Bừng sáng làng bích hoạ và con đường thuyền thúng
Dinh trấn Thanh Chiêm được công nhận Di tích Quốc gia | |
Ấn tượng Di sản Văn hóa - Du lịch biển đảo Việt Nam | |
Hội An lọt top những điểm đến hàng đầu thế giới năm 2017 |
Những ngôi nhà làng biển nay được khoác áo mới đẹp như tranh ở Tam Thanh. Ảnh: Mỹ Linh |
Từ làng chài đến làng bích hoạ bên biển
Từ Hội An, du khách đi theo hướng cầu Cửa Đại là con đường thẳng tắp về với làng biển Tam Thanh. Ngay cả con đường này cũng đã mang đến cho bất kì ai sự phấn khích, ngỡ ngàng bởi những rặng dừa nước xanh mướt đang ôm lấy dòng sông Thu Bồn, những hàng cây xếp từng lớp tạo thành hàng rào chắn gió thẳng tắp về phía chân trời.
Vùng đất Quảng Nam những ngày hè đầy cát trắng, nắng vàng và cả bầu trời trong xanh, hấp dẫn du khách đến lạ lùng. Vậy nhưng không chỉ có thế, bước đến Tam Thanh, nhiều người sẽ còn bất ngờ khi ập ngay vào mắt là hình ảnh những ngôi nhà nối nhau đầy màu sắc bởi những bức họa sắc xanh, đỏ, tím, vàng, làm bừng sáng hẳn cả một không gian.
Tam Thanh vốn được nhắc đến là một làng chài, nơi mà người đàn ông ra khơi mỗi sớm và về nhà lúc chiều tối, nơi người phụ nữ ngóng đợi người chồng và lấy những rổ cá tôm và nụ cười của con cái làm niềm vui. Cuộc sống bình yên nhưng lắm nỗi lo toan, vì vậy mà những ngôi nhà dường nơi đây cũng như hàng nghìn ngôi nhà làng chài khác, chúng chỉ “quen” mang một màu xám xịt bởi thời gian, bởi gió mưa và lẳng lặng nằm bên bờ biển.
Thế nhưng, về Tam Thanh hôm nay, đó hẳn là câu chuyện của “ngày xưa”, bởi từ bờ tường rào vốn ít ai chú ý, cây cỏ mọc um tùm cũng được được trang trí tô điểm mộng mơ đến ngỡ ngàng.
Nhiều người dân Tam Thanh vẫn hào hứng kể: “Tháng 6.2016, những người bạn nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc trong dự án tình nguyện quốc tế đã khoác lên những ngôi nhà, bờ rào ngõ xóm nơi đây hàng chục bức bích họa. Họ vẽ những nhân vật trong cổ tích, hình ảnh cây dừa Việt Nam cong mình bên bờ biển và đặc biệt hơn, nhiều bức tranh trong số đó mô tả một cách chân thật sống động và cũng đầy sáng tạo về cuộc sống thường nhật của chính người dân ở đây”.
Chính vì vậy, nhiều du khách ngỡ ngàng đến phấn khích khi về thăm Tam Thanh lại được gặp chính những nhân vật trong bức ảnh. Đó là anh chàng cắt tóc ở đầu làng, những đứa trẻ vui đùa với trái bóng, hình ảnh một gia đình hạnh phúc bình dị cũng được hoạ vẽ lên chính ngôi nhà của họ.
“Ban đầu nhiều người hồ nghi về dự án này, có gia đình còn lưỡng lự, thế nhưng nhìn những ngôi nhà đầu tiên được sơn phết, ai cũng hào hứng đồng ý, để nay, cả làng Trung Thanh xã Tam Thanh đều khoác áo mới”, chị Hoa, một người dân chia sẻ
Không dừng lại ở đó, tháng 6.2017, con đường thuyền thúng với 100 chiếc tiếp tục ra đời nhờ bàn tay tài hoa của những hoạ sỹ Việt Nam càng tô vẽ thêm cho Tam Thanh.
Những con thuyền thúng là hình ảnh quen thuộc đã gắn chặt với ngư dân Tam Thanh bao đời nay. Người ta đã quá quen với chiếc thúng nằm phơi trên bờ biển. Thế nhưng nay, những chiếc thuyền thúng không chỉ lênh đênh trên biển hay nằm im trên bờ cát đợi những chuyến ra khơi mà giờ đây đã là những bức tranh sinh động.
Người Tam Thanh lẫn du khách lại được một phen ngỡ ngàng. Từ những chiếc thuyền thúng cũ, thậm chí nhiều chiếc thúng không còn lành lặn vẫn được các hoạ sỹ thu mua từ ngư dân. Để rồi, sau hơn 3 tháng, con đường thuyền thúng ra đời, những chiếc thúng khoác những màu sắc và chứa đựng trong mình những câu chuyện được trải dài những bờ cắt.
Nằm xen kẽ giữa những ngôi nhà bích họa, cả một đoạn đường 1,5 km của Tam Thanh được đặc cách phô diễn những chiếc thuyền thúng đa kích cỡ, ngập trong sắc xanh, đỏ, tím vàng,... Đặc biệt hơn, đây cũng con đường thuyền thúng đầu tiên tại Việt Nam. Và vẫn không rời khỏi nội dung như những bức bích hoạ, những chiếc thuyền thúng như phần nối tiếp của câu chuyện Tam Thanh. Đó là nơi du khách ngắm nhìn những hình ảnh từ con người với những hoạt động thường ngày của người dân như người phụ nữ bên rổ cá, người thồ hàng hay những cô thiếu nữ duyên dáng, cho đến những mùa phơi cá hố của Tam Thanh cũng in hằn lên những nan thúng.
Từ mây trời cho đến biển, bất kì điều gì thuộc về Tam Thanh như loài cây xương rồng đặc trưng ở miền đất cát và cả những mẻ lưới đầy cá đều chạm đến trái tim du khách bằng một cách sinh động. Từ đó, con đường thuyền thúng không chỉ là bức tranh mà còn là câu chuyện về Tam Thanh, về làng biển, văn hoá biển Việt Nam.
Du khách ghé thăm Tam Thanh. Ảnh: Thuỳ Trang |
Khi người làng chài đã biết làm du lịch miền quê
Đầy màu sắc, đa dạng, sinh động hay ẩn chứa đầy ắp những câu chuyện là những gì làng bích hoạ Tam Thanh đang có. Thế nhưng cũng từ chính những bức hoạ, con đường chiếc thúng đã và đang khiến nơi này thay da đổi thịt từng ngày. Đó là khi người dân quê nay đã biết làm “Du lịch cộng đồng”.
Tam Thanh cách trung tâm Tam Kỳ 7 km, còn nếu đi từ Hội An đến đây chỉ khoảng 40km. Du khách đến với TP. Đà Nẵng đã quen ghé về Hội An thì nay Tam Thanh trở thành địa điểm tiếp theo trong lộ trình đó.
Chào đón hàng nghìn du khách mỗi mùa du lịch đến, những người dân nơi đây cũng đã “tập tành” làm du lịch, dịch vụ bằng chính những đặc sản của quê hương. Gặp cô Sáu ở trước cửa nhà cô, nơi bức tranh cây dừa ngã bóng bên bờ biển thu hút nhiều du khách, cô Sáu cho hay: “Từ ngày Tam Thanh trở thành làng bích hoạ, cô không phải đi làm thợ may nữa mà có thể buôn bán ở nhà. Tôi nhận nước mắm của em gái tự làm về bán cho du khách. Nếu trước đây người ta phải mang mắm ra tận Đà Nẵng hay Tam Kỳ để giao cho khách thì nay khách đã về với Tam Thanh. Chúng tôi không phải đi đâu xa nhưng chai nước mắm Tam Thanh đã được đi tận Hà Nội, Sài Gòn, xuất cả ra nước ngoài nhờ những người du khách”.
Bày biện đơn sơ trên chiếc bàn nhỏ của cô Sáu là những túi cá khô, cá hố, cá muối, mực khô còn thơm mùi mới khiến ai cũng thích thú. “Con trai cô còn tự vẽ nón, rồi mình cho khách du lịch thuê hoặc bán làm quà. Họ thích lắm, mình cũng được vui”, cô Sáu khoe khi đưa chiếc nón có hình làng biển do cậu con trai của mình vẽ. Hoá ra, người Tam Thanh cũng hoạ được nhiều bức tranh đẹp như thế!
Đi từ đầu làng đến cuối làng, du khách chẳng sợ thiếu nơi giữ xe hay quán nước giải khát sạch sẽ tinh tươm. Đặc biệt, chẳng có kiểu chèo kéo hay chặt chém, “Xã đã họp và dặn kỹ mọi người dân chúng tôi chỉ được thu phí bao nhiêu đó, xã cũng có quy định không được xả rác, giữ gìn đường làng sạch đẹp. Chúng tôi tuân theo thì rồi du khách sẽ còn trở lại”, chị Hoa, một người làng cho biết.
Ghé thăm những ngôi nhà có những bức bích hoạ, nhiều du khách đang còn ngờ ngờ chưa dám bước chân vào thì người làng đã vội mời. Gặng hỏi có thu phí không thì họ liền cười: “Cô chú cứ vào, chúng tôi không lấy tiền đâu. Gia đình có thùng nước nhỏ, có chỗ để xe, mọi người ai ủng hộ thì càng vui”. “Vậy chụp ảnh cùng có được không chị?”. “Được chứ, không mua cũng chụp được mà”. Cuộc trò chuyện đầy tiếng cười từ khoé miệng đến đôi mắt giữa những người dân khiến du khách chẳng nỡ rời đi mà cứ nấn ná với những người dân quê bình dị.
Cũng như những làng chài ven biển khác, người dân ở thôn Trung Thanh, thuộc xã Tam Thanh gắn cuộc đời của mình với những chuyến ra khơi. Những người phụ nữ nơi đây vốn quen với việc nội trợ, nhiều người kiếm thêm thu nhập bằng nghề may nhưng đó cũng chẳng thể là công việc cả đời hay mang lại điều gì đó tươi sáng cho tương lai của cả một vùng đất.
Cho đến khi Tam Thanh khoác lên mình những bức bích hoạ, cuộc sống của người dân Tam Thanh mới thực sự “thay da đổi thịt”. Trở thành làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam, điểm đến của những người trẻ thích xê dịch cho đến những đoàn khách nước ngoài tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, bà con đã biết làm kinh tế, du lịch ngay trên chính mảnh đất.
Những ngôi nhà có tranh vẽ trở thành địa điểm tham quan miễn phí nhưng hiên nhà được sửa sang lại để thành chỗ gửi xe cho du khách. Rồi họ bày bán những đặc sản quê hương như những con cá hố phơi khô, những chai nước mắm với mức giá 50 nghìn đồng mà bất kì ai cũng muốn mang về làm quà.
Tam Thanh giờ đây khác lắm, chẳng phải riêng gì chiếc thuyền thúng hay những ngôi nhà mà trên gương mặt những người dân nơi đây, ai nấy đều hồ hởi vui tươi.
“Mùa mưa chúng tôi vẫn ra khơi, buôn bán, mùa nắng chúng tôi đón khách. Nhiều gia đình mở cả dịch vụ homestay. Du khách ở cùng gia đình, cùng đi biển, cùng ăn những món ăn dân dã, vậy mà họ thích lắm. Nhiều bạn trẻ muốn cắm trại, chúng tôi cũng tập tành làm lều trại, rồi lửa trại, rồi những câu chuyện bên chén rượu Hồng Đào kéo thêm nhiều du khách đến với Tam Thanh. Người dân càng phấn khởi hơn”, chú Của, một lão ngư đã làm du lịch hơn 1 năm nay từ làng bích hoạ chia sẻ câu chuyện với chúng tôi với giọng nói đầy phấn khích.
Vậy là nay, người Tam Thanh không chỉ vui vì bộ mặt của làng chài nay đổi khác mà còn vui vì tương lai của họ đã có thêm những con đường khác, cũng nhiều màu sắc như chính những bức bích hoạ nơi đây.
Theo M.Linh - T.Trang/Lao động
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Tin khác
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31
Các bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm “siêu xanh, siêu xinh” đến từ Vinamilk
Cộng đồng 13/11/2024 20:04