Tản mạn về nghề báo!
Báo chí Thủ đô cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng | |
Buồn, vui nghề báo |
Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo! Trong nhật ký ba tôi để lại có nhắc, qua theo dõi của ba, lớn lên con có thể làm nghề giáo, tuyên giáo, chứ không nói đến hai chữ nhà báo. Những năm 70 hình ảnh chú bộ đội đẹp vô cùng với những câu thơ “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”... đã theo tôi vào trường Đại học Sư phạm với ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo... Duyên nợ thế nào, ra trường, tôi lại về Báo Giao thông Vận tải. Những tưởng lý lịch sẽ mãi chỉ có một dòng "Từ năm 1983 đến nay PV Báo Giao thông" thì nay đã thành 2 dòng: Từ 11.2014 đến nay PV Báo LĐTĐ. Làm báo thời công nghệ thông tin sướng nhiều so với những năm 80-90, những chuyến đi công tác bây giờ không còn cảnh vất vả chen tàu, chen xe như trước. Không có cảnh mẹ đi công tác trên tàu đau tức sữa khóc, con ở nhà đói sữa cũng khóc. Ngày trước, đi công tác đêm không ngủ khách sạn mà là nhà khách cơ quan, trạm gác cung đường, trực ban ga xép, chăn chiếu hôi rình, có lần tôi đã phải lấy xà phòng nhét vô mũi để đêm qua nhanh... Quà cho nhà báo ngày ấy cũng chỉ đơn giản, tình nghĩa, có khi là củ gi tròn tròn như củ từ, mà bà con dân tộc gọi là củ gió với lời dặn, nhà báo đem về giã ra ngâm rượu, khi nào trái nắng trở trời thì lấy ra xoa và nhớ đến chúng tôi... Làm báo ngày xưa gian nan, vất vả, nhưng đến rồi đi vẫn sâu đậm, nhớ mãi. Làm báo bây giờ, hiện đại từ đi lại đến phương tiện hành nghề nhưng lại có vô vàn nỗi vất vả, khó khăn, đôi khi là phải chiến đấu với chính bản thân mình... Thế nhưng, nếu phải chọn lại nghề, chắc tôi vẫn chọn nghề báo mà thôi, bởi niềm vui và sự an ủi nhất vẫn là những chuyến đi nối dài kỷ niệm và mỗi ngày đi là một ngày khôn… Hồ Thu Thủy |
Đó là việc nên làm! Là câu nói ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa của một y tá Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chia sẻ với tôi sau khi vừa tình nguyện hiến máu cứu bệnh nhân mất máu nặng thoát khỏi “lưỡi tử thần”. Là phóng viên được phân theo dõi y tế, nên tôi thường gắn bó bệnh viện, bệnh nhân. Trong lần đi công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), tôi đã chứng kiến trường hợp một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, vùng bụng đa chấn thương, mất máu nhiều. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán bệnh nhân bị thương nặng và cần phải truyền máu gấp để phẫu thuật. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân thuộc nhóm máu AB là nhóm máu rất hiếm, trong khi nguồn dự phòng trong ngân hàng máu sống của bệnh viện không có. Lập tức, 3 bác sĩ đang công tác tại khoa sản, khoa dinh dưỡng, khoa mổ và một y tá của bệnh viện trùng nhóm máu AB, nên đã tình nguyện hiến tặng mỗi người một đơn vị máu (tổng cộng 1.200 ml máu) để truyền cho bệnh nhân. Truyền máu xong, kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Hằng ngày, hằng giờ vẫn có nhiều người tình nguyện hiến máu để cứu giúp người bệnh. Việc làm các bác sĩ, y tá Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) càng ý nghĩa hơn, khi tôi được biết hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn và chị là lao động chính. Dù bệnh nhân không phải là người thân của các bác sĩ, y tá, nhưng các anh, chị đã sẵn sàng sẻ chia “giọt máu hồng” để cứu giúp họ. Việc các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Hương Khê (Hà Tĩnh) làm thật xứng với câu nói “Lương y như từ mẫu”. Thu Trang |
Làm báo không hề nhàn hạ Hẳn bây giờ vẫn có nhiều người lầm tưởng nghề báo nhàn hạ, rồi sung sướng khi bài được đăng, được phát. Rồi nữa, được cơ sở trọng vọng. Chả thế, các trường báo chí thu hút rất đông sinh viên. Làm báo thời công nghệ tiến tiến cũng có cái tiện: Tham khảo tư liệu dễ dàng, thao tác viết và gửi bài, ảnh thuận tiện. Nhưng trong những cái “tiện” đó lại nảy sinh những bất cập. Trừ những nhà báo vất vả xông pha hiện trường thực tế để tác phẩm báo có thêm sức nóng, thì có không ít “nhà báo ngồi phòng lạnh” chuyên “thuổng”, “vợt” tin, bài của các báo, rồi “xào xáo” lại. Khi báo điện tử nở rộ, lại nảy sinh trào lưu làm tin, bài nhằm câu “viu”. Trong đó, chủ yếu là các đề tài hình sự, tình ái, giới showbis…giật gân. Nghề báo không hề nhàn. Người làm báo đòi hỏi phải có kiến thức rộng về lĩnh vực xã hội, văn hóa; đồng thời phải có những kiến thức chuyên ngành về các lĩnh vực được phân công phản ánh trên phương tiện truyền thông của cơ quan báo. Thời đại công nghệ số, thế giới phẳng, chỉ chậm chân một chút, thì thông tin đưa ra bị lạc hậu ngay. Do vậy, nhà báo phải là người nhanh nhạy, luôn giương cao “ăng-ten” thu nhận những diễn biến của xã hội để phân tích, viết báo. Lê Quang Vinh |
Hạnh phúc được đồng hành và bảo vệ người lao động Gắn bó với nghề báo đã sang năm thứ 16 và chủ yếu theo dõi mảng lao động - công đoàn, tôi đã từng đeo bám nhiều vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Gần đây nhất, tôi có nhận được đơn cầu cứu của chị Phùng Thị Thùy Dung ở Nghệ An, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Công ty CP dịch vụ quốc tế Việt - Sing (Hà Nội) đã nhận hơn 134 triệu đồng của chị Dung, không đưa được chị Dung xuất cảnh, nhưng cũng chưa trả tiền. Nhận giúp Dung đòi lại quyền lợi, tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty Việt - Sing. Đáng mừng là ngay sau cuộc làm việc với Báo Lao động Thủ đô 1 ngày, Công ty Việt - Sing đã gọi Dung đến ký Biên bản Thỏa thuận trả lại tiền chia làm 3 đợt mà ngày 16.6.2016 là ngày đầu tiên. Đến giờ hẹn, tôi và Dung cùng hồi hộp, vì trước đó Công ty đã nhiều lần thất hứa, thậm chí còn thách đố không trả tiền. Nhưng rồi, với sự kiên trì đeo bám, đến gần 20 giờ ngày 16.6.2016, Dung đã nhận đủ 30 triệu đồng theo đúng thỏa thuận từ Công ty Việt - Sing. Cầm lại một phần tiền của mình sau gần 1 năm gõ cửa khắp nơi, Dung rưng rưng lệ. Em nhắn cho tôi: “Thực sự khi cơ quan công an thông báo tạm dừng điều tra, em đã rất tuyệt vọng. May nhờ sự vào cuộc kịp thời của cơ quan báo chí đã lấy lại phần nào cho em niềm tin. Em xin cảm ơn chị và Báo Lao động Thủ đô rất nhiều”. Câu chuyện của Dung chưa đến hồi kết có hậu, nhưng mỗi kết quả tốt, mỗi niềm vui của người lao động cũng là hạnh phúc của những người làm báo chúng tôi. Tôi sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin yêu đó như nguồn động lực để tiếp tục đồng hành, bảo vệ người lao động. Lan Ngọc |
Vượt qua những định kiến trong nghề Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý đối phó với những định kiến khi bước vào nghề báo, như “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”, nhưng khi chính thức vào nghề, tôi vẫn không khỏi áp lực bởi những ánh mắt nghi ngờ, những câu nói chất vấn “ngược” thiếu niềm tin từ nhân vật, những người xung quanh. Tuy nhiên, sau những tháng ngày rong ruổi với nghề, tôi càng thấm hơn những gian nan, nhưng rất đỗi vinh quang của nghề mang lại. Và hơn ai hết, tôi hiểu vinh quang ấy không phải danh tiếng, phần thưởng lớn lao, mà chính bằng tình người, tình đời và cả niềm hạnh phúc khi được trải nghiệm, sẻ chia…Làm báo, giản dị thế thôi, nhưng với tôi, là hai từ đẹp đẽ và thiêng liêng. Từ những đề tài gần gũi với đời sống công nhân lao động, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, ở những môi trường khác nhau. Đó là những người lái xe ôm, là những người công nhân miệt mài, vất vả với trăm ngàn mối lo trong những khu công nghiệp lớn, là số phận vượt lên bằng nghị lực phi thường hay những chàng trai, cô gái tài năng có mong muốn được thể hiện bản thân mình… Trưởng thành và bước qua nhờ những niềm vui nho nhỏ như thế, tôi thêm vững tâm bước tiếp trên con đường làm báo đã chọn. Tuệ Liên |
“Giàu” hơn sau mỗi bài viết Nghề báo mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, sự hiểu biết và vốn sống, mà nếu không làm báo thì có lẽ sẽ không bao giờ tôi có được. Sau mỗi lần tác nghiệp, tôi lại có thêm một mối quan hệ mới, những người bạn mới. Tôi nhớ nhất là một bài viết của tôi về tâm tình của một người lính biển kiên cường ở quần đảo Trường Sa. Bài viết của tôi vô tình trở thành cầu nối giữa anh và gia đình. Anh tâm sự với tôi, vợ anh nơi đất liền sau khi đọc những dòng tâm sự của anh trong bài viết đã khóc vì xúc động, khóc vì tình cảm chân thành của anh dành cho chị. Sau đó, anh còn lấy số báo có đăng bài viết của tôi để làm quà Tết tặng bố, mẹ bên nội, bên ngoại. Nghe anh thổ lộ, với người lính không có gì quý bằng món quà tinh thần, tôi vô cùng xúc động và cảm thấy mừng vì bài viết của mình đã mang lại niềm vui cho nhân vật. Ngày trước, tôi nghĩ chỉ cần giỏi văn, nhiều chữ là có thể trở thành nhà báo. Nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy, bởi nghề báo còn đòi hỏi người làm nghề sự sáng tạo không ngừng, sự lăn lộn với mọi hoàn cảnh, sự tìm tòi đề tài đúng với tâm lý người đọc,… Đã có lúc tôi muốn chuyển nghề, nhưng rồi khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi thấy mình thực sự yêu nghề báo - cái nghề cao quý, nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Và tôi tiếp tục đắm chìm theo đuổi nghề dù biết phía trước còn nhiều khó khăn. Thu Hoài |
Khó khăn, nhưng đầy đam mê Tôi đến với nghề báo như một cái duyên. Với tôi, nghề báo nhiều vất vả, nhưng cũng đầy thú vị. Khi mới bước vào nghề, tôi vẫn thường được các anh, chị chỉ bảo rằng, nếu làm báo, thì đừng bao giờ nghĩ đến nghỉ ngơi vì ngày nào, giờ nào cũng luôn phải sẵn sàng. Nhớ những ngày đầu ấy, tôi rất lúng túng, ngần ngại vì lẽ mình không quen với cái guồng quay ấy, làm sao mà viết? Khi công việc bắt đầu vào thuận lợi hơn, thì lại nảy sinh một khó khăn khác là làm sao để duy trì lượng tin bài mỗi ngày. Nghe thì rất bình thường, nhưng nếu cứ đều đặn hằng ngày, hàng tuần thì là một vấn đề. Làm sao để tìm đề tài? Làm thế nào để mỗi bản tin luôn có tính mới, tính thời sự?... Làm sao để gần gũi với bạn đọc, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân, họ cần gì, khó khăn gì…? Chỉ khi thực sự bước vào nghề, tôi mới cảm nhận được, trách nhiệm xã hội và lòng say mê nghề nghiệp luôn gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời người làm báo. Hằng ngày, báo chí mang đến cho nhân dân một lượng thông tin khổng lồ. Để có lượng thông tin khổng lồ, người làm báo phải lao động vất vả ngày đêm, năng động sáng tạo và có trách nhiệm trước thông tin mà mình đưa ra. Để rồi niềm hạnh phúc giản đơn là khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn đọc. Nghề báo khó khăn, nhưng cùng đầy đam mê, nếu muốn cảm nhận sự ngọt ngào của nó, xin hãy cứ bước đi với cái đầu luôn tỉnh táo và một trái tim ấm nóng…! Trần Tuấn Dũng |
Nghề báo không chỉ có đam mê và nhiệt huyết... Một lần, tôi được cơ quan cử đi viết một bài phóng sự về “người rừng” và được biết có một thời từng là lính, nhưng đến khi giải ngũ, vì gia đình đổ vỡ, người lính ấy đã chạy trốn khỏi xã hội và ẩn mình suốt 40 năm trong rừng thẳm. Tôi cùng một nữ người đồng nghiệp hăm hở vượt gần 200 cây số đường trường, rồi cuốc bộ hơn 10km vào tận cánh rừng Lắn (xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Chúng tôi may mắn được một người dân bản địa tốt bụng dẫn đường, nhưng do lần đâu tiên đi bộ, leo núi hơn 2 tiếng đồng hồ, khiến tôi và bạn đồng nghiệp rã rời. Đến nơi, điều xui xẻo là chúng tôi không gặp được nhân vật. Trời đã nhá nhem tối, theo để xuất của người dẫn đường, chúng tôi đành phải ở lại rừng. Giữa rừng đêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng, tiếng gió rít và ánh lửa bập bùng, khiến tôi và người bạn đồng nghiệp không dám chợp mắt. Bỗng, một bóng người đen xì, nhỏ thó, tóc tai bù xù, khoác trên người bộ quần áo đen kịt xuất hiện giữa cửa hang, khiến cả 3 chúng tôi sợ hãi ôm chầm lấy nhau và hét lên như gặp “ma”. Rất nhanh, người dẫn đường nhận ra đó là “người rừng”, liền phát “sóng ngắn” (bằng tiếng Mường) và nhận lại được tín hiệu từ bóng người kia…Đêm hôm đó, chúng tôi không ngủ, phần vì 3 chúng tôi sợ, phần vì mải nghe “người rừng” kể chuyện đời anh. Qua ánh lửa leo lắt, tôi lại thấy đôi mắt “người rừng” nhòe đi. Sau đó, bài phóng sự dài 4 kỳ của chúng tôi được Ban biên tập khen. Nhưng hạnh phúc hơn cả, là khi bài viết được đăng, đồng đội của “người rừng” đã tìm về cánh rừng Lắn và đưa ông trở về với cuộc sống hiện tại. Sau lần trải nghiệm đầu tiên ấy, tôi hiểu rằng, với nghề báo, nhiệt huyết và đam mê thôi là chưa đủ, mà còn cần phải có sự dũng cảm, dấn thân... Đỗ Đạt |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu Đảng tặng các đảng viên lão thành
Giá vàng thế giới “bất động” giữa lúc Mỹ sắp có tổng thống mới
Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây diễn ra vào ngày 10/11
Tin khác
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Sự kiện 05/11/2024 17:12
Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật
Sự kiện 05/11/2024 16:19
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Sự kiện 05/11/2024 11:44
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Sự kiện 05/11/2024 11:30
Đại biểu Quốc hội: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “tắc” do nguyên vật liệu
Sự kiện 05/11/2024 11:29
Đại biểu đề nghị tăng chi đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục
Sự kiện 05/11/2024 10:42
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33