Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
Chung sức đồng lòng vì Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại | |
Phát động công chức, viên chức Hà Nội hiến kế xây dựng Thủ đô | |
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh để xây dựng Thủ đô giàu mạnh |
Đóng góp vào thành quả đó, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình với phương châm “Đổi mới - dân chủ - trách nhiệm - hiệu quả - vì dân”, qua đó, khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc trao đổi về hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố 65 năm qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Báo Lao động Thủ đô: Thưa đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, khi mới giải phóng, bộ máy chính quyền của Thủ đô còn rất non trẻ và gặp không ít khó khăn. Xin đồng chí cho biết, những dấu ấn về hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong giai đoạn đó?
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc |
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, có nhiệm vụ và quyền hạn xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Hà Nội.
Khóa đầu tiên của Hội đồng nhân dân Thành phố được tổ chức bầu cử vào tháng 11/1957 với 12 tổ bầu cử, 100 đại biểu trúng cử. Kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân Thành phố khóa I tổ chức tháng 1/1958 đã bầu Ủy ban Hành chính Thành phố. Uỷ ban Hành chính Hà Nội đã tổ chức triển khai mọi công việc hành chính ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng.
Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa II được tổ chức bầu cử tháng 3/1961 và bầu 115 đại biểu. Kỳ họp đầu tiên Hội đồng nhân dân Thành phố khóa II diễn ra ngày 6/5/1961. Tuy nhiên, do Quốc hội khóa II thông qua quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nên ngày 20/8/1961 các huyện ngoại thành mới tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân dân Thành phố và bầu được 20 đại biểu nâng tổng số lên 135 đại biểu.
Trong giai đoạn từ 1957-1989, Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Ủy ban Nhân dân Thành phố là người triệu tập hội nghị Hội đồng nhân dân Thành phố. Ban Thư ký giúp Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Ủy ban Nhân dân Thành phố điều hoà, phối hợp hoạt động của các ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân và giữ quan hệ với các đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, tại Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XIII từ ngày 1-2/8/2008 đã xác nhận tư cách của 162 đại biểu, và bầu các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, khóa XV, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Hội đồng nhân dân Thành phố bầu đủ 105 đại biểu và thực hiện nghiêm túc các quy định của luật trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 480 cuộc tiếp xúc cử tri thường kỳ trước và sau các kỳ họp. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác quản lý, vận hành các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Thành phố; các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố cũng đã tổ chức nhiều đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề về quản lý nhà chung cư, về quản lý chợ, cung cấp nước sạch, tiếp xúc chuyên đề với tầng lớp thanh niên, công nhân lao động... Cấp huyện đã tổ được 1.627 cuộc tiếp xúc thường kỳ, 110 cuộc tiếp xúc chuyên đề với tổng số gần 14.800 ý kiến cử tri. Cấp xã đã tổ chức được 12.034 cuộc tiếp xúc thường kỳ, 550 cuộc tiếp xúc chuyên đề với tổng số gần 88.600 ý kiến cử tri... |
Trong suốt chặng đường lịch sử và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố để thể chế hóa, ban hành và giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô, được cử tri và các tầng lớp nhân dân Thành phố tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Báo Lao động Thủ đô: Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ngày càng khẳng định rõ vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Xin đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố cho biết rõ hơn về kết quả này?
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc: Với trách nhiệm là cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân Thủ đô tín nhiệm và trực tiếp bầu ra, Hội đồng nhân dân Thành phố phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân Thủ đô.
Ngày 29/01/1958, trong thư gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhân dịp Hội đồng nhân dân Thành phố báo cáo với Bác Hồ, với Trung ương Đảng và Chính phủ về kết quả khóa họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân, Bác nhấn mạnh:
“Hội đồng nhân dân đã quyết định những công tác thiết thực phục vụ cho lợi ích của đồng bào.
Tôi mong rằng Hội đồng nhân dân sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ và những nghị quyết của Hội đồng nhân dân”.
Thấm nhuần lời dặn ân cần và tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thể hiện rõ vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Mối liên hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri và nhân dân ngày càng được tăng cường.
Nhân dân Thủ đô được trực tiếp bày tỏ nguyện vọng và đóng góp ý kiến, kiến nghị về những vấn đề bức xúc, đề xuất nhiều biện pháp nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật về tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.
Tại các buổi tiếp xúc, ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được tổng hợp phân loại kịp thời và chuyển đến các cơ quan liên quan trả lời tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp. Một số nội dung nổi cộm, bức xúc đã được Thường trực, các ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có văn bản hoặc tổ chức đoàn giám sát, khảo sát các cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền và trả lời cử tri theo từng vấn đề, từng nội dung theo quy định của pháp luật.
Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tổ chức 09 kỳ họp (08 kỳ họp thường kỳ; 01 kỳ họp không thường kỳ). Hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức được 306 kỳ họp (240 kỳ họp thường kỳ, 66 kỳ họp không thường kỳ). Hội đồng nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức được 5.189 kỳ họp (trong đó 4.672 kỳ họp thường kỳ; 517 kỳ họp không thường kỳ). Thông qua các kỳ họp, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 121 Nghị quyết; trong đó có 18 nghị quyết thường kỳ, 103 Nghị quyết chuyên đề; Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã ban hành 961 Nghị quyết thường kỳ, 588 Nghị quyết chuyên đề; Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành được 13.750 Nghị quyết thường kỳ, 2.475 Nghị quyết chuyên đề. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố đã được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai đúng quy định, thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, nhiều nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô như: Nghị quyết về Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các nghị quyết quy định chi tiết triển khai Luật Thủ đô; nghị quyết cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nghị quyết về kế hoạch đầu tư công… |
Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ cũng được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân Thành phố đã thể chế hóa thành quy chế để việc tiếp công dân theo hướng tạo điều kiện để các đại biểu gần gũi hơn với cử tri, nắm bắt vụ việc cụ thể tại nơi mình ứng cử.
Thời gian, địa điểm, lịch tiếp công dân của từng đại biểu tại các đơn vị bầu cử được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân các quận, huyện, thị xã. Quy chế này cũng đã lan tỏa đến các quận, huyện, thị xã và được triển khai trên toàn thành phố.
Bên cạnh việc tiếp công dân định kỳ tại quận, huyện nơi ứng cử, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố và các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố lựa chọn những vụ việc phức tạp, kéo dài, chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm để tiếp công dân theo vụ việc tại Trụ sở tiếp công dân Thành phố.
Kết quả chung từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tiếp nhận 4.433 đơn của công dân, tỷ lệ xử lý đạt 100%; góp phần làm giảm khiếu kiện khiếu nại đông người, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn Thành phố…
Báo Lao động Thủ đô: Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã làm gì để thực hiện phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Trách nhiệm - Hiệu quả - Vì dân”. Xin đồng chí Chủ tịch nêu cụ thể những kết quả nổi bật đã đạt được?
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc: Với phương châm trên, trong thời gian qua Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và Hội đồng nhân dân các cấp Thành phố có nhiều đổi mới, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động và đem lại kết quả tích cực, rõ nét.
Những “dấu ấn” đó được thể hiện cụ thể trong việc tổ chức các kỳ họp; hoạt động giám sát, khảo sát; công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân… Số lượng công việc tăng nhiều, chất lượng nâng cao hơn, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan chuyên môn liên quan trên cơ sở các quy chế phối hợp được triển khai chặt chẽ, hiệu quả.
Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp chủ động từ rất sớm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong công tác chuẩn bị kỳ họp. Trong quá trình chuẩn bị, các nội dung có tính chất quan trọng, nhạy cảm đều được Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tạo được sự đồng thuận khi tiến hành xem xét, quyết định.
Với nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật được chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục và theo quy định của Luật, đồng thời thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của người dân thông qua Cổng Thông tin điện tử của Thành phố và phản biện của Mặt trận Tổ quốc.
Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố chủ động tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát các nội dung dự kiến sẽ trình kỳ họp; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra đảm bảo rõ quan điểm, đủ căn cứ để tham mưu, định hướng cho việc thảo luận, quyết định tại kỳ họp. Các Ban cũng đã đổi mới, tổ chức các cuộc họp với các cơ quan chuyên môn để giải trình, làm rõ nội dung, nhất là những điểm còn có các ý kiến khác nhau trước kỳ họp.
Công tác điều hành kỳ họp được chú trọng, đổi mới theo hướng ngắn gọn, thiết thực, giảm thời gian đọc báo cáo trên hội trường, phát huy vai trò thẩm tra của các ban, định hướng những vấn đề trọng tâm để thảo luận…
Chính sự quan tâm phối hợp chặt chẽ và toàn diện việc chuẩn bị cho tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân của Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố đã làm cho các kỳ họp không chỉ đúng quy định pháp luật mà còn phát huy hiệu quả trên thực tiễn.
Đối với hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình, Thủ đô Hà Nội, với vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của cả nước, có phạm vi, khối lượng công việc rộng, nhiều vấn đề có tính chất phức tạp, nhạy cảm nảy sinh, trong đó, có những việc không những cử tri Thủ đô, mà cử tri của cả nước quan tâm.
Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho Hội đồng nhân dân Thành phố không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới trong hoạt động; với phương châm nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả, mở rộng dân chủ, theo đến cùng quá trình giải quyết, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết.
Thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức được 07 phiên chất vấn với 105 ý kiến chất vấn. Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức được 159 phiên chất vấn với khoảng 1.187 ý kiến chất vấn. Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức được 2.658 phiên chất vấn với khoảng 10.351 ý kiến chất vấn. Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức được 153 cuộc giám sát. Các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố cũng đã tổ chức được 34 cuộc giám sát chuyên đề tại các địa phương. Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức được 2.218 cuộc giám sát, trong đó: 364 cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân, 579 cuộc của Thường trực Hội đồng nhân dân, 945 cuộc của các Ban, 330 cuộc của Tổ đại biểu. Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức được 12.405 cuộc giám sát, trong đó: 3.301 cuộc của Hội đồng nhân dân, 4.984 cuộc của Thường trực, 3.638 cuộc của các Ban. Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức 05 phiên giải trình với 82 lượt đại biểu nêu 94 lượt ý kiến trao đổi, đề nghị giải trình; 62 lượt lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng một số cơ quan có liên quan giải trình làm rõ các nội dung theo đúng quy định của Luật. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện cũng đã tổ chức được gần 100 phiên giải trình. |
Để có căn cứ thực tiễn, làm cơ sở giúp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân làm rõ được tình hình, kết quả, tồn tại hạn chế và nguyên nhân, Hội đồng nhân dân đã xây dựng phóng sự truyền hình, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm của cấp, ngành, đơn vị để giám sát. Thành phần dự giám sát, chất vấn, giải trình, ngoài các đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố các sở, ban, ngành còn mời thêm các thành phần là Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, một số Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan, tạo sự chuyển động tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt ngay từ cấp cơ sở.
Điểm nhấn của năm 2019 là Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chủ đề công tác của năm về “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, tập trung khắc phục tình trạng chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và xã phường, thị trấn còn chưa đồng đều với những nội dung, biện pháp đồng bộ.
Cụ thể: Đã tổ chức 02 hội nghị tọa đàm về các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; phát động các phong trào thi đua trong Hội đồng nhân dân các cấp; triển khai các giải pháp cụ thể về theo dõi, phân công tham dự, phối hợp tổ chức kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị xã năm 2019 bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo, hướng dẫn, điều hòa hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố; triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri…
Đồng thời, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tích cực, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Báo Lao động Thủ đô: Để có được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, trước hết được thể hiện bằng quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có vai trò của các đại biểu dân cử. Xin Chủ tịch nói rõ hơn về vai trò của các đại biểu Hội đồng nhân dân?
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc: Sau 65 năm xây dựng và trưởng thành, Thủ đô hôm nay đã vươn lên trở thành thành phố phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thay đổi lớn lao từ tầm vóc, quy mô đến nhịp độ cuộc sống và sự sôi động trong sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô tiếp tục huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Từ dấu mốc đã định hình trên chặng đường phát triển, 65 năm trong dòng chảy hàng nghìn năm nhìn lại, thách thức của Hà Nội hiện tại vẫn là vượt qua chính mình, xử lý hài hòa các vấn đề trong quá trình định hình vóc dáng của một siêu đô thị, từ giao thông, môi trường, đến sức ép dân số, hạ tầng... Cùng chính quyền Thành phố giải quyết những khó khăn cũng là nâng cao vai trò vị thế của Hội đồng nhân dân Thành phố, nâng cao đời sống người dân, vai trò của từng đại biểu Hội đồng nhân dân là rất quan trọng.
Các đại biểu cần thực sự trở thành cầu nối giữa cử tri và chính quyền; tham gia có chất lượng vào quyết định những cơ chế, chính sách quan trọng phát triển địa phương; tích cực tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cử tri Thủ đô kỳ vọng vào các đại biểu Hội đồng nhân dân rất nhiều.
Cử tri Thủ đô đã tin tưởng, đồng hành với đại biểu Hội đồng nhân dân, vì vậy, với tất cả trách nhiệm, tình cảm, đại biểu và cơ quan Hội đồng nhân dân không chỉ là việc làm đúng, làm đủ những nhiệm vụ được luật định mà còn làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất và hiệu quả lớn nhất để xứng với kỳ vọng của cử tri, nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân, đóng góp tích cực vào những thành tựu trong xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lao động Thủ đô
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35
Carnaval Áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 14:03