Người dân thành phố Hồ Chí Minh: Chung lòng vượt qua đại dịch Covid-19
Ôm con vào nhà máy
Sáng 10/7, chị Hoàng Thị Thơ phải chạy đôn chạy đáo về thu dọn hành lý đưa con vào nhà xưởng của công ty để đảm bảo sản xuất. “Con trai tôi mới 2 tuổi, dịch đang căng thẳng công ty sắp xếp chỗ ở cho chúng tôi nhà máy để đảm bảo sản xuất. Mọi thứ đảo lộn, vợ chồng con cái phải xa nhau nhưng chúng tôi cũng cắn răng đồng lòng cùng chính quyền để vượt qua khó khăn chung này”, chị Thơ nói.
Từ 0 giờ ngày 9/7/2021, tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực. Hàng quán đóng cửa, chỉ những cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động. Nhiều khó khăn với người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp ùa tới.
Kể từ cuối tháng 5/2021, bà Vũ Thị Nga, ngụ tại thành phố Thủ Đức, kinh doanh quán cà phê tại nhà đã gặp nhiều khó khăn, thu nhập ít ỏi khi trải qua ba đợt giãn cách xã hội. Khi thành phố giãn cách theo chỉ thị 16 và cho đóng cửa hàng, bà không còn thu nhập. Chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ còn dựa vào tiền tiết kiệm từ trước. Để trang trải thêm, bà Nga cùng con gái mở bán thêm các loại giò chả, lạp xưởng trên mạng nhưng cũng chỉ đủ tiền mua rau, ăn sáng.
Người dân gặp khó khăn bởi Covid-19 nhận tiền cứu trợ từ Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. |
“Rất may gia đình tôi có hai con gái lớn vẫn còn công việc, có thể phụ giúp tôi chút tiền sinh hoạt. Dù cũng rất lo mất thu nhập, nhưng tôi nghĩ rằng nếu không giãn cách xã hội sẽ rất khó phòng dịch, bản thân tôi cũng sợ lây nhiễm khi gặp khách đến quán, không biết họ đến từ đâu. Bây giờ phải chấp hành phòng dịch thì sau dịch mới có thể tiếp tục làm việc”, bà Nga nói.
Địa phương của bà cũng bắt đầu triển khai lấy thông tin để hỗ trợ chi phí cho các hộ kinh doanh tự do. Hiện tại, gia đình bà cố gắng cân đối chi tiêu chỉ gói gọn ở mức cơ bản là ăn uống - tiền điện, nước và mạng internet, hạn chế mua sắm hay đầu tư, thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ để phòng dịch.
Đi sâu vào mọi tầng lớp của xã hội trong mùa dịch, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư phải chới với trong ngã mưu sinh mới.
Bà Lê Thị Vân (sinh năm 1944) trước nay vẫn dắt người cháu trai 4 tuổi đi bán vé số xung quanh khu vực Chợ Bến Thành (quận 1) mỗi sáng, đến chiều tối thì ngồi bán khăn giấy và kẹo cao su trên góc đường Đồng Khởi giao Lê Thánh Tôn, tối lại trở ra ngủ vờ vật tại Chợ Bến Thành. Khi lệnh giãn cách được ban hành, vé số cũng không thể đi bán, lề đường và tường chợ cũng không thể ngồi, bà Vân xin các anh bảo vệ Chợ Bến Thành cho vào bên trong ngủ nhờ, mỗi ngày ăn nhờ phần cơm của các anh cho.
“Hồi trước dù khổ nhưng vẫn có thể mua sữa cho cháu uống, còn giờ nó khát sữa cũng đành năn nỉ chờ bà vài ngày, tình hình dịch bệnh ổn định lại sẽ cho cháu ăn uống đầy đủ lại ngay”, bà Vân kể.
May mắn vẫn còn công việc mùa dịch, chị Ngô Trúc Loan (nhân viên văn phòng, ngụ tại khu vực làng Đại học Quốc gia thuộc thành phố Thủ Đức) rất ủng hộ việc giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, dù theo ý kiến của chị cần thực hiện sớm hơn. Dù không bị ảnh hưởng thu nhập, nhưng chị Loan lại gặp ảnh hưởng về tinh thần. Chị cho biết khu vực chị sinh sống đã từng bị phong tỏa đến hai lần. Những ngày đầu trôi qua khá nhẹ nhàng, nhưng đến ngày thứ tư thì cảm thấy khó chịu vì mất kết nối với những người xung quanh, khiến chị cảm thấy bồn chồn, lo lắng hơn.
Tuy nhiên, đây là dịp để gia đình chị quây quần và gắn kết hơn khi thường xuyên ở nhà cùng nhau. Chị Loan chia sẻ: “Tôi mong đợt kiểm soát này sẽ giúp ngăn chặn dịch lây lan rộng. Tôi cũng mong các gói hỗ trợ dành cho người nghèo, người lao động mất việc sẽ được triển khai sớm. Vì cá nhân tôi 15 ngày này chỉ là chút bất tiện trong sinh hoạt, nhưng với nhiều người là bế tắc, cuộc sống bị đe dọa”.
Lạc quan thích ứng trong đại dịch
Ngoài sự đoàn kết, đồng lòng cùng Chính quyền trong cuộc chiến chống dịch bệnh, người dân ở thành phố Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đầy lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn.
Suốt nhiều ngày nay, chị Quyên cùng đại gia đình sinh sống ở quận Gò Vấp bận túi bụi với công việc mới là chuẩn bị các suất ăn từ thiện phân phát cho bà con gặp khó khăn trong dịch bệnh Covid-19.
Gia đình chị Quyên vốn nhiều thế hệ cùng chung sống trong một khu vực nên “nhân sự” cho công việc này không thiếu người. Sáng đi chợ, làm cơm canh tấm tế rồi đến chiều tối chị cùng các con, cháu lại đưa cơm ra các khu có người nghèo khó để tiếp trợ bà con.
Chị Quyên cùng gia đình mình phát cơm từ thiện cho bà con gặp khó khăn giữa đại dịch Covid-19. |
“Ngày cao điểm gia đình tôi có thể làm được 200 suất cơm. Trong hoạn nạn của dịch bệnh như bây giờ mình cứ ngồi than thở và sợ hãi thì càng khiến mọi thứ trở nên tội tệ. Gia đình tôi chọn cách nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của nhà nước, bên cạnh đó chúng tôi cùng nhau làm cơm canh nóng hổi để dành cho những người khó khăn hơn mình”, chị Quyên nói.
Chị Quyên cho biết thêm, là người thành phố từ bé đến lớn suốt 45 năm qua chị mới thấy người dân ở thành phố trải qua một đợt dịch bệnh lớn như thế. Chị Quyên cho rằng bao đời nay người thành phố Hồ Chí Minh vốn hào sảng và thơm thảo sống đùm bọc nhau khi khó khăn nên chị tin cuộc chiến dịch bệnh lần này cũng sẽ qua nhanh.
Sinh viên Hoàng Trung Quân (ngụ tại quận Tân Phú) cũng đã từng trải qua đợt phong tỏa khu vực do có ca dương tính Covid-19. Ngoài việc học Quân còn làm công việc sáng tạo nội dung online về ăn uống trên mạng xã hội. Bản thân Quân phải tự trấn an tâm lý khi việc học và thi cử cũng phải chuyển sang online, nhiều hoạt động giải trí cũng không được thực hiện. Quân tự trấn an bản thân bằng cách chấp hành tất cả các chỉ đạo phòng dịch của địa phương, Chính phủ cũng như ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi đầy đủ giữ sức khỏe.
Ở nhà, Quân tìm vui bằng cách chơi đàn piano đăng video lên mạng xã hội. “Em và gia đình luôn luôn chấp hành các quy định phòng dịch và em biết Nhà nước đang rất nỗ lực để chống dịch. Mình cần chấp hành và ủng hộ để dịch mau chóng qua đi để trở lại cuộc sống bình thường. Địa phương của em rất quan tâm đến người dân, trong thời gian bị phong tỏa thì em được cung cấp thực phẩm. Gia đình em vẫn có thể đặt mua thực phẩm từ các siêu thị nên cũng không có nhiều bất tiện”, Trung Quân cho biết.
Tương tự, Hồ Hoài Thương (sinh năm 2001, quê Cà Mau) hiện đang ở trọ tại thành phố Thủ Đức, từ lúc trường bắt đầu cho nghỉ dịch, Thương vẫn không về quê mà bám víu lại mảnh đất xa nhà để đi làm kiếm thêm thu nhập và kinh nghiệm làm việc cho sau này. Thế nhưng vừa mới trụ được vài tháng thành phố phải giãn cách, mọi công việc bị đình trệ. Thương phải quanh quẩn trong căn trọ chỉ hơn chục mét vuông để làm quen với nhịp sống làm việc trực tuyến. Mặc dù vậy, điều đó vẫn không trở thành vấn đề với anh.
“Chỉ có làm việc trực tuyến không tốt lắm, khó ra ngoài kiếm thông tin, gặp đối tác nhưng mình vẫn đang làm quen, còn lại cuộc sống của mình vẫn y như cũ thôi. Mình vẫn đi chợ ở Bách Hóa Xanh, vật giá cao hơn chợ nhưng chất lượng cũng đảm bảo mà. Mình cùng vài người bạn ở ghép cũng là những người hướng nội, thế nên cũng không có nhu cầu ra ngoài nhiều”, Thương tích cực.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Thương cho hay mình đã chuẩn bị sẵn tư thế “đón đầu” chỉ thị 16 và giữ vững tinh thần lạc quan, nâng cao ý thức phòng tránh dịch.
Tính đến chiều 11/7, tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều chuỗi lây đã được kiểm soát, phân loại các vùng nguy cơ để xét nghiệm, chiến dịch tiêm phòng đang diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng. Ngoài các gói hỗ trợ từ Chính phủ cũng như chính quyền thành phố còn có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và sự tương trợ nhau trong mùa dịch của bà con.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Chuyển đổi số 23/12/2024 20:14
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20