Sắc màu tươi mới trên các miền ngoại thành
Để Hà Nội không còn khói rơm rạ! Có một Hà Nội đang từng ngày đổi khác |
1. Tôi có sở thích kỳ lạ, cứ mỗi cuối tuần lại tìm về với những miền quê Hà Nội. Khi thì loanh quanh những huyện vùng ven như Thường Tín, Thanh Oai, lúc thì đi mãi lên Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn… Tại những miền đất này, cuộc sống của người dân đang trên đà đổi thay mạnh mẽ cùng với “làn gió mới” đến từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Con đường tranh ngút mắt trên trục đường 32, phản ánh quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Giang Nam |
Mỗi xóm làng như được “thay áo mới”. Những con đường khang trang nối dài khắp các thôn xóm, nhà văn hóa xã to đẹp được trang bị đầy đủ tiện nghi. Hệ thống kênh mương được đầu tư, nâng cấp giúp người dân thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất. Thu nhập của người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm…
Nằm tại vị trí xa Thủ đô, trước kia tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đời sống người dân cũng gặp không ít khó khăn. Với hơn 90% là người dân tộc Dao, sinh sống bằng việc làm rẫy quanh chân núi Ba Vì bằng hình thức canh tác thủ công, năng suất thấp nên cảnh đói nghèo, chạy ăn từng bữa nối nhau triền miên.
Thế nhưng, mọi sự giờ đã đổi khác, nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời của Thành phố, sự quyết liệt của cấp huyện cho tới cơ sở, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của xã bước đầu được nâng cấp. Hệ thống đường sá đã được cứng hóa, hệ thống thủy lợi được đầu tư, trường học được xây dựng khang trang, trạm y tế đạt chuẩn. Vui hơn, hiện người dân nơi đây không chỉ phát triển sản xuất mà còn có nghề phụ đem lại thu nhập ổn định. Điển hình như thôn Yên Sơn có nghề thuốc Nam. Đồng bào Dao ở Ba Vì đang nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh. Trong những nếp nhà, trẻ em được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học hành...
Đó là cuộc chuyển mình ở những dải đất xa xôi. Gần hơn với Thủ đô, thị xã Sơn Tây cũng là một trong những điểm sáng trong việc phát huy sự chủ động xây dựng nông thôn mới. Theo tìm hiểu, Sơn Tây có 6 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là: Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ và Kim Sơn. Điểm đáng chú ý, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của thị xã có nhiều khó khăn, thách thức. Minh chứng dễ thấy là số tiêu chí đạt và cơ bản đạt của các xã thấp (chỉ từ 3-5 tiêu chí), thu nhập bình quân theo đầu người còn thấp (16,4 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo cao (8,86%). Kinh tế tập thể tuy đã được quan tâm nhưng phát triển chậm và hiệu quả chưa cao, kinh tế trang trại, gia trại ở quy mô nhỏ, công nghiệp-dịch vụ chưa phát triển đồng bộ. Nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn chưa đầy đủ, sâu sắc, vẫn còn trông chờ vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước…
Khó khăn bộn bề song bằng sự nỗ lực, đồng lòng cùng nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai nên thị xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cả 6/6 xã. Theo tìm hiểu, hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở thị xã Sơn Tây đạt kết quả cao như: 100% đường giao thông trục xã, liên xã và 100% đường liên thôn, trục thôn được cứng hóa; 96,3% đường giao thông ngõ xóm được kiên cố hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 97,1% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 87,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%.
Xác định công cuộc xây dựng nông thôn mới là không ngừng nghỉ, Thị xã Sơn Tây đang không ngừng phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nỗ lực không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
2. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xét cho cùng là nâng cao đời sống người nông dân. Nắm bắt được tinh thần này, nhiều địa phương dù có xuất phát điểm không cao nhưng đã biết khéo léo tận dụng thế mạnh vốn có để phát triển. Tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, phong trào phát triển chăn nuôi đà điểu đang mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi nơi đây. Anh Nguyễn Văn Trung – một trong những người tiên phong nuôi “chim khổng lồ” ở vùng đất này cho biết, thời gian đầu mới bắt tay vào chăn nuôi, do chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của đà điểu nên anh Trung gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, với ý chí quyết tâm, vừa học, vừa làm cũng như nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, anh Trung dần nắm bắt được một số kiến thức cơ bản.
Phát triển chăn nuôi ong – mô hình kinh tế hiệu quả tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Giang Nam |
Anh Trung nhận thấy đà điểu rất dễ nuôi, ít gây ô nhiễm hơn so với nuôi lợn, bò. Thức ăn của đà điểu dễ kiếm, chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc... Đà điểu lại có sức đề kháng tốt nên nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp, lớn nhanh. “Thịt đà điểu có nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt. Da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau… Với những lợi thế này mang lại, nếu phát triển nuôi với số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại cao hơn nhiều lần so với các cây, con giống truyền thống” - anh Trung nhận định.
Đó là sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân, tại nhiều địa phương khác, công cuộc chuyển dịch cây trồng, con giống sao cho đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng đang được xúc tiến mạnh mẽ. Chẳng hạn, ở Sơn Tây Chương trình OCOP của thị xã Sơn Tây được triển khai thực hiện từ năm 2019. Đây là chương trình hiệu quả, thiết thực đối với người dân, là nội dung cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của thị xã góp phần đưa những sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của thị xã đến với thị trường tiêu thụ ngoài địa bàn thành phố.
Mục tiêu của chương trình là phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Việc này rất quan trọng với thị xã khi mà ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của thị xã còn đang trong giai đoạn phát triển, thị trường tiêu thụ nhỏ, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa được nhiều người biết đến nên đầu ra chưa đảm bảo, giá trị sản phẩm không cao.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền; sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của tổ chức, cá nhân, đến hết năm 2019 thị xã đã có 5 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao bao gồm kẹo dồi phủ vừng, kẹo lạc cao Quý Thảo, chả cá Thuần Việt, thịt gà Mía Sơn Tây, giò lợn cơ sở Thành Quế. Đây được coi là hướng đi trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong đợt 1/2020, thị xã Sơn Tây có 29 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Qua xem xét hồ sơ và thẩm định, các sản phẩm đều đạt chất lượng 3 và 4 sao.
3. Thời điểm này, đến những vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, không chỉ thấy sự hiện diện những ngôi nhà mới, các con đường rộng rãi thênh thang mà còn có những nẻo hoa. Hoa khoe sắc trên các con đường, hoa làm đẹp cả bên bờ ruộng, hoa lấn cỏ dại, lấn bãi rác…Theo tìm hiểu, người dân ở các thôn, xóm thuộc vùng ngoại thành như: Phú Xuyên, Thường Tín, hay Quốc Oai, Thanh Trì, Đan Phượng… luôn có phương châm “Thêm một bông hoa, bớt một túi rác”. Nhờ vậy, người dân những vùng này thường duy trì nề nếp dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng, nơi công cộng (thường vào ngày chủ nhật giữa tháng và cuối tháng) gắn với việc nhặt cỏ, chăm bón hoa.
Hoạt động tập thể lành mạnh, tô điểm cho nếp đẹp văn minh đã được các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân ủng bộ bởi xét cho cùng nó không chỉ tạo môi trường sống trong lành mà còn khiến tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết. Nhiều cán bộ xã năng nổ còn cho rằng, xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc nâng cấp hạ tầng cơ sở mà còn nâng cao ý thức tự giác trong từng người dân, mỗi gia đình, thôn xóm.
Hạ tầng nông thôn khu vực huyện Ba Vì được đầu tư khang trang, đồng bộ. Ảnh: Giang Nam |
Theo tìm hiểu của riêng người viết, khi mới triển khai, mô hình đường hoa, ở nhiều nơi cũng gặp khó khăn. Chủ yếu là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, một bộ phận bận làm kinh tế nên không có thời gian để trồng và chăm sóc hoa... Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, việc trồng hoa bên đường không thực tế, dễ bị hư hỏng nên họ không ủng hộ.
Mặt khác, đường làng, ngõ xóm ở nông thôn hiện nhỏ hẹp, nhiều chỗ không còn đất trống để trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát nên khó trồng đồng bộ. Đề cập vấn đề này, nhiều cán bộ xã phường cũng cho rằng, vận động xây dựng mô hình đoạn đường nở hoa đã khó, song việc duy trì, quản lý để đoạn đường ngày một đẹp hơn, nhân rộng nhiều tuyến đường hoa khác càng khó khăn hơn. Dĩ nhiên, để khắc phục những hạn chế khó khăn trên “lời giải” chính là sự chung sức, đồng lòng. “Lửa thử vàng”, có thể thấy hiện nay việc làm đẹp đường liên thôn, xã, đường làng bằng hoa đã trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực, góp phần làm cho môi trường nông thôn Hà Nội nói riêng và thành phố nói chung ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh, hiện đại. Chính những con đường hoa đã tạo nên một bức tranh sinh động cho các làng quê, người dân tin tưởng vào những chủ trương đúng đắn để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
4. Xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã và đang có những bước chuyển mạnh.
Ở những miền quê đang ngày một thay da đổi thịt ấy, dù cách thức triển khai, phương thức tiếp cận ít nhiều khác nhau song không thể phủ nhận rằng, để công cuộc xây dựng nông thôn mới thành công cơ bản hội tụ quanh 3 yếu tố. Cụ thể, đó là việc góp nhặt, huy động sức dân; xây dựng niềm tin vào Đảng, vào chính quyền thông qua việc đảng viên gương mẫu đi đầu; xác định rõ và tận dụng tiềm năng, phát huy lợi thế địa phương. Chẳng hạn, ở Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương đã và đang có nhiều thuận lợi. Xã Đan Phượng là một trong 3 xã đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tại đây, bộ mặt nông thôn rất khởi sắc, nhiều hộ nông dân ở Đan Phượng đã vươn lên làm kinh tế giỏi, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Được biết, thời gian tới Hà Nội tiếp tục phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội, như: Y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn./.
Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49