Vang mãi khúc khải hoàn ca chiến thắng
Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh | |
“Tiến về Hà Nội" - ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô | |
Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng “Tiến quân ca” |
Bài hát “tiên tri” Tiến về Hà Nội
Có thể nói Tiến về Hà Nội của tác giả Văn Cao là ca khúc hay nhất viết về sự kiện Giải phóng Thủ đô. 65 năm trôi qua, những lời ca hào hùng, lãng mạn thể hiện nguyện vọng, khát khao của mọi người dân vẫn được hát vang đầy tự hào trong những dịp lễ lớn, nhất là những ngày tháng Mười này - ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Chân dung nhạc sĩ Văn Cao. |
Tuy nhiên, điều thú vị nhất ở chỗ, “Tiến về Hà Nội” được sáng tác năm 1949, trước ngày Thủ đô giải phóng đến 5 năm, ở một nơi cách Thủ đô hàng chục cây số. Do vậy, “Tiến về Hà Nội” được xem như bài hát có khả năng "tiên tri" đầy ý nghĩa. Vậy mà mỗi câu từ, mỗi hình ảnh, mỗi nhịp phách lại rất thực, rất chính xác, như thể nó được ra đời ngay trong hàng ngũ những đoàn quân tiến về Hà Nội những ngày tháng Mười ấy.
“Tiến về Hà Nội”, dù được viết bằng trí tưởng tượng của người nhạc sĩ cũng đã trở thành một trang sử được chép bằng nhạc, hết sức chân thực và sống động, miêu tả lại cho thế hệ sau bằng những hình ảnh nổi bật nhất, đặc sắc nhất, và đặc biệt là truyền tải những cảm xúc, không khí của ngày Giải phóng Thủ đô.
Những hình ảnh hiện lên qua từng câu hát, ai có thể tin nó chỉ được viết bằng trí tưởng tượng, nỗi khao khát, hy vọng. Hà Nội ngày giải phóng đã thật sự đón chào “lớp lớp đoàn quân” tiến vào thành phố từ năm cửa ô trong cờ hoa rực rỡ, hân hoan. Những từ láy như “trùng trùng”, “lớp lớp”, “lấp lánh”, những hình ảnh như “quân đi như sóng”, “say trong câu hát”, “lưỡi lê sáng ngời”, “đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”, “sương sớm long lanh”… có sức gợi rất lớn, giúp miêu tả vô cùng sống động cả khung cảnh hùng tráng và không khí rộn rã, tưng bừng ngày giải phóng.
Tác giả đã chọn được những từ ngữ đắt giá, hình ảnh nổi bật, thủ pháp so sánh tinh tế, cùng với giai điệu sôi nổi, mạnh mẽ của thể loại hành khúc, tất cả hòa quyện làm bật lên sự hào hùng mà bay bổng, trữ tình của ngày về Hà Nội - Thủ đô anh hùng mà không bao giờ mất vẻ hào hoa. Gửi gắm trong ngày về vui mừng đắm say là sự lạc quan, tin tưởng của tác giả.
Rồi đoàn quân sẽ về, khi ấy “đêm tan dần”, “Hà Nội xưa yêu dấu” sẽ xây dựng lại, rồi sẽ “bừng tiến quân ca”. Như nhạc sĩ Văn Cao đã có lần chia sẻ, ông viết “Tiến về Hà Nội” trong những đêm dài gian khó của kháng chiến, chỉ mơ một ngày toàn thắng để nhân dân hưởng hòa bình, độc lập, vợ chồng, cha con, anh em được đoàn tụ, yên vui...
Trong niềm mơ ước cháy bỏng ấy là một niềm tin son sắt vào ngày toàn thắng. Những tưởng tượng chính xác như một tiên đoán tài tình của tác giả xuất phát từ chính niềm tin ấy: “Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…”.
Hơn 60 năm đã qua đi, và cho dù qua bao nhiêu năm nữa, “Tiến về Hà Nội” sẽ mãi là trang sử đẹp nhất, có hồn nhất trong số những trang sử ghi lại về ngày Giải phóng Thủ đô. Để rồi, mỗi tháng Mười đến, nó lại thổi bùng ngọn lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Hào hùng giai điệu “Người Hà Nội”
Mỗi khi giai điệu ca khúc “Người Hà Nội” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi vang lên thì không khí của một Hà Nội hào hoa, hào hùng như được tái hiện trong tâm thức những người con Hà Nội... Tác phẩm này là sự gặp gỡ, thăng hoa của cảm xúc với hiện thực vĩ đại ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Sự cộng hưởng giữa nhạc và thơ trong “Người Hà Nội” đã tạo thành lực hấp dẫn riêng.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Thi. |
Chính bởi vậy mà khi những ca từ vừa cất lên đã chạm đến sự rung động sâu sắc, tình cảm yêu mến của biết bao thế hệ đối với Thủ đô Hà Nội: “Đây Hồ Gươm Hồng Hà Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung Hà Nội vùng đứng lên/ Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên/ Hà Nội đẹp sao!/ Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn/ Ngàn nguồn sống tràn đầy dâng”…
Kể về hoàn cảnh sáng tác, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng chia sẻ, năm 1946, thực dân Pháp gây hấn, trở lại xâm lược nước ta. Tối ngày 19/12/1946, nhà thơ Nguyễn Đình Thi và đồng chí Trần Huy Liệu nhận lệnh rời Hà Nội về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ. Hai người đi một chiếc xe con xuôi về phía Hà Đông. Đến Ngã Tư Sở thì đèn đường phụt tắt. Cả Hà Nội cháy bùng trong ngày Toàn quốc kháng chiến.
Cả Hà Nội ngùn ngụt lửa sau lưng. Nguyễn Đình Thi và Trần Huy Liệu im lặng đến nghẹn ngào. Ở Hà Đông, Nguyễn Đình Thi lại được đồng chí Trường Chinh giao cho Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác và dặn đi gấp trở lại Hà Nội trao cho Ủy ban kháng chiến, Nguyễn Đình Thi tất tả ngược về kinh thành đang bốc lửa. Kỷ niệm ấy ám ảnh ông mãi.
Đoàn quân tiến về Thủ đô. Ảnh tư liệu. |
Sau đó, ông trở về hoạt động tại làng Khúc Thủy - một làng cổ nằm ven sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Đây là nơi sơ tán của nhiều cơ quan Trung ương, trong đó có Hội Văn hóa Cứu quốc. Bài hát “Người Hà Nội” đã ra đời ở đây. Bên cây đàn Piano cũ, những hình ảnh sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa để bảo vệ Hà Nội “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung…” cứ hiển hiện trong đầu. Tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn trào trên phím đàn. Cảnh đầu tiên là “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên... “, rồi “Hà Nội đẹp sao, Hà Nội vui sao...” và kết thúc trở lại những câu đầu.
Lúc đó bài Người Hà Nội ông chỉ viết đến đấy. Nhà báo Thép Mới tình cờ đọc được những dòng Nguyễn Đình Thi viết nháp trên một tờ giấy. Thép Mới khuyến khích và thế là bài hát ấy được in ở báo Cứu quốc Tết 1947 gởi tặng các chiến sĩ trung đoàn quyết tử ở Liên khu Một (sau đổi thành Trung đoàn Thủ đô). Bản trường ca đã được in trên báo Cứu quốc, đưa vào Hà Nội chiến đấu gửi tặng bộ đội.
Những người lính Trung đoàn Thủ đô đã hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi trên các chiến luỹ ác liệt. Người Hà Nội đã thúc giục họ tiến lên giữa “Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi, dưới gót giầy. Ầm ầm ầm tiếng súng vui thay, vang ngày mai sáng láng”. Người Hà Nội đã được Nguyễn Đình Thi và các nhạc sĩ bạn bè góp ý chau chuốt thêm cho đến năm 1948 mới hoàn chỉnh giữa chiến khu Việt Bắc.
Sau trận đánh ở Hà Nội, các cơ quan chuyển lên Việt Bắc. Thu Đông Việt Bắc năm 1947, Pháp lại nhảy dù xuống Bắc Cạn đánh lên Thái Nguyên, Tuyên Quang. Chính trong những ngày ấy Nguyễn Đình Thi mới nghĩ đến việc viết đoạn kết cho bài hát, đến khoảng Tết năm 1948 thì xong. Bài hát là sự hoà trộn giữa nét hào hoa và anh hùng được biểu hiện hài hòa, nhuần nhuyễn trong “Người Hà Nội”. Trong mạch cảm xúc đó, Nguyễn Đình Thi đã hình dung ngày về chiến thắng, ngày dân tộc ca vang khúc khải hoàn trong niềm hân hoan thắng lợi.
Chiến tranh đã lùi xa trong ký ức, thời gian vẫn cứ trôi, dòng đời vẫn chảy. Nhưng những bài hát bất hủ như “Tiến về Hà Nội” hay “Người Hà Nội” đã, đang, sẽ và mãi tỏa sáng, không chỉ song hành cùng các thế hệ hôm nay mà còn vang mãi đến mai sau.
Phương Bùi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tài xế xe biển xanh chở người trên nóc bị trừ 6 điểm bằng lái
Cách theo dõi, tra cứu điểm bằng lái xe đơn giản trên điện thoại
Món quà ý nghĩa cho đoàn viên, người lao động ngành Xây dựng Hà Nội
Các phường, xã mới sau sắp xếp: Hoạt động ổn định, nghiêm túc
Thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
Quyết tâm thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô
Giải quyết dứt điểm vướng mắc của 3 dự án tại Hà Nội
Tin khác
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29