thể gửi khiến nại đến phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện hoặc có thể khiếu nại tại tòa án để giải quyết theo quy định.
Có quy đinh nào quy định người chấm công phải từ phó đến trưởng phòng mới được chấm công không hay nhân viên bình thường có quyền chấm công ở bảng chấm công của phòng mình?
Nguyễn Thị Hải, cán bộ về hưu phương Cống Vị, Ba Đình, HN
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Xin chào bác Hải, về câu hỏi của bác, xin được trả lời như sau: Việc chấm công của mỗi DN, pháp luật lao động không quy định mà đo là tuân theo nội quy , quy chế nội bộ của DN đó. Có DN giao cho các phòng, trưởng hoặc phó phòng chấm công. Thông thường việc chấm công sẽ được quy định trong thỏa ước lao động tập thể.
Một doanh nghiệp có thể có 2 tổ chức công đoàn không? Đơn vị tôi do yếu tố khách quan mà ở nhiều địa điểm cách xa nhau, để thuận lợi hơn chúng tôi muốns thành lập các tổ chức công đoàn cơ sở, như vậy có được không?
Linh Hương (linhhuong@yahoo.com)
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Căn cứ Điều Lệ CĐVN thì một DN không thể có 2 tổ chức CĐ. Nếu Cty có nhiều bộ phận khác nhau thì Cty có thể thành lập các tổ công đoàn bộ phận. Nếu Tổng Cty có nhiều Cty nhỏ khác nhau có đủ bộ máy lãnh đạo chuyên môn thì có thể có thể thành lập các CĐCS trực thuộc CĐ Tổng Cty.
Khi người lao động cần tư vấn luật, họ nên liên hệ với ai?
Xuân Hùng, Hoàng Mai, Hà Nội
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Tôi rất chia sẻ với bạn về câu hỏi này, theo tôi được biết hiện nay tại công đoàn các cấp đều có những trung tâm tư vấn pháp luật cho NLĐ, ngoài ra với lao động thuộc về đối tượng chính sách cũng có thể làm đề nghị để xin được trợ giúp pháp lý, ví dụ thành phố Hà Nội có trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp, ngoài ra các văn phòng luật sư cũng sẵn sàng có hỗ trơ tư vấn pháp lý cho NLĐ. Bản thân tôi cũng thường xuyên kết hợp cùng Báo Lao động Thủ đô tư vấn miễn phí cho người lao động vào các buổi sáng thứ 3, thứ 6 tại Văn Phòng Luật YouMe 167 Tây Sơn.
Tôi xin hỏi trong trường hợp NLĐ thôi việc, thì đơn vị đang công tác sẽ phải trả tiền trợ cấp lao động là đúng hay sai?
Đỗ Thị Lan (Thị trấn Phùng, Hà Nội)
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Về nguyên tắc chung, NSDLĐ sẽ là đơn vị phải trả trợ cấp lao động cho NLĐ.
Vợ tôi chuẩn bị sinh con lần đầu, do cô ấy rất yếu nên gia đình muốn xin nghỉ đến khi thai kỳ được ổn định, tuy nhiên công ty lại không tạo điều kiện mà dọa rằng nếu tiếp tục xin nghỉ thì sẽ đuổi việc, bạn tôi tư vấn rằng phải có giấy chứng nhận của bệnh viện thì lúc đó xin nghỉ mới đúng luật, thế nhưng khi tôi đi làm chứng nhận thì không bệnh viện nào muốn cấp, xin hỏi nếu có chứng nhận thì khi xin nghỉ sẽ đúng luật đúng không, và tôi sẽ làm những gì để xin được chứng nhận cho vợ?
Thanh Tùng, Từ Liêm, Hà Nội
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Thực tế Lao động nữ khi mang thai thì đa phần đều không có sức khỏe tốt, NLĐ nên có thỏa thuận với NSDLĐ, hiện nay rất nhiều DN tạo điều kiện với một số công việc tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương.Còn theo quy định của pháp luật, với lý do sức khỏe yếu sẽ phải có chứng nhận của cơ sở y tế là chính xác.Để sắp xếp bố trí cho NLĐ cũng sẽ ảnh hưởng đến sx, kinh doanh của DN vì vậy NLĐ cũng phải có sự chia sẻ với Doanh nghiệp.
Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hơn 3 năm, nhưng 3 năm qua tôi chuyển chỗ làm 3 lần, nay tôi xin nghỉ việc, liệu tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp và tôi được hưởng mấy tháng trợ cấp?
Hoài An – KCN TT Phùng
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Bạn đã đóng BHTN hơn 3 năm, nhưng 3 năm chuyển chỗ làm 3 lần, vì vậy, bạn đủ điều kiện hưởng BHTN theo điều 21 nghị định 127/NĐ-CP ngày 12/12/2008: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi NLĐ mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo khoản 2, điều 82 Luật BHXH, anh (chị) đóng BHTN từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng.
Tôi làm việc tại một doanh nghiệp mà giám đốc bắt buộc công nhân làm thêm giờ (từ 7h đến 9 giờ đêm), nếu công nhân không chịu làm thì bị nghỉ việc. Như vậy công ty có vi phạm pháp luật không?
Phan Ngọc Nam (Đông Anh, Hà Nội)
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo Khoản 2 Điều 106 BLLĐ quy định: “Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Được sự đồng ý của người lao động; b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm; c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.
Như vậy, việc NSDLĐ bắt buộc NLĐ làm thêm trái với ý chí của NLĐ là trái luật.
Tính đến thời điểm hiện tại tôi làm việc được 10 năm 6 tháng cho một doanh nghiệp nhà nước. Tôi xin hỏi nếu tôi chuyển sang làm ở công ty khác thì tiền trợ cấp thôi việc của tôi được tính như thế nào?
hongnhung79@yahoo.com
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo Điều 48 BLLĐ “ Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương; 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc; 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, khi gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm. Vậy xin hỏi: Chuyển từ kế toán sang làm hành chính, thì có phải là trái nghề không? Nếu công ty muốn chuyển hẳn nhân viên kế toán sang làm hành chính dài hạn, thì có trái pháp luật? Tôi làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn tại một công ty. Đầu năm nay, tôi bị công ty sa thải, lý do là vì cuối năm ngoái tôi tự ý bỏ việc không có lý do 6 ngày. Xin cho tôi hỏi, xử lý của công ty có đúng luật không?
Vũ Thị Thùy, Nhân Chính, Thanh Xuân, HN
Theo Khoản 1 Điều 31 Bộ Luật lao động quy định rõ “Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động”.
Như vậy, NSDLĐ có quyền tạm thời điều chuyển NLĐ làm công việc khác với HĐLĐ, và NLĐ phải chấp hành. Tuy nhiên, thời gian điều động tối đa là 60 ngày làm việc, trừ khi có sự đồng ý của NLĐ.
Tôi xin hỏi, những tình tiết nào được pháp luật quy định là tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động?
hoangha@gmail.com
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các tình tiết giảm nhẹ khi xử lý vi phạm hành chính chung, bao gồm:
Thứ nhất người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
Thứ hai người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
Thứ ba vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Thứ tư vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
Thứ năm người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Thứ sáu vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
Thứ bảy vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
Thứ tám những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.
Tôi có người bạn làm việc tại một công ty, Do có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nên bạn tôi nhiều lần vi phạm nội quy lao động như đi muộn, về sớm hơn bình thường. Giám đốc Công ty đã ra quyết định xử lý kỷ luật lao động bạn tôi với hình thức cảnh cáo. Việc này có đúng theo quy định của pháp luật hay không?
Thanh Huyền - Đông Anh
Ông Nguyễn Văn Tịnh: Bạn chưa nói rõ thời gian đi sớm, về muộn là bao nhiêu giờ, nên không rõ bạn của bạn có vi phạm nội qui của doanh nghiệp hay không.
Có một số vấn đề cần trao đổi với bạn như sau để bạn nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn xem bạn của bạn có vi phạm không và bị kỷ luật có đúng không:
Theo qui định tại điểm 5 điều 155 Bộ luật lao động qui định: Đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Như vậy căn cứ vào điều kiện làm việc của công ty bạn phải báo cáo và đề xuất với lãnh đạo công ty cho nghỉ 60 phút vào thời gian phù hợp để chăm sóc con nhỏ (như đi muộn 30 phút, về sớm 30 phút hoặc đi muộn 60 phút về đúng giờ qui định) nhưng phải được lãnh đạo công ty nhất trí, vì còn do việc duy trì sản xuất của công ty lãnh đạo công ty sẽ quyết định phương án tốt nhất cho bạn.
Nếu bạn không có ý kiến với lãnh đạo công ty, mà bạn cứ đi muộn, về sớm làm ảnh hưởng đến sản xuất của công ty thì sẽ bị lãnh đạo công ty xem xét kỷ luật theo điều 125 Bộ luật lao động qui định 1 trong 3 hình thức sau:
Khiển trách, khéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức (nếu có chức danh trong công ty), sa thải.
Tôi xin hỏi cá nhân nào có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động?
Trungnghia@yahoo.com
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 08 năm 2013, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cá nhân có quyền xử phạt vi phạm hành chính gồm:
Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp (Điều 36);
Thanh tra viên lao động, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ, Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Điều 37);
Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Điều 38);
Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục xuất nhập cảnh, Giám đốc công an cấp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, nếu phát hiện thấy các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình có quyền xử phạt theo đúng quy định tại Điều 52 của Luật xử lý vi phạm hành chính (Điều 39).
Hai chúng tôi yêu nhau và chuẩn bị có ý định kết hôn. Vậy, xin luật sư cho biết, nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo những điều kiện nào? Những trường hợp nào cấm kết hôn?
Nguyễn Văn Tiến (Cty TOHO Việt Nam)
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định rõ:
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.
Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính.
Ngồi theo dõi đến phút cuối của cuộc giao lưu, ông Vũ Manh Tiêm cho biết: Hôm nay, tôi rất vui mừng phấn khởi khi được xuống dự một hoạt động hết sức bổ ích ý nghĩa do báo LĐTĐ và LĐLĐ huyện Đan Phương tổ chức. Nghị quyết ĐH XI Công đoàn Việt Nam đã chỉ rõ, nâng cao trình độ mọi mặt cho CNLĐ, để xây dựng đội ngũ CNLĐ vững mạnh đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước là một nhiệm vụ quan trọng.
Ông Tiêm cũng cho biết thêm thời gian qua, các cấp CĐ trong cả nước đã có nhiều hoạt động đổi mới nội dung, hình thức hướng về người lao động như triển khai tháng công nhân, tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại và các buổi giao lưu, tọa đàm trực tuyến của báo Lao động Thủ đô cũng là một trong những hoạt động như vậy. Tại buổi giao lưu hôm nay, các công nhân đã có nhiều câu hỏi hay, sát thực là những vấn đề thường diễn ra trong quan hệ lao động, những câu hỏi này cũng đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Thực tế đời sống công nhân vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như về nhà ở, lương, các chế độ chính sách. Các bạn có thể tiếp tục gửi các câu hỏi về địa chỉ của báo để được giải đáp.
Phát biểu kết thúc buổi giao lưu ông Nguyễn Mẫn Nhuệ, Phó TBT Báo LĐTĐ cho biết: Buổi giao lưu đã giúp công nhân lao động hiểu rõ hơn chính sách của nhà nước góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho NLĐ. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đánh giá ghi nhận của Tổng LĐLĐ VN, xin hứa tiếp tục nâng cao hơn nữa các hoạt động để đưa báo LĐTĐ đến gần hơn với NLĐ. Chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của LĐLĐ TP, LĐLĐ huyện Đan Phượng và lãnh đạo UBND xã Song Phượng cùng các chuyên gia và hơn 100 công nhân lao động đã tạo điều kiện để Báo Lao động Thủ đô hoàn thành buổi giao lưu hôm nay. Đặc biệt, đối với công nhân, người lao động nếu vẫn còn những băn khoăn, các bạn có thể gửi câu hỏi về báo, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia giải đáp.
Ban điện tử ( thực hiện)
Nên xem
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Ngày 24/12: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
Kiểm soát an ninh hàng không dịp Tết 2025
Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai tới đâu?
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Tin khác
Tin vui: Người dân được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH trước Tết
Tin mới 24/12/2024 08:21
Đánh giá tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Tin mới 24/12/2024 08:07
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16