Đời sống công nhân: Nhìn thẳng để hành động
Phát huy tính tiên phong của giai cấp công nhân Tôn vinh những người tiên phong thực hiện khát vọng dân tộc Để công nhân được thụ hưởng xứng đáng |
Kỳ 1: "Chân dung" đời sống công nhân thời 4.0
Đời sống công nhân, nhất là công nhân lao động ngoại tỉnh đang làm việc trong các doanh nghiệp Khu Công nghiệp và Chế xuất vốn đã gặp nhiều khó khăn, hơn 2 năm nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lạm phát giá cả gia tăng, khiến cuộc sống của công nhân lao động càng gặp khó khăn nhiều hơn.
“Quay cuồng” nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền…
Tốt nghiệp Trung học phổ thông, bỏ dở giấc mơ ngồi trên ghế giảng đường Đại học, chị Vũ Thị Hoa (sinh năm 1991) quyết định rời quê (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) lên Hà Nội làm công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Từ đó đến nay, đã hơn 13 năm trôi qua, lúc nào đôi vai nhỏ bé của chị cũng bị đè nặng bởi những nỗi lo toan về cơm, áo, gạo, tiền.
Theo lời chị Hoa, mặc dù làm công nhân, thu nhập ổn định nhưng mức lương thấp, nhiều lúc không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi đã có gia đình. Hiện vợ chồng chị cùng 3 con nhỏ đang thuê ở một khu nhà trọ cấp 4, lợp mái fibro xi măng, nằm lọt thỏm giữa những khu nhà trọ cao tầng được xây mới khang trang, sạch đẹp. Diện tích phòng trọ chỉ khoảng 8m2 nên vợ chồng chị quyết định thuê thêm 1 phòng bên cạnh để có chỗ sinh hoạt.
Thêm phòng là thêm tiền, chưa kể chồng chị là lao động tự do, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đặc biệt, trong hơn 2 năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, và rồi, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng leo thang khiến cho cuộc sống của gia đình chị càng thêm khó khăn.
Chị Vũ Thị Hoa - công nhân Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam bên gia đình nhỏ của mình sau giờ làm việc. Ảnh: M.Q. |
Chị Hoa nhẩm tính, tiền thuê phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt gia đình, chi phí cho con đi học… cũng hơn chục triệu đồng/tháng. Trong khi, thu nhập hiện tại của chị chỉ dao động từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, còn chồng chị, đi làm ngày nào, có lương ngày đó, cũng chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ngày. “Nhiều lúc, vợ chồng nhịn đói, hoặc chỉ ăn mì tôm cho qua bữa để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt”, chị Hoa tâm sự.
Tâm sự với phóng viên, chị Hoa thở dài nói: “Giá cả các mặt hàng cái gì cũng tăng mà lương thì tăng nhỏ giọt, chả thấm tháp vào đâu. Mong rằng, các cơ quan quản lý sớm có chính sách bình ổn giá để người công nhân bớt khó khăn”. Nhắc đến lương, vừa bật bếp ga để nấu nồi canh và rán mấy thanh đậu phụ chuẩn bị cho bữa trưa, chị Hoa nói tiếp: “Để có thêm thu nhập, tôi phải làm thêm giờ, tăng ca, chấp nhận đi sớm về khuya, không còn thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Nhưng nếu cứ mãi như thế này thì không ổn, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện tại, tôi cũng hay bị đau lưng và tê chân do phần lớn thời gian tại công ty là đứng làm việc”.
Không may mắn như chị Hoa vì còn được tăng ca để có thêm thu nhập, trong mấy tháng gần đây, chị Đỗ Thu Thủy (sinh năm 1984) đang làm việc tại Công ty TNHH Youngfast (Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) thường xuyên phải nghỉ luân phiên ngày thứ Bảy vì đơn hàng của Công ty giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính vì thế mà mấy tháng nay chị không được nhận đủ mức lương 5,8 triệu đồng/tháng như thời điểm không phải nghỉ luân phiên. Để có thêm thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/tháng thêm vào đồng thức ăn cho con, chị Thủy tranh thủ thời gian buổi tối và những ngày cuối tuần để đan nón.
Chồng chị Thủy là anh Nguyễn Đức Mạnh (sinh năm 1979) cũng làm công nhân ở một công ty trong Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng đi làm công nhân đã hơn chục năm, nhưng hiện tại cả gia đình chị Thủy vẫn phải thuê trọ và đang cố gắng dành dụm từng đồng để mua đất, xây nhà ở quê. Vì theo chị Thủy, nếu mua nhà ở Hà Nội, vợ chồng chị sẽ không đủ tiền.
Liệt kê ra một loạt các khoản chi tiêu trong tháng, gồm: Tiền nhà, tiền điện nước, tiền học của con… nhất là chi phí sinh hoạt trong thời buổi “bão giá”, mớ rau tăng giá gấp đôi, thịt, cá cũng tăng vài giá, chị Thủy thở dài: “May ông trời cho sức khỏe. Giờ mà chẳng may ốm đau thì không biết phải xoay xở như thế nào”.
Tiền ăn phải đong đếm từng ngày nên đời sống văn hóa tinh thần của vợ chồng chị Hoa và chị Thủy cũng hết sức nghèo nàn. Một ngày của các chị chỉ quanh quẩn trong vòng xoay nhà trọ - công ty. Nói về tương lai, các chị đều cảm thấy mơ hồ, bởi làm công nhân trong nhà máy, các chị chỉ được đào tạo làm thuần thục một công đoạn trong cả dây chuyền sản xuất. Do đó, nếu nghỉ làm tại công ty, các chị sẽ không biết làm gì để mưu sinh.
Để có thêm thu nhập, chị Đỗ Thu Thủy - công nhân Công ty TNHH Youngfast đã phải tranh thủ thời gian buổi tối và những ngày cuối tuần để làm nón, kiếm thêm khoảng 500 nghìn đồng/tháng). Ảnh: M.Q. |
Giật mình... những con số
Chia sẻ về thực tế đời sống công nhân lao động ngành May, bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: Doanh nghiệp có hơn 700 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 93%. Mức thu nhập bình quân chung theo khảo sát của Công đoàn Công ty trong 6 tháng đầu năm 2022 là 5,68 triệu đồng/tháng/48 giờ lao động/tuần, chưa tính các khoản phụ cấp, tăng ca.
“Tôi chưa tính đến những phát sinh ốm đau, hay cưới giỗ, thăm hỏi, quê quán, tôi đang nói đến sự leo thang của giá cả thị trường dẫn đến thu nhập của người lao động phải thực sự "chắt bóp, tằn tiện mới đủ sống". Tôi dám chắc 50% người lao động cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống”, bà Phương Anh nêu thực tế.
Bà Phương Anh cũng đưa ra một phép tính: Với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng và 2 con), mức chi phí sẽ rơi vào khoảng 12 triệu đồng/tháng - tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc họ phải chi trả tiền thuê nhà, các khoản chi phát sinh trong cuộc sống.
Bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy (trái ảnh) trao đổi về tình hình việc làm, đời sống với công nhân lao động. |
Hồi cuối tháng 4/2022, khi dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành dữ dội, tại Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, dẫn số liệu khảo sát về đời sống, việc làm của công nhân lao động do Viện thực hiện, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Dù công nhân lao động đóng góp rất lớn vào GDP, song thực tế có tới 66% công nhân lao động đang thuê nhà trọ để ở. Trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt.
Tiến sĩ Vũ Minh Tiến cũng nêu nghịch lý khá phổ biến là mặc dù công nhân lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60-70 giờ/tháng, như với các lĩnh vực dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ...
“Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ. Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình”, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến chia sẻ.
Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, thông tin thêm về kết quả một cuộc khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Kết quả khảo sát qua trả lời bảng hỏi của 1.533 lao động làm việc trong các loại hình: doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần; doanh nghiệp tư nhân trong nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… cho thấy: Mức lương người lao động nhận được không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động là lý do người lao động phải chấp nhận làm thêm giờ nhiều để bù đắp chi tiêu trong tháng.
Cụ thể: Có 46,2% người lao động cho biết họ có làm thêm giờ với số ngày phải làm thêm giờ trong 1 tháng trung bình là 12,78 ngày/tháng. Người làm thêm ít nhất là làm thêm 1 ngày trong tháng và người làm thêm nhiều nhất là làm thêm 27 ngày trong tháng (gần như ngày nào cũng làm thêm). Số giờ làm thêm trung bình trong ngày là 2,5 giờ và người làm thêm nhiều nhất là làm thêm 4 giờ/ngày. Tiền lương làm thêm trung bình chiếm khoảng 22% tiền lương trong tháng, nhưng cũng có hơn 5% người lao động có tiền làm thêm chiếm tới 80% tiền lương tháng.
"Lý do chính người lao động đưa ra trong khảo sát về việc tại sao họ chọn làm thêm giờ là: thu thập từ thời gian làm việc chính thức thấp, không đủ trang trải cuộc sống; và nếu về nhà sớm 1-2 giờ cũng không có việc gì, hoạt động gì để làm nên họ muốn tranh thủ thời gian này để kiếm thêm thu nhập, đặc biệt là đối với lao động nhập cư, ở trọ", TS Phạm Thị Thu Lan cho hay.
Hiện, giai cấp công nhân đang là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Ảnh: L.N. |
Mặc dù vất vả là vậy, nhưng có tới 56,1% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và 13,2% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống. Chi tiết hơn, đa số người lao động cho biết phải đi vay tiền để chi tiêu, trong đó: 11,2% cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% nói thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải đi vay tiền; 35,6% nói một năm 1-2 lần phải vay tiền và chỉ có 17,7% người lao động nói chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cũng bày tỏ: Đáng suy nghĩ hơn, rất nhiều người lao động không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội một lần để có chi phí bù đắp khi “sa cơ”: trong đó, hơn 1/5 số người được khảo sát (21,4%) cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần (sau đó vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi có việc, nghĩa là tham gia lại từ đầu). Điều này cho thấy cuộc sống của người lao động rất khó khăn...
Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã rớm nước mắt, nghẹn lòng khi nói về tình cảnh của công nhân: “Chúng ta cứ nhìn những đoàn xe máy chở công nhân rồng rắn về quê, hoặc đến một khu công nghiệp khác để mưu sinh trong thời gian diễn ra đại dịch vừa qua... Tài sản của họ có gì ngoài vợ con đang ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải gồm tư trang, quần áo...”. |
Kỳ 2: Nghèo nàn đời sống tinh thần
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Ngày 24/12: Giá dầu thế giới giảm nhẹ
Kiểm soát an ninh hàng không dịp Tết 2025
Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai tới đâu?
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Tin khác
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Hoạt động 24/12/2024 07:52
Lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua trong công nhân
Hoạt động 24/12/2024 07:42
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 16:43
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Hoạt động 22/12/2024 10:26
Hàng nghìn sản phẩm ưu đãi tại Chợ Tết Online của tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 22/12/2024 06:52
Bình Dương: Tuyên dương 183 cá nhân lao động giỏi, sáng tạo
Hoạt động 21/12/2024 08:42
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Hoạt động 20/12/2024 20:32
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 20/12/2024 18:50
Công đoàn Y tế Việt Nam: Chú trọng các hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động
Hoạt động 20/12/2024 18:33