Công an TP.HCM lý giải nguyên nhân chưa xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội
“Điểm danh” 150 đơn vị chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội Mức xử phạt hành chính với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội |
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Công an TP.HCM: Một số hành vi, thủ đoạn phổ biến có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH như các doanh nghiệp chỉ giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng được quy định hằng năm, dẫn đến tình trạng quỹ tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH đang quản lý thấp hơn rất nhiều lần so quỹ lương thực tế đã chi của các đơn vị.
Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Công an TP.HCM phát biểu tại hội nghị. |
Các doanh nghiệp chia nhỏ quỹ lương thành các khoản phụ cấp, hỗ trợ nằm trong các khoản không phải đóng BHXH, hoặc ký các loại hợp đồng với tên gọi khác nhau như: Thuê cộng tác viên, hợp đồng khoán hoặc trả lương theo ngày để trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp thay đổi trụ sở, địa chỉ hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan BHXH, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, khắc phục tiền chậm đóng. Đơn vị tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa điểm sản xuất kinh doanh; phá sản, giải thể nên dẫn tới chậm đóng khó thu.
Đáng chú ý là thủ đoạn gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH. Theo đó, các đối tượng thực hiện hành vi như lập khống, giả mạo hồ sơ BHXH làm căn cứ cho việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản hoặc lập hồ sơ khống để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho một số người chưa đủ thời gian tham gia BHXH. Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng ký đóng BHXH qua đó trục lợi quỹ BHXH.
Cũng theo đại diện Công an TP.HCM, các nhân viên y tế lợi dụng chức vụ để kê toa thuốc khống cho người nhà hoặc người thân của nhân viên bệnh viện, nhưng thực tế không có bệnh, nhằm mục đích lấy thuốc BHYT bán ra ngoài hưởng lợi bất chính và làm hồ sơ khống để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH. Tương tự, một số cơ sở y tế cũng có dấu hiệu lập khống hồ sơ bệnh án của người bệnh để thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm. Các cơ sở này sử dụng các thông tin thẻ BHYT của những người thân, hoặc những bệnh nhân đã từng đến khám để lập hồ sơ khám chữa bệnh “khống” nhằm chiếm đoạt tiền của BHXH.
Bên cạnh đó còn có một số thủ đoạn cố ý làm trái trong khi thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo hiểm như: Cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, cấp giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định; cấp biên bản giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động không đúng quy định của lĩnh vực chuyên môn để người tham gia BHXH hưởng chế độ BHXH trái pháp luật…
Nhiều vướng mắc
Từ năm 2020 đến nay, Công an TP.HCM tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động do Cơ quan BHXH chuyển qua. Tuy nhiên đến nay, Công an Thành phố chưa khởi tố được vụ án cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Nguyên nhân là gặp khó khăn, vướng mắc theo Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội “Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” (bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự). Trong khi các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH chuyển đến chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức.
Bên cạnh đó, những hồ sơ cơ quan BHXH chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra chưa đảm bảo; toàn bộ chứng từ tài liệu là bản photo, không có giá trị pháp lý; không cung cấp được chứng từ tài liệu thể hiện đã tống đạt Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; không cung cấp được các tài liệu thể hiện quá trình thu, quản lý, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc của cơ quan BHXH.
Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH diễn ra đã lâu (có hồ sơ trước thời điểm năm 2017). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã không còn hoạt động, hoặc đã chuyển sang địa phương khác. Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra, các quy định liên quan đến BHXH cũng như Bản kết luận của Hội đồng giám định chuyên môn…Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra của các cơ quan này còn chậm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ việc.
Cùng với đó là những khó khăn trong việc xác định được số tiền trốn đóng BHXH; quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cần tiến hành làm việc, xác minh với nhiều người, bao gồm đại diện pháp nhân, người lao động, các tài liệu như bảng lương, hồ sơ, chứng từ cần đối chiếu nhiều hồ sơ. Do đó, thời gian giải quyết các kiến nghị khởi tố thường kéo dài.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, cũng như công tác điều tra xử lý tội phạm trục lợi BHXH, BHYT, BHTN, Công an Thành phố đề xuất Cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để có cơ sở xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN và xử lý hình sự khi tái phạm.
Cơ quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động về trách nhiệm, quyền lợi của các bên, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để nâng cao hiệu quả công tác xử lý.
Ngoài ra, quá trình xử lý vi phạm hành chính cần thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính như: Lập biên bản giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người vi phạm, có tài liệu thể hiện việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm…; khẩn trương cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Cơ quan BHXH sau khi tiến hành thanh tra, phải làm rõ được tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi, nhằm xác định thiệt hại của hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người vi phạm.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Công an Thành phố và BHXH Thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp theo tinh thần quy chế phối hợp số 5841/QCPH-CATPBHXHTP ngày 8/7/2022 để nắm tình hình, trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến lĩnh vực BHXH trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác phối hợp, xử lý hồ sơ khởi tố đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Nhận diện, lên danh sách các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật về trục lợi, gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT. Khi xác định có dấu hiệu vi phạm, cơ quan BHXH cần kịp thời chuyển giao thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm đồng thời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, 2 cơ quan cần phối hợp để xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm, đánh giá đúng bản chất chậm đóng hay trốn đóng để làm căn cứ xử lý hình sự.
"Đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nhân văn, nhưng cũng đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và với người lao động; đảm bảo chính sách an sinh xã hội đối với người lao động hiện nay trên địa bàn Thành phố", đại diện Công an TP.HCM cho biết.
Nghị quyết số 36 ngày 1/7/2024 của Thành ủy TP.HCM về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn Thành phố xác định: Phấn đấu đến năm 2030, có 62% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 57% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; ít nhất 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, chế độ BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu Đảng ủy Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan này phối hợp xem xét khởi tố hình sự; Tòa án nhân dân Thành phố kiến nghị khởi tố hình sự trong quá trình thụ lý, giải quyết tranh chấp đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của pháp luật và các quy định tiếp nhận, phân loại giải quyết, xử lý nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực BHXH của Bộ Công an và liên ngành tư pháp Trung ương ban hành để sớm đưa ra xử lý một số trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Bắt giữ 10 đối tượng trong đoàn "đua" khiến cô gái trẻ tử vong
Tin nóng 04/11/2024 13:28
Cảnh giác 3 thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người dân
Pháp luật 04/11/2024 12:09
Nâng cao ý thức người dân trong phòng chống tệ nạn xã hội
Pháp luật 04/11/2024 11:13
Triệu tập nhóm "quái xế" phóng xe bạt mạng tông tử vong người phụ nữ
Tin nóng 04/11/2024 09:59
Truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến
Tin nóng 03/11/2024 19:35
Công an tỉnh Kiên Giang phản hồi đơn tố cáo của bạn đọc báo Lao động Thủ đô
Điều tra - bạn đọc 02/11/2024 14:22
Truy tố nhân viên Ngân hàng Tiên Phong chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC
Tin nóng 02/11/2024 07:31
"Nhận hối lộ", cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh lĩnh án 54 tháng tù
Pháp đình 01/11/2024 20:10
Công an Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy tại các bến xe
Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy 31/10/2024 20:42
Công đoàn ngành NN&PTNT tuyên truyền Luật Công chức, Luật Viên chức và Luật Thủ đô sửa đổi
Pháp luật 31/10/2024 20:39