Chuyện của một cựu tù chính trị
Nhà tù Hỏa Lò tuyển sinh chương trình "Em học làm thuyết minh" hè 2019 | |
Cây bàng "tình nghĩa" cứu sống nhiều chiến sỹ trong nhà tù Hỏa Lò | |
Sống lại ký ức hào hùng qua "Lửa thanh xuân" |
Ký ức hào hùng
Những ngày cuối tháng 4, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm di tích Hỏa Lò, nơi được mệnh danh là chốn địa ngục trần gian, nơi giam giữ, đày đọa bao thế hệ tù chính trị Việt Nam. Lạc trong không gian lao tù được phục dựng gần như nguyên bản ấy, tôi vô tình bắt gặp một người đàn ông khoảng ngoài 80 đang say sưa ngắm nhìn tấm thẻ có đề dòng chữ VJN 2017.
Ông Dương Tự Minh bên Nhà tù Hỏa Lò |
Nhìn thấy vẻ mặt tò mò của tôi ông chỉ tay vào tấm thẻ giọng đầy tâm đắc: “Thẻ tù này là của tôi đấy, ngày ấy còn trẻ, tính nghịch ngợm lúc được tạm tha thì dấu đi, mang về làm kỷ niệm”. Hóa ra người này chính là Dương Tự Minh, nguyên cán bộ Thành Đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn. Thời chống Pháp, ông tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội và từng bị chính quyền Thực dân bắt vào nhà tù Hỏa Lò với số thẻ VJN 2017.
Thăm hết một lượt các kỷ vật còn lưu lại, ông Minh cất giọng kể trầm trầm đầy hoài niệm: Ông vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê gốc ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cụ thân sinh là nhà sư phạm nổi tiếng Dương Quảng Hàm, chị gái ruột là bà Lê Thi, người con gái được vinh dự kéo cờ nhân ngày quốc khánh đầu tiên của dân tộc. Từ nhỏ đã sống trong bầu không khí cách mạng sôi sục, vì vậy mà tình thần yêu nước trong tôi cứ lớn dần lên như một lẽ tự nhiên.
Du khách nước ngoài chăm chú tìm hiểu về các kỷ vật được trưng bày tại di tích Hỏa Lò |
Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lúc này Giáo sư Dương Quảng Hàm đang là Hiệu trưởng Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An). Trước tình hình Thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng ác liệt, nhiều người đã khuyên Giáo sư nên rời trường nhưng ông chưa đi do chưa nhận được chỉ thị của cấp trên. “Đến khi được lệnh rút, bố tôi đã bị Thực dân Pháp giết hại khi đang rời khỏi nội thành”- ông Dương Tự Minh cho biết.
Rồi ông kể, sau khi cha mất, gia đình ông di tản lên chiến khu, các anh chị theo tiếng gọi của đất nước đều tham gia kháng chiến. Đến năm ông 11 tuổi, mẹ con ông và người chị gái Dương Thị Cương được Công an Hà Nội đưa trở lại nhà cũ để làm cơ sở nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến hoạt động nội thành. Lúc này Trường Chu Văn An đã mở lại, ông Minh vào học lớp đệ nhất (tương đương lớp 6 bây giờ).
Trong thời gian học tại trường, ông Minh cùng chị gái Dương Thị Cương tham gia vào tổ chức học sinh kháng chiến do Thành Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội lãnh đạo. Lúc bấy giờ, công việc chính của Đoàn là tổ chức các hoạt động cho học sinh kháng chiến các trường ra báo bí mật, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền cho kháng chiến…
Trong những năm 1949-1950, phong trào diễn ra mạnh khiến kẻ địch khiếp sợ và tìm mọi cách dập tắt. “Mùa hè năm 1950, tôi và chị gái cùng bị bắt tại 98A Hàng Bông. Chúng đánh đập, giam giữ mỗi người khoảng 2 tuần, bắt viết bản cam kết rồi lại thả ra vì không có đủ chứng cứ để kết tội” - ông Minh cho biết.
Sau khi ra tù ít lâu, hai chị em ông Minh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Lúc này, ông là một trong những thành viên tham gia tích cực vào việc tổ chức in và phát báo “Nhựa sống”, một tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội. Nội dung báo “Nhựa sống” kêu gọi các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đoàn kết, tin tưởng ở Cách mạng Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh của sinh viên thế giới.
Vào tháng 10/1952, cơ sở in tại Hàng Bông bị lộ do chỉ điểm. Lúc này ông đang học lớp đệ tam (tức là lớp 10 bây giờ) thì bất ngờ bị quân địch ập đến, bắt giữ. Lần này, ông cùng những người bạn bị bắt đã bị đưa về Sở Mật thám Hà Nội. Tại đây, anh chị em học sinh kháng chiến đều bị thẩm vấn, phải chịu những trận đòn tra tàn khốc của mật thám Pháp. “Vì anh Lê Tám là người lớn tuổi lại có thân phận đáng ngờ nhất nên bị chúng đánh đập giã man lắm, nhiều lần anh tìm cách tự vẫn để giữ khí tiết nhưng không thành” – ông Minh kể lại.
Một lòng vì cách mạng
Sau 2 tháng bị đày đọa tại Sở Mật thám, địch tiếp tục chuyển ông và 3 đồng đội khác làm công việc in và phát báo “Nhựa sống” là Lê Tám, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần, sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò chờ đưa ra tòa án Quân sự xét xử. Năm đó, nhóm 4 người ngoại trừ đồng chí Lê Tám là cán bộ chuyên trách thì 3 anh em còn lại đều là học sinh với tuổi đời chỉ mới 17, 18.
“Trong những năm tháng tham gia cách mạng, có lẽ 1 năm ở Hỏa Lò là quãng thời gian khó quên nhất với tôi. Tôi vẫn nhớ như in nhà tù với những phòng giam tối tăm. Trong cái không gian chập hẹp ấy, hàng chục con người bị giam giữ chung với nhau, bị đày đọa về cả thể xác lẫn tinh thần nhưng dường như lòng yêu nước trong họ vấn không hề bị bào mòn. Hồi ấy, những người tù thuộc thành phần có học thức như chúng tôi lại làm cách mạng bằng cách dạy học cho các anh em khác” – ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, tại Hỏa Lò nơi đáng sợ nhất chính là phòng tối, nơi giam giữ những chiến sĩ hoạt động cách mạng tích cực. Đó là căn phòng được thiết kế nhỏ hẹp với một ô cửa sổ nhỏ bằng bàn tay nằm ở trên cao, ánh sáng chẳng bao giờ soi tới mặt người. Chưa kể, mặt sàn lại dốc ngược, người tù bị cùm chân bất kể ngày đêm. Họ phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ bằng một chiếc bát nhỏ.
Cái bóng tối lạnh lẽo, u uất ấy nó đày đọa héo mòn cả tinh thần lẫn thể xác của người tù chính trị. “Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện về anh Phạm Hướng (Biệt danh Tư Koóng), bị giam giữ trong ngục. Một người đồng đội kể lại rằng, trước lúc bị giam trong phòng tối, anh ấy là một thanh niên cao to, vạm vỡ, tới lúc ra khỏi đó đã biến thành một người lưng còng, tóc bạc, tay chân lở loét, thân thể tàn tạ, đến cả những cộng sự sát cánh một thời cũng không thể nhận ra. Thế mới biết, cái căn phòng ấy, chế độ ấy nó đày đọa người ta khủng khiếp thế nào” – ông Minh hồi tưởng.
Sau gần một năm bị giam giữ, cuối năm 1953, nhóm của ông Minh được “tại ngoại hậu cứu” (tạm tha chờ ngày xét xử, nhưng hằng tháng phải trình diện cơ quan kiểm soát của địch). Quá bất ngờ, ông chỉ kịp nói vài lời tạm biệt với các bạn tù ở lại.
“Theo nguyên tắc, lúc ấy làm cách mạng phải giữ bí mật, thế nhưng lúc đấy chúng tôi đều còn trẻ, tuổi học sinh nghịch ngợm nên sau khi được thả, bốn anh em liền đi chụp chung một bức ảnh làm kỷ niệm. Sau bức ảnh vẫn còn lưu lại bài thơ của anh Lê Tám viết “Cánh cửa đề lao khép lại rồi/Nắng chiều cuốn lấy bước chân vui/Ba mươi sáu phố e còn hẹp/Ta thấy lòng ta vẫn ngậm ngùi”- ông hóm hỉnh kể.
Quả nhiên đúng như bài thơ đã nói, quanh quẩn nơi 36 phố phường ở Hà Nội quả là chật hẹp với trái tim khát vọng tự do của người chiến sĩ cách mạng. Nên, ngay sau khi ra tù, năm 1953, ông Minh được đưa về căn cứ bí mật của Thành đoàn Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ trở lại nội thành hoạt động.
Năm 1964 - 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam, tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam. Năm 1964, nhận thấy phong trào “Tam bất kì” trước đây không còn phù hợp nữa, đông chí Lê Tám (lúc này là Phó Bí thư Trung ương đoàn) đã đề nghị với Trung ương Đoàn đổi tên phong trào thành “Ba sẵn sàng” với nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
Đêm 9/8/1964, các cơ sở Đoàn họp khẩn cấp kêu gọi thanh niên viết đơn tình nguyện “Ba sẵn sàng” và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo những người trẻ tuổi. Thậm chí, nhiều sinh viên cả nam và nữ, đã viết đơn bằng máu gửi lên Đoàn trường, lên Đảng ủy xin vào quân ngũ đi chiến đấu...). Trong đó, có không ít những sinh viên đã có quyết định triệu tập đi học tập ở nước ngoài nhưng vẫn làm đơn tha thiết xin ở lại để vào chiến trường miền Nam.
Ngồi trầm ngâm một hồi lâu ông Minh khẽ mỉm cười: “Những người bạn tù năm ấy nay người đã qua đời, người phiêu bạt nơi đâu không rõ. Mỗi khi về lại nơi này, những kỷ niệm gian khổ ngày xưa lại ùa về trong tôi. Thật may mắn vì Ban Quản lý di tích đã giữ gìn và phục dựng lại gần như y nguyên cảnh ngục tù năm xưa. Nhờ đó, những chiến công đầy xương máu của các đồng đội đã hy sinh oanh liệt tại đây, nay đã được ghi lại cho thế hệ mai sau”.
Lê Thắm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21