Nơi ngoại thành chuyển mình
Mở hướng phát triển ở huyện ngoại thành Xã hội hóa phát triển du lịch Thủ đô |
Mùa xuân kết trái, đơm hoa
Xuân đến, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, lại rực rỡ sắc hoa. Ông Trần Minh Tiếp - Chủ tịch Hội Nông dân, bảo với tôi, nhờ nghề trồng hoa lâu năm, nhất là trồng hoa ly những năm gần đây đã giúp nâng cao đời sống của bà con nông dân. Có những hộ gia đình cho thu nhập từ trồng hoa lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Theo tìm hiểu, tính riêng giá trị về trồng trọt năm 2021 tại xã Tam Thuấn đã ước đạt trên 88 tỷ đồng.
Người dân thu hái những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm ở huyện Thạch Thất. Ảnh: Giang Nam |
Đáng chú ý, Tam Thuấn có nghề trồng hoa từ nhiều năm nay. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng hoa trên địa bàn xã là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường, qua đó đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp của huyện Phúc Thọ. Đại diện Hội Nông dân xã cho hay, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển nghề trồng hoa, quy hoạch theo vùng. Đặc biệt, Tam Thuấn sẽ phát triển trồng hoa theo hướng vừa kinh doanh vừa du lịch.
Đó là vùng chuyên canh hoa Tam Thuấn, còn ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), cây mai trắng cũng đang giúp nhiều hộ gia đình vùng này có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng cho biết, ở Tản Lĩnh, bên cạnh đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương không ngừng được nâng cao thì tỷ lệ hộ nghèo tại đây cũng được giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018, Tản Lĩnh có 218 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,95%; năm 2019, có 189 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,3%; năm 2020, còn 73 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,83%. Riêng trong năm 2021, xã Tản Lĩnh còn 34 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,83%.
Được biết, tận dụng thế mạnh tự nhiên, nhiều hộ dân xã Tản Lĩnh đã tìm cách trau dồi kỹ năng, chuyển đổi sản xuất, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Phạm Đình Hùng chia sẻ, ở Tản Lĩnh bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Chẳng hạn, trên địa bàn xã có thôn An Hòa với 240 hộ thì hơn 60% số hộ trồng mai trắng, tận dụng từ đất vườn nhà hoặc đất thuê thầu, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác.
Thực tế, ngoài xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ), xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội nói chung và các huyện, xã ngoại thành nói riêng đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh lớn, hình thành được một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao như làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn (huyện Thường Tín); làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; làng nghề hoa Đại Bái (huyện Mê Linh); làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng (huyện Gia Lâm); làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá (huyện Đông Anh)…
Bằng những kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng hoa, cây cảnh, nhất là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên mô hình trồng hoa, cây cảnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại các địa phương.
Nông thôn mới, sinh khí mới
Cuộc sống của người dân đang trên đà đổi thay mạnh mẽ cùng với làn gió mới đến từ chương trình xây dựng nông thôn mới của người Hà Nội. Khu vực ngoại thành khang trang hơn, sạch đẹp hơn từng ngày. Chẳng khó để thấy điều này ở các địa phương nơi được xem là xa xôi bậc nhất Thủ đô. Khánh Thượng là một ví dụ. Đây là xã miền núi xa nhất huyện Ba Vì với 50% dân số là đồng bào dân tộc ít người.
Những năm trước đây, hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm... đều khó khăn. Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thượng đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, đường liên xã, liên thôn của xã đã được bê tông; đường ngõ xóm được cứng hóa; các thôn của xã đều đã có nhà văn hóa, sân thể thao. Những mô hình phát triển kinh tế từ trồng rừng đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật... đã góp phần cải thiện đời sống người dân.
Kinh tế xã hội phát triển, không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi. Xuân ấm áp đang khoác lên nhiều làng quê của Hà Nội những tấm áo mới. Nhiều xã từ chỗ khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao thì nay đã bứt phá, đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao… làng xóm khang trang hơn, đời sống người dân ổn định, sung túc hơn. |
Cũng giống như Khánh Thượng, trên cung đường mới được đầu tư, trải nhựa phẳng phiu, tôi tiếp tục ngược về đến xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Nhìn Tiến Xuân thời điểm này, hẳn ít người biết chỉ cách đây hơn một thập kỷ trước, nói về Tiến Xuân cùng với Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân là nói về bốn xã xa xôi, heo hút. Nào là đường đi khó khăn, núi đồi trùng điệp, ban đêm chỉ có ánh đèn dầu heo hắt vì chưa có điện sinh hoạt... Bây giờ, đường về các xã “vùng khó” năm nào được trải nhựa phẳng lỳ, ô tô, xe máy chạy bon bon qua những vạt ruộng thẳng cánh cò bay, những đồi sắn xanh mướt trải dài.
Không chỉ riêng đường quốc lộ, đường liên huyện, liên xã mà ngay cả đường thôn, ngõ xóm cũng được trải thảm bê tông sạch đẹp. Dọc bên đường và thấp thoáng giữa những tán cây là những ngôi nhà cao tầng, khang trang, hiện đại. Ðiện sinh hoạt được kéo về từng nhà. Tối đến, ánh đèn sáng trưng đường làng ngõ xóm, tiếng ti vi, tiếng đài loa rộn ràng…
Ông Đinh Công Lực - Trưởng Thôn 3, kể, chỉ trong vòng ít năm Tiến Xuân được Thành phố và huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Tiến Xuân đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động đổ bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Nhờ huy động được nhiều nguồn lực của huyện và Thành phố, đồng thời khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi của địa phương đã được xây dựng và tu sửa khang trang.
Chị Tạ Thị Hồng - Chi hội phó Hội phụ nữ thôn 3, chia sẻ, ngoài phát triển kinh tế, những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Thạch Thất và thành phố Hà Nội, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Tiến Xuân được duy trì, nâng cao. Từng không có bộ cồng chiêng nào, đến nay, Tiến Xuân đã có hàng chục bộ và văn hóa cồng chiêng còn được đưa vào chương trình học tập tại các trường học trên địa bàn xã. Ngoài ra, Thành phố và huyện Thạch Thất còn mở nhiều đợt tập huấn, tạo điều kiện để các đội cồng chiêng tham quan, tìm hiểu văn hóa người Mường ở các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình... Nhờ vậy, bản sắc văn hóa, nét đẹp trong phong tục, tập quán của Tiến Xuân được bảo lưu và ngày càng phát huy tích cực.
Có thể thấy, bên cạnh việc nâng cao vật chất thì yếu tố tinh thần của người dân ngoại thành cũng được chú trọng đẩy mạnh. Ở vùng ngoại thành, sự phát triển giữa các nơi có sự khác nhau song điểm sáng chung đó là sự thay đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân. Thay vì phát triển manh mún, lạc hậu trong sản xuất thì nay người nông dân đã biết mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng vùng miền và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp kinh tế phát triển. Chẳng hạn, tại các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Thạch Thất đã nở rộ các mô hình làm kinh tế giỏi. Ở các xã từng một thời là “vùng khó” thì nay có hàng trăm hộ dân tập trung vào phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn mường, nuôi gà thả đồi quy mô lớn…
Hơi ấm mùa xuân đã len lỏi đến từng ngôi nhà, từng thôn xóm, làng quê, đọng niềm vui trên gương mặt mỗi người. Xuân mới đang về cũng mang theo những dự định mới, kỳ vọng mới về công cuộc đổi mới nông thôn để các miền quê Hà Nội ngày càng trù phú, thật sự là những không gian văn hóa, là nơi đáng sống của mỗi người dân./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Nâng cao thể lực, sẵn sàng cho mùa giải đấu lớn
Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN
Hà Nội tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số
“Xanh hóa” dòng vốn đầu tư để phát triển kinh tế bền vững
Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca mắc sởi
Tin khác
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên
Nhịp sống Thủ đô 25/11/2024 06:18
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 24/11/2024 08:24
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 21:39
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Nhịp sống Thủ đô 23/11/2024 16:17
Phường đầu tiên của quận Tây Hồ nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”
Thủ đô 23/11/2024 12:52
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53