Nơi nuôi dưỡng đam mê và sự tử tế giữa cuộc đời
Khó khăn từ những rào cản giao tiếp
Nằm tách mình với những ồn ào nơi phố xá, trong con ngõ nhỏ Văn Chương (Tôn Đức Thắng - Hà Nội) có một quán cắt tóc vô cùng đặc biệt, khi mà từ nhà sáng lập cho tới nhân viên đều là người điếc bẩm sinh. Ở đó, những suy nghĩ của ông chủ, nhân viên và khách hàng đều được cụ thể hóa bằng hành động, kết nối giao tiếp với nhau bằng những nụ cười, hình ảnh, chữ viết và cả ngôn ngữ ký hiệu.
Nguyễn Thái Thành hướng dẫn cắt tóc cho các bạn học viên tại quán. |
Nhìn Salon tóc rất đông khách, nhiều người không ngờ được rằng để có được thành công như ngày hôm nay nhà sáng lập Nguyễn Thái Thành (sinh năm 1991, quê Bắc Giang), đã phải cố gắng và nỗ lực hơn rất nhiều so với người bình thường. Bởi lẽ, tạo mẫu tóc vốn là những công việc đầy tính sáng tạo và đòi hỏi trí tuệ cũng như khả năng thẩm mỹ cao. Việc làm này ở những người bình thường đã là một công việc không dễ dàng, còn với những người điếc, nó khó gấp nhiều lần khi sự giao tiếp là rào cản lớn nhất.
Dù không giao tiếp được bằng lời nói nhưng gương mặt Thành lúc nào cũng hiện rõ sự vui vẻ. Chia sẻ về con đường đến với công việc làm nhà tạo mẫu tóc của mình, Thành vẫn khá xúc động. Đối với anh, việc được làm quen với ngôn ngữ ký hiệu và học cắt tóc là hai bước ngoặt lớn của cuộc đời. Nhờ đó mà anh mới thật sự tìm thấy niềm tin và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Theo lời Thành kể lại, anh sinh ra đã bị điếc bẩm sinh. Sau khi lạc lõng và không hòa nhập được môi trường học tập với các bạn bè cùng trang lứa ở quê, năm 13 tuổi, Thành được đưa lên Hà Nội học tại Trường dân lập dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội). Tại đây, Thành lần đầu tiếp xúc ngôn ngữ ký hiệu, anh rất bất ngờ khi hiểu ra rằng mình không phải là người duy nhất trên thế giới này không có khả năng nghe, nói. Cũng chính tại nơi này, Thành đã lấy được sự tự tin và không còn thấy cô đơn.
Sau 2 năm học tại đây, Thành đã tốt nghiệp. Thành học thử nghề may, nhưng không thích. Sau đó Thành tha thiết xin bố mẹ cho mình đi học tạo mẫu tóc. Thành nhớ lại: "Nhiều khi nhớ lại những ngày tháng đi học nghề tóc tôi lại ứa nước mắt. Có người còn động viên tôi hãy làm một nghề gì đó thông thường, đơn giản và ít sáng tạo thay vì nghề tạo mẫu tóc nhưng tôi không đồng ý”.
Thành học nghề tóc dù khó học, khó hiểu vì không có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu nhưng anh vẫn luôn cố gắng hết sức. May mắn, trên suốt chặng đường thử thách với nghề tóc vất vả, Thành luôn có gia đình bên cạnh động viên, chia sẻ.
Ngày học việc xong, Thành ra nhiều tiệm cắt tóc ở Hà Nội, nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối với lời giải thích phũ phàng, không nhận người điếc. May mắn "trời không phụ lòng người", sau đó Thành đã được nhận vào một quán cắt tóc cho cả nam và nữ. Ban ngày Thành vừa học vừa làm, gội đầu tại quán, tối về thực hành trên ma nơ canh. Sau đó thì Thành nhờ người thân, bạn bè ra làm mẫu miễn phí.
Vừa làm vừa nâng cao tay nghề, Thành còn đăng ký các cuộc thi tóc ở cả trong Nam và ngoài Bắc. Điển hình như năm 2010, anh tham gia cuộc thi 1.000 năm tóc và giành giải Triển vọng. Trong cuộc thi, chỉ riêng Thành là người điếc, bởi vậy anh chỉ biết nỗ lực cố gắng hết sức. Và giải Triển vọng chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của chàng trai nghị lực. Khi đã thực sự tự tin về nghề, Thành đã mở Salon tóc Thành Nguyễn vào năm 2011.
Thành phát triển từ cửa hàng tóc bình dân đến salon tóc hạng trung thành công. Salon tóc Thành Nguyễn từ đó không chỉ cung cấp dịch vụ về tóc mà còn dạy nghề tóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ các bạn điếc có cơ hội học nghề ra làm thành công và ổn định trong cuộc sống.
Thành công tiếp nối, sau đó, Salon Thành Nguyễn chính thức thành lập Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Thành Nguyễn với các thành viên chính là người điếc mà Thành đã dạy nghề. Với Thành, việc mở Công ty như một cách để khẳng định một điều những người khiếm khuyết cũng có năng lực, trí tuệ và có thể xây dựng sự nghiệp riêng như người bình thường.
Salon tóc Thành Nguyễn đón tiếp và phục vụ nhiều khách hàng ngoại quốc tới trải nghiệm dịch vụ. |
Không chỉ phục vụ các khách hàng trong nước, “tiệm tóc không lời” giờ đổi sang tên "Sự sáng tạo không lời” còn thường xuyên đón tiếp và phục vụ các bạn khách nước ngoài. Trong đó có nhiều du khách bị điếc đến từ nhiều quốc gia khác nhau như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp,… Thông qua kết nối trên mạng xã hội như kênh Youtube; Tiktok, Facebook… họ biết tới quán cắt tóc của Thành.
Nỗ lực hết mình với các hoạt động vì cộng đồng
Vừa chăm chỉ xây giấc mơ của mình nhưng Thành cũng nhiệt tình hoạt động trong cộng đồng người điếc để giúp những người cùng cảnh ngộ xây giấc mơ của riêng họ.
Theo phiên dịch viên Nguyễn Phương Hà (18 tuổi, quận Tây Hồ): Là sinh viên Trường Đại học Sư phạm; trợ giảng ở lớp học ngôn ngữ ký hiệu (Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu của Hà Nội), ban đầu, tôi tham gia giúp đỡ anh Thành cũng như những người điếc với tâm thế sẻ chia nhưng ngược lại chính bản thân tôi như được truyền lửa bởi phong thái tự tin, sự vui vẻ, đáng yêu và nghị lực sống phi thường của họ. Khi nhìn thấy họ như vậy, tôi cũng mong muốn góp một chút sức mình hỗ trợ các bạn, để mọi người biết tới cộng đồng người điếc nhiều hơn, biết tới ngôn ngữ ký hiệu, nhiều người người khuyết tật sẽ được tiếp xúc và học ngôn ngữ ký hiệu hơn. Bởi việc học ngôn ngữ ký hiệu có thể thay đổi cảm xúc, thậm chí là thay đổi cuộc đời của các bạn điếc. |
Trở thành nhà tạo mẫu tóc giỏi giang, Thành không hề có ý định giấu nghề. Từ tiệm cắt tóc của mình, Thành luôn muốn giúp đỡ những người điếc như mình có cuộc sống tốt hơn. Từ năm 2011, ngoài việc dạy nghề tóc cho các học viên đồng cảnh ngộ, anh còn dạy họ cả ngôn ngữ ký hiệu chuyên biệt, cũng như kỹ năng sống hàng ngày.
“Họ cũng là những người kém may mắn như tôi. Nên tôi muốn tạo điều kiện cho những bạn các bạn học nghề và làm việc để tự nuôi sống bản thân mình, cũng như để họ trở thành những người có ích cho xã hội”, Thành chia sẻ.
Tính đến nay, Thành đã dạy nghề cho hơn 50 học viên thành nghề ở nhiều lứa tuổi khác nhau và tạo việc làm cho nhiều bạn phụ việc. Nhiều người sau khi tốt nghiệp tiếp tục ở lại phụ giúp Thành Nguyễn trong công việc, còn một số bạn khác đã tự mở được cửa hàng riêng và tự lập trong cuộc sống mưu sinh.
Là một trong những nhân viên trẻ tuổi tại quán, Phương Anh (20 tuổi, quê Hà Nam) đã gắn bó và làm phụ việc tại đây được hơn 2 năm.
“Được học và làm việc cùng những người cùng hoàn cảnh với mình giúp tôi được sẻ chia và có thêm động lực trong cuộc sống. Từ ngày làm phụ việc tại quán cắt tóc, tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên, tôi cảm thấy rất phấn khởi và trân trọng công sức của mình”, Phương Anh chia sẻ.
Vượt qua giới hạn bản thân Thành đã giành được nhiều giải thưởng danh giá về tạo mẫu tóc. |
Hay hoàn cảnh của Đường Thị Hương (20 tuổi, quê Lạng Sơn) sau hơn 1 năm học việc, cô đã trở thành một thợ tóc chuyên nghiệp tại Thành Nguyễn. Hương cũng giống như nhiều thành viên khác khi đến đây, kỹ năng sống và ngôn ngữ ký hiệu đều rất kém nhưng nhờ có Thành chỉ dạy giúp đỡ, cô tiến bộ rất nhanh và hiện đã tự tin với mọi yêu cầu của khách hàng khi vắng mặt ông chủ tại quán.
Không chỉ nỗ lực hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ từ hiệu tóc, Thành cũng thường xuyên cùng đồng nghiệp tóc, Hội Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tham gia các hoạt động tình nguyện, tổ chức tặng quà cho trẻ em khuyết tật, cắt tóc miễn phí, chia sẻ về con đường mình đang đi, tiếp thêm nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.
Mặc dù là một người điếc bẩm sinh nhưng bằng lòng quyết tâm, nghị lực của mình, Nguyễn Thái Thành đã vươn lên để trở thành nhà sáng lập một nhà tạo mẫu tóc, một chuyên gia trang điểm có tay nghề. Với mong muốn vượt qua giới hạn bản thân Thành Nguyễn đã giành được nhiều giải thưởng danh giá như: Năm 2010, Thành tham gia cuộc thi 1.000 năm tóc và giành giải Triển vọng; năm 2013, Thành giành giải đặc biệt khi tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc Toni&Guy ở thành phố Hồ Chí Minh; Bằng khen “Gương mặt trẻ triển vọng năm 2015” của Trung ương Đoàn… |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Hà Nội: Phát hiện hơn 100 bộ hài cốt vô danh khi thi công hệ thống thoát nước đã được dự đoán trước
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Tin khác
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Gương sáng 10/11/2024 20:28
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10