Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Sức bật trong xây dựng nông thôn mới
Cơ hội để phát triển sản phẩm lợi thế
Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, mây tre, điêu khắc, may mặc…
Người dân tham quan, mua sắm các sản phẩm tại các hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm đặc sản. Ảnh: Nguyễn Hoa |
Đặc biệt, Hà Nội đang đạt kết quả cao trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QRcode với trên 5.000 sản phẩm được gắn mã... Đây là tiềm năng và cũng là nền tảng để phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Cùng đó, Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng chương trình mỗi xã một sản phẩm bao gồm gần 3.000 sản phẩm thực phẩm, hơn 2.000 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí, hơn 1.000 sản phẩm vải và may mặc... Bên cạnh đó, Hà Nội đang phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản, đặc sản, đó chính là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hiệu quả gắn với 2 mục tiêu cốt lõi thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong đó, có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn liền với văn hóa nông thôn được lưu giữ gần như nguyên vẹn và phát triển thành nghề trong cộng đồng dân cư như: Sản xuất đồ gỗ ở xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); các sản phẩm mỹ nghệ làm từ mây, tre ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nghề gốm sứ ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm)… Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ, để phát huy những lợi thế, thời gian qua Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức đào tạo, tập huấn, đăng ký nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Điển hình như người dân xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) có truyền thống trồng bưởi từ lâu. Hiện nay, cả xã có 121ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Từ khi chọn sản phẩm bưởi tôm vàng tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Thượng Mỗ và huyện Đan Phượng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ và nhân dân, đồng thời in ấn và cấp phát tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đến hết năm 2019, sản phẩm “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ” sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí để trình Thành phố phân loại, xếp hạng sản phẩm.
Tương tự như Đan Phượng, từ năm 2014, xã Tam Hưng huyện Thanh Oai đã tiến hành triển khai dự án xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”. Cho đến nay, diện tích vẫn được duy trì và phát triển mở rộng hàng vụ từ 400 – 500ha, chiếm 70 – 80% diện tích đất canh tác của xã. Ngoài ra, từ vụ Mùa năm 2012, Hợp tác xã đã mạnh dạn đưa giống lúa Nếp cái hoa vàng vào sản xuất và mở rộng diện tích, cho năng suất bình quân đạt cao hơn giống lúa thường.
Đây chính là tiền đề nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm trên địa bàn Thành phố.
Hàng năm, sản lượng gạo chất lượng cao của xã đạt từ 8.000 - 8.500 tấn, trong khi lượng tiêu thụ của bà con địa phương là khoảng 4.000 tấn, như vậy, vẫn còn một lượng lương thực rất lớn cần được tiêu thụ. Để đồng hành cùng với bà con nông dân trong sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như phát huy những giá trị của nhãn hiệu “Gạo thơm Bối Khê”, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng và các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu phân phối nhằm quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa đến với người tiêu dùng. Qua đó, gạo Bối Khê hiện đã tiếp cận với các hệ thống siêu thị Fivimart, các cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm an toàn như Bác Tôm cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Phát triển sản phẩm gắn với du lịch
Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát huy hiệu quả, thời gian qua Hà Nội đã tổ chức nhiều hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm đặc sản của Thủ đô giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực của làng nghề gắn với kết hợp khai thác du lịch. Qua chương trình, đã có nhiều quận, huyện đạt được những kết quả bước đầu. Tiêu biểu, Gia Lâm là một trong những huyện có thế mạnh về sản phẩm làng nghề.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm đến năm 2020, triển khai đồng bộ các giải pháp như bình chọn, đánh giá, công nhận sản phẩm với các mức “3 sao” (phục vụ thị trường trong nước); “4 sao” và “5 sao” (có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Từ cơ sở đó sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức kết nối giao thương; tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia chương trình. Chương trình sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức tham gia đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất; thiết kế nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu; tiếp cận nguồn vốn, thuê chuyên gia tư vấn; liên kết, tiêu thụ sản phẩm... |
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Với các làng nghề truyền thống như: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát huy các thế mạnh sẵn có, huyện Gia Lâm đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”, trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch. Đồng thời gắn với vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề; đảm bảo sự tăng trưởng ổn định lâu dài về mặt kinh tế và sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, cùng với làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch, mới đây đã được Thành phố công nhận là điểm du lịch. Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đó cũng là cơ hội để các sản phẩm truyền thống, dịch vụ của Bát Tràng đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Nguyễn Hoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07
Huyện Thanh Trì kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Nhịp sống Thủ đô 19/12/2024 18:53