Bí ẩn ao không cạn nước ở Hà Giang chỉ có trong truyền thuyết
Truyền thuyết
“Ao thần” nằm ở khu vực lòng chảo giữa ba quả núi cao chót vót thuộc thôn Lủng Khum, cách trung tâm xã Đản Ván khoảng 2,5km. Nhưng để đến được đây, chúng tôi phải đi bộ mất hơn hai giờ đồng hồ. Theo các già làng kể lại, cách đây vài trăm năm đột nhiên xuất hiện một vũng nước nhỏ nằm giữa ba quả núi. Vũng nước cứ dần dần lan rộng ra có lúc rộng tới 10 ha, mực nước ngày một sâu hơn. Thấy lạ nên người dân nơi đây đặt tên là “ao thần” bởi ở nơi cao đến 1000 m so với mặt nước biển lại xuất hiện một hồ nước trong xanh đến kỳ lạ. Người dân địa phương gọi “ao thần” là Khư Lao Via, tiếng Kinh gọi là hồ Treo.
Theo truyền thuyết, thuở xưa, Đản Ván còn ít người sinh sống, dân cư thưa thớt. Một hôm, có người dân trong bản đi chăn trâu ở gần khu vực Khư Lao Via. Trời sầm tối, muốn về nhà sớm nên người đàn ông này đã cố dắt trâu đi qua “ao thần”. Gần đến bên kia ao thì bỗng dưng nước dâng cao, cuộn thành sóng lớn đổ ập về phía người đàn ông này. Chưa kịp hoàn hồn thì con trâu của người đàn ông này đã biến mất chỉ còn lại cái dây thắt mũi. Con trâu mất tích một cách bí ẩn, khiến người này đem chuyện về báo cho cả làng nhưng chẳng ai tin. Dân làng cho rằng người đàn ông này ngủ quên, để lạc mất trâu.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, một hôm có người lên rừng, dắt chó đi theo. Cũng như người bị mất trâu trước đó, khi đi qua “ao thần” thì con chó cũng tự nhiên biến mất chỉ còn lại cái dây buộc cổ. Quá hoảng sợ người này đem chuyện về kể cho dân làng. Lúc này dân làng mới hoang mang vì những câu chuyện bí ẩn về “ao thần”.
Truyền thuyết thêm kỳ bí hơn khi có thêm người phụ nữ bị mất con ở “ao thần”. Chuyện kể là có một phụ nữ dân tộc Mông đi từ rừng già về bản. Chị địu con qua khu vực “ao thần”, bỗng dưng đứa con của chị biến mất một cách bí ẩn. Chị khóc nức nở, chạy tức tốc về làng nói với trưởng bản. Trưởng bản huy động những người khỏe mạnh, thanh niên trai tráng lên khu vực “ao thần” để tìm lại con cho chị, nhưng tìm đến một tuần cũng không thấy. Kể từ đây những câu chuyện kì quái quanh khu vực “ao thần” này khiến người dân nơi đây hoang mang, lo sợ. Họ truyền tai nhau rằng ai đã phạm lỗi với thần linh nên thần đang trách phạt làng bản.
Rồi đúng vào năm đó thời tiết khô hạn, cả vùng không trồng cấy được gì. Cái đói lan rộng cả một vùng rộng lớn vì thiếu mưa. Nhiều cuộc họp được các già làng tổ chức nhưng chưa có cách cứu đói. Nghĩ đến những sự việc lạ diễn ra trong thời gian gần đây ở “ao thần” nên người dân quanh vùng tự góp trâu bò, lợn, gà… đến ao thần cúng bái.
Trong lúc tế lễ, đúng vào giờ Ngọ thì bỗng dưng bầu trời ở khu vực “ao thần” tối sầm lại, sấm sét đùng đùng khiến hàng trăm người bỏ chạy. Thầy mo vẫn đọc thần chú. Mọi người đang tìm chỗ ẩn nấp thì bỗng dưng có một con rồng từ dưới ao bay lên trời. Một lúc sau trời lại nắng như thường, mọi người ra về trong nỗi lo âu. Rồi vài ngày sau trời đổ mưa, cư dân có nước sinh hoạt, trồng cấy. Người dân đã nghĩ “ao thần” đang được thần linh bảo vệ, họ đã cúng tế và thần linh đã bỏ qua. Từ đấy năm nào người dân các bản xung quanh cũng đổ về đây cúng bái.
Không bao giờ cạn nước
Theo cụ Lù Xào Phủng (76 tuổi) sống ở gần đó cho biết cụ sống một mình ở đây đã hơn 20 năm. Từ khi chuyển lên đây chưa bao giờ cụ thấy “ao thần” hết nước cho dù có nắng hạn. Ngôi nhà sàn của cụ nằm cạnh ao, hàng ngày cụ sinh hoạt đều lấy ở nước ao. Khi được hỏi về những câu chuyện bí ẩn được kể lại thì cụ chỉ cười và nói đó là những câu chuyện mà các cụ thời xưa để lại. Sau này dân làng cứ nghe theo thôi. Tôi ở đây thì cuộc sống vẫn bình thường không thấy có hiện tượng kỳ bí hay ma quỷ gì.
“Ao thần rất linh thiêng, không chỉ trong truyền thuyết về những điều kì lạ mà trong 2 cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm chính “ao thần” và những quả núi này đã giúp dân làng chúng tôi thoát khỏi bom đạn quân thù”, cụ Lù Xào Phủng cho biết thêm.
Cụ Phủng cũng cho hay, ngày xưa thời giặc Pháp đánh chiếm thì làng bản kéo nhau lên “ao thần” trú ẩn, lực lượng cách mạng cũng lấy đây làm điểm cất giữ vũ khí. Khi giặc thả bom mìn xuống vùng này thì dân làng lên khu vực “ao thần” để đào hầm trú ngụ.
Qua câu hỏi sự thật về “ao thần” có linh thiêng như lời đồn đại hay không thì cụ Phủng giải thích đó là tín ngưỡng từ lâu đời của người dân nơi đây. “Ao thần” cứu dân làng khỏi bom đạn là bởi địa hình ở đây hiểm trở, nhiều ngọn núi bao quanh đường đi khó khăn...
Nhằm tìm hiểu thêm thông tin về “ao thần” không bao giờ cạn nước, PV đã tìm đến UBND xã Đản Ván. Lý giải về “nước ao không bao giờ cạn trong khi ở trên độ cao hơn 1000m”, ông Lý Hải Nam – phó chủ tịch UBND xã Đản Ván (cũng là người dân sống ở khu vực “ao thần”) cho biết: “Theo tôi, ao nằm lọt thỏm giữa ba quả núi, có mạch ngầm, nước từ núi chảy ra. Nhưng đúng là từ khi tôi sinh ra, chưa bao giờ thấy ao cạn nước”.
Liên quan đến truyền thuyết về “ao thần”, ông Nam cho biết đó là lời truyền miệng từ đời này đến đời khác trong dân bản. Ông Nam làm cán bộ xã đã gần 30 năm thì chưa có sự việc nào như truyền thuyết xảy ra ở “ao thần”. Hiện tại trâu bò của người dân vẫn được chăn thả bình thường, người dân không còn tâm lý lo sợ những câu chuyện rùng rợn về “ao thần” nữa, còn việc thờ cúng “ao thần” đó là tín ngưỡng của dân, mục đích là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
“Thờ ao thần là tục của người dân vùng này. Hàng năm cứ đến đầu tháng 3 âm lịch, dân toàn xã lại đóng góp mua lợn, gà, rượu, hoa quả, sau đó nhờ thầy mo cao tay, tiến hành làm lễ cúng. Mục đích là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân có của ăn, của để, các loài cây trồng, vật nuôi không sâu bệnh. Người dân đều có sức khỏe tốt để làm tốt”, ông Nam cho biết.
Trao đổi với phóng viên, anh Đinh Văn Trình, cán bộ văn hóa xã Đản Ván cho biết: “Khu vực ao thần có cảnh đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cùng đường lên khu du lịch của dãy Tây Côn Lĩnh, nên lãnh đạo xã Đản Ván đã khảo sát và quy hoạch khu ao thần trình lên huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang để làm khu du lịch sinh thái. Du khách đi dã ngoại được tìm hiểu phong tục tập quán địa phương cũng như cảnh đẹp kỳ vĩ của ao thần”.
Phương Bắc
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Trật tự đô thị 22/11/2024 18:46
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Trật tự đô thị 20/11/2024 11:18
Quyết liệt dẹp “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông tại phố cổ
Trật tự đô thị 19/11/2024 10:33
Rà soát cây xanh bị nghiêng, gãy đổ chưa được khắc phục
Trật tự đô thị 18/11/2024 16:35
Quyết liệt xử lý tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường
Trật tự đô thị 18/11/2024 14:32
Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trật tự đô thị 17/11/2024 20:36
Hà Nội: Xử lý 2.397 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phản ánh từ Zalo
Trật tự đô thị 09/11/2024 17:36
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34
Hà Nội quyết liệt xử lý tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Trật tự đô thị 01/11/2024 17:22
TP.HCM: Mục tiêu giảm trên 75% công trình vi phạm trật tự xây dựng
Trật tự đô thị 30/10/2024 16:26