Nâng bước em đến trường nơi vùng cao biên giới
Dân vận miền biên giới Tự hào những người lính mang quân hàm xanh |
Nuôi ước mơ đến trường cho học sinh khó khăn
Những năm qua, chương trình “Nâng bước em đến trường” đã được lực lượng bộ đội biên phòng cả nước nói chung và bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La nói riêng tích cực triển khai. Ngoài tính nhân văn sâu sắc, chương trình còn có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các chiến sĩ với đồng bào các dân tộc, xây dựng nền biên phòng toàn dân.
Thượng úy Lìu Láo Lanh giúp đỡ, hướng dẫn các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Tương học bài. Ảnh: P.T |
Giỏi tiếng Mông, am hiểu văn hóa bản địa, Thượng úy Lìu Láo Lanh (Ban Công tác vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Chiềng Tương) đã xung phong tham gia chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phát động và gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Tương (xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) được 6 năm.
Thượng úy Lanh cho biết, đến nay anh đã có hơn 15 năm tuổi quân. Trước khi về Đồn Biên phòng Chiềng Tương, anh đã có khoảng chục năm đóng quân ở Đồn Biên phòng Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). “Công việc khi đó hoàn toàn khác, không liên quan gì đến dạy học. Được phân công về đây, trực tiếp làm công việc cắm bản, hỗ trợ các em học sinh bám trường, bám lớp ban đầu khó khăn lắm” - Thượng úy Lanh chia sẻ.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đang hỗ trợ 80 học sinh (trong đó có 70 học sinh Việt Nam và 10 học sinh Lào) với số tiền 500.000 đồng/em/tháng). Để tiếp tục duy trì, nhân rộng, tạo hiệu quả tốt trong việc thực hiện chương trình, tới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của chương trình đến tất cả cán bộ, chiến sĩ; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thể hiện sự tri ân của bộ đội biên phòng với đồng bào biên giới bao năm đã cùng kề vai, sát cánh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc. |
Thượng úy Lanh nhớ lại, những ngày đầu, học sinh trốn học giữa giờ đi chơi rất nhiều, có khi chỉ đi từ chỗ ăn ngủ sang chỗ học cũng “chạy đâu” mất mấy em. Để thuyết phục các em thì không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà phải dùng cái lý, cái tình để thuyết phục. Nói đúng cách thì các em sẽ nghe ngay.
Chuyện đau đáu với Thượng úy Lanh nhất là có nhiều em bỏ học giữa chừng. Lý do đưa ra thì rất nhiều, có em nghỉ học để phụ giúp bố mẹ, có em nghỉ học để lấy chồng. Mỗi khi nhận tin có em bỏ học, Thượng úy Lanh đều tìm đến từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh và vận động.
“Nói một lần chưa nghe, hôm sau tôi lại đến. Nếu chưa nghe hôm sau lại đến tiếp… Tôi kể về câu chuyện của chính mình, đồng thời kết hợp cùng thầy cô giáo giảng giải, động viên để đồng bào thấy tương lai con em chỉ có thể mở ra khi có cái chữ. Những trường hợp khó khăn thì tôi báo cáo đơn vị để hỗ trợ cho các em. Và cứ thế, nhiều em đã được trở lại trường. Tỷ lệ nghỉ học, bỏ học giảm hẳn” - Thượng úy Lanh tâm sự.
Thầy giáo Lê Xuân Hiền (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chiềng Tương) cho biết, dù nhà cách trường chỉ có vài km nhưng không mấy khi Thượng úy Lanh về. Bám bản, bám trường, ngoài công việc vận động học sinh không bỏ học, hàng sáng, Thượng úy Lanh đều đi các phòng hướng dẫn các em học sinh gấp chăn màn, sắp xếp quần áo, sách vở để lên lớp đúng giờ. Tối đến, anh cùng các thầy cô kèm học sinh những bài khó. Nhờ có bộ đội biên phòng, các em đã có nền nếp tốt, yêu trường, yêu lớp. Qua các cuộc giao lưu, chơi trò chơi, sinh hoạt bán trú, các em còn được hướng dẫn các kỹ năng sống, biết phòng, chống nạn tảo hôn...
Nhờ có động lực từ trường, lớp và tình cảm của các chú bộ đội, học sinh của trường mỗi ngày một ngoan, tình cảm, lễ phép khiến cho đội ngũ giáo viên của trường thêm yêu, thêm gắn bó với bục giảng.
Lan tỏa tình yêu thương
Đã hơn 3 năm, tiệm cắt tóc nhỏ mang tên “Tay kéo biên phòng” đều đặn được mở cửa “đón khách” vào mỗi chiều thứ 5 hàng tuần tại các điểm trường của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Xuân (xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Đây là một trong rất nhiều hoạt động của Đồn Biên phòng Chiềng Sơn nhằm hưởng ứng chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phát động.
Trước giờ “mở cửa”, các em học sinh sẽ được thầy cô dặn dò qua loa phóng thanh rằng bạn nào tóc dài, đang muốn cắt thì đăng ký với cô Tổng phụ trách. Đúng giờ, 2 chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn mang theo hai chiếc hộp lớn chứa tông đơ, kéo, lược… đến trường, tiệm cắt tóc chính thức mở cửa. Học sinh ùa ra. Em nào được cắt thì ngồi ngay ngắn, vẻ mặt háo hức chờ ngắm kiểu tóc mới; còn em nào phải chờ thì sốt ruột, ánh mắt dõi theo từng đường cắt của chú bộ đội. Cứ mỗi buổi như thế, khoảng 15 - 20 em nhỏ được cắt tóc gọn gàng, vui vẻ hơn và để lại sự ngóng chờ cho những em “tóc hôm nay chưa kịp dài, để lần tới cắt nhé”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cắt tóc cho các học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Xuân. Ảnh: P.T |
Được biết, ở đây, bà con sinh sống chủ yếu là người dân tộc. Trước đây, các em nhỏ phải nghỉ học nhiều do thời tiết khắc nghiệt, bố mẹ đi lên nương từ sớm không đưa được con đến trường. Thêm nữa, nhiều phụ huynh không biết tiếng phổ thông và các thầy cô đa phần đều từ thị trấn Mộc Châu lên giảng dạy nên gặp khó khăn trong vận động đưa học sinh đến trường nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội biên phòng.
Để vận động các em thích đến trường, mô hình “Tay kéo biên phòng” đã ra đời và do Đồn Biên phòng Chiềng Sơn phối hợp với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Xuân triển khai. Theo Trung úy Giàng A Sứ (Đồn Biên phòng Chiềng Sơn), các em học sinh rất ngoan, thấy các chú đến đều chào rất lễ phép, reo vui như thể thấy người nhà. Cắt tóc cho mỗi em hết khoảng 10 phútnhưng cũng có khi lâu hơn. Đó là khi có em thấy kiểu tóc “độc, lạ” trên mạng nên đòi chú cắt theo hoặc mải trò chuyện với các chú hay quá nên cắt xong rồi mà chưa muốn về. Vậy là các thầy cô giáo phải ra khuyên nhủ, dỗ dành.
Có thể khẳng định, chương trình “Nâng bước em đến trường” do cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La triển khai thực hiện đã và đang thu được những hiệu quả thiết thực. Không chỉ tiếp sức nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tự tin, vững bước tới trường mà những giá trị nhân văn lan tỏa từ chương trình còn góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Noel trong tôi
Cuối năm, tăng cường xử lý vi phạm về giao thông
Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo tăng trưởng bền vững
Thủ tục báo tăng đóng bảo hiểm xã hội
Tin vui: Người dân được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH trước Tết
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi “xanh”
Đánh giá tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Tin khác
Noel trong tôi
Văn hóa 24/12/2024 08:32
Năm bứt phá ngoạn mục của du lịch Thủ đô
Đề án Hà Nội 24/12/2024 07:40
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Chuyển đổi số 23/12/2024 20:14
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40