Cần lắm những sân chơi cho trẻ ở Thủ đô
Kỳ cuối: Đâu là giải pháp? | |
Kỳ 2: Chung tay xây dựng sân chơi | |
Ngày hè lại thiếu sân chơi cho trẻ |
Hiện nay, ở nhiều khu dân cư, đô thị trên địa bàn Hà Nội, trẻ em hầu như không có sân chơi riêng của mình. Nhiều nhà đầu tư thường vì mục đích thương mại, tận dụng triệt để đất đai để xây dựng công trình mà ít quan tâm đến việc phục vụ cộng đồng như công viên, khu vui chơi cho trẻ, sân thể thao, nhà văn hoá… Chính vì phải sống trong không gian chật hẹp, trẻ em chủ yếu chỉ có thể chơi trên vỉa hè, thậm chí ngay trong lòng đường.
Đã từ lâu, những đứa trẻ đô thị chỉ biết tìm đến các khu vui chơi thương mại phải trả tiền, các trò chơi điện tử mà ít được vui chơi trong không gian công cộng để các em có thể vận động cơ bắp, tương tác với thiên nhiên.
Sân chơi “Ao vườn nở” tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân. |
Nhận thấy tầm quan trọng của sân chơi cộng đồng, chính quyền tại một số địa phương ở Thủ đô đã phối hợp với cộng đồng dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp xã hội tạo dựng những mô hình như thế. Mỗi một khu dân cư đều có những đặc thù riêng. Các sân chơi cho trẻ có thể được xây dựng trong các sân tập thể, trên khu đất bỏ hoang, thậm chí là mặt bằng nhà vệ sinh công cộng không dùng đến… Sân chơi phường Mai Động, quận Hoàng Mai là ví dụ điển hình cho những nỗ lực tạo dựng thành công một không gian công cộng. Sân chơi này được tạo dựng từ một khu đất nằm giữa các khối nhà tập thể, khu đất này đã để trống từ hơn 20 năm qua.
Nhóm Think Playground – Sân chơi cho trẻ đã lên kế hoạch, thiết kế từ cuối tháng 5/2017 và đưa vào sử dụng sau 3 tháng thi công. Bên cạnh việc tạo dựng sân chơi cho trẻ em, nơi đây còn được sử dụng như một không gian công cộng dành cho mọi người khi có đủ các khu vực và thiết bị cho mọi lứa tuổi từ thiếu nhi, thanh niên tới người cao tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi có các thiết bị chơi như thú nhún, trẻ em từ 5-12 tuổi có xích đu, cầu trượt, thanh niên có xà, bóng rổ và người cao tuổi có ghế ngồi nghỉ ngơi và chơi cờ.
Ngoài ra, thiết kế của các thiết bị chơi đã tham khảo, cách điệu những thiết kế truyền thống của địa phương và dân tộc khi tạo hình hệ leo trèo, cầu trượt phỏng theo thiết kế đình làng và tranh vẽ trên tường đã tái hiện hình ảnh lễ hội đấu vật làng Tam Trinh.
Trước đó, tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, sân chơi “Ao vườn nở” cũng đã ra đời. Đây là một không gian rất độc đáo khi được chuyển hoá từ ao thành vườn dạo, vườn rau và nay trở thành không gian hạnh phúc cho trẻ nhỏ. Qua quá trình khảo sát, xin ý kiến chính quyền địa phương, nhóm Sân chơi cho trẻ đã tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo ra các thiết bị chơi thích hợp với những em nhỏ có chiều cao 95cm.
Và đặc biệt, với những em bé ở độ cao 95cm vốn không có tiếng nói trong xã hội, thì những sân chơi này mới thực sự là ví dụ thiết thực cho thấy sự quan tâm của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Anh Tạ Quốc Đạt – người đồng sáng lập Sân chơi cho trẻ cho biết, mục đích của dự án “Ao vườn nở” hướng đến thiết kế từ tầm nhìn 95cm, hay nói cách khác là suy nghĩ như một em bé mầm non để tạo ra các thiết bị thích hợp với các em nhỏ.
Từ đó, nhóm muốn truyền tải thông điệp: Hãy suy nghĩ và nhìn thành phố ở tầm mắt trẻ em, bạn mới có thể kiến tạo ra những không gian cho trẻ em hạnh phúc. Đây cũng là dự án đã giúp Sân chơi cho trẻ vượt qua hàng chục các tổ chức trên toàn thế giới để thắng giải thưởng Urban95 Challenger do quỹ Bernardvan Leer (Hà Lan) tài trợ. Từ khi được thành lập đến nay, nhóm Sân chơi cho trẻ luôn nỗ lực, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để cải thiện vấn đề thiếu sân chơi, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp ở Hà Nội cũng như trên cả nước.
Sau 4 năm hoạt động, tại thời điểm này, nhóm sân chơi cho trẻ đã xây dựng 35 sân chơi và sự kiện vui chơi tại Hà Nội, trên toàn quốc là 65 sân cộng đồng. Trong tháng này, Sân chơi cho trẻ dự kiến sẽ cùng cộng đồng Hồ Bảy Gian, phường Ngọc Hà xây thêm một sân chơi nữa.
Ngoài ra, Sân chơi cho trẻ cũng đang khảo sát các khu đất tại phường Tân Mai, Hoàng Mai để tìm địa điểm làm sân chơi cùng cư dân. Anh Tạ Quốc Đạt cho biết, cảm hứng xây dựng sân chơi cho trẻ có từ 1 dự án xây cầu trượt con Rùa tại Hồ Gươm do bà Judith Hansen khởi xướng. Bà Judith là 1 công dân Mỹ năm nay đã hơn 70 tuổi, người rất yêu Hồ Gươm và truyền thuyết về rùa thần. Tuy nhiên dự án của Judtih đã không thành công. Nhưng cũng nhờ quá trình theo đuổi dự án này mà nhóm nhận ra Hà Nội rất thiếu sân chơi cho trẻ em, thậm chí, người lớn còn “tranh phần” không gian của trẻ.
Đây là nhu cầu có thực nhưng để thay đổi hiện trạng này điều trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của sân chơi. Trẻ em phải được vui chơi các trò chơi vận động để có thể phát triển tốt cả thể lực lẫn trí lực, và phải được hoàn toàn miễn phí. Rất tiếc việc này chưa được nhận thức đúng đắn từ phía người dân Hà Nội cũng như nhiều bậc cha mẹ.
Nhóm Sân chơi cho trẻ em đặt kỳ vọng vào một ngày, nhận thức của mọi người sẽ thay đổi khi biết rằng, không khó để tạo ra một sân chơi nếu như tất cả đều thấy được chơi là một điều tuyệt vời, trước khi để con em mình ngồi vào bàn học. “Bằng tất cả nguồn lực hỗ trợ từ cá nhân, cộng đồng nhóm đặt mục tiêu sẽ xây dựng được những sân chơi giá rẻ từ vật liệu tái chế góp phần đưa trẻ em vào đúng vị trí mà chúng cần được thụ hưởng. Một thành phố sẽ đẹp hơn khi bên cạnh những tòa nhà cao tầng sẽ có không gian công cộng cho công dân.
Một vườn hoa sẽ đẹp hơn khi có những bập bênh cầu trượt cho những đứa trẻ. Có biết bao khoảng trống người lớn đã sử dụng cho nhu cầu của mình, và trẻ em cũng cần có những không gian vui chơi bình đẳng” – anh Đạt cho hay. Hà Nội tấc đất tấc vàng. Vì vậy, việc chung tay tìm kiếm những mảnh đất nhỏ để xây dựng khu vui chơi cho trẻ tín hiệu đáng mừng cần được nhân rộng.
Phương Bùi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Luật Thủ đô 2024 23/12/2024 11:34
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất, nơi cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
Chỉ đạo - Điều hành 21/12/2024 14:15
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09