Những người bố “đặc biệt” nơi biên ải
Tự hào lá cờ Việt Nam trên hành trình chinh phục miền biên ải Chung tay xây dựng nông thôn mới vùng biên ải |
Đổi thay những mảnh đời
Những năm qua, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước nói chung và Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên nói riêng tích cực triển khai. Ngoài tính nhân văn sâu sắc, mô hình còn có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào các dân tộc, từ đó xây dựng nền biên phòng toàn dân.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng mang tình cảm đến với trẻ em nơi biên ải xa xôi. |
Từ sáng sớm, ở sân Đồn Biên phòng Si Pha Phìn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), có hai cậu bé tham gia tập thể dục buổi sáng cùng các cán bộ, chiến sĩ. Đó là hoạt động bắt đầu ngày mới của “Con nuôi đồn biên phòng” Ly A Chùa (sinh năm 2009, học lớp 6 Trường Trung học cơ sở Tân Phong, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) và Vàng A Ngọn (sinh năm 2003, học lớp 2 Trường Tiểu học Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Thiếu tá Trịnh Văn Thắng (Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Pha Phìn) là người được tin tưởng chọn “làm bố” của Chùa và Ngọn.
“Đây là một nhiệm vụ đặc biệt vì không những cần sự nghiêm túc, chuẩn chỉ, đúng điều lệnh, nội quy của người lính mà còn cần tình cảm gia đình. “Làm bố”, nghe đơn giản vậy thôi nhưng đâu có dễ, nhất là dành cho những em nhỏ sớm phải chịu hoàn cảnh khó khăn, miếng ăn còn thiếu chứ nói gì đến kỹ năng sống”, Thiếu tá Thắng chia sẻ.
Thiếu tá Thắng nhớ lại: “Ly A Chùa được đón về Đồn từ tháng 10/2020, còn Vàng A Ngọn ở Đồn từ tháng 1/2021. Hoàn cảnh của hai em đều rất đáng thương, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những ngày đầu, lũ trẻ sụt sùi vì nhớ nhà và có khi còn hơi “giật mình” bởi điều lệnh, bởi những tiếng hô hào đều tăm tắp và tính quy củ của môi trường quân đội. Vậy là “bố” và các chú phải dỗ dành rất nhiều, giúp các con dần quen với khuôn khổ. Các con được bố trí phòng riêng, có góc học tập riêng, trang bị đồ dùng, phương tiện sinh hoạt cần thiết và được học cách sắp xếp, bảo quản đồ đạc, vệ sinh nơi ở ngăn nắp".
Không còn những buổi sáng “ngủ nướng”, không phải vội vàng ôm bụng đói đến trường, các con được chăm sóc và dạy dỗ một cách nghiêm túc, từ tốn và tràn đầy tình thương yêu như trong gia đình. Chẳng thế mà rất nhanh, người anh lớn Ly A Chùa hay cậu em nhỏ vừa mới “nhập ngũ” Vàng A Ngọn đều đã chững chạc hẳn, đạt học sinh khá. Đầu tóc gọn gàng, đi về biết thưa gửi, ăn hết suất cơm, biết tự giặt giũ, quét dọn… Nỗi buồn vì sớm phải chịu hoàn cảnh khó khăn đã không còn phảng phất trên gương mặt ngây thơ.
“Chùa học lớp 6 và Ngọn học lớp 2. Hai con đều học khá, chăm ngoan. Các con cũng biết ứng xử, có kỹ năng sống, không còn hoang dại như đóa hoa rừng. Tiếng cười của các con làm ấm áp cả Đồn Biên phòng. Lúc nào vắng chúng thì ai cũng thấy nhớ không chịu được. Có lần 2 con học xong, chúng tôi xuống đón mà không thấy Ngọn đâu. Bộ đội cùng các cô giáo tá hỏa tỏa đi tìm. Gần tiếng sau thấy con đang mải chơi bên suối. Vừa mừng, vừa giận mà chỉ biết ôm con, rồi dặn dò lần sau không được thế. Hay có những lần các con đòi về nhà, Đồn sẽ thông báo với gia đình, phân công cán bộ, chiến sĩ đưa con về hoặc báo cho người thân lên đón. Các con về với gia đình, Đồn vẫn thường xuyên theo dõi, nhắc nhở gia đình trông coi, không để các con mải chơi mà xảy ra mất an toàn...”, Thiếu tá Thắng tâm sự.
Trung tá Lương Hoàn Hiển (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Pha Phìn) cho biết: “Các con tự giác lắm. Sáng dậy sớm quét nhà. Tới giờ là tự lấy ghế ngồi ăn cơm. Chiều về lăng xăng nấu cơm cùng các chú, học các chú tưới hoa, chăm sóc vườn rau… Có các con, cuộc sống ở đồn vốn chỉ có điều lệnh với chỉ huy, giờ thêm tiếng trẻ vui cười, bỗng thân thương như ở nhà”.
Ươm mầm nơi biên viễn
Thiếu tá Thắng vẫn còn nhớ như in bữa cơm đầu tiên khi đón Chùa và Ngọn về Đồn. “Hôm ấy, nhìn các con ăn mà lòng tôi vui sướng. Tôi tự nhủ, những đứa trẻ này từ hôm nay sẽ trở thành con mình rồi…”, Thiếu tá Trịnh Văn Thắng chia sẻ.
Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, những người lính biên phòng còn làm tròn trách nhiệm “người bố” của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh trên tuyến biên giới ngày càng trở nên gần gũi, thân thương với người dân vùng biên; góp phần nâng cao dân trí, củng cố niềm tin, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, từ đó xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. |
Ngày đầu là thế. Càng ở cùng nhau, sự gắn bó càng thêm khăng khít, như có thêm một tình cảm dù vô hình nhưng lại rất thiêng liêng. Ấy vậy mà hành trình làm cha cũng “gian nan” lắm. Ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn còn lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu sư phạm để kèm cặp các em học hành. Em nào ốm, đau đều được chăm sóc chu đáo. Dù vậy, đôi lúc nỗi nhớ nhà vẫn trào lên trong các em, hay có những khi các em mải chơi mà không nghe lời, những người bố, người chú không thể dùng kỷ luật để uốn nắn. Khi ấy, những lời nói dịu dàng, cái ôm ấm áp mới chính là “liều thuốc” ngọt ngào trả lại nụ cười hồn nhiên cho các em.
Thế mới biết, nuôi dạy một đứa trẻ, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng đều cần sự tận tâm, chỉn chu và tình yêu thương chan chứa - như cách Thiếu tá Thắng và đồng đội đang ngày ngày thể hiện với hai đứa con nuôi của Đồn mình. Chẳng thế mà dịp Tết vừa qua - cái Tết đầu tiên kể từ khi các em làm “Con nuôi đồn biên phòng”, khi mọi người trêu: “Tết này con ở lại Đồn hay về nhà?”, cả Chùa và Ngọn chẳng ai bảo ai mà reo lên rất to: “Không, không về, con ở lại Đồn với bố và các chú”.
Được biết, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên. Theo thống kê, hiện có 26 em đang được hỗ trợ theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” tại 13/17 Đồn Biên phòng trong toàn tỉnh.
Có thể khẳng định, “Con nuôi đồn biên phòng” - mô hình được lực lượng Bộ đội Biên phòng phát động, triển khai đã và đang thu lại những hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩ nhân văn sâu sắc. Từ mô hình, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bộ đội Biên phòng nhận nuôi giờ đây như có thêm một ngôi nhà chung, một gia đình mới để chăm sóc, chở che và dạy dỗ. Điều này không chỉ giúp các em có điều kiện ăn, học tốt hơn mà còn tiếp sức, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ vượt lên số phận, trở thành người con có ích để mai này góp sức xây dựng quê hương./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31