Hướng đi nào cho những tuyến phố “kiểu mẫu”?
Hà Nội: Nhiều tuyến phố khang trang hơn sau khi lát đá vỉa hè Người Hà Nội thích thú với tuyến đường đi bộ xanh mát bên phố Thái Hà Không thể nhân rộng “tuyến phố kiểu mẫu” |
Không còn nhận ra những tuyến phố “kiểu mẫu”
Năm 2016, tuyến phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội thu hút sự chú ý của người dân Thủ đô bởi sự đổi thay hàng loạt với hệ thống biển hiệu có thiết kế đồng bộ với chiều cao 1,1 m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình, vị trí mép dưới biển hiệu từ 3 đến 3,2 m. Điểm nhấn là toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo được đồng bộ từ kích thước, cỡ chữ, màu sắc với 2 màu cơ bản: Xanh và đỏ.
Trở lại tuyến phố kiểu mẫu này tháng 9/2020, những hình ảnh “kiểu mẫu” đã thay đổi hoàn toàn, dọc theo tuyến phố chỉ còn lác đác vài ba biển hiệu vẫn giữ nguyên “chuẩn” cũ. Thay vào đó là hàng chục tấm bảng, biển quảng cáo đã được thay đổi cả về kiểu dáng, kích thước lẫn mầu sắc. Điển hình tại những vị trí như: Từ số nhà 94 - 134, 146 - 212… Một số hộ kinh doanh ngoài việc sử dụng biển quảng cáo treo ngang còn sử dụng những chiếc bảng di động đặt trên vỉa hè hoặc những bảng đèn Led gắn dưới khung biển chính.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn phố cổ đã được tiến hành chỉnh trang thiết kế lại để phù hợp với công năng sử dụng và tạo thêm không gian công cộng (ảnh: Tuấn Dũng). |
Đánh giá về ý tưởng này, theo nhiều chuyên gia về kiến trúc, quảng cáo và quản lý đô thị, nguyên nhân là ở chỗ hệ thống biển quảng cáo đồng nhất ngoài việc không thể hiện được đặc trưng mặt hàng kinh doanh của từng cửa hàng thì còn làm mất đi tính sáng tạo, nhận diện độc quyền mà nhiều địa chỉ, thương hiệu đã phải vất vả gây dựng. Điểm nhấn duy nhất còn giữ lại có lẽ tuyến phố này không để xảy tình trạng mái che mái vẩy và vệ sinh môi trường trong khu vực vẫn được đảm bảo.
Tiếp theo, tuyến phố Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, được coi là tuyến phố kiểu mẫu thứ hai do Ủy ban nhân dân phường Mỹ Đình 1 thực hiện theo Đề án “Thí điểm tuyến đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Vậy nhưng, khi mới triển khai giai đoạn 1 của đề án, mô hình này đã nhận được không ít ý kiến trái chiều.
“Không ít người đang hiểu sai khái niệm kiểu mẫu. Tuyến phố kiểu mẫu phải là tuyến phố văn minh sạch sẽ, không rác bẩn, không rác trời, người dân đoàn kết, người bán hàng niềm nở trung thực, không bắt chẹt khách,… Có như thế thì mới xứng đáng là kiểu mẫu để phát triển rộng. Mặc cùng một bộ quần áo người ta gọi là đồng phục chứ không phải là kiểu mẫu” – Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội. |
Cụ thể, hàng cột sắt sơn đỏ gần 200 chiếc, cắm trên vỉa hè chật hẹp, nhằm để gắn biển hiệu đồng bộ kích thước cho các cửa hàng hai bên phố và treo cờ vào dịp lễ, Tết, nhưng thực tế loạt biển hiệu ở đây không đồng bộ, nhấp nhô, nhiều hộ dân còn lắp các loại bạt để tạo sự khác biệt. Thậm chí, có nhiều cột sắt được cắm sát mép vỉa hè cận kề lòng đường, cản trở lưu thông cho người đi bộ, ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Nhận thấy những bất cập từ tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn, Uỷ ban nhân dân quận Nam Từ Liêm đã có văn bản yêu cầu UBND phường Mỹ Đình 1 dừng thực hiện đề án và không nhân rộng mô hình tuyến phố này.
Tương tự, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn bắt đầu hoạt động từ 11/5/2018, đây là tuyến phố đi bộ thứ 2 của Thủ đô sau khu vực quanh Hồ Gươm quận Hoàn Kiếm. Sau 2 năm hình thành, phố đi bộ Trịnh Công Sơn phát triển thành không gian sinh hoạt văn hóa, ẩm thực có bản sắc riêng tại Hà Nội. Điểm nhấn đầu tiên của tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn chính là phố nằm sâu trong khu dân cư, vị trí ở ngay nơi có nhiều hồ đẹp tại quận Tây Hồ như Hồ Sen, Đầm Sen, tiếp đó là Hồ Tây rộng lớn.
Chính vì có vị trí thuận lợi về cảnh quan như vậy nên khi đến phố Trịnh Công Sơn, du khách được hưởng thụ không gian yên tĩnh, đầy trữ tình. Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, qua 2 năm đầu tổ chức, lượng khách đến với không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn khoảng 50.000 lượt khách/năm. Tuy nhiên, khách quan mà nói, các hoạt động trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mà vẫn lệ thuộc nhiều vào các sự kiện do quận tổ chức.
Nguyên nhân chính khiến không gian đi bộ Trịnh Công Sơn không thu hút được du khách cũng đã được chỉ ra, đó là người dân sống xung quanh đứng ngoài dự án. Thậm chí, vào các ngày mở cửa phố đi bộ các ngôi nhà mặt đường phố Trịnh Công Sơn vẫn đóng cửa im ỉm, không có sự tương tác với không gian chung.
Nói về các tuyến phố kiểu mẫu, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi khu vực có vị trí và thế mạnh riêng để có thể phát triển thành “sản phẩm” hấp dẫn, tuy thế không thể nóng vội. Nhìn từ những bài học về tuyến phố kiểu mẫu vừa qua, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, chính quyền khi tham gia thiết kế tuyến phố phải có sự đồng thuận của người dân, không thể tùy tiện sáng tạo.
“Không ít người đang hiểu sai khái niệm kiểu mẫu. Tuyến phố kiểu mẫu phải là tuyến phố văn minh sạch sẽ, không rác bẩn, không rác trời, người dân đoàn kết, người bán hàng niềm nở trung thực, không bắt chẹt khách,… Có như thế thì mới xứng đáng là kiểu mẫu để phát triển rộng. Mặc cùng một bộ quần áo người ta gọi là đồng phục chứ không phải là kiểu mẫu” – Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Được biết, hiện tại, cơ quan chức năng thành phố tiếp tục đề nghị các quận, huyện nghiên cứu, xây dựng tiêu chí tuyến phố kiểu mẫu riêng căn cứ theo bản sắc văn hóa đặc thù địa phương. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã và đang tổ chức thiết kế đô thị đối với các tuyến phố như tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Phú, Kim Mã… Quận Thanh Xuân cũng công bố công khai 3 đồ án thiết kế đô thị hai bên các tuyến đường: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngụy Như Kon Tum, tỷ lệ 1/500, thuộc địa bàn 2 phường: Nhân Chính, Thanh Xuân Trung.
Đây là cơ sở do chính quyền địa phương quản lý quy hoạch, kiến trúc và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, chỉnh trang mặt phố xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu. Điều này cho thấy, việc hình thành các tuyến phố kiểu mẫu, văn minh, hiện đại sẽ được triển khai trong thời gian tới, nhưng mô hình nào là “kiểu mẫu” vẫn đang đem đến sự băn khoăn.
Nhìn từ thành công ban đầu ở quận Hoàn Kiếm
Là một trong những quận “lõi” của Thủ đô, quận Hoàn Kiếm ít chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa theo chiều rộng, áp lực của quận đến từ những mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống với yêu cầu phát triển thương mại của người dân phố cổ, phố cũ. Đến nay, những không gian văn hóa, sáng tạo trên địa bàn quận như phố sách 19/12, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, trục phố “sáng tạo” Phùng Hưng... đã đã tạo nhiều điểm nhấn trong việc thu hút khách tham quan, du lịch trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh của người dân.
Ảnh minh họa: Tuấn Dũng |
Trao đổi tại buổi tọa đàm “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, quận Hoàn Kiếm nhận thức rõ những đặc điểm riêng của mình, do đó những năm qua, quận đã tiến hành từng bước chỉnh trang đô thị khu vực phố cổ, phố cũ điển hình như các dự án chỉnh trang đoạn phố Lãn Ông năm 2013; chỉnh trang 13 tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm năm 2016 và đầu năm 2017; cải tạo mặt tiền các khu nhà phố năm 2018, 2019; chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm năm 2020... và trong thời gian tới, Quận sẽ tiếp tục chỉnh trang một loạt tuyến phố khác như Hàng Khay, Tràng Tiền, Tràng Thi…
“Quận Hoàn Kiếm có nhiều công trình có giá trị kiến trúc cảnh quan mặt phố đan xen phức tạp về sở hữu bởi có sự sở hữu công tư, nhiều hộ dân sở hữu chung một mặt tiền của nhà. Việc chỉnh trang sẽ tạo cảnh quan chung cho tuyến phố, cũng như góp phần bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể...” - ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết. |
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, kinh nghiệm từ việc tổ chức không gian đi bộ trong khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm cho thấy, khi đưa thêm chức năng hoạt động vào bên trong của đô thị đã giúp đạt được mục tiêu kép. Đó là tạo ra nơi sinh hoạt cho người dân ở địa bàn và tạo nên sự an toàn khi người dân tham gia trong không gian đi bộ, giảm khí thải, tiếng ồn, khói bụi trong khu vực trung tâm; tạo các điểm đến cho người dân thành phố, khách du lịch khi đến Hà Nội được vãn cảnh hồ Hoàn Kiếm cùng nhiều di tích khác.
Từ đó, người dân và du khách có điều kiện để hiểu thêm giá trị văn hóa Hà Nội. Đây là động lực thúc đẩy, phát triển lĩnh vực du lịch của quận, bởi từ hoạt động này, nhiều việc làm đã được tạo ra cho người dân ở quận và chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của quận tăng mạnh trong những năm qua.
Đồng tình với quan điểm này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng, để tránh hiện tượng “nghiệp dư” như thời gian vừa qua, có thể tham khảo cách làm thành công ở quận Hoàn Kiếm. Theo đó, trước khi chính quyền quận sửa sang đường phố, nhà cửa đều tham vấn cơ quan chuyên môn. Ban quản lý phố cổ Hà Nội thậm chí đưa phương án ra triển lãm để lấy ý kiến đồng thuận từ phía người dân và phải sau nhiều lần “phản biện” mới tiến hành triển khai thực tế.
Kết quả là, dù vẫn còn nhiều vấn đề nhưng về mặt tổng thể sau hơn 3 năm triển khai, công tác chỉnh trang bộ mặt phố Cổ Hà Nội đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giờ đây đi qua nhiều tuyến phố như: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Dầu, Đào Duy Từ, Mã Mây, Nhà Thờ, Nhà Chung, Hàng Trống… sự đổi thay được nhìn thấy rõ rệt.
Những ngôi nhà cổ được xây dựng từ trước năm 1954 vừa giữ được nét cổ kính, vừa không bị lọt thỏm với những kiến trúc mới. Các ngôi nhà được cải tạo sau này cũng được đổi màu sơn, để không quá đối lập với những ngôi nhà cũ, nhà cổ. Một số tuyến phố đã không còn những "ba lô, chuồng cọp" hay cơi nới ở ban công. Các con phố kinh doanh nhộn nhịp như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… giờ cũng “gọn gàng” hơn.
Xây dựng tuyến phố “kiểu mẫu” về văn minh đô thị, về không gian sáng tạo là một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị hiện đại, lại vừa trực tiếp phục vụ lợi ích của mỗi người dân địa phương. Việc xây dựng các tuyến phố “kiểu mẫu” rất cần sự đoàn kết chung tay với quyết tâm cao của cả chính quyền lẫn người dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiều khâu đột phá của Thành phố./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Xây mới, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội: Công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát
Trật tự đô thị 20/12/2024 20:45
Công an Thanh Trì ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán
Trật tự đô thị 18/12/2024 12:17
Công an thành phố Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự dịp cuối năm
Trật tự đô thị 16/12/2024 10:33
TP.HCM: Kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng sân thể thao ngoài trời sai quy định
Trật tự đô thị 15/12/2024 11:56
Vẫn khó việc quản lý con người và bố trí địa điểm kinh doanh
Trật tự đô thị 08/12/2024 19:26
Hà Nội khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè tại 123 tuyến phố
Trật tự đô thị 04/12/2024 22:40
Bảo đảm trật tự đô thị dịp cuối năm
Trật tự đô thị 03/12/2024 07:08
Phát triển không gian xanh tại các đô thị
Trật tự đô thị 29/11/2024 16:30
Bình Dương: Sẽ bố trí hơn 34.500 tỷ đồng cho 236 dự án trọng điểm
Trật tự đô thị 29/11/2024 15:08
8 loại công trình vi phạm sẽ bį cắt điện, nước từ 1/1/2025
Trật tự đô thị 26/11/2024 08:01