Đánh thức tiềm năng du lịch Thanh Oai
Nhiều tiềm năng du lịch
Việc phát triển du lịch tại các vùng đất có nhiều làng nghề ngoài đem lại lợi ích kinh tế - xã hội còn góp phần bảo vệ và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương. Thanh Oai là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tiêu biểu trong số đó là hệ thống di tích dày đặc, toàn huyện có 266 di tích, trong đó có 147 di tích đã được xếp hạng.
|
Những di tích như Đền Nội, xã Bình Minh thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, nơi đây còn có bức giá tượng Lạc Long Quân là bảo vật Quốc gia; chùa Bối Khê xã Tam Hưng thờ Thánh Bình An, là một ngôi chùa cổ bậc nhất Thành phố và nhiều ngôi chùa khác như chùa Sổ xã Tân Ước cùng nhiều lễ hội truyền thống, phong phú, độc đáo, lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Đó là cơ sở để huyện Thanh Oai phát triển du lịch tâm linh.
Cùng với đó, Thanh Oai được biết đến là vùng đất của 51 làng nghề truyền thống như: làng điêu khắc Dư Dụ (xã Thanh Thùy); đồ thờ Vũ Lăng(xã Dân Hoà); làng Bình Đà (xã Bình Minh) trước nổi tiếng cả nước với nghề làm pháo, nghề cơ khí ở làng Rùa xã Thanh Thùy hay làng giò chả Ước Lễ…
Hay những chiếc nón của làng Chuông từng được dùng để cung tiến Vua, Chúa thời phong kiến. Ngày nay, sản phẩm của làng còn được dùng làm đạo cụ cho các bộ phim cổ trang hay tham gia vào các show diễn thời trang. Với ưu điểm chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp, lại dùng được trong lao động nên sản phẩm của làng luôn được khách hàng ưa chuộng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài bán trong nước, nón làng Chuông còn được xuất khẩu sang nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản...
|
Đến Thanh Oai không chỉ được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên của một miền quê thanh bình, được đắm mình trong vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của các khu di tích, du khách còn được thưởng thức vị ngon đặc trưng, nét văn hóa ẩm thực dân dã, thanh tao như bánh đúc Kim Bài; tương, miến Cự Đà, Cự Khê; giò chả Tân Ước; bánh trôi, bánh chay Bình Minh và những sản phẩm nông sản làm nên thương hiệu Nếp cái hoa vàng xã Tam Hưng; gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn; cam đường xã Kim An; rượu làng Mai xã Thanh Mai.
Có thể thấy, với đa dạng sản phẩm và nét đẹp văn hóa của các làng nghề truyền thống lâu đời, huyện Thanh Oai có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Với những thế mạnh làng nghề đó, người dân nơi đây có thể áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch trải nghiệm của làng. Tuy nhiên, việc kết hợp du lịch với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề chưa được nhiều hộ sản xuất quan tâm.
Đừng để du lịch “nghèo” trên tiềm năng giàu có
Cùng với dòng chảy phát triển, hội nhập nhanh, mạnh trên cả nước nói chung và huyện Thanh Oai nói riêng, ngày nay với sự phát triển nhanh chóng khiến các làng nghề nơi đây đang dần bị đô thị hóa làm mất đi không gian làng quê thanh bình. Cùng với đó cơ sở vật chất, dịch vụ, chất lượng sản phẩm cần được phát triển hơn nữa, song hành cùng với những cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm do nghệ nhân tạo ra. Đồng thời, phục dựng lại những làng nghề truyền thống mang nét đẹp hoài cổ sẽ là cốt lõi để có thể mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi về với Thanh Oai.
|
Bên cạnh đó, trên thực tế các điểm du lịch tại Thanh Oai còn nghèo nàn, ngay chính người dân địa phương chưa khai thác được tiềm năng vốn có của quê hương. Không ít những hoạt động văn hóa độc đáo ở Thanh Oai như chợ phiên, sản phẩm làng nghề... chưa được nhiều người biết đến. Các dịch vụ hỗ trợ khách tham quan như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, cơ sở lưu trú... chưa được khai thác, đầu tư đúng mức. Trong năm 2017 - 2018, lượng khách du lịch tới Thanh Oai mặc dù có tăng so với các năm trước nhưng vẫn chỉ từ khoảng 3000 - 3500 lượt khách.
Trong khi đó, ở những nơi còn giữ được tương đối các nếp nhà truyền thống và cảnh quan thiên nhiên cùng các thiết chế văn hóa làng như các xã Cự Đà, Tân Ước, Cự Khê, làng Chuông.... thì hình thức homestay như ở Lào Cai, hay du lịch trải nghiệm đời sống văn hóa, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Hội An có thể nên áp dụng thử nghiệm ở nơi đây.
Để đánh thức và thúc đẩy du lịch phát triển, thời gian qua, huyện Thanh Oai đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại những nơi có tiềm năng du lịch; quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống gắn liền với xây dựng làng, bản văn hóa làm tiền đề tốt để du lịch văn hóa - lễ hội có bước đột phá. Với những tiềm năng phát triển du lịch, huyện Thanh Oai đã xác định và xây dựng 2 tuyến du lịch chính: Tuyến 1 gồm các xã Cự Khê - Thanh Thùy - Tam Hưng - Bình Minh - Cao Viên - Thanh Cao; Tuyến 2 gồm Tân Ước - Hồng Dương - Dân Hòa - Phương Trung - Xuân Dương - Cao Dương.
Huyện Thanh Oai đã tu bổ nhiều di tích như đình Nội, chùa Bối Khê; chỉ đạo lập quy hoạch bảo tồn, bảo vệ các di tích trên địa bàn huyện; cải tạo hạ tầng giao thông, xây dựng bãi đỗ xe tại các điểm du lịch; cử cán bộ tham gia lớp tập huấn kỹ năng thuyết minh du lịch, nghiệp vụ quản lý nhà nước và xây dựng sản phẩm du lịch, kỹ năng xúc tiến du lịch; tham gia hội nghị triển khai tổng đài tư vấn, giải đáp thông tin du lịch Hà Nội và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch do Sở Du lịch và các đơn vị chức năng của Thành phố Hà Nội tổ chức…
Cùng đó, Sở Du lịch Hà Nội đã cho lắp đặt các biển chỉ dẫn và giới thiệu về điểm du lịch trên địa bàn huyện Thanh Oai, đồng thời chỉ đạo xây dựng các ấn phẩm, tài liệu số về những sản phẩm làng nghề, ẩm thực của huyện, cũng như khuyến khích các xã, ngành tham gia những hội chợ hay cuộc thi làng nghề, ẩm thực do Thành phố và các tỉnh tổ chức. Với những cách làm đó, hy vọng rằng, trong thời gian tới huyện Thanh Oai sẽ phát triển, khai thác hết tiềm năng du lịch phong phú mà huyện vốn có.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Tăng cường xử lý xe chở quá tải, cơi nới thành thùng
Quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông ở Thủ đô
Hà Nội và Hà Giang: Kết nối vì sự phát triển bền vững của nông thôn mới
Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ phục vụ dịp Tết Ất Tỵ 2025
Vạn Phúc City mở ra cơ hội sở hữu những căn biệt thự, nhà phố “cuối cùng”
Tin khác
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
10 tháng năm 2024, Hà Nội đón hơn 23 triệu lượt khách du lịch
Infographic 15/11/2024 16:05
Ngày cuối tuần: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đón lượng khách tham quan cao kỷ lục
Du lịch 10/11/2024 17:24
Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà lên sóng kênh truyền hình CNN
Du lịch 07/11/2024 14:50
Tháng 10/2024, Việt Nam đón 1,42 triệu lượt khách quốc tế
Du lịch 07/11/2024 07:11
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày 4 bảo vật quốc gia
Du lịch 03/11/2024 16:46
Lào Cai khởi động chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024
Du lịch 30/10/2024 18:42
Góc nhìn chuyên gia trong ứng dụng công nghệ số vào du lịch
Du lịch 29/10/2024 20:38
Cửa Lò đón hơn 5 triệu lượt khách trong mùa du lịch năm 2024
Du lịch 24/10/2024 21:22
Hơn 2.000 du khách quốc tế đến Khánh Hòa bằng du thuyền
Du lịch 23/10/2024 11:22