Tài xế "vô-lăng vàng"
Nhắn tin khi lái xe: Không khác gì bị bịt mắt khi cầm lái | |
Tài xế xe buýt thi lái xe giỏi, an toàn | |
Sa thải tài xế dùng chân lái xe trên cao tốc |
Áp lực về thời gian và tính mạng con người
Bắt đầu từ năm 2003, anh Dương Tuấn Anh là Tổ trưởng tổ sản xuất tuyến xe buýt 50 (Long Biên – Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình). Trước đó, anh đã từng là lái xe tải. Thế nhưng anh Tuấn Anh cho biết, lái xe buýt lại là một công việc hoàn toàn lạ lẫm với anh, bởi sự khác biệt lớn ở tâm thế và phong thái nghề này mang lại.
Theo anh Tuấn Anh, lái xe buýt luôn luôn áp lực về thời gian và tính mạng con người. Một trong những nguyên tắc bắt buộc của xe buýt là phải đúng giờ xuất bến và về bến theo quy định.Trong lúc mọi người vẫn đang say giấc, liệu có mấy ai biết được những tài xế xe buýt như anh Tuấn Anh đã phải rời khỏi nhà trong màn đêm tĩnh mịch, dù rét buốt hay mưa bão để kịp đến bến cho chuyến xe đầu tiên xuất bến.
“Mỗi ngày chúng tôi có 2 ca làm, nếu làm ca sáng lái xe phải có mặt lúc 3h30 để chuẩn bị 5h xe xuất bến. Thậm chí nhà xa thì 2h30 sáng đã phải ra khỏi nhà. Làm ca chiều thì luôn về muộn, thường 12h đêm mới có mặt ở nhà. Những hôm trời mưa gió, rét mướt đi làm vô cùng vất vả. Thậm chí nhiều hôm đi sớm về muộn, cả tuần không gặp được con”- anh Tuấn Anh chia sẻ. Mỗi ngày người lái xe buýt như anh phải lái 8-9 lượt, mỗi lượt được nghỉ tầm 10 phút nên thời gian giải quyết nhu cầu cá nhân rất eo hẹp. Nhiều khi bữa ăn tạm bợ với ổ bánh mì, suất cơm hộp ngay trên xe. Không chỉ tiết kiệm từng phút ăn ngủ, người lái xe còn phải tính phút đèn đỏ, tính tuyến đường đi nhanh sao cho không tắc đường bởi quy định giờ giấc rất nghiêm ngặt.
Năm 2014, anh Dương Tuấn Anh là 1 trong 10 công dân được vinh danh “Công dân ưu tú Thủ đô”. |
Không chỉ áp lực về thời gian, theo anh Tuấn Anh áp lực nhất là việc nắm sinh mạng của hàng trăm khách hàng trong điều kiện giao thông phức tạp. Mỗi ca làm việc khoảng 9 đến 10 giờ, từng giây từng phút đều tiềm ẩn những nguy hiểm, chỉ cần một tích tắc lơ đễnh là hậu quả sẽ khôn lường. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Lái xe buýt đằng trước vô-lăng là sự sống, đằng sau vô-lăng là hành khách. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và hành khách hài lòng là điều không hề đơn giản. Vì thế cánh lái xe buýt chúng tôi thường ví von lái xe buýt khó hơn cả lái xe tăng, là nghề làm dâu trăm họ. Mỗi ngày phải đối mặt với vô vàn áp lực, nếu không giữ được bình tĩnh và đầu óc minh mẫn, lái xe buýt khó có thể đảm bảo công việc. Di chuyển chiếc xe kềnh càng giữa giờ cao điểm, bên trong xe chật kín người tưởng như không còn không khí để thở, đầu óc căng như dây đàn”. Dù áp lực và vất vả như vậy, nhưng với những vị khách vô ý thức, khó tính luôn thích gây sự, anh Tuấn Anh vẫn phải nhẫn nhịn vì xác định nghề này là nghề phục vụ.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp xe buýt 10/10 nhận xét: “Mười mấy năm gắn với nghề lái xe buýt nhưng anh Tuấn Anh luôn thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ, không phóng nhanh vượt ẩu, không lạng lách chèn ép phương tiện cùng tham gia giao thông, không có trường hợp va chạm giao thông nào xảy ra. Dù công việc áp lực nhưng anh luôn phục vụ hành khách chu đáo, không vi phạm nội quy, quy chế của Xí nghiệp, không bị hành khách phàn nàn về thái độ phục vụ mà nhiều lần được khách hàng viết thư khen ngợi và được Xí nghiệp biểu dương”.
Hết lòng vì hành khách, sát sao với đồng nghiệp
Nhiều năm trước, trong mắt nhiều người, xe buýt bị coi là “hung thần đường phố”, trình trạng vi phạm an ninh trật tự cũng thường xuyên xảy ra trên xe và các điểm xe buýt. Tuy nhiên, những năm gần đây, xí nghiệp xe buýt đã phối hợp với tổ đội 142 của Công an Thành phố Hà Nội kiểm tra, bắt giữ các đối tượng trộm cắp nhằm đảm bảo trật tự an ninh trên các tuyến xe buýt. Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò của lái xe, anh Tuấn Anh còn tích cực cung cấp thông tin về đường dây nóng của lực lượng 142 khi thấy một số đối tượng có biểu hiện móc túi, trộm cắp. Bằng tinh thần trách nhiệm của mình, anh cũng thường xuyên giúp đỡ hành khách gặp sự cố trên xe.
Một lần khi đang lái xe buýt trên đoạn đường Nguyễn Chí Thanh thì một cô gái trên bỗng kêu mất điện thoại. Nghĩ kẻ gian vẫn còn ở trên xe, anh đã cho xe dừng lại và xin phép mọi người để kiểm tra. Đồng thời, đề nghị cô gái cung cấp số điện thoại của mình gọi thử xem có đổ chuông hay không. Nhưng rất may, sau đó điện thoại được tìm thấy ở khe ghế ngồi. Một lần khác vào đúng đợt thành phố tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, có đứa bé chừng 7-8 tuổi bị lạc mẹ trên xe buýt của anh. Lúc đó, anh trấn an đứa trẻ bằng mọi cách sẽ tìm mẹ cho em. May mắn thay, sau khi chạy một vòng thành phố, người mẹ đứa trẻ đã lên đúng xe anh và tìm được con.
Không chỉ là người lái xe tận tuỵ với công việc, anh Tuấn Anh còn là người tổ trưởng gương mẫu, sát sao với anh em đồng nghiệp. Anh thường chia sẻ với đồng nghiệp về những kinh nghiệm, nhắc nhau cần cẩn thận, tránh các va chạm trên đường vì hằng ngày phải đối diện với những tình huống mà đôi khi thiếu kiềm chế là có thể gây họa. Những dịp lễ Tết, anh sẵn sàng xung phong nhận thêm ca trực và động viên những người ở gần thay cho những anh em công nhân ở xa để họ có điều kiện về quê ăn Tết. Mỗi khi anh em gặp khó khăn, anh luôn chia sẻ động viên, kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ. Bằng sự gương mẫu, chân thành ấy, anh em công nhân trong tổ do anh quản lý có ý thức trách nhiệm cao, luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Kết quả, tổ tuyến xe buýt 50 do anh quản lý 8 năm liền luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được Xí nghiệp và Tổng công ty biểu dương, khen ngợi.
Gần 15 năm gắn bó với nghề lái xe buýt Hà Nội, biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn, có những lúc chán nản muốn từ bỏ vì áp lực công việc cùng gánh nặng cuộc sống mưu sinh, nhưng bằng tình yêu, sự gắn bó với nghềđã giúp anh vượt qua tất cả.Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tục, anh đã được Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt, Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2012, anh được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tặng danh hiệu lái xe an toàn. Năm 2013, được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cấp giấy chứng nhận đạt giải thưởng “Vô-lăng vàng”. Năm 2014, anh cũng được Tổng công ty khen thưởng và công nhận danh hiệu “Vô-lăng vàng” lần thứ nhất năm 2014. Đặc biệt, năm 2014, anh Dương Tuấn Anh được vinh danh là một trong 10 “Công dân ưu tú Thủ đô”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Xem trực tiếp chung kết Miss Universe 2024 ở đâu?
Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” luôn thực chất, hiệu quả
Thị xã Cửa Lò nhập vào Thành phố Vinh từ ngày 1/12/2024
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03