Khám phá làng đá “trăm tuổi”
Hồ Tràm từ thiên đường nghỉ dưỡng cuối tuần vươn lên thành điểm đến quốc tế Vân Hồ, Mộc Châu hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của du khách |
Từ tỉnh lộ rẽ vào Khuổi Ky, đi trên con đường nhỏ bằng đất, hai bên là ruộng đồng qua mùa gặt, những đụn rơm vàng ánh trong chiều, chúng tôi có thể cảm nhận được không khí trong lành nơi đây.
Ngược dòng suối đi về phía ngôi làng đá, phong cảnh hữu tình, tiếng nước róc rách, dội vào lòng du khách khúc nhạc cổ xưa viễn xứ. Nếu ai từng cảm nhận được tiếng nhạc rừng, tiếng suối reo, thì ở Khuổi Ky còn có thêm một “bức tranh” thủy mặc là ngôi làng đá.
Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky. Ảnh: Minh Phương |
Để đi vào ngôi làng, chúng tôi bước qua cây cầu lợp mái ngói âm dương bắc qua dòng suối trong vắt, có thể thấy rõ những viên sỏi trắng, nâu ẩn hiện dưới đáy, những chú cá bạo dạn bơi lội, những cánh bướm dập dìu bay lượn. Khó ai có thể cưỡng lại được việc dừng chân trên cây cầu chụp vài bức ảnh để lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời khi được hiện diện ở nơi đây.
Đi qua cây cầu là con đường dẫn vào làng được lát đá hộc. Hàng rào đá ngăn cách những ngôi nhà được xếp một cách công phu, đã tồn tại hàng trăm năm. Những nếp nhà được dựng quây quần bên nhau, có kiến trúc tạo cảm giác bền chặt giữa các gia đình. Trên khoảng sân chung rộng rãi, người nông dân chầm chậm tẽ những bắp ngô vàng ruộm, phơi trên sân đón cái nắng cuối thu.
Người dân trong làng kể lại, ngôi làng được hình thành trong khoảng năm 1594 - 1677 bắt nguồn bởi tập quán dựng nhà bằng đá xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần đá của người Tày. Trong tâm thức của họ, thần đá mang sức mạnh tự nhiên có thể bảo vệ và mang lại cho họ cuộc sống yên bình.
Quan sát có thể thấy, mỗi ngôi nhà cao 5 - 7 mét, có 2 tầng. Tầng dưới là các cột gỗ được dựng chắc chắn trên nền đá. Cũng có nhà xây tường đá kín cả hai tầng, xung quanh trổ nhiều ô cửa rộng. Mái lợp ngói âm dương. Với kiểu kiến trúc này, những ngôi nhà sàn của người Tày luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Đá là loại vật liệu đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Tày ở Khuổi Ky. Đá có mặt ở mọi nơi, không chỉ để xây nhà mà còn được tạo thành vật dụng hằng ngày như cối xay, bếp lò hay làm hàng rào, đập nước,... Bởi thế, ngôi làng đá Khuổi Ky ẩn chứa trong mình kho tàng tri thức bản địa độc đáo, tạo nên nét đặc trưng riêng, đó là sự dung dị, hoài cổ như thể thời gian đã ngưng đọng sau bao thăng trầm của lịch sử.
Để xây dựng một ngôi nhà đá, đồng bào Tày phải mất rất nhiều công sức. Bắt đầu từ khi có ý định dựng nhà, họ đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó vài năm. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà chính là những viên đá cứng, đẹp. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn, nhỏ khác nhau, kết dính bằng một thứ vữa trộn từ vôi và cát.
Để dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày, nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng. Những bức tường đá kiên cố thể hiện rõ sự sáng tạo độc đáo, sự khéo léo từ đôi bàn tay của đồng bào Tày nơi đây. Việc chọn địa điểm dựng nhà cũng được cân nhắc cẩn thận. Nơi dựng nhà thường là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống.
Mặc dù chỉ có hơn chục hộ sinh sống nhưng Khuổi Ky hiện là Làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Cao Bằng. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Khuổi Ky là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người. Từ năm 2016, nhờ được chính quyền quan tâm đầu tư, người dân lại chịu khó học hỏi về cách làm du lịch cộng đồng, đến nay Khuổi Ky đã có 14 hộ gia đình tham gia mô hình này. Từ đây, họ có thêm nguồn sinh kế ổn định, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện rõ rệt.
Không chỉ còn đơn thuần với làm nông, bà con làng Khuổi Ky còn vận động, chuyển mình làm du lịch để tăng thu nhập. Dân làng được tiếp xúc với khách du lịch, du nhập thêm văn hóa của các vùng miền khác nhau, nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc dân tộc, cách sống, cũng như sự chân chất trong tâm hồn mỗi con người Khuổi Ky.
Rót cho chúng tôi chén nước trà xanh, mời chúng tôi ăn hạt dẻ Trùng Khánh, chủ nhân một ngôi nhà quay ra sắp xếp những trái bí ngô thật to bên hiên nhà. Chị nói, bây giờ người dân ở đây bảo nhau làm nông sản sạch, giữ gìn văn hóa bản địa, giữ gìn cái hồn cốt của ngôi làng để du khách đến đây có thể cảm nhận được nét đẹp riêng biệt, độc nhất vô nhị của nơi này.
Chị chỉ lên chỗ những bắp ngô vàng treo dọc theo mái hiên rợp nắng, bảo chúng tôi đứng nơi đó chụp ảnh sẽ rất đẹp. Chị còn trồng thêm những loại hoa đặc trưng của rừng miền núi như lan, hoa nhài,… dọc theo bậc cầu thang bằng gỗ để du khách có thể chụp được những bức ảnh đẹp và độc đáo nhất.
Chính những trải nghiệm thú vị không giống những điểm du lịch khác đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến với làng Khuổi Ky. Và cũng nhờ những hiệu quả đem lại từ mô hình du lịch cộng đồng, bà con nông dân làng Khuổi Ky đã có thêm thu nhập, việc làm và vượt lên thoát nghèo.
Vẻ đẹp, nét cổ kính tại làng đá Khuổi Ky và lòng hiếu khách của người dân nơi đây truyền tai từ người này đến người khác, các khách du lịch tìm đến Khuổi Ky để khám phá và trải nghiệm. Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, người dân đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú homestay cộng đồng có chất lượng. Các mô hình này thu hút được lượng khách đáng kể đến thăm, bao gồm cả khách trong nước và khách quốc tế. Từ đây, nguồn thu từ dịch vụ du lịch giúp đời sống của người dân thêm no đủ.
Trước làng Khuổi Ky có dòng suối nước mát, du khách có thể tắm suối thoải mái vào mùa nóng. Mùa lạnh, các nhà trong làng đều có bình nước nóng lạnh và chỗ nấu ăn với bếp ga, tủ lạnh và một số đồ dùng cần thiết để khách có thể tự nấu ăn. Du khách còn có thể theo chân người dân tham gia các trải nghiệm cuộc sống sản xuất và lao động của người dân tộc Tày tại đây. Du khách có thể được đi hái măng, đào củ hay đi làm đồng, bắt cá hoặc cùng chế biến những món ăn đặc trưng của người Tày, như món thịt heo hun khói, lạp xưởng gác bếp và các loại rau sạch trồng ở bìa rừng.
Rời làng Khuổi Ky, chúng tôi ngoảnh lại ngắm nhìn ngôi làng trong bóng hoàng hôn đầy nuối tiếc. Những ngôi nhà bằng đá trầm mặc như một bức tranh xưa tạc vào rừng tre xanh sẫm trong chiều, lại như đang kể câu chuyện của đá, nhắn lời thầm thì của nền văn hóa trường tồn cùng năm tháng ở miền biên viễn./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Đượm nồng bếp củi mùa đông
Cộng đồng 21/11/2024 11:00
Ngôi nhà nghĩa tình của các thương, bệnh binh
Cộng đồng 21/11/2024 07:43
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Cộng đồng 18/11/2024 19:34
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024
Cộng đồng 16/11/2024 13:19
Care For Việt Nam cùng dấu ấn doanh nghiệp vì cộng đồng 2024
Cộng đồng 15/11/2024 17:21
Cô gái khuyết tật và hành trình mang tri thức đến với các em nhỏ
Cộng đồng 15/11/2024 06:39
Hương thu ở phố sương mù
Cộng đồng 14/11/2024 11:31