Thiếu ý thức phải xử lý nghiêm…
Nhiều hành vi gây hại cho cộng đồng
Hành vi thiếu trách nhiệm, gây hại cho cộng đồng có thể kể đến việc mới đây trường hợp chị N.H.N (sau đây gọi là bệnh nhân số 17), 26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đi từ nước ngoài (vùng dịch) về nhưng không tự giác khai báo được phát hiện dương tính với Covid-19 tối 6/3. Trường hợp của bệnh nhân số 17 là một bài học đắt giá đối với tất cả những công dân đi từ nước ngoài trở về.
Việc thực hiện cách ly theo đúng quy định thể hiện sự trách nhiệm đối với cộng đồng |
Việc đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần tự giác, tuân thủ mọi quy định phòng dịch, nghiêm chỉnh khai báo y tế trước khi nhập cảnh chính là thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Rõ ràng, bệnh nhân số 17 biết mình có những biểu hiện của mầm bệnh, trở về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo với cơ quan chức năng. Chính sự thiếu trách nhiệm này đã khiến cho hàng trăm người tiếp xúc với bệnh nhân số 17 phải tham gia cách ly.
Không chỉ có bệnh nhân thứ 17, mà thời gian qua, nhiều người cũng chưa hiểu đúng về việc cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19. Từ đó có những suy nghĩ và hành động thiếu trách nhiệm, cố tình trốn tránh không vào khu cách ly, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người thân cũng như cộng đồng. Như trường hợp N.T.T (28 tuổi) livestream khoe “trốn cách ly” sau khi về Việt Nam từ vùng dịch Hàn Quốc, gây bức xúc trong dư luận.
Sau đó ngành chức năng của Bình Dương đã vận động T. và gia đình cô hiểu rõ việc cách ly để đảm bảo an toàn. Cuối cùng, T. cùng mẹ và anh trai đều được kiểm tra sức khoẻ và vào khu vực cách ly ở Trường Quân sự tỉnh Bình Dương. Còn 2 cô gái (quê ở Kiên Giang) làm việc tại Trung Quốc về Việt Nam nhưng không về mà trốn đến thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để thuê nhà trọ ở. Chính quyền địa phương đã yêu cầu 2 cô gái kiểm tra sức khỏe và vào khu cách ly để theo dõi.
Trên thực tế việc trốn cách ly không chỉ làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, và cũng là tội ác, bởi vì việc trốn cách ly hay khai báo gian dối về lịch trình đi lại trong vùng dịch gây nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng. Với hành vi vô ý thức của mình, người trốn cách ly có thể gián tiếp gây nên đại dịch và tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19, do đó mọi hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý nghiêm.
Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Nếu có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, có thể bị phạt tù lên đến 12 năm, và có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra, đây còn là hành vi hủy hoại nỗ lực phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Bởi như các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu thực hiện khoanh vùng cách ly mà chỉ cần để lọt 1 trường hợp bị bệnh ra cộng đồng, là coi như “vỡ trận”, mọi công sức đều đổ bỏ.
Cần ý thức hành xử vì an toàn chung
Những hành vi thiếu trách nhiệm, gây hại cho cộng đồng cũng có thể bắt nguồn từ việc một số cá nhân đã đăng tải, đưa thông tin một cách tràn lan, vô tội vạ, không cần biết đúng, sai về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Nguyên nhân của hành động này là bởi sự thiếu ý thức tìm hiểu những thông tin liên quan về dịch bệnh. Trong khi Bộ Y tế đã công khai trang thông tin điện tử chính thức về tình hình, diễn biến của dịch Covid-19, kèm theo đó là hàng chục tin nhắn về những chỉ dẫn y tế giúp tự phòng, tránh dịch được đều đặn gửi tới các thuê bao điện thoại. Nhưng dường như điều đó là chưa đủ khi trong những ngày qua, cơ quan chức năng vẫn phải xử lý hàng chục trường hợp vi phạm về việc đăng tải thông tin sai sự thật về Covid-19 gây hoang mang dư luận trong quần chúng nhân dân.
Mấy ngày gần đây, sau khi Việt Nam tiếp tục công bố ca thứ 30 nhiễm Covid-19 (tính đến 12h ngày 9/3) thì chúng ta có thể thấy một số hình ảnh người dân tập trung tại các siêu thị, trung tâm thương mại... để tích trữ thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế việc này được các chuyên gia đánh giá là không cần thiết và không nên. Bởi việc tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm khiến mọi siêu thị trở nên đông đúc và lộn xộn. Điều này dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và tạo ra khả năng lây lan bệnh cho nhau nhanh nhất. Nếu tất cả mọi người bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua thực phẩm gần nhà, gọi online cũng được, thì ai cũng đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm để dùng và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát.
Hiện tại, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì năng lực thị trường vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân mà không cần phải tích trữ. Với những gia đình bị cách ly sẽ được chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn hỗ trợ. Do vậy, người dân không nên tìm cách thoát ra khỏi khu vực cách ly khiến tình hình thêm rối loạn. Trước đó, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, không phải tự dưng mà ở Trung Quốc số ca mắc Covid-19 tăng chóng mặt trong thời gian đầu. Có điều đó cũng bởi một phần không nhỏ người dân mang tâm lý tích trữ đồ, đổ xô ra siêu thị hoặc chạy trốn khỏi nơi cách ly. Có thể điều này là một trong những nguyên nhân tạo môi trường lây lan bệnh COVID-19 nhanh nhất. Và cho đến khi phần lớn mọi người ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, dịch bệnh đang được kiểm soát.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người hãy tự ý thức bảo vệ bản thân mình, tức đang góp phần bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh. Đó là thực hiện các biện pháp hạn chế đến nơi đông người, luôn phải nhớ “rửa tay, rửa tay và rửa tay”. Ngoài ra, tự biết cách chăm sóc, nâng cao sức đề kháng của bản thân, gia đình; cập nhật thông tin chính thống, tránh hoang mang. Bởi vắc xin hiệu quả nhất lúc này không gì khác ngoài ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình.
K.Tiến
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tin khác
Thủ đoạn làm giả "thẻ ngành" để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng
Tin nóng 22/11/2024 09:19
Bắt đối tượng lừa đảo nhiều người bằng chiêu đáo hạn thẻ tín dụng
Tin nóng 21/11/2024 13:03
Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án mới
Tin nóng 20/11/2024 16:09
Mật phục bắt "cát tặc" trong đêm trên sông Hồng
Tin nóng 20/11/2024 09:42
Triệt phá nhóm đối tượng cho vay lãi nặng 1.000%/năm tại Bình Dương
Tin nóng 19/11/2024 13:07
Không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Tin nóng 19/11/2024 09:52
Khởi tố giám đốc sản xuất keo dán gạch giả nhãn hiệu "con cá sấu"
Tin nóng 19/11/2024 06:22
Triệt phá đường dây cá độ bóng đá quy mô 2.000 tỷ đồng
Tin nóng 17/11/2024 23:14
Khởi tố nhiều cán bộ thuộc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh
Tin nóng 17/11/2024 07:58
Bắt quả tang 2 đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia
Tin nóng 17/11/2024 07:50