Giải quyết “nút thắt” quan trọng cho Dự án đường Vành đai 4
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Riêng trên địa bàn Hà Nội, đường Vành đai 4 sẽ có khoảng 58,2km đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và Hà Nội |
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô, đây là cơ hội để các quận huyện có đường Vành đai 4 đi qua đề xuất các định hướng phát triển đột phá nhằm đạt được khát vọng phát triển trong tương lai.
Huyện Thanh Oai là 1 trong 7 quận, huyện của Hà Nội có đường Vành đai 4 đi qua với chiều dài đoạn tuyến 7,9km thuộc địa phận 6 xã (gồm: Bích Hòa 2,1km; Cự Khê 2km; Bình Minh 0,28km; Tam Hưng 0,98km; Mỹ Hưng 1,44km, Thanh Thùy 1,1km). Tổng diện tích đất thu hồi là 88,41ha, trong đó đất nông nghiệp 78,13ha và đất phi nông nghiệp 10,27ha (gồm đất ở 1ha; giao thông thủy lợi nội đồng 6,67ha; nghĩa trang - nghĩa địa 2,59ha). Tổng số hộ phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là 1.501 hộ, gồm: 1.460 hộ có đất nông nghiệp; 41 hộ có đất ở và vườn (trong số này có 36 hộ có nhu cầu và đủ điều kiện tái định cư).
Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Oai cho biết, hiện nay huyện Thanh Oai đang tích cực tập trung triển khai lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Huyện. Trong đó nghiên cứu đề xuất quy hoạch phát triển đô thị, các dịch vụ logistic, bệnh viện, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thống khu vui chơi, thể dục thể thao dọc theo tuyến đường Vành đai 4.
Vành đai 4 đi qua địa phận huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km. (Ảnh: Bình Minh) |
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai, mặc dù quy hoạch trên địa bàn huyện đã được lập tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, gây lãng phí tài nguyên. Công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là công tác thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch chưa được triển khai. Công tác đầu tư hạ tầng khung còn chậm, chưa đồng bộ. Đặc biệt, công tác cắm mốc quy hoạch, cắm mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến đường trục chính của huyện do Thành phố quản lý còn chậm được triển khai, gây khó khăn trong công tác quản lý…
Còn tại huyện Thường Tín, Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận có tổng chiều dài khoảng 9km, ước tính phải thực hiện thu hồi đất 118,71 ha tại 9 xã (gồm: Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình, Nhị Khê, Văn Bình, Duyên Thái, Vân Tảo, Ninh Sở, Hồng Vân). Theo thống kê, dự án phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng với 2001 hộ, cá nhân; 14 cơ quan, tổ chức; tái định cư cho 236 hộ; di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, công tác kiểm tra, thu thập hồ sơ, tài liệu pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai, xác định tính pháp lý về đất đai, nguồn gốc, đối tượng, diện tích, loại đất, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản để phục vụ công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, làm cơ sở pháp lý để ban hành thông báo thu hồi đất và thực hiện các thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… trên địa bàn đang là những khó khăn, thử thách lớn đối với địa phương.
Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ
Để dự án Vành đai 4 triển khai đúng tiến độ, các quận, huyện, sở, ngành của Hà Nội đang tập trung cao độ thực hiện các công việc liên quan. Đến thời điểm này, Thành phố đã tiến hành bàn giao chỉ giới đường đỏ của 2 trong số 4 đoạn tuyến. Đây chính là cơ sở quan trọng để những đơn vị và chính quyền các địa phương tiến hành cắm mốc giới trên thực địa và triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Các đơn vị ký nhận bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ Vành đai 4, đoạn từ QL 6 đến QL 1A. (Ảnh: Lê Vũ) |
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định, việc thực hiện dự án Vành đai 4 là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với quốc gia, vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Do đó, từ khi có chủ trương đầu tư, sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, huyện Thường tín đã tích cực triển khai các nhiệm vụ để chuẩn bị cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Xuân Minh, huyện Thường tín đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của huyện và Ban chỉ đạo tại các xã có Vành đai 4 đi qua nhằm vận động, tuyên truyền Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đồng thời thành lập các tổ công tác kiểm đếm tài sản, hoa màu… trong phạm vi dự án.
“UBND huyện Thường Tín sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị, sở, ngành Thành phố thực hiện nghiêm nhiệm vụ được Thành ủy, UBND Thành phố giao, đảm bảo công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ”, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín nhấn mạnh.
Hướng tuyến Vành đai 4, đoạn từ QL 6 đến QL 1A |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn, tiến hành nhiều công việc như rà soát toàn bộ phần diện tích dự kiến đền bù giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, huyện Thanh Oai cũng đã xác định các vị trí để báo cáo Thành phố về việc đầu tư dự án tái định cư, đảm bảo có được nhanh nhất cơ sở hạ tầng, quỹ đất để phục vụ tái định cư cho người dân. “Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của huyện Thanh Oai và thành phố Hà Nội. Do đó chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất nằm trong vùng dự án phát huy vai trò, trách nhiệm công dân, chung tay với chính quyền Thành phố và huyện, tạo điều kiện thuận lợi, sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư để dự án sớm được triển khai xây dựng”, Chủ tịch huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng bày tỏ.
Tương tự như Thanh Oai, đến thời điểm này, các huyện Sóc Sơn, Mê Linh và quận Hà Đông đều đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ của đường Vành đai 4 từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Các địa phương đang cùng đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành cắm mốc giới trên thực địa, đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai, song song với việc tuyên truyền về dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, lên phương án tái định cư và ổn định cuộc sống của người dân. Với quyết tâm sớm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, giải quyết “nút thắt” quan trọng để Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội “về đích” đúng tiến độ.
Đường Vành đai 4 hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Hữu Duyên) |
Trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông ba năm tới, thành phố Hà Nội cũng đã dự định huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình có vai trò giảm ùn tắc; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai, trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3, 4, 5. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối với các trục đường chính trong đô thị...
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 19:41
Hợp tác để tạo bước đột phá thực hiện Đề án 06 của thành phố Hà Nội
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 19:23
Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư 3 cây cầu lớn qua sông Hồng
Chỉ đạo - Điều hành 21/11/2024 16:44
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42