Vạn Phúc đâu chỉ có lụa...
Hương sắc mùa xuân trên chợ hoa Vạn Phúc | |
Người “giữ lửa” cho làng lụa Vạn Phúc |
Lụa ở đây đẹp và được trân trọng đến mức, từng được người Pháp ca ngợi là “Đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”, là thứ tiến Vua quý giá. Vạn Phúc giờ đây vẫn còn lụa và thứ “đặc sản” này vẫn nổi tiếng, nhưng nơi đây còn ẩn chứa nét đặc biệt khác mà ít người biết, đó là khu chợ hoa quanh năm khoe sắc và những dãy hàng chuyên cổ vật – điểm đến của những người hoài cổ.
Làng của lụa và hoa…
Nằm bên bờ sông Nhuệ, cho đến nay làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính của làng quê xưa. Nghe ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc kể thì xưa nơi đây vốn có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đổi thành Vạn Phúc.
Theo truyền thuyết, cách đây khoảng hơn 1.100 năm, bà Lã Thị Nương – vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ đã dạy dân nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm Thành hoàng làng. “Lụa Vạn Phúc thời phong kiến là một vật phẩm tiến vua và được mang đi dự hội đấu xảo tại Marseille và Paris (Pháp) và đã giành nhiều huy chương thời Pháp thuộc. Chẳng thế mà nay vẫn truyền câu ví: The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”- ông Phạm Khắc Hà chia sẻ.
Một góc làng lụa Vạn Phúc |
Ngày nay, lụa Vạn Phúc phong phú và chia ra vô số loại, có thể kể đến như lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi... Khổ vải thường trong khoảng tầm 90 – 97cm. Dù nhiều chủng loại là vậy, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, nổi tiếng nhất trong các loại ấy có lẽ vẫn là lụa vân – loại lụa có hoa văn nổi vân trên mặt lụa.
Nhắc đến lụa vân, ông Phạm Khắc Hà bảo, muốn dệt loại “đặc sản” này thì bên khung dệt phải có 2 người đứng thao tác. Mỗi ngày, sản lượng lụa dệt được vài vỏn vẹn hơn 10cm… Lụa vân thành phẩm dù đắt nhưng vẫn được chuộng. Khách hàng luôn kiếm tìm loại này bởi nó có đặc điểm là mỏng, mềm, có cả hoa nổi và hoa chìm, sờ vào thì mang đến cảm giác mịn mặt mát tay. Đặc biệt hơn cả, sắc màu lụa vân biến đổi lung linh, đa chiều, đa sắc. Hoa nổi thì bóng mịn dễ nhìn thấy.
Bên cạnh “đặc sản” là lụa, ở Vạn Phúc hiện giờ nổi tiếng với khu chợ hoa, cây cảnh hết sức sôi động. Chợ nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, trong một khu phố sạch sẽ và yên tĩnh. Chị Nguyễn Thị Hồng – một tiểu thương cho biết, chợ hoa Vạn Phúc được thành lập từ năm 2014. Trước đây, chợ họp tại đường Nhuệ Giang, cạnh cầu Đen. Chợ có nguồn gốc từ chợ phiên Hà Đông nên cũng họp một tháng 6 phiên vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng.
Tại khu chợ này, người ta có thể tìm thấy muôn vàn chủng loại, từ cây cảnh, cây thế, hạt giống cây, chậu, phân bón… đến cả những chiếc giá để đặt chậu cây. Cũng tại đây, nếu muốn bắt quen hay học tập kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh cũng hết sức dễ dàng. Bởi cánh thương lái, chủ vườn trong chợ đến từ khắp vùng ngoại thành Hà Nội như: Hồng Vân (thường Tín), Mê Linh, Gia Lâm…
Có một điểm lạ, không nơi đâu có tại đây đó là những hối hả, bon chen, những cuộc ngã giá đời đường gần như được đặt sang một bên. Người đến chợ phần đông là để gặp gỡ giao lưu trao đổi với khách hàng, đến chợ để thong dong dạo bước giữa khủng cảnh thiên nhiên thơ mông thư giãn sau một thời gian dài vất vả, đến chợ để được tư vấn cách trồng và chăm sóc hoa cây cảnh miễn phí, để đàm đạo chuyện nghề, chuyện đời với các văn nghệ sĩ...
Và khu chợ đồ cổ chất chứa hoài niệm
Ngay trong khuôn viên khu chợ hoa là la liệt hàng quán chuyên bày bán đồ xưa, đồ cũ. Nhắc đến dãy hàng chuyên về cổ vật này, một đồng nghiệp rỉ tai tôi bảo, đây là điểm đến của những người sưu tầm, những người hoài cổ. Quả thực, có ghé thăm mới thấy, ở đây khi trời tờ mờ sáng, tiếng huyên náo, tiếng dọn hàng đã xua tan bầu không khí yên ắng. Khắp chợ đầy ắp người mua, kẻ bán cùng cơ man sản phẩm. Khách hàng đến đây chủ yếu là những người luống tuổi và giới sưu tầm. Họ đảo qua nhiều vòng quanh chợ, ngắm nghía kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng sản phẩm rồi mới quyết định chọn mua, ngã giá.
Những gian hàng bày bán đồ cổ. |
Dẫn tôi lang thang, nghiêng ngó từng dãy hàng, nhà văn Nguyễn Văn Học, đồng thời cũng là một người khá “say” đồ cổ bảo, do mỗi tháng chợ chỉ mở vỏn vẹn sáu phiên, nên muốn tìm đồ quý, đồ “độc”, chỉ có cách duy nhất là phải đến từ sớm, vừa nhanh tay chọn được đồ tốt, vừa có nhiều thời gian ngắm nghía. Thấy tôi có vẻ để ý những cuộc ngã giá, Học liền kể: Anh có người bạn ở Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) rất say mê sưu tầm ấm trà cổ.
Có lần ở chợ này, ông ấy thích một chiếc ấm trà nhỏ bằng ngón tay cái, có hình dạng mẫu ấm Tây Thi quai ngược. Khi đó chủ hét giá gần 2 triệu bởi theo quảng cáo thì cái ấm đấy lạ và làm bằng đất Tử Sa. Mà có đúng là nó được làm bằng đất Tử Sa hay không thì cũng chịu. Vì thích quá nên sau mấy lần lượn lờ, chủ cửa hàng cũng bớt chút xíu, kêu bán rẻ lấy may. Nhưng sau tình cờ đến cửa hiệu ở Hàng Bông, thấy cũng vẫn cái ấm đấy, mẫu mã đấy mà cũng cổ na ná như thế nhưng họ bán với giá gần 400.000 đồng. Thế mới thấy, đi mấy chợ đồ cũ kiểu này phải đi cùng những người sành sỏi, phải có con mắt tinh tường nhìn hàng, nếu không sẽ mất “tiền ngu” như chơi.
Chẳng phải riêng anh Học có suy nghĩ như vậy, theo nhiều người sưu tầm đồ cổ, chợ tuy bày bán nhiều đồ cũ, đồ xưa, song để mua được món hàng thật sự chất lượng, thì chữ “sành” phải được đặt lên hàng đầu bởi không dễ để xác định thật - giả, thậm chí trong số ấy có không ít món là những thứ đồ… vỏ cũ, ruột mới. Một chủ gian đồ cổ người Hưng Yên cho biết: “Hàng cổ ở đây buôn bán theo kiểu hên xui. Tùy theo khách chứ không niêm yết giá. Chẳng hạn, một chiếc lư đốt trầm loại nhỏ, làm bằng đồng này mình bán 300.000 đồng, nhưng người khác “hét” lên 400.000 đồng. Gặp người thực sự thích có khi lên 700.000 đồng là chuyện bình thường”.
Đó là với đồ cổ, riêng mặt hàng điện tử việc mua bán cũng kỳ lạ không kém. Đó là kiểu “mua vo”, mua “tù mù”. Theo như cách nói của những người bán thì nếu mua nhanh, gọn kiểu “tù mù”, không cần thử thì sẽ được giá rẻ. Ngược lại, nếu cắm điện thử sẽ tính giá tiền khác. Hài hước là có những món người mua thì không biết, người bán khi được hỏi cũng chẳng hay. Lúc đó cả hai bên sẽ... đoán món hàng là gì và đặt giá. Giá cả thì vô cùng, trên trăm triệu cũng có, vài chục ngàn cũng có, đôi khi có những món qua mấy phiên không bán nổi thậm chí còn cho không hoặc vứt đi. Rất nhiều khách thích thú với điều này bởi đây là điều không phải có thể gặp ở các khu chợ khác.
Một điểm nhấn khác của khu chợ, có lẽ là những gian hàng bày bán các kỷ vật của thời chiến, vốn là một phần ký ức không thể phai nhòa trong những người cựu chiến binh. Tại đây, có thể thấy và mua được từ chiếc bi-đông, túi cứu thương, bộ đàm… thậm chí là những bộ quân phục đã sờn rách, bong tróc. Tất thảy những thứ này dường như đều ẩn chứa, mang trong mình những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gian khổ.
Trời đã ngả về chiều, người mua đã vãn, các hàng hoa cũng tranh thủ dọn để chạy cơn mưa nhưng dường như bên các gian hàng bày đồ cổ, những nhóm người vẫn vương vấn chẳng muốn rời. Họ vẫn tụ họp, trao đổi, rôm rả bàn tán, rồi ngắm nghía, đưa lên kính lúp nhìn cho rõ, cười phớ lớ sảng khoái vì tậu được món đồ ưng ý. Sự thoải mái, nét hồn nhiên ấy, xét cho cùng, đó chính là đặc trưng của chợ người làng lụa. Vạn Phúc giờ chẳng đơn thuần là làng lụa, có lụa mà nơi đây còn có hoa, có những hoài niệm về thứ đồ xưa cũ.
Luyện Đinh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Ngân hàng nào liên quan đến đại án Xuyên Việt Oil?
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49