Giao lưu trực tuyến: Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động
Buổi Giao lưu nhằm giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ.
Dự buổi giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Kim Hoàng - Phó trưởng ban dân vận Thành uỷ Hà Nội; Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội; Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ TP, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đoàn Tuấn Anh - Phó Bi thư Thường trực huyện uỷ; Nguyễn Văn Công - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ.
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Đặc biệt, buổi giao lưu còn có sự tham dự của gần 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) của các công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ huyện Phúc Thọ.
Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động (CNLĐ) cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có các chuyên gia: Tạ Văn Dưỡng – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Chế độ BHXH TP Hà Nội; Luật sư, thạc sĩ Nguyễn Văn Hà – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Toàn cảnh buổi giao lưu. |
Buổi giao lưu nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2019 và thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).
Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Chế độ chính sách đối với NLĐ là một nội dung quan trọng gắn liền với quyền lợi thiết thực của NLĐ. NLĐ đặc biệt quan tâm đến các tiêu chuẩn về tuổi làm việc, giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu, các chính sách an sinh xã hội được quy định cụ thể như thế nào. Các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động hài hòa ổn định như cơ chế đối thoại, thương lượng, hệ thống hòa giải, trọng tài được quy định ra sao.
Đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu. |
Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng thường xuyên được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Mặc dù việc tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách liên quan đến NLĐ đã được các cấp, ngành đặc biệt là tổ chức công đoàn quan tâm, song việc hiểu hết và hiểu đúng các quy định của chế độ chính sách đó để áp dụng cho đúng, vẫn còn nhiều hạn chế, lúng túng.
Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu tại buổi giao lưu. |
Nhiều NLĐ, thậm chí là chủ sử dụng lao động khi áp dụng các chế độ, chính sách, nhất là chính sách mới nếu không nghiên cứu, không hiểu thì sẽ không biết cách tính, tính sai dẫn đến thiệt thòi cho NLĐ, gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa NSDLĐ và NLĐ. Hiểu về các chế dộ, chính sách để làm đúng, vừa là nghĩa vụ thực hiện đúng luật, vừa là quyền tự bảo về mình.
Trong buổi Đối thoại trực tuyến “Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động” do LĐLĐ huyện Phúc Thọ phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi, với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng của mình, các chuyên gia sẽ truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc, những vấn đề còn chưa rõ khi thực hiện các chế độ, chính sách liên quan và những tình huống thực tế có thể gặp phải để giúp NSDLĐ, NLĐ nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi giao lưu. |
Phát biểu tại buổi Giao lưu, đồng chí Nguyễn Văn Công, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ cũng cho biết, bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, các cấp Công đoàn huyện cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho NLĐ.
Trong thời gian qua, LĐLĐ huyện đã phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn để triển khai đến các CĐCS, đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến, trợ giúp pháp lý cho CNVCLĐ về những chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Buổi giao lưu trực tuyến do LĐLĐ huyện Phúc Thọ phối hợp với báo Lao động Thủ đô là một trong những giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, qua đó các chuyên gia sẽ tư vấn, giải đáp những thắc mắc, những vấn đề còn chưa rõ khi thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ và những tình huống thực tế có thể gặp phải để giúp NSDLĐ, NLĐ nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô và huyện Phúc Thọ tặng hoa cho các chuyên gia. |
Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho CNLĐ.
“Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường xuyên của báo Lao động Thủ đô và đạt hiệu quả rất thiết thực”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhận xét. Đồng chí Lê Đình Hùng cũng mong muốn thông qua buổi giao lưu, các chủ doanh nghiệp sẽ hiểu rõ và thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình khi thực thi chính sách pháp luật với NLĐ và cán bộ CĐCS cũng hiểu rõ và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ.
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của NLĐ
Xin chuyên gia cho biết chủ sử dụng lao động có những trách nhiệm gì khi NLĐ bị tai nạn lao động? Những trường hợp nào NLĐ vẫn được hưởng chế độ tai nạn lao động mà không phải bị tai nạn trong khi đang làm việc? (Ông Kiều Cao Việt chủ tịch CĐ xã Tích Giang)
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Khi NLĐ bị tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động sẽ phải chịu 3 trách nhiệm: thứ nhất, phải chịu toàn bộ chi phí y tế, điều trị, thuốc men, viện phí từ khi người lao động bị nạn đến khi ổn định. Nếu NLĐ có BHYT thì NSDLĐ và BHYT đồng chi trả chi phí này.Thứ hai, chủ sử dụng lao động phải trả toàn bộ tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ việc để điều trị viết thương. Thứ ba là sau khi NLĐ ổn định, cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục phải đưa NLĐ đi giám định sức khỏe và có sự bồi thường tương ứng.
Về trường hợp hưởng chế độ tai nạn lao động mà không phải bị tai nạn trong khi đang làm việc thì Luật An toàn quy định có hai trường hợp: thứ nhất bị tai nạn gắn liền với công việc như trước khi làm việc, giải lao, ăn giữa ca, đi vệ sinh… và thứ hai là tình huống bị tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc từ nơi làm việc về nhà với thời gian và quãng đường hợp lý.
Người tham gia bảo hiểm chưa đủ các mức theo quy định, có được đóng 1 lần để được hưởng chính sách khi về hưu? Mức tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định như thế nào? (Chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch CĐ một trường học tại Phúc Thọ).
Chuyện gia Dương Thị Minh Châu: Đối với những NLĐ đã hết tuổi lao động sẽ được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu. Điều kiện để hưởng chính sách có 2 điều kiện: 1 là phải đối với người hết tuổi lao động, hoặc đóng chưa đầy đủ thì phải bổ sung những năm còn thiếu. Đóng 1 lần cho những năm còn thiếu theo nhiều mức đóng chúng ta có thể lựa chọn: thấp nhất là chuẩn nghèo 700ngàn/tháng, cao nhất là gấp 20 lần lương cơ sở. Khi đóng đủ tiền thời giạn hưởng lương là tháng liền kề tháng nghỉ.
Tiếp theo: Có 2 cách tính lương bình quân: Đối Công chức nhà nước với sẽ đóng theo lộ trình trong nhà nước, tính bình quân 5 nă, 8 năm, 10 năm cuối. Cách tính 2 có 2 giai đoạn đóng nhà nước và đóng lương theo chủ sử dụng LĐ quy định. Chia hết toàn bộ thời gian đóng BHXH như thế nào, chia bình quân theo chỉ sô CPI của Chính phủ. tham gia càng cao hưởng càng nhiều.
Xin các chuyên gia giải thích rõ hơn về chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ nghỉ phép năm, nếu không nghỉ hoặc nghỉ không hết số ngày phép theo quy định thì được thanh toán như thế nào và cơ quan nào chi trả? Nếu NLĐ vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình thì các cấp có thẩm quyền xử lý có thể xử lý NLĐ đó vào thời gian nào? (Ông Khuất Duy Hả, Trường tiểu học Thượng Cốc)
Ông Khuất Duy Hải đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Chuyên gia Tạ văn Dưỡng: Theo quy định của Luật BHXH những trường hợp tai nạn mất sức lao động từ 5% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp BHXH chi trả. Thương tật dưới 31%, NLĐ được hưởng trợ cấp 1 lần, từ 31% trở lên NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Chế độ phép năm: Theo quy định bộ luật Lao động, NLĐ được hưởng phép năm theo 3 mức: Lao động công việc bình thường 12 ngày phép/ năm, lao động nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm 14 ngày phép/ năm, nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại 16 ngày phép/ năm, chủ sử dụng lao động có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ phép cho mỗi cán bộ CNLĐ và NLĐ sau khi đã tham khảo và thống nhất với CĐCS, NLĐ có thể thỏa thuận nghỉ nhiều lần trong một năm hoặc 3 năm một lần, trường hợp NLĐ không nghỉ phép do thôi việc hoặc chủ sử dụng lao động không bí trí được ngày nghỉ thì chủ sử dụng lao động phải chi trả bằng tiền lương.
Trong bộ luật lao động không có điều khoản nào quy định về vi phạm chính sách dân số. Có 3 hình thức, vi phạm kỷ luật 5 ngày/ tháng cộng dồn, 20 ngày/ năm không có lý do, các hành vi trộm cắp, tiết lộ bí mật công nghệ tùy mức độ vi phạm mà chủ sử dụng lao động có thể xử phạt cảnh cáo, khiển trách chứ không có quy định xử lý kỷ luật với trường hợp vi phạm chính sách dân số, NLĐ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì không được phép xử lý kỷ luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Theo quy định của Luật dân số, trước đây sinh con thứ 3 thì căn cứ tính chất mức độ để xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến thời điểm hiện nay các cặp vơ chồng sẽ tự quyết định việc sinh con của chính mình, do vậy quyết định sinh bao nhiêu con phụ thuộc vào cặp vợ chồng đó là đối tượng nào. Nếu chỉ là cán bộ công nhân lao động bình thường thì quyền quyết định phụ thuộc vào cặp vợ chồng đó, nếu là đảng viên thì phải tuân thủ điều lệ và các quy định của Đảng.
Hiện nay có một số giáo viên mầm non học cao đẳng, đại học chính quy nhưng khi thi đỗ viên chức chỉ được hưởng lương theo mức trung cấp. Theo tôi nếu như vậy sẽ không thu hút được sinh viên tham gia vào học các trường cao đẳng, đại học mà học trung cấp để sớm ra trường và đi làm. Điều đó sẽ không thu hút được nhân lực chất lượng cao vào các trường mầm non. Xin hỏi các chuyên gia chính sách tiền lương như vậy có hợp lý không? (Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch công đoàn trường mầm non Sen Chiểu)
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Luật Viên chức đã quy định rõ: trả lương tương xứng với vị việc chứ không phải phải theo bằng cấp, nói một cách khác là hưởng lương theo vị trí việc làm. Vì vậy, dù bạn học đại học hay cao đẳng nhưng khi đã tự nguyện vào dạy trường mầm non thì bạn vẫn sẽ chỉ được hưởng mức lương dành cho giáo viên mầm non.
Chị Đặng Thị Hồng Vân (Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phương Độ) đặt câu hỏi về chế độ thai sản. |
Theo quy định của ngành Giáo dục thì NLĐ được nghỉ hè 02 tháng (6+7). Mặt khác theo quy định của Luật BHXH thì người lao động được nghỉ chế độ thai sản là 06 tháng. Vậy nếu thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì NLĐ sẽ được hưởng chế độ như thế nào? (Chị Đặng Thị Hồng Vân - Chủ tịch công đoàn trường THCS Phương Độ).
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Bất kể NLĐ nào tham gia đóng BHXH đều được hưởng chế độ như nhau, đối với lao động nữ tham gia đóng BHXH, khi sinh con đều được hưởng chế độ thai sản, do đó không có liên quan gì đến trường hợp nghỉ hè.
Đối với các giáo viên, nhân viên là lao động hợp đồng theo sự thỏa thuận của UBND huyện đã có thời gian công tác lâu năm có hưởng chế độ, ưu tiên, đã ngộ gì trong kỳ thi tuyển viên chức sắp tới? Thời điểm nào giáo viên thể thi thăng hạng khi đã có đủ hồ sơ? (Cao Thị Bích Duyên - Chủ tịch công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phúc Thọ)
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Liên quan đến giáo viên hợp đồng: theo nghị định 161 năm 2018 của Chính phủ. Trong trường hợp giáo viên được giảng dạy trên hợp đồng đã tham gia giảng dạy trên 5 năm, trong quá trình xét tuyển sẽ được nhà nước tạo đãi ngộ, điều kiện tốt nhất phù hợp với năng lực chuyên môn. Tuy nhiên khi triển khai thực tế thì tùy việc thực hiện của các địa phương phụ thuộc vào số lượng hợp đồng ký với giáo viên, do vậy điều kiện thực tế phải dựa vào đề án của địa phương đó.
Việc thi thăng hạng sẽ phụ thuộc vào bằng cấp của từng giáo viên. Trong trường hợp chúng ta qua các kì thi của sở, phòng,… sẽ được tạo điều kiện, ổn định trong quá trình làm việc và phấn đấu.
Anh Kiều Cao Việt (Chủ tịch Công đoàn xã Tích Giang) đặt câu hỏi về lĩnh vực tai nạn lao động. |
Hiện nay, có một số giáo viên tham gia truy đóng BHXH từ năm 1995 song chế độ thâm niên của họ chỉ được tính từ năm 2003. Xin hỏi các chuyên gia tại sao họ không được tính mức thâm niên từ năm 1995? Một số giáo viên nam tham gia nghĩa vụ quân sự 2 năm, thời gian đó có đc tính thâm niên không? (Anh Nguyễn Ngọc Long – Chủ tịch CĐ trường Tiểu học Ngọc Tảo).
Chuyện gia Dương Thị Minh Châu: Đối với những giáo viên biên chế đang giảng dạy từ năm 2004 được chuyển đổi chế độ lương, các anh chị nên xem thử hồ sơ, đến thời điểm nào chúng ta vào biên chế, đến thời điểm nào nằm trong quy định hưởng lương thâm niên.
Thâm niên quân đội: Trước đây văn bản luật có quy định bộ đội xuất ngũ về địa phương trước ngày 15/12/1993. Nếu như đi bộ đội từ năm 1993 đến năm 1995 mới về, theo nghị định 12 của Chính phủ quy định đối tượng đi nghĩa vụ quân sự không phải đóng bảo hiểm, dẫn đến những đối tượng xuất ngũ sau 1/1995 không thuộc đối tượng tính thâm niên.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Hiệp Thuận) đặt câu hỏi về lương hưu. |
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Truy đóng bảo hiểm từ 1995 song chế độ thâm niên của họ chỉ được tính từ năm 2003. Nếu chúng ta là viên chức, đang hưởng lương thâm niên nghề nghiệp tuy nhiên phải truy đóng từ 1995 đến trước 2003 bởi lẽ thời gian đó chúng ta chưa phải là công chức, viên chức, danh sách được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Thâm niên công tác với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là khác nhau. Việc truy đóng này là nhà nước đang tạo điều kiện cho chúng ta tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ nghỉ hưu khi tham gia bảo hiểm từ 20 năm trở lên.
Trong ngày trực Tết Nguyên đán NLĐ chỉ được trả 200 nghìn đồng vậy theo quy định pháp luật mức chi trả đó có đúng không? Theo luật ATLĐ, hàng năm chủ sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe và trả chi phí khám cho NLĐ, nhưng chủ sử dụng lao động bảo không có kinh phí vậy có được coi là vi phạm pháp luật hay không? Ngoài ra, tại cơ quan tôi có một đồng chí được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục nhưng không được nhận chế độ tiền, vậy đúng hay không? (Anh Đinh Trọng Xiển, Trường THCS Liên Hiệp).
Chuyên gia trả lời các câu hỏi tại buổi Giao lưu. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định pháp luật, quy định của tiền lương trong làm thêm, ngày nghỉ… quy định rõ: NLĐ làm thêm ngày thường hưởng 150% lương; ngày thứ 7, chủ nhật hưởng 200%; ngày lễ, Tết NLĐ được hưởng 400% lương. Theo Luật an toàn quy định cơ quan và NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần cho NLĐ, đối với những công việc nặng nhọc, độc hại khám 2 lần/năm, doanh nghiệp và cơ quan phải chi trả toàn bộ chi phí khám sức khỏe cho NLĐ và họ phải tự cân đối nguồn kinh phí để thực hiện quy định này. Đối với Luật thi đua khen thưởng nguyên tắc có khen phải có thưởng, tuy nhiên một số cơ quan có khen nhưng ủy quyền cho cấp dưới thưởng đó là quy định của ngành.
Có một lao động nữ tại đơn vị tôi bị động thai nghỉ quá 20 ngày/tháng. Trường hợp này đơn vị tôi có quyền được báo giảm BHXH hay không? Khi lao động này nộp giấy đề nghị hưởng BHXH những ngày nghỉ đó, cơ quan BHXH có duyệt hay không? (Anh Khuất Thành Tâm – Chủ tịch CĐ HTX nông nghiệp xã Tích Giang).
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trong quy định năm 2014, người làm việc nghỉ 14 ngày/tháng sẽ không phải đóng bảo hiềm tháng đó. Đối với trường hợp nữ trên sẽ không phải đóng BHXH, nếu lao động nữ có nộp hồ sơ chế độ ốm đau sẽ được hưởng chế độ như thường.
Lưu ý các trường hợp nhiều đơn vị mắc đó là trong tháng nghỉ lao động nghỉ không lương sẽ không được thanh toán. Chỉ được thanh toán khi lao động xin nghỉ ốm, bảng chấm công đơn vị phải chấm nghỉ ốm thì cơ quan bảo hiểm mới thanh toán.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành Phố Hà Nội Lê Đình Hùng tặng quà cho công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Tôi xin hỏi các chuyên gia 3 câu hỏi: Trong quá trình quản lý tài chính của công đoàn cơ sở, đoàn viên cho rằng quỹ công đoàn ít không đủ chi hoạt động nên ban chấp hành công đoàn đã làm tờ trình xin lãnh đạo doanh nghiệp hỗ trợ, và được doanh nghiệp hỗ trợ từ kinh phí từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh, như vậy có đúng không? Câu thứ 2: Cơ quan tôi có một đoàn viên đi hợp tác lao động nước ngoài từ năm 1987 đến 1991, tôi xin hỏi thời gian đó có được tính đóng bảo hiểm xã hội không, có được cộng nối với thời gian sau này không? Câu thứ 3 là do kinh phí công đoàn cơ sở hạn chế không đủ chi phụ cấp nên cán bộ công đoàn vừa tham gia ban chấp hành, vừa làm kế toán, thủ quỹ. Trường hợp này cán bộ công đoàn có được hưởng đủ các loại phụ cấp không? (Ông Nguyễn Văn Lương - Chủ tịch công đoàn Quỹ tín dụng Phúc Hòa).
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Tài chính công đoàn có từ 3 nguồn: đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng góp, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng 2% từ tổng số quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội và các nguồn hỗ trợ khác. Theo như câu ông hỏi việc doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí công đoàn từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh cũng hợp lý. Đối với việc do tiết kiệm phụ cấp cho cán bộ công đoàn bởi kinh phí hạn hẹp nên cán bộ công đoàn vừa tham gia ban chấp hành vừa làm kế toán và thủ quỹ thì chỉ được hưởng mức một mức phụ cấp cao nhất thôi chứ không được hưởng cả hai phụ cấp.
Chị Hà Thị Thu Hương (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Long Xuyên) đặt 2 câu hỏi về lĩnh vực thai sản và tai nạn lao động. |
Chuyên gia Minh Châu bổ sung: Về trường hợp đi hợp tác lao động có được cộng dồn bảo hiểm xã hội không thì còn căn cứ vào nhiều yếu tố như trước khi đi hợp tác lao động thì thuộc đối tượng nào, về nước thời điểm nào, có quá hạn không hay về đúng hạn... Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định đối với thời gian đi hợp tác lao động về nước nếu như chưa được hưởng trợ cấp một lần thì sẽ được cộng nối bảo hiểm xã hội với thời gian sau này.
Một Doanh nghiệp có 50 lao động làm việc thuộc diện đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH nhưng CĐCS chỉ mới kết nạp được 20 đoàn viên công đoàn. Đến kỳ trích đóng kinh phí công đoàn, Giám đốc doanh nghiệp chỉ đồng ý trích đóng cho số đoàn viên công đoàn là 20 người, số còn lại chưa kết nạp đoàn viên nên không đóng. Tôi xin hỏi các chuyên gia, việc trích nộp kinh phí công đoàn như vậy là đúng hay sai? (Ông Chu Đức Biên, HTX nông nghiệp Thụ Lộc).
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ tặng quà cho công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Luật Công đoàn, Nghị định 191 của Thủ tướng Chính Phủ thì chủ doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn tổng số là 2% tổng số quỹ lương đóng BHXH của doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn). Như vậy 50 lao động của công ty tham gia BHXH, quỹ lương của tháng đó giả sử là 100 triệu thì sẽ phải nộp kinh phí công đoàn là 2 triệu, chứ không phải chỉ có thu trên 20 người là đoàn viên công đoàn.
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung: Trong trường hợp doanh nghiệp trốn nộp kinh phí công đoàn thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền xử phạt tối đa không quá 75 triệu đồng, số tiền xử phạt đó cũng không phải là nhỏ do đó các doanh nghiệp khi đã chấp hành các quy định về pháp luật lao động rồi thì nên cố gắng chấp hành đóng kinh phí công đoàn.
Anh Chu Đức Biên (Chủ tịch Công đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Lộc) đặt câu hỏi về việc đóng kinh phí công đoàn. |
Công ty tôi có chị Nguyễn Thị An viết đơn xin nghỉ việc vào ngày 15/4/2019 đến 17/4/2019 chị An sinh con nhưng công ty vẫn đóng BHXH, BHYT cho chị đến hết tháng 4. Vậy thủ tục hưởng chế độ của chị an do công ty hay tự chị An đi làm? Nếu chị An tự làm cần thủ tục gì (Chị Dương Thị Vân - Chủ tịch CĐ trường mầm non Phụng Thượng).
Chuyên Gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp này NLĐ có thể tự đi làm, thủ tục có thể là bản sao giấy khai sinh, hoặc trích lục giấy khai sinh, bản sao giấy chứng sinh. Đối với BHXH Hà Nội trong thời gian tới sẽ mở rộng các điểm thanh toán chế độ thai sản, có thể thanh toán ở bất kì đâu.
Tôi được biết, tại điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định quy định tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tại Công ty tôi, để tăng động lực cho người lao động thì có thưởng theo quý, 3 tháng được thưởng một lần. Tôi xin hỏi, mức thưởng này có được tính để đóng bảo hiểm xã hội hay không? (Anh Hoàng Quang Long Công ty TNHH Nguyên Hưng).
Chị Khuất Thị Thìn (Chủ tịch Công đoàn Công ty Cồn giấy rượu) đặt câu hỏi về việc chốt sổ bảo hiểm. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Điều 30 thông tư 59, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ… Việc Công ty bạn thực hiện thưởng theo quý căn cứ theo năng lực sản xuất kinh doanh nên tiền thưởng này không không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Tháng tháng 4 vừa rồi đơn vị tôi có 1 CĐ viên xin thôi việc. Chuyên gia cho biết cách tính mức hưởng BHTN khi thôi việc, thủ tục làm chế độ thất nghiệp như thế nào, đến đâu để làm thủ tục? (Chị Hoàng Thị Duyên - huyện Phúc Thọ).
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tại điều 50 luật Việc làm có quy định việc hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương của bình quân 6 tháng trước khi nghỉ việc. Tối đa đối với công chức viên chức nhà nước hưởng theo lương cơ sở thì không quá 5 lần lương cơ sở, đối với doanh nghiệp theo vùng sẽ không quá 5 lần tối thiểu vùng. Có thể nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm ở 215 Trung Kính (Cầu Giấy). Ngoài ra có 12 địa điểm tiếp nhận hồ sơ ở các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Long Biên,…
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc trao quà cho công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu |
Thủ tục quy định: NLĐ khi đề nghị hưởng chế độ thất nghiệp cần nộp bản chính, bản sao có chứng thực một số giấy tờ như: xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, đã hoàn thành công việc theo hợp đồng, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, kỷ luật, buộc thôi việc,… và sổ BHXH được chốt tính đến thời điểm nghỉ việc.
Tôi làm việc qua 3 công ty và đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chung 1 số sổ BHXH. Nhưng ở công ty đầu tiên, tôi không chốt được sổ BHXH vì công ty nợ BHXH, sau đó bị phá sản. Vì vậy, đến khi nghỉ việc tại công ty thứ 2, tôi cũng không chốt được sổ BHXH. Hiện tại tôi vẫn đang làm ở công ty thứ 3 và tiếp tục đóng BHXH vào số sổ đó.Tôi xin hỏi các chuyên gia tôi phải làm thế nào để được chốt sổ BHXH? (Bà Khuất Thị Thìn, Chủ tịch Công đoàn công ty công ty cồn giấy rượu).
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Cần phải phân định đơn vị nợ và đơn vị phá sản sẽ khác, hiện tại cơ quan BHXH đang hỗ trợ NLĐ bằng tách đóng để chốt sổ BHXH, để giải quyết chế độ. Người ta không đóng cho cả đơn vị nhưng tách đóng cho một cá nhân ở đơn vị đó để đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc đến thời điểm đủ điều kiện nghỉ để hưởng chế độ thai sản.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Công tặng quà cho công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu |
Đối với những đơn vị phá sản, NLĐ sẽ mang sổ đến cơ quan BHXH để được chốt sổ đến thời điểm mà đơn vị đóng đủ. Ví dụ thời điểm doanh nghiệp phá sản là năm 2017 nhưng đơn vị mới đóng tiền đến hết năm 2015 thì cơ quan BHXH sẽ chốt sổ cho NLĐ đến hết năm 2015.
Trước đây tôi là nông dân có diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước thu hồi để phát triển công nghiệp, tôi xin vào làm công nhân tại doanh nghiệp. Tuy nhiên do tuổi đã cao, nếu tôi có tham gia đóng bảo hiểm thì cũng không đủ thời gian theo quy định để hưởng chế độ hưu trí. Doanh nghiệp có thoả thuận với tôi là không đóng BHXH, số tiền đóng BHXH sẽ được cộng thêm vào lương. Xin hỏi các chuyên gia doanh nghiệp làm như vậy có được không? (Chị Đỗ Kim Thoan - đoàn viên công đoàn huyện Phúc Thọ).
Chị Hoàng Thị Duyên (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh Đa) đặt câu hỏi về bảo hiểm thất nghiệp. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Như trường hợp ông hỏi thì điều đầu tiên tôi phải khẳng định doanh nghiệp và người lao động đang vi phạm pháp luật. Việc đóng BHXH là bắt buộc chứ không phải là sự thỏa thuận. Pháp luật không giới hạn về độ tuổi tham gia BHXH, chỉ giới hạn tuổi nghỉ hưu. Nếu ông có ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên thì ông thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có nghĩa là doanh nghiệp phải chủ động đóng BHXH cho ông, chứ không thể có sự thỏa thuận giữa ông với chủ doanh nghiệp để không đóng BHXH. Làm như vậy là sai.
Tại khối trường học, Ban Thanh tra Nhân dân chưa được cấp kinh phí hoạt động. Chuyên gia cho biết kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được quy định như thế nào, khoản kinh phí đó được chi trả từ nguồn nào? (Chị Lê Thị Lan Hương - Trường Tiểu học Trạch Mỹ Lộc).
Anh Đỗ Kim Thoan (Chủ tịch Trường Tiểu học Liên Hiệp) đặt câu hỏi về chế độ hưu trí. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo nghị định 159 năm 2015 của Chính phủ, Ban Thanh tra Nhân dân bắt buộc được thành lập ở 3 lĩnh vực: Cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Ban Thanh tra Nhân dân thay mặt NLĐ, cán bộ công chức giám sát việc thực hiện các quy định của nhà nước sử dụng tài chính trong đơn vị và giải quyết đơn thư khiếu nại theo đề nghị của người sử dụng lao động.
Theo thông tư 63 năm 2017 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn chi cho Ban thanh tra nhân dân, các mục chi được qui định rất rõ. Nguồn chi được trích từ nguồn chi phí thường xuyên của cơ quan. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì từ chi phí sản xuất. Mức chi bao nhiêu là do cân đối ở cơ quan đó quyết định.
Năm 1986 tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và tham nghĩa vụ quân sự đến tháng 12/ 88 xuất ngũ, tôi chuyển ngành sư phạm. Có những bạn bè của tôi ở một số huyện khác cũng tốt tốt nghiệp cao đẳng sư phạm vào năm 1986 như tôi nhưng đến nay mức phụ cấp thâm niên cao hơn tôi 2%. Lý do là khi tôi tham gia ngành sư phạm, UBND huyện Phúc Thọ đã tính hai năm thử việc đối với tôi là năm 1989-1990 , còn các bạn tôi thì phải thử việc mà tính thâm niên luôn nên hiện tại so với các bạn tôi bị mất 2% thâm niên. Tôi xin hỏi các chuyên gia tại sao lại có điều này và tôi phải làm gì để lấy lại quyền lợi? (Ông Kiều Trọng Khiết - Hiệu trưởng trường THCS Cẩm Đình).
Anh Kiều Trọng Thiết (Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Đình) đặt câu hỏi về việc tính thâm niên. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Câu hỏi của bác thực chất không thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội mà thuộc thẩm quyền của người ra quyết định hưởng thâm niên cho bác. Tuy nhiên trên góc độ của người làm chính sách, tôi có một số gợi ý như sau: nếu như bác đã tham gia ngành giáo dục trước khi đi nghĩa vụ quân sự về thì sau khi trở về bác vẫn được tính cộng thâm niên.
Nhưng ở đây, bác đi nghĩa vụ quân sự về rồi mới vào ngành nên thâm niên ngành giáo dục của bác được tính từ khi bắt đâu. Nếu muốn cộng dồn cả thâm niên quân đội với thâm niên giáo dục thì khi thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bác phải có thâm niên 5 năm trở lên. Điều này bác chưa nói rõ. Bác nên tìm hiểu lại hồ sơ thực tế của bác xem thế nào. Nếu bác vẫn thắc mắc thì có thể liên hệ lại với BHXH huyện Phúc Thọ, chúng tôi sẽ hướng dẫn xem xét, nhưng chỉ là xem xét giúp, còn vấn đề giải quyết hưởng bao nhiêu thâm niên thì phải do người ra quyết định của huyện Phúc Thọ chứ không phải thẩm quyền của BHXH.
Anh Đặng Huy Bảo (Chủ tịch Công đoàn xã Vân Phúc) đặt câu hỏi về chính sách tiền lương. |
Xin chuyên gia cho biết những điểm quy định mới về Chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong năm 2019; khi nào thì triển khai việc trả lương cho CNVC và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập theo vị trí việc làm? (Ông Đặng Huy Bảo, Chủ tịch công đoàn Ủy ban xã Vân Phúc).
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Liên quan đến mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng I sẽ tăng lên là 4 triệu 180 nghìn đồng, vùng II tăng lên 3 triệu 710 nghìn đồng, vùng III tăng lên 3 triệu 250 nghìn đồng, vùng 4 tăng lên 2 triệu 920 nghìn đồng.
Đối với việc hưởng lương hưu hàng tháng do mức lương cơ sở tăng do đó lương hưu có sự điều chỉnh, theo thống kê tỷ lệ tăng xấp xỉ gần 8% so với trước đây. Trên cơ sở các chế độ chính sách liên quan đến tiền lương tăng, đối tượng được điều chỉnh tăng chủ yếu là đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp tuân thủ theo quy định của bộ luật lao động thì sự tăng đó tùy thuộc vào quy chế trả lương, thang bảng lương mà doanh nghiệp xây dựng.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Theo lộ trình Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, đến năm 2021 cán bộ công chức, viên chức sẽ hưởng lương theo vị trí việc làm nhưng đến thời điểm này các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng các dự thảo, cố gắng phấn đấu đến năm 2021 để Nghị quyết được đi vào cuộc sống, vị trí việc làm như nào thì hưởng lương như thế đó.
Phát biểu bế mạc buổi giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Sau hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra giao lưu trực tuyến, đã gần 30 câu hỏi trực tiếp được chuyên gia trả lời tại hội trường và trên rất nhiều hỏi được gửi tới tòa soạn từ bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Qua đó đã giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề Giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Báo LĐTĐ mong muốn nhận được những phản hồi của độc giả đến tòa soạn và trực tiếp trên trang web của báo tại địa chỉ laodongthudo.vn. Báo LĐTĐ sẽ là cầu nối của NLĐ, chính quyền, người sử dụng lao động giải đáp khúc mắc của mình. Trong thời gian tới Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để trực tiếp lắng nghe và giải đáp những thắc mắc về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. |
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnNên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 16:43
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Hàng nghìn sản phẩm ưu đãi tại Chợ Tết Online của tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 22/12/2024 06:52
Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công đoàn 19/12/2024 18:25
Phát huy vai trò bảo vệ lợi ích của người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:38
LĐLĐ quận Hai Bà Trưng: Khám sức khoẻ miễn phí cho 200 đoàn viên, người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:30
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 17/12/2024 06:36
Thanh Trì: Nhiều hoạt động nữ công thiết thực, hiệu quả
Vì lợi ích đoàn viên 15/12/2024 16:30
Đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 12/12/2024 13:59
Truyền thông, khám tầm soát ung thư cho hơn 1.000 công nhân lao động
Vì lợi ích đoàn viên 09/12/2024 06:16