Nét xưa nơi cuối nguồn sông Tô
Du lịch làng cổ ven đô, nét xưa còn đó | |
Nét xưa ở làng cổ ven đô Triều Khúc |
Cổng chính làng Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). |
Vùng địa linh, nhân kiệt
Làng Thanh Liệt (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) còn khá nhiều cổng xóm, cổng ngõ và di tích đình, chùa làng nhìn ra sông. Đường hai bên sông Tô được cải tạo, trồng cây và hoa, tạo cảnh quan đẹp, trữ tình. Xã hội đổi thay, đời sống đi lên nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào được sống ở nơi “địa linh, nhân kiệt”.
Thanh Liệt độc đáo ở chỗ một làng mà thành một xã. Trước đây làng có 10 xóm (Chùa Nhĩ, Thượng, Nội, Bơ, Giữa, Cầu, Tràng, Mụ, Vực, Văn), nay chia thành 5 thôn gồm thôn Nội, Tràng, Thượng, Văn và thôn Vực. Thanh Liệt là quê hương lão tướng Phạm Tu (476-545), bậc khai quốc công thần giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương, lập nhà nước Vạn Xuân năm 544. Khi qua đời, lão tướng được vua truy phong là Long Biên hầu, phong là Bản cảnh Thành hoàng và sắc cho dân Thanh Liệt lập miếu, đời đời thờ cúng.
Đặc biệt, Thanh Liệt còn là nơi sinh ra bậc hiền giả Chu Văn An (1292-1370), một tấm gương sáng về đạo làm thầy, được hậu thế tôn vinh là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời. Thi đỗ Thái học sinh, song Chu Văn An không ra làm quan mà mở trường dạy học tại làng Cung Hoàng bên kia sông Tô (nay là làng Huỳnh Cung thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì). Về sau vua Trần Minh Tông (1300-1357) mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông). Làng Huỳnh Cung hiện vẫn giữ được tấm bia cổ và hai trụ cổng trường. Đền thờ Chu Văn An từ xưa đã được dựng ở một vị trí rất đẹp tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, nhìn ra sông Tô Lịch. Trước đền lung linh hoa cỏ và cây cổ thụ, gợi nhớ “người thầy của muôn đời” với nhiều huyền thoại. Ông Đặng Đình Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt chia sẻ: “Dân Thanh Liệt có truyền thống cần cù lao động, chăm chỉ kinh doanh, học tập. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm, đường phố được chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan”.
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, khi Chu Văn An mở trường ở làng Cung Hoàng có một chàng trai tuấn tú đến xin học. Thấy trên chỏm đầu của người này có cánh bèo tấm, thầy Chu biết đó là con vua Thủy Tề. Năm đó nắng hạn dài ngày, toàn vùng thiếu nước, có nguy cơ mất mùa. Biết là cầu mưa, cứu lúa giúp dân là làm trái ý trời, sẽ bị trừng phạt, nhưng người học trò đó vẫn không ngần ngại mà ra giữa sân trường lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời cầu khấn rồi dùng bút chấm mực vảy khắp nơi, sau đó tung nghiên và bút lên trời. Lập tức trời liền đổ mưa. Hôm sau xác thuồng luồng nổi lên ở hồ Linh Đàm. Nơi nghiên mực rơi trở thành Đầm Mực (thuộc xã Đại Áng, Thanh Trì ngày nay). Còn quản bút rơi xuống làng Tó (xã Tả Thanh Oai), từ đó làng này trở thành làng hiếu học, làng văn chương, sinh ra dòng họ Ngô Thì nổi tiếng với nhóm Ngô Gia Văn phái. Để tưởng nhớ người học trò - thủy thần, dân 7 làng Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Linh Đường (phường Hoàng Liệt), Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), làng Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), làng Lê Xá (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) đều thờ làm Thành hoàng làng, sắc phong của các triều đại tôn là Bảo Ninh Vương.
Bảo tồn, phát huy truyền thống
Cách Thanh Liệt chỉ vài trăm mét là làng Đại Từ (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Từ xa xưa ở mặt sau cổng chính của làng đã có bốn chữ “Đại Từ Nghĩa Dân”. Cụ Nguyễn Công Bình, một bậc cao niên trong làng cho biết: Truyền thuyết kể rằng, các cô tiên thường tắm ở hồ Linh Đàm. Một lần có cô tiên để quên bầu vú, người làng Đại Từ nhặt được. Kể từ đó phụ nữ Đại Từ nuôi con rất khéo, nhiều sữa. Nhưng vì là vú tiên nên người Đại Từ không lạm dụng mà mong muốn chia một nửa cho thiên hạ. Vì thế làng có tục nhận con nuôi. Từ lúc lọt lòng trẻ làm con nuôi được phụ nữ Đại Từ cho bú mớm, nuôi dưỡng, chăm sóc còn hơn con mình, đến 4-5 tuổi lại cho về với cha mẹ đẻ. Tiếng thơm “quý con người hơn con mình” lan đến tận kinh thành nên nhà vua ban khen bốn chữ “Đại Từ Nghĩa Dân”. Năm 2002 làng đã xây lại cổng, thiết kế kiểu “thượng gia hạ môn”, gồm 2 tầng 8 mái. Mặt sau cổng làng vẫn có 4 chữ “Đại Từ Nghĩa Dân” và đôi câu đối bằng tiếng Việt: “Chính nghĩa tụ ngàn xưa với chữ vua ban càng rực sáng/ Đại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao”.
Điều đáng nói, người dân vùng hạ nguồn sông Tô ngày nay vẫn tích cực bảo tồn, phát huy truyền thống hiếu học. Xã Thanh Liệt có 3/5 trường đạt chuẩn quốc gia, có nhiều “Dòng họ hiếu học” như họ Vũ, Phạm, Nguyễn… Toàn xã và ở cả 5 thôn đều thành lập Hội Khuyến học, các trường trên địa bàn đều có Chi hội Khuyến học. Ông Đặng Đình Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết: “Hằng năm xã có 60% học sinh lớp 12 đỗ đại học, cao đẳng. Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An, UBND xã tổ chức Ngày hội Khuyến học, khen thưởng thầy, cô giáo có thành tích trong công tác dạy học và các học sinh giỏi, thủ khoa, đỗ đại học…”.
Còn ông Trình Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tam Hiệp chia sẻ: “Phát huy truyền thống hiếu học nơi thầy Chu Văn An mở trường, các thế hệ người Tam Hiệp đều nỗ lực học hành, vươn lên. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm xã có hơn 40 em đỗ đại học, năm 2019 là 45 em. Hằng năm Hội Khuyến học khen thưởng 1.100-1.500 học sinh xuất sắc, đồng thời tôn vinh những thầy, cô giáo đạt thành tích cao. Đó là cách làm hay để nâng cao phong trào học tập trên toàn xã”.
Với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc như vậy ở vùng hạ lưu sông Tô, ngành Du lịch có thể xây dựng tour tham quan, bắt đầu từ đền thờ Chu Văn An, Miếu Gàn, chùa Quang Ân, chùa Linh Đường, làng cổ Tả Thanh Oai và sang bên kia sông Nhuệ có làng cổ Cự Đà. Bởi Tiên triết Chu Văn An được người đời mến mộ, di tích liên quan đến ông được xây dựng ở nhiều nơi, nhưng không phải ai cũng biết đến vùng quê thanh bình, hiếu học, hiếu nghĩa, nơi hiền tài được sinh ra.
Theo Diên Khánh/hanoimoi.com.vn
http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/822631/net-xua-noi-cuoi-nguon-song-to
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49