Xem xét mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại nghị trường. (Ảnh: Quốc hội) |
Đồng tình mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) nhất trí việc dự thảo Luật quy định về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động với các nội dung: người lao động biết, người lao động bàn, người lao động làm, người lao động kiểm tra, người lao động giám sát và người lao động thụ hưởng.
“Việc có một đạo luật điều chỉnh thống nhất thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở là rất cần thiết. Tôi thống nhất luật này cần điều chỉnh vấn đề thực hiện dân chủ ở cả 3 loại hình cơ sở là ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng, bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, nhiệm vụ của dự thảo Luật này là thể hiện đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thuận lợi trong việc áp dụng để tránh gây xáo trộn không cần thiết cho hoạt động thường nhật của người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đại biểu Tô Ái Vang tán thành việc quy định thành lập Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở. (Ảnh: Quốc hội) |
Đồng thời, đại biểu Tô Ái Vang cũng tán thành việc quy định thành lập Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập. Theo đại biểu, điều này nhằm phát hiện từ sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Qua đó, góp phần tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các tổ chức có sử dụng lao động, bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) thống nhất với phương án quy định chung về thực hiện dân chủ ở cả 3 loại hình là ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như là tổ chức có sử dụng lao động nói chung, để bảo đảm tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, đồng thời là có thêm những yêu cầu khác đối với từng loại hình doanh nghiệp và có quy định riêng tùy theo yêu cầu quản lý.
“Tuy nhiên, ở chương IV quy định về thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động, như là người lao động tham gia ý kiến, người lao động bàn và quyết định một số nội dung, người lao động kiểm tra, giám sát, tôi đề nghị cần bổ sung thêm nguyên tắc việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động.
Bởi vì, nếu không quy định nguyên tắc này thì trong thực thi các quyền nếu bị lạm dụng thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và có thể sẽ tạo ra những rủi ro trong quá trình thực hiện khi doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”, đại biểu nói.
Đề nghị không thành lập Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước
Tán đồng phạm vi điều chỉnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bao gồm xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, với các doanh nghiệp khác đều đang thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Công đoàn và các quy định, nghị định của Chính phủ.
Theo đại biểu, hoạt động sản xuất kinh doanh của tư nhân là hoạt động có quy định riêng, thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, theo Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động. Bộ luật Lao động đã quy định rất cụ thể, rất rành mạch, rõ ràng về chế tài nếu chủ doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động đối với công nhân, đối với người có hợp đồng lao động.
Đại biểu cũng đồng tình có Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, và đề nghị không thành lập Ban thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không mở rộng phạm vi của dự án Luật với doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam có một hệ thống pháp luật lao động khá đầy đủ và đang vận hành tốt. Những gì cần bổ sung, sửa đổi để bảo vệ người lao động tốt hơn thì chúng ta bổ sung, sửa đổi pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và pháp luật liên quan khác, không quy định trong luật này.
“Tôi e rằng, nếu luật này có những quy định can thiệp vào quan hệ lao động và thị trường lao động ở mức độ sâu hơn, nhiều hơn so với các thể chế hiện hành về quan hệ lao động và quan hệ doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đến hoạt động quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng tôi xin kiến nghị nếu như Quốc hội cũng quyết định áp dụng luật này đối với doanh nghiệp thì tôi đề nghị không áp dụng đối với doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ngoài nhà nước để tránh những hệ lụy như trên”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Chính phủ sẽ hướng dẫn phù hợp
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất đây không phải là một vấn đề mới.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội) |
“Các nội dung này đều được đánh giá rất kỹ lưỡng, có thể nói không làm thay đổi bản chất của quan hệ lao động, không làm mâu thuẫn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Bộ luật Lao động và có thể nói là cũng không làm ảnh hưởng đến vấn đề liên quan đến lao động và quyền con người”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng bày tỏ “vấn đề này các đại biểu chia sẻ cho, chúng tôi đã đánh giá, đã xem xét và đã đối chiếu rất kỹ lưỡng. Thực tiễn nếu thực hiện tốt việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động theo hướng như dự thảo Luật đang đề xuất thì sẽ thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa, hợp tác và phát triển”.
Đồng thời, sẽ là biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, là cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, mặt khác nó còn là mục tiêu, là động lực để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, để tạo nên giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Mong muốn các đại biểu ủng hộ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, có thể chưa đáp ứng được việc tổ chức thực hiện như dự thảo Luật đã nêu hôm nay, nhưng quá trình triển khai Chính phủ sẽ hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng giai đoạn để đảm bảo được việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động một cách hợp lý trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ quận Hoàn Kiếm bàn giao Công đoàn cơ sở
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm cấp cao với Trung tâm Những người lao động Brazil
Gần 300 đoàn viên, người lao động ngành NN&PTNT dự hội thao ở Đắk Lắk
Những điều người dân cần lưu ý trước khi mua nhà đất
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động như thế nào đến tỷ giá, lãi suất?
Khi nào có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024?
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Tin khác
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm cấp cao với Trung tâm Những người lao động Brazil
Tin mới 05/11/2024 20:56
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Tin mới 05/11/2024 14:50
Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công
Tin mới 05/11/2024 08:00
Hôm nay (4/11), Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội
Tin mới 04/11/2024 07:52
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội thăm, làm việc tại Cộng hòa Cuba
Tin mới 03/11/2024 10:37
Xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội - La Habana lên tầm cao mới
Tin mới 02/11/2024 15:23
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm làm Tổng Giám đốc VTV
Tin mới 01/11/2024 13:53
Hôm nay 1/11, Quốc hội thảo luận Luật Phòng cháy, chữa cháy; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
Tin mới 01/11/2024 08:44
Cầu nối tăng cường giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam
Tin mới 31/10/2024 20:49
Chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường
Tin mới 31/10/2024 15:38