Hà Nội thảo luận việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Mở đầu hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, việc ban hành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách, vì liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị |
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu bám sát nội dung dự thảo để góp ý kỹ từng nội dung, nhất là những vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng Nghị định quy định rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tổ chức thực hiện không bị vướng mắc.
Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý các đại biểu Thành phố phải liên hệ với những quy định của Thành phố triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ sắp tới, nhất là làm rõ những vướng mắc, những vấn đề còn khác nhau; trong đó, phải đặc biệt coi trọng những ý kiến từ cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 33 điều, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường; về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách phường…
Đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định gồm công chức của Ủy ban nhân dân phường, cán bộ thuộc Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường và những người hoạt động không chuyên trách ở phường.
Về tổ chức, dự thảo Nghị định xác định rõ Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và các chức danh công chức gồm: Văn phòng - thống kê, Địa chính, Xây dựng, Đô thị và môi trường, Kế toán, Tài chính, Tư pháp hộ tịch, Văn hóa xã hội. Biên chế công chức bình quân tại Ủy ban nhân dân phường là 15 người; Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng biên chế của các phường từng quận, quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân quận quyết định cụ thể số lượng công chức từng phường... Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị |
Để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức, dự thảo cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch. Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Kể từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và công chức cấp phường được bầu hoặc tuyển dụng trước 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác. Các trường hợp khi được chuyển mà chưa đủ tiêu chuẩn thì trong 24 tháng phải hoàn thiện, đáp ứng quy định; nếu quá thời hạn mà không đáp ứng được thì giải quyết cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nêu 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau, đó là Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu của Ủy ban nhân dân phường không? Về nguyên tắc hoạt động và làm việc của Ủy ban nhân dân phường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, có nên đưa vào quy định “không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện” để tránh hành chính hóa hoạt động của cộng đồng dân cư. Về biên chế công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường, dự thảo Nghị định đề xuất 15 biên chế cho 1 phường, tuy nhiên, Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị số biên chế cho 1 phường là 16 người…
Thảo luận tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Hà Nội cần rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các phường hiện nay, trên cơ sở đó, tính toán các điều kiện chuyển tiếp hợp lý, hoặc có thể kéo dài thời gian hoàn thiện đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển tiếp lên 5 năm. Bên cạnh đó, cũng không nên quy định cứng số lượng biên chế cho cấp phường là 15 người, mà trên cơ sở tổng biên chế của quận được Thành phố phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận sẽ có sự phân bổ số lượng hợp lý cho từng phường.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân cho rằng trên cơ sở tổng biên chế được giao, quận sẽ chủ động phân bổ số lượng biên chế theo từng phường, tùy vào diện tích, dân số và tính chất đặc thù... Tương tự, việc phân bổ ngân sách cũng căn cứ vào nhiệm vụ đặc thù của mỗi phường.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Ba Đình nhận định, với công chức phường, cán bộ tư pháp - hộ tịch mà để 1 người thì rất bất cập, vì tính chất công việc này đòi hỏi thường xuyên, liên tục. Hơn nữa, dự thảo Nghị định cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu chứng thực, do vậy, nên bố trí cán bộ tư pháp - hộ tịch là 1 vị trí việc làm nhưng bố trí 2 người. Từ đó, số lượng công chức phường cũng nên là 16 người.
Quang cảnh hội nghị |
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, chính quyền đô thị Hà Nội có những điểm mới là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó, có sự luân chuyển dễ dàng hơn nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; thứ ba là giao cho cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng. Một điều nữa là cán bộ tư pháp – hộ tịch được quyền ký và đóng dấu chứng thực của Ủy ban nhân dân phường, qua đó, cải cách hành chính, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao và cảm ơn những ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội nghị, qua đó, giúp Thành phố nhận thức rõ hơn nhiều vấn đề trong quá trình triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên địa bàn Thành phố sắp tới.
Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan Thành phố tiếp tục bám sát và quán triệt sâu sắc Nghị quyết 97 của Quốc hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai một cách chủ động, đồng thời với quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, không ngồi chờ. Ông Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị một bản góp ý chính thức vào dự thảo Nghị định của Chính phủ; Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị văn bản để Thành ủy báo cáo Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn về các tổ chức đảng, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội cấp phường.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng mong muốn cơ quan soạn thảo Nghị định vận dụng tối đa các cơ chế cho Hà Nội mà không trái với Nghị quyết 97 của Quốc hội. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường; nếu không cơ cấu Trưởng công an phường tham gia Ủy ban nhân dân phường thì cần quy định rõ về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân phường và Công an phường; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của Ủy ban nhân dân cấp phường trước Hội đồng nhân dân cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền...
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất, nơi cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
Chỉ đạo - Điều hành 21/12/2024 14:15
Sự ủng hộ, tham gia của người dân là yếu tố quyết định mọi thành công
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 20:49
Tập trung hỗ trợ nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 19:20
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai khu vực bãi sông, ngoài đê
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 18:49
Hầu hết các tuyến đê sông đều có vi phạm xây dựng
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 18:10
Giải trình công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng ven sông trên địa bàn Hà Nội
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 10:32
Khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê tại đường Phạm Văn Đồng
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 09:55
Hà Nội xây dựng mạng lưới đại lý dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp
Chỉ đạo - Điều hành 18/12/2024 20:08
Phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” tạo dựng Thủ đô hiện đại, thân thiện với môi trường
Chỉ đạo - Điều hành 17/12/2024 11:28
Ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng
Chỉ đạo - Điều hành 16/12/2024 22:04