Phát huy vai trò đảng viên là người công giáo để tăng cường khối đại đoàn kết
Sống tốt đời, đẹp đạo Hiệu quả từ mô hình “Giáo họ tự quản về An ninh trật tự” Đồng bào Công giáo chung sức xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp |
Kỳ 1: Từ chuyện những giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, đi đầu trong các phong trào
Trong không khí đón chào Giáng sinh, phóng viên có dịp đến một số địa bàn Thủ đô nơi có đồng bào công giáo sinh sống, từ nội thành đến ngoại thành, đâu đâu cũng cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” về kết cấu hạ tầng, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, một số đồng bào công giáo đã tự nguyện vào Đảng và họ trở thành những gương điển hình trong các phong trào.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà và chúc mừng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội nhân dịp Giáng sinh 2022. |
Về thăm xã Hồng Vân, huyện Thường Tín hôm nay, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là một vùng quê tràn đầy sức sống, với hệ thống giao thông được bê tông hóa, những ngôi nhà kiên cố, cao tầng mọc lên san sát. Không chỉ điện, đường, trường, trạm khang trang, phong cảnh thanh bình sạch đẹp mà dễ nhận thấy sự đổi mới từ chính ý thức, cách nhìn, cách nghĩ, cách làm của người dân nói chung và người công giáo nơi đây nói riêng.
Trên địa bàn xã Hồng Vân có nhà thờ giáo xứ Cẩm Cơ, có 1 thôn công giáo toàn tòng là thôn Cơ Giáo và 2 thôn có người công giáo sinh sống, tổng số người công giáo trên địa bàn xã là gần 800 người. Người công giáo nơi đây sống hài hòa, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện… Trên địa bàn xã có nhiều đảng viên là đồng bào công giáo, đây chính là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền với cộng đồng giáo dân, góp phần khơi dậy và phát huy vai trò của người công giáo trong việc xây dựng, phát triển địa phương, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Xã Hồng Vân, Thường Tín đang thay da đổi thịt từng ngày. |
Với gần 50 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Văn Huấn - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Vân, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Cơ Giáo, Tổ trưởng Tổ Đoàn kết công giáo xã Hồng Vân là người “miệng nói, tay làm”. Ông cũng là người có uy tín, luôn sáng tạo, linh hoạt trong công tác dân vận, vận động đồng bào công giáo tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Hồng Vân. Làm Tổ trưởng Tổ Đoàn kết công giáo, ông Huấn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của, Nhà nước. Ông là người tiên phong hiến đất và cũng là người góp công lớn trong việc tham gia vận động khoảng 20 hộ gia đình công giáo trên địa bàn hiến đất để mở rộng đường Bình Minh dài gần 700m, góp phần đưa xã Hồng Vân đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông Bình Minh rộng rãi, sạch sẽ, thẳng tắp, ông Huấn nói, đây là một trong những con đường “dân vận khéo” của thôn, bởi con đường này được người dân trong thôn cùng nhau hiến đất. Đất đai là tài sản giá trị lớn, rõ ràng hiến đất là quyết định không hề dễ dàng, thế nhưng, nhờ tài vận động của mình, người đảng viên này đã giúp bà con công giáo nơi đây ý thức được hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân, gia đình. Con đường khang trang được đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương của người dân. Đó chính là “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Khoảng 20 hộ gia đình công giáo trên địa bàn đã hiến đất mở rộng đường Bình Minh dài gần 700m, góp phần đưa xã Hồng Vân đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. |
Ngoài ra, ông Huấn cũng đã cùng chính quyền thôn tích cực phối hợp với Ban hành giáo của Giáo xứ Cẩm Cơ tổ chức lồng ghép các hoạt động tôn giáo với hoạt động của chính quyền, từ đó kêu gọi, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, chung sức phát triển địa phương. Nhờ đó, trong những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào công giáo ngày càng được nâng lên. Đồng bào Công giáo trên địa bàn xã nói chung và ở thôn cơ giáo nói riêng đã đoàn kết, năng động, linh hoạt trong phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu làm nông nghiệp thì bây giờ người dân đã phát triển kinh tế đa ngành nghề: Kinh doanh, dịch vụ, vận tải, trồng hoa, cây cảnh…
Trong đó, có nhiều người Công giáo làm chủ cơ sở kinh doanh, công ty, nhà vườn… mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Chí (thôn Cơ Giáo) làm nghề trồng cây cảnh gần 30 năm nay. Hiện nhà vườn của gia đình anh Chí có diện tích gần 8.000m2 với hàng trăm cây cảnh có giá trị, thu nhập hàng năm từ 2 - 3 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, trong đó người có thu nhập cao nhất lên đến 15 triệu/tháng.
Đánh giá về đóng góp của đảng viên và đồng bào Công giáo vào sự phát triển của địa phương, ông Mai Văn Ngần - Phó Chủ tịch Thường trực xã Hồng Vân cho biết, ở địa phương có rất nhiều tấm gương là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu, nhiệt tình, năng động sáng tạo, sâu sát với từng hộ gia đình, động viên người công giáo phát huy tinh thần đoàn kết, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Là thôn công giáo toàn tòng nhưng ở thôn Cơ Giáo đã có Chi bộ đảng, khi mới thành lập có 7 đảng viên, sau đó phát triển thêm được 6 đảng viên mới. Để phát triển được đảng viên mới, Chi bộ đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của thôn thường xuyên theo dõi, phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú, tích cực tham gia các phong trào của địa phương để Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.
Phó Chủ tịch Thường trực xã Hồng Vân đánh giá, người công giáo có đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của địa phương, nhất là đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã; họ cũng tích cực xây dựng, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường đường làng ngõ xóm; tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương. Người công giáo cũng thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, phát triển kinh tế đa dạng, nhạy bén trong hoạt động kinh doanh, họ thích nghi với sự phát triển của xã hội nhanh. Riêng thôn Cơ Giáo, có tốc độ phát triển nhanh so với các thôn trong xã, thu nhập bình quân của người dân trong thôn cao hơn so với các thôn khác, chất lượng đời sống nhân dân trong thôn ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh trật tự đảm bảo.
Nhà thờ Lớn Hà Nội tọa lạc tại phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm). |
Quay ngược trở lại trung tâm Thủ đô, chúng tôi đến phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), nơi có Nhà thờ Lớn Hà Nội và là nơi đặt trụ sở của Toà Tổng giám mục Hà Nội, trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đồng bào Công giáo nơi đây đã và đang miệt mài góp sức xây dựng Thủ đô giàu mạnh, văn minh, động viên nhau làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia hoạt động bác ái, gìn giữ truyền thống văn hóa, phát huy phẩm chất thanh lịch, văn minh của người Tràng An… Đảng bộ, chính quyền phương luôn quan tâm đến việc kết nối đội ngũ Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận với nhân dân, đặc biệt là giáo dân, tạo ra nhịp cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”.
Theo lãnh đạo phường Hàng Trống, toàn phường có trên 500 người công giáo, trong đó có 4 đảng viên là người công giáo đang sinh hoạt tại Đảng bộ phường. Đảng viên là người công giáo tham gia tích cực vào các phong trào thi đua tại địa phương như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”; chuyên đề “Vận động quần chúng các tôn giáo tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc”; mô hình “Đoàn kết lương giáo”… Đồng thời, họ là người năng nổ, trách nhiệm với phong trào, tích cực tham gia trong cấp ủy, hệ thống chính trị Tổ dân phố và là lực lượng cốt cán ở cơ sở, được nhân dân đánh giá cao, trở thành người có uy tín trong cộng đồng.
Định kỳ, những người công giáo trong Tổ dân phố số 3, phường Hàng Trống lại tham gia dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, khu phố trên địa bàn. |
Trong đó, tiêu biểu có ông Phạm Hữu Lý, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận Tổ dân phố 3, phường Hàng Trống. Là đảng viên, bản thân ông luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ Đảng. Đặc biệt, ông Lý đã phát huy tốt vai trò của người đảng viên trong công tác vận động đồng bào có đạo và chức sắc tôn giáo hiểu và thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự... Định kỳ, những người công giáo trong Tổ dân phố lại tham gia dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, khu phố trên địa bàn và người Công giáo cũng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường học trong giờ cao điểm.
Ngoài ra, ông Lý cũng tích cực tham gia thực hiện công tác hòa giải, góp phần đoàn kết lương giáo và xây dựng lối sống văn minh, hòa hợp tại Tổ dân phố. Đặc biệt, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận Tổ dân phố, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Lý đã tích cực, chủ động cùng các thành viên trong Ban công tác mặt trận của Tổ dân phố vận động nhân dân trong Tổ và tạo điều kiện tốt nhất để các linh mục, các chủng sinh, các sơ tại 40 và 31 Nhà Chung tham gia bỏ phiếu bầu tập trung, dân chủ, đúng quy định, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%.
“Khi cả hệ thống chính trị thường xuyên sâu sát với bà con giáo dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thì nhận được sự đồng thuận cao từ giáo dân”, ông Lý cho biết. Suốt câu chuyện, lúc nào ông Lý cũng nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cũng là bài học đi suốt cuộc đời mà ông đã chọn. Ông Lý cũng như những người công giáo luôn một lòng tin yêu, đặt kỳ vọng vào các cấp ủy, chính quyền địa phương, vào tổ chức đảng, hướng đến mục tiêu: Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.
Thực tế cho thấy, so với các quận, huyện khác, số đồng bào công giáo ở phường Hàng Trống nói riêng và quận Hoàn Kiếm nói chung không đông, nhưng phong trào thi đua yêu nước rất phát triển. Bà con giáo dân đã nhận thức rõ trách nhiệm phải tham gia xây dựng quận Hoàn Kiếm xứng đáng là quận trung tâm, bộ mặt của Thủ đô Hà Nội. Từ đó, mỗi người luôn có ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ công dân như nghĩa vụ bầu cử, nghĩa vụ quân sự, các phong trào từ thiện, nhân đạo, tích cực tham gia giữ gìn trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, vệ sinh môi trường và trang hoàng đường phố thật đẹp để chào mừng ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Đồng bào công giáo cũng đăng ký xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tự giác sắp xếp xe máy đúng nơi quy định, thực hiện văn hóa ứng xử trong kinh doanh và nơi công cộng…
Trong dịp Lễ Giáng sinh năm 2022, đến thăm, tặng quà và chúc mừng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, khẳng định, trong thành quả chung mà Thành phố đạt được, có sự đóng góp quan trọng của bà con công giáo Tổng Giáo phận Hà Nội. Các dự án, chủ trương lớn trong tương lai muốn thành công được cũng nhờ sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân, trong đó có người công giáo. Về phần mình, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên cũng cho biết, trong những năm qua, Tòa Tổng giám mục Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền Thành phố, cũng như các sở, ngành, quận, phường trong cả sinh hoạt tôn giáo và hoạt động khác. |
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Luật Thủ đô 2024 23/12/2024 11:34
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất, nơi cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
Chỉ đạo - Điều hành 21/12/2024 14:15
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52