Tổn thất việc làm diễn ra trên quy mô lớn
Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ. Ảnh: B.D |
Tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14%
“Chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục chứng kiến tổn thất việc làm trên quy mô lớn”. Đó là nhận định của ILO. Theo Báo cáo nhanh số 5 của ILO: Covid-19 và thế giới việc làm, tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trong Báo cáo nhanh số trước.
Những số liệu mới nhất cho thấy, trong những tuần qua, tình hình đang diễn biến xấu đi ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở những nền kinh tế đang phát triển. Xét theo khu vực, tổn thất về số giờ làm việc trong quý II thống kê được là: Châu Mỹ (18,3%), châu Âu và Trung Á (13,9%), châu Á và Thái Bình Dương (13,5%), các quốc gia Ả-rập (13,2%) và châu Phi (12,1%).
Đại đa số người lao động trên thế giới (93%) vẫn đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp nào đó liên quan đến đóng cửa nơi làm việc, trong đó các nước châu Mỹ hiện đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất.
Dự báo về tình hình 6 tháng cuối năm 2020, ILO cho hay, báo cáo nhanh mới phác thảo ba kịch bản cho công cuộc phục hồi trong nửa cuối năm 2020: Kịch bản cơ bản, tiêu cực và lạc quan. Báo cáo nhấn mạnh kết quả trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và lựa chọn chính sách của Chính phủ.
Cụ thể, mô hình phục hồi cơ bản dự báo tổn thất về giờ làm việc giảm 4,9% (tương đương với 140 triệu lao động toàn thời gian) so với Quý IV năm 2019, với giả định công cuộc khôi phục các hoạt động kinh tế được thực hiện theo dự báo, các biện pháp hạn chế đối với nơi làm việc được dỡ bỏ và tiêu dùng và đầu tư được khôi phục.
Kịch bản tiêu cực giả định làn sóng dịch thứ hai bùng phát và các biện pháp khống chế dịch bệnh được thiết lập lại, khiến công cuộc phục hồi chậm lại đáng kể. Hệ quả của nó là số giờ làm việc sẽ giảm 11,9% (tương đương với 340 triệu lao động toàn thời gian) so với Quý IV năm 2019.
Kịch bản lạc quan giả định việc làm của người lao động được nhanh chóng khôi phục lại, thúc đẩy đáng kể tổng cầu và tạo việc làm. Với sự phục hồi đặc biệt nhanh này, mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu sẽ chỉ còn giảm 1,2% (tương đương với 34 triệu lao động toàn thời gian) so với Quý IV năm 2019.
Phụ nữ vẫn là đối tượng bị tác động mạnh nhất
Báo cáo của ILO cũng chỉ ra rằng lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Điều này có nguy cơ hủy hoại một số tiến bộ khiêm tốn về bình đẳng giới đã đạt được trong những thập kỷ gần đây và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới liên quan đến lao động.
Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ là do lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.
Phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình và trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội. Sự phân công công việc chăm sóc không được trả lương không đồng đều vốn đã tồn tại từ trước đại dịch đã trở nên tồi tệ hơn trong khủng hoảng và càng trầm trọng hơn khi trường học và các dịch vụ chăm sóc bị đóng cửa.
Mặc dù các quốc gia đã triển khai các biện pháp với tốc độ và phạm vi chưa từng có, Báo cáo của ILO vẫn nêu bật một số thách thức chính mà trước mắt chúng ta vẫn phải đối diện, đó là: Tìm cách cân bằng và thực hiện đúng trình tự các can thiệp chính sách, xã hội, kinh tế và y tế để có thể đem lại kết quả tối ưu cho thị trường lao động.
Triển khai và duy trì các biện pháp chính sách ở quy mô cần thiết khi nguồn lực có thể dần trở nên hạn chế hơn. Bảo vệ và tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương, thiệt thòi và bị ảnh hưởng nặng nề để thị trường lao động trở nên công bằng và bình đẳng hơn. Đảm bảo đoàn kết và hỗ trợ quốc tế, đặc biệt chú trọng tới các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Đẩy mạnh đối thoại xã hội và tôn trọng quyền.
Theo ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO: “Những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, đến năm 2030 và lâu hơn nữa. Mặc dù các quốc gia đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đại dịch và còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này và để thế giới trở nên tốt đẹp hơn giai đoạn trước khi nó bắt đầu xảy ra”.
“Tuần tới ILO sẽ triệu tập Hội nghị Cấp cao toàn cầu về Covid-19 và Thế giới việc làm bằng hình thức trực tuyến. Tôi hy vọng các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động sẽ tận dụng cơ hội này để trình bày và lắng nghe những ý tưởng sáng tạo, trao đổi những bài học kinh nghiệm và xây dựng được những kế hoạch cụ thể để cùng nhau thực hiện một công cuộc phục hồi chú trọng tạo nhiều việc làm, bao trùm, công bằng và bền vững. Tất cả chúng ta phải cùng nhau đối diện với thách thức xây dựng một tương lai việc làm tốt đẹp hơn”, Tổng Giám đốc ILO cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Tin khác
Các công việc số hóa sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng
Việc làm 22/12/2024 06:10
Cuối năm, nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Việc làm 17/12/2024 08:01
Một số ngành nghề sẽ “khát” nhân lực trong năm 2025
Việc làm 15/12/2024 18:52
Người trẻ chia sẻ cách "vượt chông gai" nóng trong người khi liên tục tiệc tùng cuối năm
Việc làm 15/12/2024 08:05
Một số doanh nghiệp trả lương cho người quản lý từ 130 đến 150 triệu đồng/tháng
Việc làm 14/12/2024 20:31
Cuối năm, ngành kinh doanh bất động sản tăng nhu cầu tuyển dụng
Việc làm 12/12/2024 20:46
Vùng Đông Nam Bộ: Tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động
Việc làm 12/12/2024 14:00
Thành phố Hồ Chí Minh đưa gần 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 11/12/2024 11:03
Hỗ trợ việc làm cho thanh niên: Cần chính sách thiết thực
Việc làm 10/12/2024 16:25
11 tháng năm 2024, Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 213.000 lao động
Infographic 08/12/2024 11:25