Gia tài làng cổ
Vẻ đẹp làng cổ ven sông Dấu xưa nơi làng cổ Đông Ngạc |
Nhiều nét độc đáo
Nghe tiếng đã lâu, nhưng phải mãi đến dịp vừa rồi tôi mới có thể ghé thăm Yên Trường, phần vì dịch dã khiến chuyện đi lại không thuận lợi, phần khác vì công việc cứ cuốn mãi, tôi không thể dành hẳn một ngày để “phượt”, để khám phá các nét lạ.
Một góc bình yên ở Yên Trường. (Ảnh: Giang Nam) |
Đường vào Yên Trường giờ êm ru, không gian thoáng đãng được tô điểm bởi hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và những con người hồn hậu, chất phác. Cũ và mới đan xen. Một điểm rất sáng ở Yên Trường mà không phải nơi nào cũng có đó là không gian xanh, không gian công cộng dành cho người dân rất thoáng đãng, rộng rãi. Các tuyến đường làng, ngõ xóm đều được dọn dẹp sạch sẽ; nhiều ao, hồ được xây kè kiên cố, xung quanh có rặng cây, ghế đá khiến Yên Trường tựa như một công viên thu nhỏ...
Đi sâu vào làng, tôi bắt gặp những con ngõ nhỏ với những ngôi nhà cổ, cũ và có kiến trúc lạ lùng. Nhà ở Yên Trường rất độc đáo với vật liệu làm từ đá ong. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ hoa mĩ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm. Bên cạnh tường đá ong là những cánh cổng cổ, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi vài câu chữ Hán Nôm nhằm thể hiện mong cầu ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa.
Bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1948, một người dân trong làng khi thấy tôi đang ngẩn ngơ tìm những nét xưa cũ, bà vội bảo nơi đây hiện còn giữ được nhiều giếng cổ bằng đá ong có hình thù kỳ lạ. Không giống như những giếng đào hay giếng khoan ở các vùng khác, ở Yên Trường giếng hoàn toàn được hình thành tự nhiên nên gọi là thiên tạo. Miệng giếng vẫn hình tròn nhưng lòng giếng thì khúc khuỷu, hình dáng như bàn chân con người.
Bà Hòa chia sẻ, điểm tiếc nuối duy nhất là qua thời gian, nhiều giếng đã bị vùi lấp, giờ còn 6 - 7 giếng, nằm rải rác ở các xóm. Bên mỗi giếng nước đều có cổ thụ soi bóng mát và am nhỏ để thờ. Để tránh lá cây rụng xuống làm ô nhiễm nguồn nước, người dân xây tường bao quanh miệng giếng và căng bạt để làm mái che. Nước giếng được lọc qua đá ong trong vắt, không bao giờ cạn. Vậy nhưng cũng có điểm lạ là hễ giếng nào không có người sử dụng là mạch nước tự dưng trở nên không còn ngon ngọt. “Nơi đây có giếng do không có người ăn nên nước giếng trở nên không ngon và cạn dần…” - bà Hòa quả quyết.
Thời gian tựa như một dòng chảy mạnh mẽ, khiến mọi thứ biến thiên, thế nhưng giếng cổ ở Yên Trường lại khác. Hàng trăm năm trước nơi đây là không gian sinh hoạt của người dân. Người ta vẫn ra giếng lấy nước, giặt giũ, trò chuyện, hóng mát. Bên giếng có những nụ cười, có những cuộc tình duyên đôi lứa khởi phát. Đến nay vẫn vậy. Bên giếng những ngày hè oi ả người làng lại gặp gỡ, chia sẻ về công việc, cách giáo dục con cháu, làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người làm đẹp không gian làng
Ở làng Yên Trường có một trong những tấm gương làm “xanh” làng là ông Trịnh Nhân Kỳ, với công trình cổng và hàng rào được đan bện bằng cây ô-rô. Suốt 30 năm qua, ông Kỳ đã kỳ công và tỉ mẩn tạo dáng cho cổng nhà và tường rào thành một tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên kỳ thú hiện hữu giữa làng quê thanh bình. Theo lời ông Kỳ, từ năm 1992 ông đã bắt tay vào công việc này. Thời điểm đó, trước nhà ông là ao làng lớn, ông nghĩ bản thân nếu làm một chiếc cổng hình cổng chùa hướng ra sẽ rất ấn tượng. Nghĩ là làm, trong mấy năm đó ông Kỳ đi khắp nơi để sưu tầm, tìm và nhân giống cây ô-rô.
Ông Trịnh Nhân Kỳ với công trình cổng và hàng rào được đan bện bằng cây ô-rô. (Ảnh: Giang Nam) |
Ông Kỳ chia sẻ, ô-rô là loại cây khó sống nên để được hàng rào dầy dặn, ông phải trồng đi trồng lại nhiều lần rồi tỉ mỉ chăm sóc thì cây mới sống và đẻ nhiều nhánh. Chính bản thân ông cũng không biết mình đã bỏ ra bao nhiêu công, cắt mòn biết bao nhiêu cái kéo để thực hiện tác phẩm. Và kết quả là ông Kỳ đã tạo nên một công trình nghệ thuật cây xanh kỳ vĩ và hơn thế nữa công trình đó lại được kết hợp với nếp nhà cổ, phía trước là hồ nước đã trở thành một giá trị mà bất kỳ ai đi qua cũng phải ngỡ ngàng, trầm trồ thán phục. “Đây là loài khó sống nên phải chăm sóc rất khéo thì mới sống và lên đều nhánh. Trải qua nhiều năm trồng tỉa, cuối cùng tôi cũng có một hệ thống hàng rào tạm ưng ý. Và để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, tôi tích cực nuôi, uốn cây và tác động tích cực bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý”- ông Kỳ chia sẻ.
Cứ thế, chiếc cổng và tường cây của gia đình ông Trịnh Nhân Kỳ đã hiện diện và cống hiến cho cảnh quan của Yên Trường một công trình nghệ thuật giá trị, được du khách nhiều nơi về tham quan, chụp hình lưu niệm. Một điểm rất đáng trân quý khác là hiện gia đình ông Kỳ vẫn giữ được nếp nhà cổ. Trong khuôn viên sân gạch ông Kỳ cho kê nhiều chậu cây cảnh. Tôi đã ghé thăm ngôi nhà gỗ của ông Kỳ, phía bên trong là một khung cảnh đẹp. Cách bài trí ban thờ, đến sập gụ tủ chè, câu đối, đại tự… đều theo mẫu mực xưa. Ông Kỳ coi đó như một bảo vật cha ông, bảo vật của làng và ông sẵn sàng tiếp đón khách lạ vào bên trong để hướng dẫn như một chuyên gia du lịch.
Đi sâu vào làng, tôi bắt gặp những con ngõ nhỏ với những ngôi nhà cổ, cũ và có kiến trúc lạ lùng. Nhà ở Yên Trường rất độc đáo với vật liệu làm từ đá ong. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ hoa mĩ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm. Bên cạnh tường đá ong là những cánh cổng cổ, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi vài câu chữ Hán Nôm nhằm thể hiện mong cầu ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa. |
Nhiều điểm trân quý song hiện Yên Trường cũng đang phải đối mặt với tình trạng nét cổ kính dần bị phôi pha. Yên Trường chưa thu hút được khách du lịch mà hầu hết đều tự phát, manh mún do các nhóm phượt hoặc nhiếp ảnh gia thỉnh thoảng ghé thăm. Nhiều người dân cho biết do thiếu quy hoạch và chiến lược phát triển nên số lượng nhà cổ bằng đá ong hiện nay không còn nhiều. Nhiều nhà bị biến dạng, xâm thực và đan xen giữa cũ và mới.
Kỳ thực, câu chuyện Yên Trường đang phải đối mặt không phải đến bây giờ mới có. Nhìn rộng ra có thể thấy, không ít những khu vực làng xóm cũ ven đô, đã và đang từng bước trở thành cư dân đô thị, nhưng lại hoàn toàn trở thành “khoảng trống” trong chuyện quản lý xây dựng hay trong việc cải tạo, bảo tồn.
Ngay trung tâm Thủ đô cũng có thể chứng kiến những xóm làng với những địa danh: Ngọc Hà, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi… vẫn còn nguyên đó trong 4 quận nội thành cũ. Thế nhưng, thứ đọng lại là hoài niệm và cái tên chỉ địa danh. Tại những nơi này, hồ, ao các khoảng đất canh tác xen cài trong làng xóm dần bị xóa bỏ, thay thế bằng những công trình khác. Người dân tự tách nhỏ các khu đất nhà ở của cha ông trong làng xóm để bán thu lời hay sinh nhai, để chia thừa kế cho con cái. Để tìm những nét xưa, hiện người ta chỉ tìm thấy những cổng làng quý báu, những cây đa, giếng nước đầu làng… Đó là tất cả những không gian “linh hồn” của làng quê còn sót lại ở cái gọi là “làng trong đô thị” ấy.
Nhìn từ Yên Trường, từ chuyện một ngôi làng để ngẫm nghĩ về những ngôi làng khác, tôi chợt nảy ra sự băn khoăn. Vì sao có những làng cổ còn giữ được vẻ đẹp bình dị mà những ngôi làng khác lại không? Phải chăng, từ những lý do đã kể trên, thì những ngôi làng từng “đẹp trong mắt ai” nay đã không còn hồn cốt xưa cũ đã bị xâm thực quá nặng, và những ngôi làng ấy không còn những người tâm huyết đưa thương hiệu làng vang xa?./.
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03