Buồn, vui nghề báo
Đồng lòng xây dựng nền báo chí Việt Nam ngày càng phát triển |
Nhân kỷ niệm 23 năm Báo Lao động Thủ đô ra số đầu (1.4.1993 -1.4-2016), xin giới thiệu những tâm sự về nghề, về những trải nghiệm trong cuộc sống và trong nghề làm báo của một số nhà báo ở Lao động Thủ đô:
Võ Giang: Tác nghiệp bị mất… mũ
Nhiều năm làm báo, gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo ở nhiều quận, huyện, phường, xã, chúng tôi gặp không ít những chuyện vui buồn xung quanh cách hành xử của những “công bộc” với nhà báo.
Cách đây khoảng 3 năm, tôi cùng một nữ đồng nghiệp đặt lịch làm việc tại một phường thuộc quận Hà Đông. Hiếm có ủy ban phường nào nghiêm túc như phường này khi ngay trước cửa phòng ông Chủ tịch UBND có hẳn biển cấm hút thuốc, thực hiện văn minh nơi công sở.
Nhưng, tại buổi làm việc với chúng tôi liên quan đến những chính sách về đất đai, vị chủ tịch tỏ ra không thoải mái và liên tục hút thuốc. Khi kết thúc buổi làm việc, chúng tôi hỏi vì sao ông hút thuốc trong phòng làm việc trong khi ngoài cửa lại có biển cấm, lãnh đạo này điềm nhiên trả lời: “Đó là cấm ở ngoài, còn trong phòng, tôi vẫn có quyền hút!” và bất ngờ đứng dậy “mời” chúng tôi ra về.
Ra khỏi phòng khoảng chục mét, sực nhớ quên mũ lưỡi trai trên ghế, tôi quay lại lấy. Vừa ló mặt vào phòng, vị chủ tịch phường đã xua tay: “Không có gì ở đây đâu”. Nhìn quanh phòng thì đúng là chiếc mũ đã “không cánh mà bay”…
Tới giờ, nhắc lại chuyện cũ, nữ đồng nghiệp của tôi vẫn hài hước: “Cái mũ mua có mấy chục nghìn ở phố Hàng Dầu, nhưng nghĩ lại bị lãnh đạo phường “nhảy” mất trong tích tắc thì đúng là đau thật”.
Tuấn Dũng: Nghề báo là không ngần ngại
Một lần, tôi được tòa soạn giao nhiệm vụ tìm hiểu và phản ánh về tình trạng lấn chiếm, vi phạm pháp lệnh đê điều trên địa bàn thành phố. Lần theo những chiếc xe quá tải chạy rầm rập trên tuyến đê hữu Đuống, tôi có mặt tại một trong những điểm tập kết, trung chuyển VLXD lớn nhất quận Long Biên, trên địa bàn phường Giang Biên. Đập vào mắt tôi lúc này, trên mảnh đất rộng cả chục héc-ta là khung cảnh về những chiếc xe tải đang vào ra tấp nập, những lán trại, máy xúc, máy ủi… đan xen với nhau khiến khu vực này như một “đại công trường”.
Những gì diễn ra trước mắt khiến tôi dễ dàng thu thập được tài liệu, nhưng cũng vì mải mê tác nghiệp, tôi đã không để ý mình đã lọt vào tầm ngắm của những “ông trùm” nơi đây. Lần đó, phải vất vả lắm, tôi mới sao chép và cất giữ được những hình ảnh và tài liệu đã thu thập được.
Sau đấy, từ nội dung của loạt bài 5 kỳ “Báo động tình trạng vi phạm pháp luật đê điều”, UBND Thành phố đã chỉ đạo làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định.
Có thể nói, những kỷ niệm buồn, vui trong nghề báo không thể nào nói hết chỉ trong một vài câu chuyện, nếu không có đam mê, không yêu thích thì rất dễ bỏ cuộc vì áp lực, khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Tuy nhiên với tôi, khi mọi cố gắng của mình thông qua các bài viết được các cơ quan chức năng ghi nhận và xử lý thì đó mới là phần thưởng lớn nhất.
Lê Hà: Tác phẩm hay, không đơn thuần chỉ “chép”
Tháng 10.2006, tôi chính thức về làm việc tại Lao động Thủ đô và được Ban Biên tập phân công nhiệm vụ tại Ban Kinh tế - Xã hội.
Những năm 2006, 2007 là thời kỳ “đỉnh cao” về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành các công ty cổ phần. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để giúp các DNNN làm ăn hiệu quả, tránh ỷ lại “bầu vú” của Nhà nước. Song quá trình thực hiện nảy sinh vấn đề, khi các DNNN phát hành cổ phiếu thì đa số người lao động không có tiền để mua, do đó cổ phiếu lại tập trung vào tay những người có chức, có quyền trong công ty. Vậy là đang từ vị trí làm chủ, bỗng nhiên, người lao động phải đi làm thuê cho các ông chủ mới.
Xác định Lao động Thủ đô là tờ báo có sứ mệnh chính trị là bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp của người lao động, do đó, chúng tôi đã kiến nghị Ban Biên tập được điều tra liên quan đến nội dung này.
Và thật may, khi đó, đề tài đã được các đồng chí Nguyễn Đắc Trịnh (Tổng Biên tập), Nguyễn Mẫn Nhuệ (Thư ký tòa soạn), Trịnh Lan Hương (Trưởng ban Kinh tế - Xã hội) rất đồng tình.
Tôi và phóng viên Kim Thoa tiến hành tác nghiệp và kết quả là sản phẩm có tên “Cổ phần hóa DNNN ai là chủ, ai làm thuê?” đã ra đời và được đăng liên tiếp 5 kỳ.
Và điều bất ngờ nhất, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6.2007, tác phẩm của chúng tôi được nhận giải B Giải Báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo VN. Đêm trao giải có sự hiện diện của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khiến chúng tôi rất cảm động. Bây giờ, ngồi viết lại kỷ niệm, tôi nghĩ, người ta hay so sánh báo “to”, báo “nhỏ”, nhưng điều quan trọng là nếu chúng ta biết nắm bắt vấn đề, phân tích sâu thì tác phẩm sẽ có giá trị.
Đỗ Đạt: Nghề báo không nhàn nhã
Là phóng viên trẻ, được sát cánh với những anh, chị đồng nghiệp giàu kinh nghiệm ở Báo LĐTĐ chưa lâu, nhưng tôi cũng đã vỡ ra nhiều điều. Nghề báo không “đơn giản, nhàn nhã” như mọi người vẫn tưởng. Muốn có những tác phẩm báo chí thành công, người phóng viên phải chịu khó tìm tòi đề tài, thu thập tư liệu, đưa đến người đọc những tác phẩm tốt nhất bằng cái nhìn khách quan nhất… Ai cũng biết vậy, nhưng không phải ai cũng làm tốt, bởi để đạt được điều đó, đòi hỏi người làm báo cần phải có đam mê, có sự dấn thân, tìm tòi, sáng tạo.
Là phóng viên còn non về nghề lẫn kinh nghiệm, thú thực, nhiều lúc bản thân thấy nản, thấy khó khăn, thậm chí đôi lúc thấy áp lực, bởi những lần bị từ chối cung cấp thông tin, bị áp lực về thời gian, hay những lúc bị “ý kiến” vì bài viết “có vấn đề”…
Những lúc ấy, tôi chỉ muốn buông xuôi. Tuy nhiên, ở giai đoạn khó khăn nhất, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm của BBT, của các anh, chị là đồng nghiệp ở cơ quan, giúp tôi có thêm niềm tin để phấn đấu và chiến đấu. Những tình cảm tốt đẹp ấy đã giúp tôi dần bắt kịp được với nghề và hiểu rằng, nghề báo tuy vất vả, nhưng nó đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui, hạnh phúc qua từng bài viết.
Nguyễn Hoài: Rồi nghề sẽ dạy nghề…
Tôi đến với nghề báo như một cái duyên. Dù là dân “tay ngang”, nhưng càng gắn bó với nghề, tôi càng thấy yêu và đam mê. Tôi may mắn được làm việc với Báo Lao động Thủ đô ngay từ những ngày đầu tiên rời giảng đường đại học.
Đối với tôi, Báo Lao động Thủ đô như một mái nhà thứ 2, mà ở đó, Ban Biên tập, các anh chị đồng nghiệp chân tình và cởi mở như những người thân, người thày của mình. Kỷ niệm những ngày đầu vào nghề có lẽ là hình ảnh những người làm báo không bao giờ quên.
Đó là tình cảm của những người anh, người chị, người bạn đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, những vui buồn trong nghề. Rồi niềm vui khi lần đầu tiên cầm trên tay tờ báo có đăng bài viết của mình. Bài viết dù nhỏ thôi, nhưng cũng đủ làm cho tôi cảm thấy thật vô cùng hạnh phúc.
Điều tôi tâm đắc nhất ở nghề báo đó là được trải nghiệm, rong ruổi khắp mọi nơi. Nếu như thời cắp sách tới trường, mỗi lần nhìn thấy thần tượng, những ngôi sao trên báo chí, truyền hình, tôi lại ước ao được gặp gỡ và chụp ảnh chung với họ thì nay khi dấn thân vào nghề tôi được thỏa mong ước bởi mảng tôi viết là Văn hóa.
Nghề báo tuy vất vả nhiều, đặc biệt với một phóng viên trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề như tôi lại càng vất vả hơn, nhưng tôi vẫn cứ say mê bởi luôn nghĩ, rồi nghề sẽ dạy nghề…
Hồ Thu Thủy: Đi càng khó, càng khổ, thì viết… càng hay!
Tôi luôn tự hào về hành trình hơn 30 năm theo nghiệp báo. Trong 33 năm ấy, có tới hơn 20 năm tôi được phân công đi với mảng Công đoàn.
Đồng nghiệp chúng tôi vẫn tám, là phóng viên Công đoàn nghèo nhưng mà vui. Vui vì những chuyến đi dài, đến những nơi vùng sâu vùng xa, thiếu điện, thiếu nước, thiếu trường, thiếu chợ, thiếu thốn cả tình cảm… nhưng đã đến một lần là nhớ mãi, là ấn tượng khó quên với cả người đi và người ở lại.
Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi là chuyến đi đến ga Đồng Mỏ, một ga xép, heo hút, lạc hậu trên tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn. Tìm hiểu, lấy xong số liệu hàng hóa, hành khách thông qua ga mỗi ngày cùng những khó khăn của công nhân của xép ga vùng biên…
Trưởng ga Tống Văn Công dẫn tôi vào UBND huyện, đúng hơn là anh đem tôi đi "khoe" với Chủ tịch huyện Chi Lăng - Vi Văn Thành vì lần đầu tiên có nhà báo đến thăm.
Nhờ thế, mà trong chuyến đi này tôi còn có thêm bài báo" Nửa giờ với chủ tịch huyện Chi Lăng" kể về mô hình mới, trồng Na trên núi đá Lạng Sơn.
Sau này mỗi lần gặp Bí Thư tỉnh Lạng Sơn Vi Văn Thành, anh vẫn nhắc lại và cười vang với câu nói vui, "người ta chỉ mươi mười lăm phút cô làm những nửa giờ"…
Trở lại chuyện ở ga Đồng Mỏ, đêm ấy, tôi thao thức không sao ngủ được, phần vui vì được gặp những người bạn tốt, những anh chị em công nhân hiền lành, chân thật, phần vì giường chiếu đen đặc dầu mỡ của công nhân ga xép. Sau nhờ sáng kiến lấy tý xà phòng thơm bôi lên mũi, rồi đêm cũng qua.
Hôm sau, lúc chia tay ở bậc lên xuống của toa tàu, Trưởng ga Tống Văn Công dúi vào tay tôi mấy củ gì tròn tròn như củ từ nhưng lại có lông với lời dặn: "Củ gió, nhà báo đem về giã ra ngâm rượu, khi nào trái nắng trở trời thì lấy ra ngâm và nhớ đến chúng tôi, những người bạn ở ga Đồng Mỏ..."
Sau này biết chuyện, anh Đoàn Xê, Tổng giám đốc Đường sắt cười bảo: "Cô lại chê khéo nhà anh nghèo, đi với Đường sắt đúng là không có xe đưa xe rước, ngủ khách sạn…" Chao ôi! quà cho nhà báo không phải phong bao phong bì mà sao nặng tình, nặng nghĩa đến thế.
Làm báo, những chuyến đi dài, càng khó càng khổ, thì viết càng hay và nhớ mãi, đó là kinh nghiệm của tôi.
Thu Trang: Tôi đã làm được ở “Mái ấm Lao động Thủ đô”
Việc đến với tòa soạn Báo Lao động Thủ đô như một cơ duyên, bởi tôi xuất phát không phải là người học về báo, nhưng yêu viết báo và muốn trở thành nhà báo có những bài viết chất lượng. Tôi thường đặt ra câu hỏi, nghề báo là nghề rất vất vả, nguy hiểm, liệu mình có thể làm được không? Mình có thể theo đuổi được niềm đam mê đó được không và tôi đã làm được điều đó chính ở “Mái ấm Lao động Thủ đô”.
Tôi về công tác tại tòa soạn chưa lâu, nhưng điều mà tôi cảm nhận rõ nhất ở nơi đây đó là sự ấm áp, tình yêu thương của một tập thể đoàn kết, môi trường làm việc năng động. Trong mỗi phóng viên, nhà báo sống bên tôi, họ không chỉ là những đồng nghiệp, mà còn như những người anh, người chị, luôn chỉ cho tôi về nghiệp vụ chuyên môn, luôn động viên, khích lệ tôi vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Từ một nền tảng vững chắc đó, tôi tin rằng, Báo Lao động Thủ đô sẽ luôn phát triển, lớn mạnh và luôn là “mái ấm” để những người trẻ như chúng tôi được cống hiến và thỏa sức đam mê.
Tuệ Liên: Học cách “chuyển mình”
Được đầu quân về Báo Lao động Thủ đô, khi trải qua nửa năm làm cộng tác viên của báo, kỳ thực, sau hơn một năm gắn bó, tôi càng thấy mình đã chọn đúng “chốn đi về”. Ở đây, tôi đã nhận được sự giúp đỡ ân cần, sự hỗ trợ nhiều mặt của BBT, của các anh, chị đi trước. Từ một phóng viên của tờ báo “thị trường”, về LĐTĐ, tôi được đào tạo trở thành một phóng viên viết tin bài về nhiều mảng, từ lĩnh vực Công đoàn - mảng hoàn toàn mới, khá lạ lẫm đối với tôi - đến kinh tế, giáo dục… Ở mảng nào, tôi cũng tìm được niềm say mê với sự khám phá, tìm tòi về vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Phong cách viết của tôi, vì thế cũng đã khác so với trước, không chạy theo những đề tài, chi tiết giật gân câu khách của tờ báo “thị trường” (mà trước khi tôi về LĐTĐ đã trải nghiệm), bài viết của tôi đã mang được “hơi thở” của các cấp Công đoàn, của CNLĐ Thủ đô; phản ánh những vấn đề dân sinh, gần gũi với đời thường.
Các cụ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi thực sự đã học được “sàng khôn” cả về nghề lẫn về đời khi về Lao động Thủ đô. Để mỗi sáng mai thức dậy, tôi lại mong được đến cơ quan, được đến với những CNLĐ, được lắng nghe, được sẻ chia với họ. Và hơn hết, mỗi bài viết của tôi, được bạn đọc đón nhận. Đó thực sự là niềm hạnh phúc của tôi mà nghề đã mang lại.
Ngô Hùng: Tôi đã thấy những giọt nước mắt!
Trước khi vào Báo Lao động Thủ đô, tôi đã nghiên cứu rất kỹ để quyết định “ngã rẽ” cho cuộc đời mình. Chỉ cần đọc cái slogan “Bảo vệ người lao động”, tôi đã “kết”. Bởi lẽ, những người lao động thường được coi là “thấp cổ bé họng” và luôn đặt câu hỏi: Ai là người bảo vệ quyền và lợi ích của họ khi bị người khác xâm phạm? Và ngay khi vào công tác tại Báo Lao động Thủ đô, tôi đã đề xuất xin vào Ban Nội chính - chuyên theo dõi mảng bạn đọc, đặc biệt là liên quan đến người lao động.
Đầu năm 2015, khi làm việc ở báo Lao động Thủ đô được một thời gian, nhận được đơn thư của nông dân xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì (Hà Nội) về việc tiền hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của UBND TP.Hà Nội khi đến tay người dân đã bị “rút ruột”, tôi và một đồng nghiệp trong cơ quan vào cuộc điều tra. Ngay sau khi bài báo đầu tiên được xuất bản, lãnh đạo cơ quan và bản thân người viết đã bị tác động từ nhiều phía, nhưng lãnh đạo cơ quan vẫn động viên chúng tôi theo đến cùng sự việc. Và những bài báo tiếp theo, Sở NNPTNT Hà Nội đã vào cuộc, chỉ ra hàng loạt những sai phạm, buộc Trung tâm nuôi trồng thủy sản Hà Nội phải trả đủ tiền hỗ trợ cho người nông dân, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ biến chất ở trung tâm này.
Thật vui, qua các bài báo mình viết, tôi đã thấy những nông dân rơi nước mắt khi vụ việc được giải quyết thấu tình, đạt lý. Những giọt nước mắt này là hạnh phúc chứ không phải đau đớn, bức xúc…
Bảo Thoa: Bỏ tất cả để làm báo
Có lẽ ai cũng có ngày khởi đầu ấn tượng khi bắt đầu nghề báo. Với tôi ngày đầu tiên bước chân vào nghề thật khó quên. Tôi tốt nghiệp khoa Toán Tin của Đại học Quốc gia Hà Nội, hơn 10 năm làm kỹ thuật, nhưng chưa bao giờ tôi quên được khát khao được viết và hơn hết là khát khao được trở thành một nhà báo thật sự. Tôi viết bài cộng tác với báo chí để thỏa mãn đam mê viết lách của mình cho đến một hôm…
“Em có còn đam mê làm báo không?” - đó là cuộc gọi của nhà báo, Tổng Biên tập Lê Thị Bích Ngọc vào một buổi sáng. Tôi bỏ dở công việc đang làm và chạy vội tới tòa soạn Báo Lao động Thủ đô. Không thể ngờ rằng, ngày hôm đó tôi đã ở lại tòa soạn để tìm hiểu công việc cho đến chiều tối. Hôm sau, tôi tiếp tục đến tòa soạn thử việc và quyết định gắn bó với nơi đây. Tôi đến với nghề báo không kịp suy nghĩ, chỉ biết là mình đang đi theo tiếng gọi từ trái tim khao khát được làm nghề báo.
Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định “hấp tấp” của mình, mặc dù nghề báo còn nghèo, còn khó khăn và đòi hỏi các phóng viên phải luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Với sự bao bọc ấm áp, sự chia sẻ động viên, giúp đỡ của lãnh đạo, đồng nghiệp, nơi đây tim tôi đã gọi là “nhà” - ngôi nhà Lao động Thủ đô.
Nên xem
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi “xanh”
Đánh giá tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Tập trung chăm lo Tết cho người lao động
Lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua trong công nhân
Năm bứt phá ngoạn mục của du lịch Thủ đô
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Tin khác
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Còn nhiều vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực bãi sông
Sự kiện 19/12/2024 16:30
Khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Sự kiện 19/12/2024 15:20
Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Sự kiện 18/12/2024 13:20
Triển khai công tác Tư pháp năm 2025: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Sự kiện 17/12/2024 13:45
Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
Sự kiện 17/12/2024 11:50
Thành phố Hồ Chí Minh: Thông qua nhiều quyết sách quan trọng về an sinh xã hội
Sự kiện 17/12/2024 09:41
Quy định rõ việc cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em
Sự kiện 15/12/2024 22:32