Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023: Siết chặt từng khâu, cẩn trọng từng việc
Ngày 15/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc
Qua thực tế kiểm tra tại địa phương, báo cáo của các tỉnh và ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã đạt được các kết quả trên 7 phương diện.
Thứ nhất, công tác phối hợp đã được triển khai thực hiện tốt giữa các bộ, ngành, địa phương; ở cấp tỉnh là sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành địa phương.
Thứ hai, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ thí sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả, tổ chức thi thử… Phương châm không thể bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn, đường sá xa xôi, cách trở mà không dự thi được.
Quang cảnh Hội nghị. |
Thứ ba, cho đến thời điểm này, hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức kỳ thi cơ bản hoàn thiện. Cấp Trung ương đã ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi; thành lập Ban Chỉ đạo cấp Trung ương, phân công Ban Chỉ đạo; ban hành các văn bản hướng dẫn thi... Ở cấp tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị của tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt các tỉnh đã có kế hoạch đầy đủ, chi tiết, bài bản, bao quát được các công đoạn, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ nội dung, rõ sản phẩm và rõ thời gian.
Thứ tư, đã thành lập và đi vào hoạt động các bộ máy để lãnh đạo, chỉ đạo, như Ban Chỉ đạo cấp Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; các Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi và đã phân công nhiệm vụ rõ ràng, đi vào vận hành.
Thứ năm, đã làm tốt công tác tập huấn. Với Bộ GD&ĐT, Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ, Vụ Giáo dục Đại học đều đã tổ chức tập huấn cho các tỉnh, thành phố. Công tác tập huấn cấp Trung ương đã triển khai theo đúng kế hoạch, nội dung, chặt chẽ, bài bản và toàn diện. Tới đây, các tỉnh thành tiếp tục theo kế hoạch, tập huấn xong cho các cán bộ coi thi, hoàn thành chậm nhất đến 24/6.
Thứ sáu, đã và đang làm tốt công tác kiểm tra quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ban Chỉ đạo đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, Bộ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra 3 tỉnh. Đến thời điểm này, cấp Trung ương đã làm việc trực tiếp với 12 tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục. Thanh tra Bộ đã thành lập 10 đoàn kiểm tra và theo kế hoạch kiểm tra 20 tỉnh/thành. Công tác kiểm tra là một trong những phương pháp, công cụ để tăng cường công tác phối hợp, cùng cộng đồng trách nhiệm; tinh thần nghiêm túc, nhưng thân thiện.
Thứ bảy, chuẩn bị đầy đủ và hết sức sẵn sàng về cơ sở vật chế, trang thiết bị, nhân lực cho kỳ thi.
“Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện hết sức nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá.
Nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời nhận diện những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức kỳ thi năm nay. Theo đó, thuận lợi của kỳ thi là cơ bản giữ ổn định; dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát; học sinh lớp 12 được đến trường học trực tiếp; có lực lượng đủ kinh nghiệm để tổ chức kỳ thi với quy mô lớn, phù hợp với từng địa bàn, từng tỉnh.
Về khó khăn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do đó các trường tăng cường tổ chức ôn tập, thi thử. Khó khăn nữa là có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình - điều này cần phải được quán triệt tuyệt đối. Tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… cũng là những khó khăn cần phải có phương án dự phòng.
“Kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250 nghìn người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Cùng với đó, Kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người - cần lường trước để rà soát tối đa”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Những nội dung cần lưu ý triển khai
Quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quán triệt nhận thức về kỳ thi với tính chất hết sức quan trọng. Kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa là yếu tố đánh giá chất lượng chỉ đạo tổ chức dạy học của địa phương trong giáo dục phổ thông; nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Tính chất quan trọng như vậy, kỳ thi lại tổ chức trên quy mô lớn, số lượng người tham gia đông, các địa phương địa hình khác nhau… nên hết sức phức tạp. Bởi vậy, cần bảo đảm các yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Về những nội dung cụ thể, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các tỉnh/thành quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền, thống nhất thông suốt trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời tổ chức tốt công tác tập huấn. Trong tập huấn cần cá thể hóa từng đối tượng. Yêu cầu không cán bộ, nhân viên nào tham gia tổ chức thi mà chưa được tập huấn. Tùy đối tượng, tùy từng phạm vi có tổ chức kiểm tra sau tập huấn. Công tác tập huấn cũng là chuẩn bị nhân lực cho tổ chức kỳ thi.
Lưu ý về các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh cần chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm về điện cho kỳ thi; đặc biệt công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi - làm sao cán bộ làm công tác này bảo đảm sức khỏe, thoải mái về tinh thần để làm tốt. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Về nhân lực tham gia kỳ thi, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dù cơ sở vật chất chuẩn bị tốt, đầy đủ đến đâu, nhưng quyết định, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, từ khâu lựa chọn đến tập huấn, nhắc nhở giám sát...
Đối với công tác phối hợp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Với quy mô lớn như kỳ thi tốt nghiệp THPT, phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu chung là vì học sinh. Để công tác phối hợp tốt, cơ quan thường trực là Sở GD&ĐT cần chủ động đề xuất.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tinh thần phát hiện, ngăn ngừa, lấy phòng ngừa là chính để bảo vệ cán bộ, học sinh, bảo vệ Kỳ thi và mọi khâu của kỳ thi đều phải có kiểm tra, giám sát.
Đối với công tác truyền thông, tuyên truyền, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, truyền thông trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng truyền thông những nội dung mà nhiều người dân, thậm chí cán bộ, giáo viên, học sinh không biết, như đề thi khi chưa hết thời gian làm bài thuộc cấp độ bí mật nhà nước, lộ đề có thể xử lý hình sự. Cùng với đó, truyền thông về công tác chuẩn bị, công tác thanh tra kiểm tra, về việc tạo mọi điều kiện cho thí sinh dự thi.
Trong quá trình chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi, các địa phương cần lường trước các tình huống cực đoan về thời tiết để chủ động có phương án xử lý. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh đặc biệt đến việc quan tâm hỗ trợ thí sinh, để không thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay giao thông cách trở mà không đến dự thi được; chế độ thông tin báo cáo trong thực hiện nhiệm vụ phải kịp thời theo quy định; chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị điều kiện về hồ sơ, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tại Hội nghị, lưu ý “4 đúng”, “3 không” một lần nữa được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại. Theo đó, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử ly tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
Y học tái tạo - Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp
Y tế 04/11/2024 14:06
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy
Giáo dục 04/11/2024 13:59
Bộ GD&ĐT cảnh báo việc giả mạo văn bản thông báo tổ chức Giải đạp xe
Giáo dục 04/11/2024 12:26
Phú Quốc quyết liệt xử lý lấn chiếm lòng đường, lấy lại cảnh quan
Xã hội 03/11/2024 22:29
Đề xuất công nhận Ngày Chiều cao thế giới
Y tế 03/11/2024 22:25
Đồng hành cùng các gia đình hiếm muộn trên hành trình “tìm con”
Y tế 03/11/2024 19:31
Hà Nội: Khích lệ tinh thần hiếu học của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Cộng đồng 03/11/2024 19:03
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày 4 bảo vật quốc gia
Du lịch 03/11/2024 16:46