Xác định rõ trách nhiệm, giải pháp để khắc phục bất cập về hạ tầng tại các khu đô thị
Làm rõ nguyên nhân, giải pháp, lộ trình thực hiện các dự án chậm triển khai Nhiều khu đô thị, khu nhà ở đã đưa vào sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội |
Chủ tịch UBNĐ Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: Thanh Hải) |
Chiều 14/10, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XVI đã tổ chức phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Việc đánh giá đầu tư còn thiếu chặt chẽ
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh.
Toàn cảnh phiên họp. |
Qua giám sát của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban HĐND Thành phố và qua ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với đại biểu HĐND Thành phố, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập.
Một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như, trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức) hỏi: Theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện giám sát đầu tư tổng thể, đầu tư dự án. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết kết quả công tác giám sát đầu tư trong thời gian vừa qua; kết quả các đợt thanh, kiểm tra, áp dụng các chế tài đối với chủ đầu tư chậm triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ thực tế giám sát, Sở có các giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức) phát biểu tại phiên họp. |
Giải trình tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, theo Nghị định 29, chức năng giám sát đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Trên địa bàn thành phố, hiện có những khu đô thị chưa đảm bảo kết nối, đồng bộ hạ tầng. Trong một thời gian dài, việc đánh giá đầu tư còn thiếu chặt chẽ.
Sở cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND Thành phố có chế tài xử phạt đối với những đơn vị mà nhà đầu tư không thực hiện những nội dung sau đầu tư, gây bức xúc trong dư luận. Để làm được điều này cần sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương để đánh giá được hoạt động của dự án cũng như một số tồn tại, trên cơ sở đó có giải pháp tổ chức thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 36 cuộc thanh tra kiểm tra, xử phạt hơn 3 tỷ đồng.
Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Đống Đa) cho biết, qua khảo sát của các ban HĐND, phản ánh của cử tri, nhiều khu đô thị người dân đã vào ở đông đúc, nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đầu tư bãi đỗ xe chưa thực hiện. Nhiều tuyến đường đã được đặt tên nhưng việc quản lý còn nhiều thiếu sót, mất hố gas, thiếu rào chắn... diễn ra thời gian dài. Đại biểu đề nghị Sở Giao thông vận tải nêu nguyên nhân, hướng xử lý trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, theo phân cấp tại Nghị quyết 08 và Nghị quyết 21 của HĐND Thành phố, Thành phố quản lý các tuyến đường khu vực trong các khu đô thị trên địa bàn các quận và các tuyến đường nằm trên địa bàn 2 huyện trở lên với mặt cắt từ 16m trở lên, còn lại các quận, huyện quản lý theo phân cấp.
Thời gian qua, nhiều khu đô thị đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa làm thủ tục bàn giao cho Thành phố, quận, huyện quản lý, nên chưa có đơn vị quản lý, trách nhiệm vẫn thuộc chủ đầu tư quản lý. Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản gửi các chủ đầu tư, đôn đốc sau khi hoàn thành các tuyến đường thì bàn giao cho Thành phố quản lý, nhưng một số chủ đầu tư đưa ra các lý do, chưa bàn giao.
Liên quan đến bãi đỗ xe trong các khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng, Sở đã phối hợp liên ngành tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố giao nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành liên quan và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hoàng Dương về tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực phía Tây thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, vừa qua có những trận mưa lớn, vượt quá công suất thoát nước, dẫn đến ngập cục bộ. Trong quy hoạch chung Thủ đô cũng có hệ thống hồ điều hòa, chiếm 5-7% diện tích, nhưng ở khu vực phía Tây, các công viên, hồ điều hòa chưa xây dựng hết. Trong tương lai, các dự án xây dựng nhà ở phải đảm bảo có hệ thống cây xanh, hồ điều hòa, hệ thống kết nối... thì mới cấp phép.
Nâng cao chất lượng quản lý dự án đầu tư
Đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) đề cập tình trạng bất cập về hạ tầng kỹ thuật tại quận Hoàng Mai và đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai làm rõ trách nhiệm của UBND quận đến đâu và quận đã tham mưu, đề xuất những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chấm dứt tình trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo?
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm giải trình tại phiên họp. |
Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Quận Hoàng Mai có 26 khu đô thị với quy mô 2ha trở lên, hiện nay nhiều khu đô thị đã đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện bộ mặt đô thị của quận. Bên cạnh đó, nhiều khu có hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều lô đất chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các chủ đầu tư chậm triển khai tiềm ẩn nhiều vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Quận Hoàng Mai đã tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng theo chức năng nhiệm vụ được phân cấp, quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và thực hiện giám sát đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của quận.
Từ năm 2021 đến nay, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, kiến nghị nếu các dự án chậm triển khai, dây dưa kéo dài thì Thành phố kiên quyết thu hồi và giao cho các đơn vị có năng lực thực hiện dự án, không để hoang hoá, lãng phí và phát sinh vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng...
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, những vấn đề nêu ra trong phiên giải trình do HĐND Thành phố tổ chức hôm nay rất đúng và trúng. Qua phiên giải trình cho thấy được bức tranh khách quan, trung thực, khá đầy đủ về thực trạng quá trình phát triển đô thị trong suốt thời gian qua. Tới đây cần phải nghiêm túc cập nhật bổ sung các quy định, quy trình để nâng cao chất lượng quản lý dự án đầu tư trước, trong và sau quá trình đầu tư dự án.
Chúng ta có nhiều câu chuyện tồn tại, nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề không dễ xử lý ngay và luôn. Nói về bất cập phải bốc thăm để vào lớp 1 tại quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, quận thiếu trường công lập, chứ không phải đến mức thiếu trường học. Hiện nay, UBND Thành phố đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có tiêu chí riêng cho quận Hoàng Mai và một số quận tương tự để có kế hoạch đầu tư, tinh thần là Thành phố quyết liệt để làm.
Với vấn đề hạ tầng chung ở các khu đô thị trên toàn địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng với mục tiêu năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội, người dân phải được công bằng, tiếp cận các dịch vụ đó. Với sự chỉ đạo của Thành ủy, Hà Nội sẽ mở ra một số mô thức mới để đầu tư công viên, công xanh, tìm nhà đầu tư để người dân được hưởng lợi.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng nêu rõ: Về trách nhiệm giám sát trong quá trình đầu tư và sau đầu tư, các Sở giúp việc cho UBND Thành phố có buông lỏng, chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân và sẽ có kế hoạch, cố gắng khắc phục các vấn đề HĐND Thành phố chỉ ra; rà soát lại, xác định lại trách nhiệm, phân công phân nhiệm cụ thể từng sở, ngành; làm sao giám sát để tránh lãng phí, thiệt hại cho các bên, mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng. “Mong HĐND Thành phố tiếp tục giám sát”, Chủ tịch UBND Thành phố nói.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tin mới 21/11/2024 21:42
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Tin mới 21/11/2024 19:44
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc kinh doanh hiệu quả
Tin mới 21/11/2024 16:43
Hưng Yên đẩy mạnh thu hút vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao
Tin mới 21/11/2024 16:32
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica
Tin mới 21/11/2024 10:28
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia
Tin mới 20/11/2024 20:22
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn tổ chức bộ máy phải thực hiện với quyết tâm cao nhất
Tin mới 19/11/2024 19:35
Điều kiện để được trao danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô
Tin mới 19/11/2024 14:31