Nâng cao ý thức phòng cháy từ những cách làm hay
Tình hình cháy nổ phức tạp
Mới đây, rạng sáng ngày 25/10, 3 kho hàng chứa vải, dầu cá, giấy... với tổng diện tích gần 2.000 m2 ở huyện Thanh Oai bị thiêu rụi. Hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến 2 trong 3 kho hàng đổ sập. Đáng nói đây không phải là vụ cháy duy nhất xảy ra trong tháng 10. Theo thống kê từ 20 - 25/10, thành phố Hà Nội đã liên tiếp xảy ra 4 vụ cháy, trong đó, có 1 vụ gây chết người. Trước đó, cũng tại huyện Thanh Oai, ngày 10/9, vụ cháy xưởng chăn, ga, gối đệm đã lấy đi mạng sống của 3 người trong một gia đình.
Đặc biệt, tháng 8/2022, vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) khiến 3 chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót... Những sự việc đau lòng trên đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Mô hình PCCC bằng xe ba gác trong các làng nghề tại huyện Thạch Thất. |
Theo chia sẻ của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Trung tướng Nguyễn Hải Trung tại Hội nghị giao ban quý III/2022 của Thường trực Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, tình hình cháy nổ tại Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng tăng lên. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022 (tính từ 15/12/2021 - 14/9/2022) trên địa bàn xảy ra 288 vụ cháy.Trong đó, có 6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy đã khiến 20 người chết và 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2021, tăng 5 vụ cháy, 9 người chết, giảm 3 người bị thương.
Trong đó, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 190 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ. Công tác PCCC tại các địa phương của Thành phố cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do đặc thù địa bàn, thiếu nhân lực, vật lực, ý thức phòng chống cháy nổi của người dân chưa cao...
Với quan điểm, người dân là trung tâm, là chủ thể chính trong phòng, chống cháy, nổ và cứu hộ, cứu nạn, ngay trong tháng 10/2022, UBND quận Cầu Giấy đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch diễn tập PCCC&CNCH tại khu tập thể C1, phố Trần Tử Bình, phường Nghĩa Tân với tình huống cháy từ thắp hương thờ cúng, căn hộ lại chứa nhiều chất dễ cháy, có nguy cơ cháy lan nhanh lên các tầng. Trong khi những tầng trên có nhiều người dân sinh sống bị kẹt. Với kịch bản trên, lãnh đạo quận Cầu Giấy, Công an quận, phường Nghĩa Tân đã chỉ đạo các lực lượng có liên quan, nhân dân hỗ trợ, ứng cứu kịp thời với các bước triển khai nhanh chóng. “Trên toàn quận hiện có khoảng gần 2.000 hộ gia đình chưa mở lối thoát nạn thứ hai. Thông qua diễn tập, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp, mở lối thoát nạn cũng là mở thêm cơ hội sống. Người dân hãy tự trang bị thêm mặt nạ chống độc trong gia đình, vì mặt nạ chống độc có thể giúp người dân không nhiễm khói độc trong khoảng 15 phút, đủ thời gian để thoát ra khỏi đám cháy”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết. |
Thông tin về tình hình cháy nổ tại Hội nghị tổng kết công tác PCCC địa phương diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, Thường Tín có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao. Nổi bật là làng nghề tại xã Tiền Phong chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm và làng nghề tại xã Duyên Thái, chuyên sản xuất vàng mã, sơn mài. Tuy nhiên, nhận thức về công tác PCCC của người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, còn tồn tại tâm lý chủ quan, ỷ lại.
Chính vì vậy, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, công tác quản lý, nhưng trong 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 8 vụ cháy, rất may, các vụ cháy đã được phát hiện kịp thời, nhanh chóng xử lý nên gây thiệt hại ít, đặc biệt là không có thiệt hại về người.
Là hộ kinh doanh tại xã Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ với phóng viên: “Gia đình tôi có truyền thống sản xuất, buôn bán chăn, ga, gối, đệm. Hiểu được những nguy cơ cháy nổ từ mặt hàng này nên chúng tôi đã chủ động sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, chừa lối đi lại thuận lợi, đồng thời bố trí nhiều bình chữa cháy trong nhà. Gia đình cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn PCCC do công an xã, huyện tổ chức. Tuy nhiên, tôi vẫn khá lo lắng vì nhiều gia đình quanh đây chưa thực sự để tâm đến vấn đề này”
Còn tại quận Hoàng Mai, theo Công an quận, trong 9 tháng đầu năm đơn vị nhận được 100 tin báo và vụ việc liên quan đến cháy, nổ; trong đó 1 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn; 13 vụ cháy trung bình. Qua các vụ cháy, có 3 người tử vong và 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản gần 3 tỷ đồng.
Tương tự tại quận Cầu Giấy, theo Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận xảy ra 24 vụ cháy, 17 sự cố cháy, trong đó: 1 vụ cháy nghiêm trọng, 5 vụ cháy trung bình. Trước tình hình này, công tác kiểm tra được tăng cường, tập trung vào đối tượng, ngành, nghề có nguy cơ xảy ra cháy lớn như: Chợ, trung tâm thương mại, khu chung cư. Kết quả cho thấy, địa bàn quận có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Trong đó, 85/208 cơ sở vi phạm về trang bị phương tiện PCCC; 51 cơ sở vi phạm về hồ sơ quản lý; 41 cơ sở vi phạm về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; 35 cơ sở vi phạm về đường, lối thoát nạn; 609 cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy, nổ; 12 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cũng cho biết thêm, mặc dù đã rất nỗ lực, song hiện nay, công tác PCCC trên địa bàn quận vẫn gặp không ít khó khăn. Dẫn chứng về việc này, theo ông Hà, địa bàn quận Cầu Giấy rộng, mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, nhiều công trình nhà ở tập thể cũ, xuống cấp. Quận còn có nhiều ngõ sâu, nguồn nước chữa cháy, phương tiện chữa cháy thiếu.
Sống cuối con ngõ nhỏ tại Làng Vòng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) khi nói với phóng viên, ông Nguyễn Duy Khoa không khỏi lo lắng mỗi khi nhắc tới nguy cơ cháy nổ tại nơi mình ở. “Tại Làng Vòng các con ngõ đều sâu và nhỏ, nếu có cháy nổ xảy ra các phương tiện PCCC chuyên dụng rất khó có thể tiếp cận, việc nối vòi chữa cháy vào tận nơi cũng mất nhiều thời gian. Vì vậy, đa số người dân ở đây đều phải tự trang bị kiến thức PCCC để có phương án xử lý kịp thời”, ông Khoa bày tỏ.
Đa dạng các mô hình phòng cháy chữa cháy
Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, thời gian qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố Hà Nội và các địa phương đã phối hợp triển khai nhiều cách làm hay để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ. Tiêu biểu như triển khai rộng rãi mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC&CNCH nạn theo phương châm 4 tại chỗ” - gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Bước đầu mô hình đã giúp xử lý tình huống rất tốt khi xảy ra sự cố, mang lại hiệu quả cao về PCCC...
| |
Các địa phương thành lập tổ “Liên gia an toàn PCCC”. |
Ví như, tại phường Bồ đề, quận Long Biên, xác định quận là địa bàn có nhiều ngõ nhỏ, hẹp tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ. Do đó, tổ PCCC ở phường Bồ Đề đã áp dụng thành công biện pháp cứu hỏa, nhanh chóng dập lửa, giảm tối đa thiệt hại cho người dân. Điển hình, ngày 4/6, tại một nhà kho ở khu vực ngõ 84 Phú Viên đã xảy ra một vụ hỏa hoạn. Những người đầu tiên phát hiện ra đám cháy là các hộ dân sinh sống ở gần đó. Bằng kiến thức đã được tập huấn từ trước ở mô hình Hộ gia đình an toàn PCCC&CNCH theo phương châm 4 tại chỗ, người dân và các tổ PCCC của phường đã nhanh chóng sử dụng bình cứu hỏa, máy bơm nước… kiểm soát đám cháy, không để lây sang khu vực lân cận.
Có được những việc làm thiết thực như trên, ông Lê Bá Sơn - Tổ trưởng tổ dân phố số 6 phường Bồ Đề cho biết, tổ PCCC thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng chức năng đi kiểm tra đột xuất các hộ gia đình đang thực hiện kinh doanh tại nhà, nếu phát hiện cơ sở còn chưa bảo đảm an toàn sẽ nhắc nhở và đề nghị sớm có biện pháp khắc phục. Theo ông Lê Bá Sơn, các tổ PCCC cùng công an khu vực trực tiếp in và phát tờ hướng dẫn PCCC tới 13 liên gia trong tổ dân phố. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân chuẩn bị đầy đủ thiết bị PCCC trong gia đình và diễn tập cách sử dụng. Do đó, khi phát hiện cháy, các hộ dân đã xử trí kịp thời.
Hay như mới đây, mô hình sử dụng xe ba gác để PCCC tại các làng nghề thuộc huyện Thạch Thất cũng nhận được đánh giá cao từ lực lượng chức năng vì tính linh hoạt, sáng tạo. Tại buổi diễn tập PCCC diễn ra mới đây trên địa bàn huyện, Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) cho biết, do địa phương có tính chất làng nghề truyền thống là nơi tập trung nhiều nhà xưởng, cơ sở sản xuất và lưu trữ các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như gỗ, xốp, sơn, hoá chất… đều là các chất dễ bắt lửa, gây cháy tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn rất cao. Ghi nhận, năm 2020 tại Hữu Bằng đã xảy ra 10 vụ cháy, năm 2021 là 8 vụ cháy. Trong đó, có những vụ cháy lan rất nhanh, thiêu rụi nhiều nhà xưởng, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trước tình hình đó, xã Hữu Bằng đã có ý tưởng cải tạo xe ba gác trở thành phương tiện PCCC. Việc triển khai mô hình cải tiến xe ba gác chở hàng thành xe cứu hỏa mini để tăng cường công tác PCCC được coi là sáng kiến độc đáo phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực tại làng nghề. Hiện nay, tại Hữu Bằng có 4 xe ba gác chở hàng được nâng cấp, trang bị thêm téc nước (khoảng 1 khối), máy bơm cáo áp, thiết bị cứu hộ… chở thành xe chuyên chữa cháy. Chi phí mỗi chiếc “cứu hoả” mini này khoảng 100 triệu, được đầu tư từ nguồn xã hội hoá, do doanh nghiệp và người dân đóng góp.
Diễn tập các phương án PCCC. |
Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho hay, các làng nghề ở Thạch Thất tập trung nhiều nhà xưởng san sát, chủ yếu sản xuất đồ gỗ, tập trung nhiều vật liệu dễ cháy. Từ thực tế này, Ban chỉ huy Công an huyện Thạch Thất phối hợp với nhân dân xây dựng mô hình cải tiến xe ba gác thành xe chữa cháy lưu động. Ban đầu, mô hình xe 3 gác chữa cháy tại làng nghề được hoán cải từ xe chở hàng của người dân, chở theo 1 máy bơm cao áp, bình nước…, dễ dàng di chuyển trong các địa bàn có lối đi nhỏ hẹp.
Ngay sau khi nhận thấy hiệu quả, đơn vị cùng với nhân dân địa bàn đã nâng cấp cải tiến nhiều lần; lắp đặt thành công 2 máy bơm có công suất khác nhau, tăng dung tích bình chứa nước lên 1.200 lít. Bên cạnh đó, nhiều vật liệu chuyên dụng chữa cháy khác được trang bị trên xe, bảo đảm tiếp cận đám cháy nhanh nhất theo phương châm PCCC “4 tại chỗ”... Chiếc xe trang bị nhiều công năng nên phát huy tối đa hiệu quả chữa cháy ban đầu. Hiện tại, mô hình chữa cháy này đang được áp dụng tại nhiều làng nghề huyện Thạch Thất và có thể được nhân rộng trong thời gian tới.
Cùng với các mô hình trên, lực lượng PCCC&CNCH Thành phố và các địa phương cũng đa dạng các hình thức truyên truyền bằng cách thường xuyên tổ chức diễn tập PCCC&CNCH tại các trung tâm thương mại, cây xăng, chợ, trường học… với sự phối hợp của các lực lượng PCCC cơ sở. Hay thành lập các tổ “Liên gia an toàn PCCC”. Mô hình này hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản nhằm tập các hợp hộ kinh doanh, hộ gia đình huy động sức dân cùng phối hợp, hỗ trợ trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và an ninh, trật tự.
Điểm đặc biệt của mô hình ở chỗ, mỗi hộ gia đình cũng được lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1 tòa nhà; lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút ẩn ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau để khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều kêu, từ đó các hộ gia đình đều biết để hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy… Các mô hình này hiện đang được nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn Thành phố và mang lại những kết quả tích cực./.
Trước thực trạng cháy nổ diễn biến phức tạp, Công an quận Hoàng Mai cho biết đã báo cáo Quận ủy, UBND quận thực hiện mô hình điểm Cụm liên kết “phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong công tác PCCC tại cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàng Mai”, và tổ chức thành công Hội thao chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC cơ sở các cơ quan, doanh nghiệp mô hình điểm cụm liên kết; tổ chức xây dựng mô hình “Tổ dân phố an toàn về PCCC &CNCH” trên địa bàn quận Hoàng Mai; Tổ liên gia an toàn PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an; Thực hiện chuyên đề “Nhà tập thể an toàn PCCC&CNCH gắn đảm bảo an ninh trật tự” trên địa bàn quận Hoàng Mai; hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước đối với UBND 14 phường, đồng thời thực hiện nghiêm và xử lý triệt để các tồn tại vi phạm trong lĩnh vực PCCC&CNCH. |
Nên xem
Thủ tướng gửi Thư khen đội tuyển Việt Nam và chúc Xuân Son sớm phục hồi sức khỏe
Tỷ giá USD hôm nay (6/1): Ghi nhận sự ổn định trên thị trường trong nước
Giá vàng hôm nay (6/1): Tương đối ổn định
Công an Hà Nội trực 100% quân số sau trận chung kết lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan
Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quan hệ lao động và tiền lương
Những trường hợp được cộng điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT
Nhiều điểm sáng trong hoạt động công đoàn huyện Phúc Thọ
Tin khác
Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa hỏa hoạn dịp cuối năm
Phòng chống cháy nổ 03/01/2025 11:47
Chủ động phòng chống cháy nổ tại nơi thờ tự dịp cuối năm
Phòng chống cháy nổ 31/12/2024 08:14
Hà Nội: Cháy ngùn ngụt kho lốp ô tô trên phố Nguyễn Cảnh Dị
Phòng chống cháy nổ 20/12/2024 08:24
Loạt xe máy bị thiêu rụi tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng có được hưởng bảo hiểm?
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 18:33
Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ việc sấy, sưởi ấm trong mùa đông
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 09:45
Xác định hung thủ đốt quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 07:23
Bí thư Thành ủy Hà Nội đến hiện trường chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng
Phòng chống cháy nổ 19/12/2024 07:14
Cháy nhiều nhà xưởng, cửa hàng đồ gỗ ở xã Hữu Bằng, Thạch Thất
Phòng chống cháy nổ 12/12/2024 22:38
TP.HCM: Đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ dịp Tết Dương lịch 2025
Đô thị 11/12/2024 11:07
Nhanh chóng dập tắt đám cháy khu lán tạm, tập kết rác
Phòng chống cháy nổ 10/12/2024 12:20