Cái giá của sự hết lòng
Với cái tiếng thùy mị, nết na, cùng lời mẹ dặn, từ ấy, chị tôi không còn sống cuộc sống cho mình mà dành hết cho chồng con và gia đình nhà chồng. Tuy bố mẹ chồng mới nghỉ hưu, nhưng vợ chồng chị vẫn đón ông bà ra ở cùng để tiện bề chăm sóc, đồng thời cũng cho luôn cô em gái chồng tới ở cùng để tiện đi học. Hàng ngày, chị dậy rất sớm, đi chợ, nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà rồi hớt hải đưa con tới trường trước khi đến cơ quan. Buổi chiều, vừa hết giờ làm việc, chị lại vội vàng tất tả về đón con, rồi lo cơm nước cho cả nhà trước khi dọn dẹp, kèm cặp con học. Việc cơ quan, việc nhà của chị chỉ kết thúc khi chị lên giường đi ngủ. Có lần đến nhà chị chơi, tôi bảo, cô em chồng chị là sinh viên, đi học chỉ có một buổi/ ngày, sao chị không bảo cô ấy đỡ đần việc cơm nước? Chị trả lời: Nó bận học chính, học thêm tối ngày, vả lại nó cũng vụng, không khéo nấu nướng, nấu món gì cũng hoặc là mặn chát, hoặc nhạt thếch chẳng ai nuốt được. Tôi lại bảo: “Bố mẹ chồng chị còn trẻ, lại nghỉ hưu rồi, sao chị không nhờ làm đỡ việc nhà để yên tâm công tác? Nghe vậy, chị bảo: “Dì nói nho nhỏ kẻo ông bà nghe thấy. Ai đời con cái lại bắt bố mẹ nấu nướng cho mình ăn. Vả lại buổi chiều, hai ông bà đều có lịch đi bộ rồi”.
Để được tiếng "vợ hiền" chị phải hy sinh rất nhiều. Ảnh minh họa
Chuyện làm đã vậy, lại còn chuyện ăn. Bình thường, chuyện nhường nhịn miếng ngon vật lạ cho chồng con và bố mẹ chồng thì không có gì đáng nói, nhưng lúc chị đau ốm hoặc lúc chị nghén lên nghén xuống, khi sinh nở, ở cữ... được bạn bè biếu những món ăn ngon, những đồ tẩm bổ, chị cũng nhường nhịn, dành phần chồng và bố mẹ chồng. “Ông cao huyết áp, uống linh chi rất tốt, bà thích nước yến, nên để bà uống”... Chị thường phân tích như vậy mỗi khi quyết định dành của ngon, đồ tốt cho người khác, để rồi bản thân chị là gái mới đẻ mà da dẻ xanh xao, gầy gò, cất bước đi không vững. Khi tôi nhắc chị phải biết lo cho bản thân, chị nghiêm mặt: “Vợ hiền, dâu thảo là phải vậy em ơi”. Rồi chị tự hào: “Bố mẹ chồng chị khó tính lắm, nhưng rất yêu quý và chưa bao giờ phàn nàn chị điều gì”.
Lại nhớ hồi chị mang thai đứa đầu, ngày 30 tết, tôi tới thăm chị mà ấm ức trong lòng. Trong khi anh chồng chị mải cụng li sang sảng với bạn bè, chị tôi ôm cái bụng bầu lớn chạy ra lại chạy vào chuẩn bị món nhậu cho chồng cùng chiến hữu. “Sao không để anh vào bếp? Chị bụng mang dạ chửa thế kia mà còn phải phục dịch chồng à”, tôi gắt gỏng. Chị cười xòa, vẻ nhẫn nhịn: “Em chưa có gia đình nên không hiểu. Đàn ông sĩ diện lắm. Trước mặt bạn bè, bao giờ họ cũng muốn vợ đảm đang, chiều chuộng chồng”. Tôi chỉ biết im lặng, thở dài.
Cả nhà chị sinh sống ở thành phố, nhưng cứ mỗi lần họ hàng nhà chồng có giỗ chạp hay lễ Tết, chị tôi tức tốc về nhà, xắn tay áo vào bếp làm như một cái máy. Từ 1 giờ sáng, chị đã thức dậy chuẩn bị thực đơn. Đám giỗ gần 10 mâm, một tay chị đứng bếp nấu nướng. Bà con nhà chồng đến ăn cỗ, ai cũng tấm tắc khen ngợi chị tôi khéo léo, đảm đang. Họ bảo bố mẹ chồng chị thật có phúc, vừa lấy được dâu hiền lại khéo léo nội trợ. Nghe những lời khen ngợi của mọi người, chị tôi càng tự hứa phải phấn đấu đảm đang hơn nữa để chồng và nhà chồng được nở mặt nở mày. Mục đích cao cả của chị tôi được tới đâu thì chưa biết, nhưng càng ngày, chị tôi càng tàn tạ. Mới ngoài 30 tuổi nhưng trông chị như gần 50. Ngược lại anh chồng chị cứ phơi phới trẻ trung, chẳng khác nào trai tân. Tôi chẳng biết phải nói năng, khuyên nhủ chị ra sao? Vì chị tôi luôn muốn là “số 1” trong mắt chồng và nhà chồng. Với chị, những lời khen có cánh của nhà chồng chính là thước đo để đánh giá đức hạnh của người con dâu và là nguồn động lực để chị vượt lên tất cả. Chỉ có tôi, đứa em của chị thì thương chị xót lòng, vì thấy chị mỗi ngày lại như con trâu “cày” cả thửa đất rộng lớn của giang sơn nhà chồng. Chẳng biết chị còn đủ sức lực để kéo sợi dây đức hạnh, công dung ấy dài được suốt cuộc đời này không? Chẳng biết chị còn ôm ấp mãi được những mỹ từ “vợ hiền dâu thảo, dịu dàng, nết na, hết lòng vì chồng con” cho tới bao giờ.
Ngọc Trúc
Nên xem
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là thương hiệu Quốc gia
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Quận Bắc Từ Liêm trao Huy hiệu Đảng tặng 220 đảng viên lão thành cách mạng
Huyện Thường Tín nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
TP.HCM: Nhiều vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả BHXH
Tin khác
TP.HCM: Nhiều vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả BHXH
Cộng đồng 05/11/2024 14:38
Sắc màu văn hóa Chăm qua nghệ thuật dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Cộng đồng 05/11/2024 09:51
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Xã hội 05/11/2024 06:30
Hà Nội: Khích lệ tinh thần hiếu học của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Cộng đồng 03/11/2024 19:03
Tháng 11, cảm xúc và hoài niệm
Cộng đồng 01/11/2024 14:54
Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu dịp Halloween
Xã hội 31/10/2024 06:37
Tổ chức khóa học Kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ thành phố Vinh
Cộng đồng 30/10/2024 19:37
Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" năm 2024: Lan tỏa thông điệp ý nghĩa
Cộng đồng 28/10/2024 10:41
Nhiều tên miền giả mạo nhằm mục đích lừa đảo
Xã hội 26/10/2024 10:54
Hà Nội chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Cộng đồng 26/10/2024 10:53