Giao lưu trực tuyến: Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và công đoàn thời kỳ hội nhập CPTPP
Buổi Giao lưu nhằm giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp luật lao động, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động (NLĐ) về công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Dự buổi giao lưu trực tuyến, về phía lãnh đạo Thành phố có các đồng chí: TS. Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội; Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Về phía lãnh đạo quận Nam Từ Liêm có các đồng chí: Nguyễn Thanh Minh - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm; Lê Thị Kim Điệp - Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm. Đặc biệt, buổi giao lưu còn có sự tham dự của hơn 250 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) của các công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ quận Nam Từ Liêm.
TS. Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo buổi giao lưu. |
Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động (CNLĐ) cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có các chuyên gia: Tạ Văn Dưỡng – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội; TS. Nguyễn Xuân Thu – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Chế độ BHXH TP Hà Nội.
Buổi giao lưu nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2019 và thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).
CPTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động
Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Mặc dù được đánh giá sẽ là nước nhận được nhiều cơ hội, lợi ích kinh tế khi tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, song Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn về lao động việc làm và tổ chức công đoàn. CPTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, giúp NLĐ và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Từ trước tới nay Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ. Vấn đề cạnh tranh và thu hút đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra với Công đoàn Việt Nam. Tham gia CPTPP là xu hướng tất yếu để Việt Nam hòa nhập và phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng chí Lê Thị Kim Điệp, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm phát biểu tại hội nghị. |
Hiện nay, mặc dù việc tuyên truyền, phổ biến PLLĐ và Công đoàn tới CNVCLĐ đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú song việc hiểu hết và hiểu đúng các vấn đề này, nhất là trong giai đoạn hội nhập CPTPP đối với CNVCLĐ vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy việc tuyên truyền nâng cao kiến thức PLLĐ và công đoàn thời kỳ hội nhập CPTPP cho NLĐ là điều rất cần thiết, giúp NLĐ giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với NSDLĐ.
Với mục đích và ý nghĩa đó, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và công đoàn thời kỳ hội nhập CPTPP”. Tại buổi giao lưu, các chuyên gia là lãnh đạo Học viên Tư pháp, luật sư và cán bộ chính sách của BHXH Hà Nội, LĐLĐ TP Hà Nội có kinh nghiệm về PLLĐ và Công đoàn sẽ giải đáp mọi thắc mắc của NLĐ về các vấn đề liên quan.
Toàn cảnh buổi Giao lưu. |
Cùng phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Lê Thị Kim Điệp, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm cho biết, một trong những chức năng của tổ chức công đoàn là thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ. Trong đó, tuyên truyền về PLLĐ, Luật Công đoàn để giúp NLĐ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình, thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và hoạt động công đoàn. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
“Buổi giao lưu trực tuyến hôm nay là dịp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ quận Nam Từ Liêm được giao lưu, trao đổi, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về lao động và công đoàn, tìm hiểu về CPTPP, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Tôi hy vọng rằng, trong buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các đại biểu, NLĐ sẽ đặt nhiều câu hỏi, nêu những vấn đề, những tình huống trong thực tiễn xảy ra cần trao đổi làm rõ để các chuyên gia giải đáp trên tinh thần dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn, để buổi giao lưu thành công tốt đẹp”, đồng chí Lê Thị Kim Điệp nhấn mạnh.
CPTPP là diễn đàn quan trọng góp phần giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn hiểu thêm về thời cơ, thách thức của NLĐ
Phát biểu chỉ đạo buổi Giao lưu trực tuyến, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến – Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, buổi giao lưu “Nâng cao kiến thức pháp luật và công đoàn thời kỳ hội nhập CPTPP” do báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm phối hợp tổ chức, là hoạt động rất ý nghĩa trong bối cảnh công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ đang là một nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, hoạt động này càng thiết thực hơn khi diễn ra trong Tháng Công nhân năm 2019.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, hiện nay, Công đoàn Việt Nam đang ở vào thời điểm có tính bước ngoặt với nhiều thời cơ và thách thức mới. Với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, lần đầu tiên vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam.
Buổi Giao lưu trực tuyến thu hút đông đảo cán bộ công nhân viên chức đến tham gia. |
Trong bối cảnh mới, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ngày càng nặng nề, đi vào thực chất, quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn. Làm thế nào để tổ chức Công đoàn luôn vững vàng, ngày càng khẳng định và phát huy được vai trò của mình, thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên đang là câu hỏi đầy trăn trở cho tổ chức và bản thân mỗi cán bộ công đoàn.
Hiện nay một trong 3 vấn đề lớn nhất được đề cập trong việc sửa đổi Bộ luật lao động là: Thời gian làm việc, tuổi nghỉ hưu và tổ chức đại diện cho NLĐ ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô và quận Nam Từ Liêm tặng hoa cho các chuyên gia. |
Trong đó, vấn đề tổ chức đại diện cho NLĐ liên quan rất nhiều đến hệ thống chính trị Việt Nam. Chính vì vậy LĐLĐ Thành phố rất quan tâm tới vấn đề đó. LĐLĐ Thành phố đã tổ chức tập huấn hiệp định này tới cán bộ chủ chốt của toàn Thành phố. Theo đó LĐLĐ các quận huyện cấp trên cơ sở và báo Lao động Thủ đô đã có kế hoạch tuyên truyền việc tham gia hiệp định này.
Buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay, với nội dung chính là nâng cao kiến thức pháp luật công đoàn thời kỳ hội nhập CPTPP là diễn đàn quan trọng góp phần giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn có thêm kiến thức, hiểu thêm về thời cơ, thách thức của NLĐ và tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP nói riêng, các Hiệp định thương mại tự do nói chung. Đây cũng là cơ hội giúp cho cán bộ công đoàn Thủ đô nắm rõ hơn những nội dung, nguyên tắc cơ bản của Hiệp định này cũng như nắm rõ hơn thời cơ, thách thức của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi để tìm hiểu, nắm bắt rõ về các nội dung này và lan tỏa tại nơi làm việc.
Các chuyên gia tham gia trả lời tại buổi giao lưu. |
Đồng chí Chủ tịch cũng mong muốn đối với các đoàn viên, NLĐ khi hiểu về hiệp định thì phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Công đoàn; góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn và trên toàn Thành phố. Đặc biệt, đối với các tổ chức công đoàn cần tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Chuyên gia trả lời câu hỏi
Chị Nguyễn Thị Huyền, Công đoàn trường mầm non Phú Đô: tôi được biết Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, xin chuyên gia chia sẻ rõ hơn về Hiệp định này. Nó tác động gì đến việc làm, đời sống của NLĐ?
TS. Nguyễn Xuân Thu: Hiệp định thương mại có rất nhiều, Việt Nam tham gia rất nhiều Hiệp định đa phương, song phương trong đó có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến quyền lao động (LĐ), coi quyền LĐ là tiêu chuẩn quan trong đánh giá chất lượng đầu tư, chất lượng sản phẩm khi có được gia nhập vào thị trường có liên quan hay không. Với đặc thù đó những Hiệp định này ảnh hưởng nhiều nhất đến NLĐ và CĐ.
Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1/2019, có 8 luật Việt Nam sẽ phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu: Bộ luật LĐ; Luật Phòng chống tham nhũng (được đánh giá là đã đáp ứng tinh thần của CPTPP); Luật tố cáo (đã được thông qua đánh giá đáp ứng CPTPP); Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự vừa ban hành năm 2015, vừa sửa năm 2017 nhưng sắp tới phải sửa; Luật kinh doanh BH, Luật sở hữu trí tuệ; Luật an toàn thực phẩm. Đó là những luật Việt Nam phải sửa để đáp ứng CPTPP trong đó Bộ luật LĐ phải chú trọng đầu tiên.
Hiệp định này xuất phát điểm là TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), đến bây giờ trở thành Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP với nhiều ý nghĩa hơn.
Chị Nguyễn Thị Huyền (Công đoàn trường Mầm non Phú Đô) đặt câu hỏi về Hiệp định CPTPP và tác động của nó đến việc làm, đời sống của người lao động? |
Như vậy nội dung Hiệp định CPTPP về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của TPP nhưng sẽ cho bảo lưu những nội dung mà nó chưa phù hợp, trong đó có 20 nội dung được bảo lưu.
CPTPP tác động đến NLĐ: có 5 loại Tiêu chuẩn LĐ Quốc tế đã được tuyên bố tại Tuyên bố năm 1998 về quyền LĐ của tổ chức quốc tế, tất cả các nước tham gia đều phải tuân thủ 5 tiêu chuẩn quốc tế: Tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức LĐ cưỡng bức và bắt buộc; bãi bõ hình thức LĐ trẻ em cấm hình thức LĐ trẻ em tồi tệ nhất; không phân biệt đối xử trong LĐ và nghề nghiệp; những điều kiện làm việc có thể chấp nhận được đối với mức lương tối thiểu, an toàn LĐ.
Với những tiêu chuẩn cam kết đó NLĐ sẽ có nhiều lợi ích như: cơ hội về đào tạo, việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, điều kiện lao động sẽ được cải thiện một cách căn bản, từ đó năng suất lao động tăng, thu nhập và chất lượng cuộc sống của NLĐ kéo theo, có sự cao hơn về bình đẳng giữa NLĐ Việt Nam với các nước khác trên thế giới… Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức như sẽ rất nhiều người có thể thất nghiệp nếu không theo kịp thời cuộc hoặc thách thức về công đoàn.
Một cán bộ giáo viên Trường THCS Xuân Phương: Khi tham gia vào tổ chức công đoàn, NLĐ được bảo vệ như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Như bạn biết, vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn đã được quy định rõ tại Hiến pháp, pháp luật và một trong những chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam là bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và lao động. Để thực hiện chức năng này thì tổ chức công đoàn có một số nhiệm vụ gồm: đại diện giải quyết tranh chấp lao động; đại NLĐ thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ tại doanh nghiệp và kiến nghị đề xuất khắc phục nếu doanh nghiệp vi phạm; đại diện cho CNLĐ khởi kiện khi ra tòa án khi có tranh chấp lao động, tranh chấp về quyền lợi mà được NLĐ ủy quyền. Tóm lại, khi tham gia tổ chức công đoàn, NLĐ sẽ được tổ chức công đoàn bảo vệ mọi quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng.
Đại diện Công ty cổ phần FECON: Xin chuyên gia cho biết những chế độ dành cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Điều 24 của Luật Công đoàn 2012 quy định, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.
Chị Vũ Thị Minh Huệ (Công ty Cổ phần Kycons) đặt câu hỏi về việc đóng Bảo hiểm xã hội. |
Cán bộ công đoàn không chuyên trách tại doanh nghiệp, được hưởng quyền lợi như sau: Được sử dụng 24 giờ làm việc/tháng nếu là Chủ tịch, phó Chủ tịch CĐCS; 12 giờ làm việc/tháng nếu là Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và vẫn được doanh nghiệp trả đủ lương; Hợp đồng lao động hết hạn khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách vẫn đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng đến khi hết nhiệm kỳ;
Doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn; Ngoài lương do doanh nghiệp trả, cán bộ công đoàn không chuyên trách còn được phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Chị Vũ Thị Minh Huệ (Công ty Cổ phần Kycons): Theo quy định, các hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải đóng BHXH. Vậy thời gian 1 tháng này được tính như thế nào? Ngoài ra, các hợp đồng thời vụ, hợp đồng thứ nhất ký cách hợp đồng thứ hai 3 ngày. Tuy nhiên thời gian cách lại rơi vào thứ 7, chủ nhật và ngày nghỉ lễ. Như vậy có tính là 1 hợp đồng không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Luật đã quy định, với lao động không làm việc từ 14 ngày/tháng thì không phải đóng BHXH. Với chúng tôi, hợp đồng NLĐ làm việc trên 15 ngày/tháng thì phải đóng BHXH. Còn hợp đồng ký từ ngày nào đến ngày nào trong tháng thì không tính, chỉ xem xét trong thời gian 1 tháng, nếu lao động không nghỉ 14 ngày không hưởng lương thì phải tham gia đóng BHXH.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Theo quy định có 3 loại hợp đồng là không xác định thời hạn; hợp đồng lao động từ 1 -3 năm; hợp đồng thời vụ dưới 1 năm.
Theo quy định thì hợp đồng có từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm tính thu sẽ căn cứ trên cơ sở ngày công lao động. Còn cách tính sẽ căn cứ trên ngày ký hợp đồng. Với hợp đồng ký cách quãng như chị nói phải tính theo 2 hợp đồng.
TS. Nguyễn Xuân Thu bổ sung: Hiện nay đang bị “vướng” giữa quy định của pháp luật với bên bảo hiểm, tôi xin nói thêm nếu theo đúng luật, hợp đồng ký dưới 1 tháng thì không phải đóng bảo hiểm. 1 tháng ở đây không có nghĩa là từ ngày 1 đến hết tháng đó mà theo thời hạn hợp đồng khi NLĐ ký. Hiện nay có 1 cái khó là bảo hiểm tính thu theo tháng dương lịch, để xác định đúng và chính xác câu chuyện này mất rất nhiều thời gian. Tôi muốn nói thêm ý này, vấn đề bạn cần quan tâm là hợp đồng đó có đúng quy định hay không.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến (Công ty Cổ phần Fecon) đặt câu hỏi: Những chế độ dành cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp là gì? |
Một cán bộ giáo viên Trường Mầm non Mỹ Đình 2: NLĐ làm cách nào để biết doanh nghiệp có đóng BHXH cho mình không? NLĐ mang thai 25 tuần, dọa sinh non, nghỉ làm có ảnh hưởng tới việc hưởng chế độ thai sản hay không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Quy định với chủ sử dụng lao động là 6 tháng phải niêm yết công khai việc đóng BHXH với NLĐ. NLĐ có thể trực tiếp tra cứu tại tổng đài 8079 để xem thời gian mình tham gia BHXH. NLĐ có thể đăng ký số điện thoại cá nhân với BHXH, để được cơ quan bảo hiểm trả kết quả đóng BHXH hàng tháng.
Đối với NLĐ có nguy cơ sinh non: đóng 3 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, phải nộp chứng từ xác nhận cần phải nghỉ dưỡng thai của cơ quan y tế cho cơ quan BHXH.
TTS. Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Bạn đọc hỏi: Xin cho biết chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện yếu tố nguy hiểm, độc hại? Điều kiện và mức bồi thường bằng hiện vật được quy định như thế nào?.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định tại Thông tư số 25 của Bộ LĐTB&XH quy định NSDLĐ phải thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho những NLĐ làm trong những công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Quy định rõ NLĐ được hưởng khi hội tụ 2 điều kiện: NLĐ có công việc nằm trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm mà Nhà nước ban hành; hàng năm công ty quan trắc môi trường lao động phải có ít nhất 1 yếu tố vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ví dụ tiếng ồn, nhiệt độ, hóa chất, ánh sáng…
Chị Hoàng Thị Phương Thúy (Trường THCS Mỹ Đình 1) đặt câu hỏi về xây dựng nội quy lao động. |
Khi hội tụ đủ 2 yếu tố này thì doanh nghiệp phải thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật với 4 mức: 10 nghìn, 15 nghìn, 20 nghìn, 25 nghìn 1 suất, 1 ngày làm việc với hình thức bồi dưỡng tại chỗ làm ngày nào thực hiện ngay tại ngày đó chứ không để phát dồn vào cuối tháng, phát bằng hiện vật cấm không được phát bằng tiền.
Bạn đọc ở Khu Công nghiệp Nam Thăng Long: Do có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nên có nhiều lần vi phạm kỷ luật ở công ty, công ty xử lý kỷ luật thì có vi phạm hay không?
TS Nguyễn Xuân Thu: Theo Điều 123 của Bộ Luật Lao động, quy định về xử phạt NLĐ, nếu NLĐ cả nam lẫn nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì doanh nghiệp không được tiến hành xử lý kỷ luật trong thời gian đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nếu trường hợp, doanh nghiệp để sau khi đứa trẻ đủ 1 tuổi mới xử lý thì sẽ không vi phạm Bộ Luật Lao động.
Đồng chí Nguyễn Thanh Minh - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Một NLĐ gửi câu hỏi tới báo Lao động Thủ đô: Hiện nay, trên thẻ BHYT không ghi ngày hết hạn sử dụng nên tôi không biết ngày nào hết hạn. Vậy, muốn biết thời hạn để đảm bảo đóng BHYT, đủ để hưởng quyền lợi tham gia BHYT liên tục 5 năm thì làm thế nào?.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện, trên thẻ BHYT mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày bắt đầu, không ghi giá trị sử dụng đến ngày hết hạn như trước đây, vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hàng năm.
Nhằm giảm bớt thủ tục nộp lại thẻ cũ còn giá trị sử dụng cho cơ quan BHXH khi ngừng đóng BHYT, thẻ BHYT theo mã số BHXH cấp cho người tham gia được sử dụng lâu dài, không phải đổi lại hàng năm; trừ trường hợp mất, rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ. Điều này cũng tránh trường hợp in, đổi thẻ không kịp thời như các năm trước đây, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia.
Chị Đỗ Thị Giang (Trường Mần non Mỹ Đình 2) đặt câu hỏi về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. |
Về quyền lợi, người tham gia có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về thời hạn sử dụng thẻ BHYT bằng nhiều hình thức như kiểm tra qua danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại đơn vị; kiểm tra trên Cổng Thông tin BHXH Việt Nam (www.baohiemxahoi.gov.vn); gọi Trung tâm Hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam qua Tổng đài 19009068. Người dân có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH, Bưu điện Văn hóa xã, UBND xã, đơn vị, đại lý thu nơi tham gia BHXH, BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để được giải đáp thỏa đáng.
Khi thẻ BHYT tới hạn nộp tiền, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền và đôn đốc đơn vị, người tham gia tiếp tục đóng theo quy định (biên lai thu tiền sẽ ghi rõ thời hạn sử dụng thẻ BHYT để người tham gia BHYT được biết).
Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Chị Hoàng Thị Phương Thuý, trường THCS Mỹ Đình 1: Nếu đơn vị sử dụng lao động không xây dựng nội quy về an toàn vệ sinh lao động thì có bị xử lý không? Mức xử phạt như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Bộ Luật lao động và nghị định 49 của Chính phủ quy định rất rõ là tất cả các doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên phải xây dựng nội quy lao động và gửi, đăng ký với cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh. Nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử lý theo hình thức phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng, với các tổ chức sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu.
Ông Nghiêm Quý Hoàng – Cơ sở cai nghiện số 5: Cơ sở tôi đang công tác có nhiều lao động có chế độ nghỉ phép nhưng họ không nghỉ hết. Vậy chế độ thanh toán như thế nào với người không nghỉ hết phép?
TS. Nguyễn Xuân Thu: Về vấn đề này, theo quy định của pháp luật thì 1 năm lao động sẽ được nghỉ 12 ngày phép. Vậy với trường hợp này có 3 cách bố trí nghỉ. Cụ thể, bố trí 1 năm/1 kỳ nghỉ phép và do doanh nghiệp tự quyết định lịch nghỉ. Trường hợp này NLĐ không có quyền quyết định; Tách phép ra nghỉ thành nhiều lần trong vòng 1 năm; Gộp thành nhiều năm để nghỉ 1 lần. Với 2 trường hợp cuối này thì DN và NLĐ phải thỏa thuận với nhau và NLĐ đồng ý thì doanh nghiệp mới thực hiện. Theo tôi được biết, hiện rất nhiều công ty đang vi phạm khi đặt vấn đề này vào trong nội quy, điều này là trái pháp luật.
Anh Nghiêm Quý Hoàng (Cơ sở cai nghiện Ma túy số 5) đặt câu hỏi về chế độ thanh toán phép như thế nào? |
Với trường hợp nghỉ không hết thì về nguyên tắc sẽ được thanh toán bằng tiền. Trường hợp NLĐ không có nhu cầu nghỉ thì doanh nghiệp có quyền từ chối thanh toán. Hiện tại, mức thanh toán NLĐ được tính hưởng ngày nghỉ phép chưa nghỉ hết là 100% ngày lương.
Một cán bộ giáo viên hỏi: Hiện nay giáo viên được nghỉ một ngày chủ nhật và một ngày trong tuần gọi là ngày nghỉ chuyên môn. Xin hỏi các chuyên gia, trong ngày nghỉ chuyên môn này cơ quan có được phân công nhiệm vụ cho giáo viên không, nếu đi làm giáo viên có được tính tiền lương ngoài giờ.
TS Nguyễn Xuân Thu: Ngày nghỉ hàng tuần và ngày nghỉ có lương là hai khái niệm khác nhau. Ở đây, bạn không nói rõ ngày nghỉ chuyên môn của bạn là có được hưởng lương không hay được tính vào ngày nghỉ cuối tuần (vì bạn nói mới được nghỉ một ngày chủ nhật) nhưng tôi thiết nghĩ ngày nghỉ chuyên môn này của bạn là ngày nghỉ có lương.
Chị Trần Thị Yến (Trường THCS Xuân Phương) đặt câu hỏi về việc tính tiền lương ngoài giờ. |
Nếu ngày nghỉ chuyên môn là ngày có lương mà bạn được huy động đi làm thì sẽ có hai trường hợp, trường hợp thứ nhất có sự thỏa thuận giữa nhà trường và giáo viên thì không vấn đề gì, nhà trường sẽ bố trí nghỉ bù cho bạn vào một ngày khác, nhưng nếu không thỏa thuận được, bạn bị buộc phải đi làm do yêu cầu công việc thì bạn có quyền yêu cầu nhà trường tính lương làm thêm giờ.
Phát biểu bế mạc buổi Giao lưu trực tuyến, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Sau hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra giao lưu trực tuyến, đã có hơn 14 câu hỏi trực tiếp và gần 30 câu hỏi được gửi tới tòa soạn từ bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Rất nhiều câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Qua đó đã giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp luật lao động, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động về công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong thời gian tới Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để trực tiếp lắng nghe và giải đáp những thắc mắc về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.
Xem hình ảnh buổi Giao lưu trực tuyến tại đây
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tin khác
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Trật tự đô thị 23/11/2024 07:28
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Trật tự đô thị 22/11/2024 18:46
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Giao thông 22/11/2024 18:44
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29