“Cải cách chính sách tiền lương và BHXH theo NQ 27 và 28-NQ/TƯ 7 khóa XII”
Giao lưu trực tuyến: “Lao động nữ - chính sách và cuộc sống” | |
Giao lưu với những bông hoa đẹp 'để cuộc sống thêm tươi đẹp' | |
Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện mục tiêu “Vì lợi ích đoàn viên” của tổ chức Công đoàn, chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước, chào mừng thành công Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Tới dự buổi giao lưu trực tuyến “Cải cách chính sách tiền lương và BHXH theo NQ 27 và 28-NQ/TƯ 7 khóa XII” có các đồng chí: TS. Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố; Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm; Đinh Hồng Phong, Ủy viên ban thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm; Lê Hồng Phú, Ủy viên ban thường vụ quận ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc quận Hoàn Kiếm; Lê Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ LĐLĐ Thành phố, TBT báo Lao động Thủ đô; Lê Hoàng Thủy Vân Chủ tịch LĐLĐ Hoàn Kiếm.
Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có TS Nguyễn Xuân Thu- Phó Giám đốc Học viện Tư pháp và bà Nguyễn Thị Oanh – Phó trưởng phòng chính sách Tiền lương và bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ LĐLĐ Thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống san sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiền lương và bảo hiểm xa hội là hai chính sách quan trọng ảnh hưởng đến đông đảo người lao động, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện thông qua nhiều Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật.
TS. Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố phát biểu chỉ đạo buổi giao lưu. |
Nhiều chính sách về tiền lương và BHXH đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong công tác an sinh xã hội, bảo đảm tiến độ và công bằng xã hội, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH; Đây là hai chính sách người lao động đặc biệt quan tâm. Mặc dù là quyền lợi sát sườn nhưng để hiểu cải cách tiền lương và BHXH cụ thể như thế nào, theo hướng nào thì không phải CNVCLĐ nào cũng nắm được.
Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ LĐLĐ Thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, nhằm phản ánh kịp thời và truyền tải rộng rãi những điểm mới của cải cách chính sách tiền lương và BHXH, báo LĐTĐ phối hợp với Liên đoàn lao động quận Hoàn Kiếm đã mời các chuyên gia là luật sư và cán bộ chính sách của Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội có kinh nghiệm về chính sách tiền lương và BHXH tham gia buổi giao lưu.
Với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng của mình, các chuyên gia sẽ truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các vấn đề về cải cách tiền lương và BHXH mà các công nhân, viên chức lao động quan tâm.
Đồng chí Lê Hoàng Thủy Vân – Ủy viên BCH LĐLĐ TP. Hà Nội, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm phát biểu tại buổi giao lưu. |
Tại buổi giao lưu trực tuyến, đồng chí Lê Hoàng Thủy Vân – Ủy viên BCH LĐLĐ TP. Hà Nội, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, đây là lần đầu tiên LĐLĐ quận phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức tuyên truyền nghị quyết số 27, 28 đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là việc làm mới, sáng tạo, nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, của các cấp công đoàn quận góp phần thực hiện, thắng lợi nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn TP. Hà Nội và nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, tiếp tục thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; “Năm vì lợi ích của đoàn viên công đoàn” và hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018”.
Trong nhiều năm qua, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, LĐLĐ quận Hoàn Kiếm đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động giáo dục và tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động về các chế độ chính sách pháp luật; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bộ Luật lao động, Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật phòng cháy chữa cháy….
Lãnh đạo LĐLĐ TP, quận Hoàn Kiếm, báo Lao động Thủ đô tặng hoa các chuyên gia tại buổi giao lưu. |
Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu, TS Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đánh giá, với thế mạnh và kinh nghiệm của mình trong hơn 30 năm qua, bên cạnh việc không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tờ báo, Báo Lao động Thủ đô cũng tích cực phối hợp với các cấp công đoàn Thủ đô tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin pháp luật thiết thực cho CNVLĐ. “Hoạt động giao lưu trực tuyến đã trở thành thương hiệu của báo Lao động Thủ đô”- Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đánh giá.
Đối với quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến nhận xét, đây là quận trung tâm của Thành phố, kinh tế phát triển mạnh, lực lượng CNVCLĐ và đoàn viên công đoàn đông đảo, việc cập nhật các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật lao động, chế độ chính sách liên quan đến người lao động là việc làm cần thiết. “Từ những lý do trên, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao việc báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến hết sức ý nghĩa hôm nay”- Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đánh giá.
Nhấn mạnh chủ đề của buổi giao lưu về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội là những lĩnh vực được các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến cũng chia sẻ, làm rõ thêm về việc ra đời NQ 27 và 28-NQ/TƯ 7 khóa XII; về chủ trương cải cách tiền lương của Đảng, Nhà nước, về vai trò của hội đồng tiền lương Quốc gia trong việc triển khai chính sách tiền lương đối với người lao động…
Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến trân trọng cảm ơn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và các chuyên gia đã đồng hành với báo Lao động Thủ đô mang kiến thức pháp luật đến với người lao động và đề nghị các cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ mạnh dạn đặt các câu hỏi để được chuyên gia giải đáp kỹ càng và đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật.
8h30: Các chuyên gia trả lời câu hỏi của CNVCLĐ về BHXH và chế độ tiền lương:
Anh Doanh (một cự chiến binh, Chủ tịch Công đoàn Công ty T&T): Tôi đã nghỉ hưu và hiện đang đi làm thêm cho một công ty, được lĩnh lương theo thỏa thuận lương tròn. Tôi xin hỏi ngày lễ, tết, tôi có được hưởng thêm các chế độ khác không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh – Phó trưởng phòng chính sách Tiền lương và BHXH, Sở LĐTB&XH Hà Nội |
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh – Phó trưởng phòng chính sách Tiền lương và BHXH, Sở LĐTB&XH Hà Nội: Theo quy định của Bộ luật lao động và Nghị định số 05 hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, với những hợp đồng không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội, thì người sử sụng lao động chi trả các khoản nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Chế độ ngày lễ, tết với quyền lợi lễ, tết thời gian nghỉ của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật do vậy với những thỏa thuận không mang tính bắt buộc ở những vị trí thuộc công việc khác nhau sẽ do hai bên thỏa thuận.
TS. Nguyễn Xuân Thu – PGĐ Học viện Tư Pháp bổ sung: Thời gian nghỉ lễ, tết thì do thỏa thuận của Công ty với người lao động và sẽ do hai bên thương lượng. Nếu công ty có yêu cầu anh làm thêm giờ vào ngày lễ, tết thì anh sẽ được nhận thêm phần tiền làm thêm giờ là 300%.
Vũ Chí Kiên (Công ty cổ phần Yên Đức): Nghe nói sắp tới NLĐ phải đóng BHXH tới 70% mức thu nhập có đúng không? Số tiền này do người sử dụng lao động đóng bao nhiêu phần trăm và NLĐ phải đóng bao nhiêu phần trăm? Xin chuyên gia cho biết?
TS. Nguyễn Xuân Thu – PGĐ Học viện Tư Pháp |
TS Nguyễn Xuân Thu: Trên tinh thần Nghị quyết số 28, Hội nghị Trung ương 7 thông qua ngày 23/5/2018, một trong những nội dung của Nghị quyết là từ năm 2021 trở đi nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ thì tới đây, chính sách BHXH sẽ có bước sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ.
Tuy nhiên đây mới chỉ là chủ trương được thể hiện trong Nghị quyết. Về mức đóng mà người lao động phải đóng thì hiện nay chưa có quy định cụ thể cần chờ thể chế hóa của Nhà nước. Hiện tại tinh thần của Nghị quyết 28 đó là đảm bảo cân bằng giữa mức đóng bảo hiểm của doanh nghiệp và người lao động sao cho phù hợp để làm hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động.
Chị Bùi Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện tử Hoàn Kiếm: Tôi nghe thông tin là Chính phủ sắp sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo mức độ giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, nếu tôi đóng bảo hiểm 15 năm thì có được về hưu không và mức hưởng lương hưu như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định, từ 01/01/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động vẫn được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH.
Đồng chí Quốc Doanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty T&T đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Theo đó, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ 2022 trở đi là 20 năm. Trong khi đó, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, số năm đóng BHXH được tính là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Theo quy định này, từ ngày 01/01/2018 trở đi, lao động nữ muốn được hưởng mức lương hưu tối đa là 75% sẽ phải tham gia đóng BHXH đủ 30 năm (tăng thêm 05 năm so với trước khi điều chỉnh).
TS. Nguyễn Xuân Thu bổ sung: Với quy định hiện nay, nếu đóng bảo hiểm 15 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu một lần.
Chị Trần Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Trưng Vương: Con tôi 6 tuổi bị ốm phải nhập viện 7 ngày và tôi nghỉ làm để chăm sóc cháu. Vậy, tôi có được nhận tiền BHXH trong thời gian nghỉ làm 7 ngày đó không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh |
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Theo quy định của BHXH, cụ thể tại Điều 25 Luật BHXH thì thời gian mẹ nghỉ chăm con ốm vẫn được nhận BHXH nhưng chị phải hoàn tất hồ sơ nhận BHXH và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Tại khoản 1 Điều 100 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau là bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Nguyễn Minh - công tác trong ngành Ngân hàng: Xin hỏi các chuyên gia, trong trường hợp một lao động nam hết 31/12/2018 được 55 tuổi và đã đóng BHXH được 36 năm, tuy nhiên lao động này bị đột quỵ nên muốn xin nghỉ hưu trước tuổi, trong trường hợp này, lao động nam có được hưởng lương hưu hay không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Việc nghỉ hưu hưởng chế độ được căn cứ trên 2 điều kiện về tuổi đời và năm công tác. Trong trường hợp này, lao động nam đã đóng BHXH được 36 năm tức là đủ thời gian công tác nhưng lại chưa đủ tuổi đời. Vì lao động nam bị đột quỵ sức khỏe yếu nên có thể đi giám định sức khỏe, nếu sức khỏe tổn hại từ 61% trở lên thì sẽ được nghỉ hưu trước tuổi hưởng lương hưu, nếu giám định không đạt kết quả trên hoặc không đi giám định thì phải chờ đến đủ tuổi đời mới được nghỉ hưu hưởng BHXH, nếu không chờ mà nghỉ hưu sớm thì sẽ bị trừ phần trăm cho số năm nghỉ hưu trước tuổi, ở đây là 5 năm.
Chị Nguyễn Ngọc Minh - Ngân hàng TMCP Quốc Dân đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Một nữ cán bộ hỏi: Bố tôi sinh ngày 3/5/1968, làm công việc nặng nhọc thuộc danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành, đóng BHXH liên tục từ ngày 1/1/1989 đến nay. Xin hỏi bố tôi đã đủ điều kiện nghỉ hưu chưa?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
Chị Phan Lê Mai - Công ty Đồng Xuân đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, xét về năm sinh đến tháng 5/2018, bố bạn sẽ được 50 tuổi. Xét về năm sinh bố bạn được 50 tuổi, nếu bố bạn đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc trong điều kiện hầm lò sẽ đủ điều kiện. Nếu không phải trong hầm lò thì lao động sẽ được nghỉ hưu khi đủ 55-60 tuổi.
TS Nguyễn Xuân Thu bổ sung: nếu trong trường hợp lao động được 50 tuổi như trường hợp của bạn và không có 15 năm làm trong môi trường hầm lò có thể đi giám định khẳ năng lao động. Nếu kết quả giám định sức khỏe dưới 81% vẫn có thể đủ điều kiện nghỉ hưu.
Một giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Du hỏi: Mẹ nghỉ chăm sóc con có bị trừ lương không?
TS. Nguyễn Xuân Thu: Về nguyên tắc, chị sẽ không được nhận lương do không đi làm vì chúng ta đi làm thì chúng ta mới được hưởng lương. Những ngày nghỉ chăm con, chị sẽ được nhận trợ cấp của bảo hiểm xã hội.
Một CNVCLĐ hỏi: Lao động nam tham gia BHXH được hưởng chế độ khi vợ sinh con như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh |
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Khi có vợ sinh con, thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ của người chồng là 05 ngày làm việc với sinh thường 1 con; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc với trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc, tối đa không quá 14 ngày làm việc;
Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc; Thời gian hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần (Lưu ý: NLĐ nghỉ hưởng chế độ trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, nếu có nghỉ những ngày trước khi vợ sinh con thì tính là nghỉ không lương, nghỉ phép của NLĐ).
Ngoài ra, người chồng được hưởng trợ cấp 1 lần khi thỏa mãn điều kiện: người chồng có vợ không tham gia BHXH, không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Người chồng phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh; Mức trợ cấp 1 lần = 2 x Lương cơ sở tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu bổ sung: Trong các trường hợp sau người cha được nhận bảo hiểm: Trường hợp 1: Nếu cả cha mẹ tham gia bảo hiểm, người mẹ được nhận chế độ thai sản đúng theo luật trong khi đó người mẹ bị mất trong quá trình sinh thì cha sẽ được hưởng chế độ thai lương;
Trường hợp 2: Người mẹ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản theo luật, nếu mẹ sống thì sẽ phải tự nuôi con mà không được hưởng chế độ, nếu mẹ mất thì cha sẽ được hưởng bảo hiểm nuôi con.
Trường hợp 3: Người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng mất sau sinh con thì người cha sẽ được nhận 2 tháng trợ cấp mua đồ để nuôi con.
Phạm Văn Thắng - quận Hoàn Kiếm: Tôi ký hợp đồng lao động lao động với doanh nghiệp thời hạn 3 năm đã đóng BHXH 2 năm 6 tháng thì có quyết định đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Xin hỏi trong trường hợp này tôi có được hưởng chế độ gì không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Trong trường hợp này, người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận hoãn hợp đồng lao động để đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, thời gian đóng BHXH được bảo lưu đến khi hết nghĩa vụ quân sự thì người lao động trở về và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã tạm hoãn và tiếp tục đóng tham gia BHXH.
TS. Nguyễn Xuân Thu |
TS Nguyễn Xuân Thu bổ sung: trường hợp bạn có lệnh thực hiện nghĩa vụ quân sự thì chỉ cần đưa lệnh này ra buộc doanh nghiệp phải thực hiện hoãn hợp đồng chứ không cần thỏa thuận. Khi hết nghĩa vụ quân sự trở về, bạn đương nhiên được tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với vị trí công việc trước đây và tiếp tục đóng BHXH.
Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc vì lý do nào đó, không thể tiếp tục cho bạn làm công việc cũ mà phải chuyển công việc mới thì trường hợp này người lao động có quyền đồng ý hoặc từ chối công việc mới, nhưng cũng cần linh hoạt, không nên cố tình đòi hỏi công việc như trước đây nếu điều kiện của doanh nghiệp đã thay đổi.
Công nhân Phạm Thị Huyền: Lương theo doanh số, kết quả kinh doanh có được đóng bảo hiểm không? Chế độ đóng BHXH 1/1/2018 có sư thay đổi gì không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Phần lớn các doanh nghiệp tách ra 2 bảng lương gồm lương đóng BHXH và lương kinh doanh không đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động thì tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Quy định không phân cấp giữa lương kinh doanh và lương đóng BHXH trong khi đó trên thực tế tại các doanh nghiệp lương kinh doanh chiếm tỉ trọng lớn, các doanh nghiệp đẩy vào lương kinh doanh nhiều để không phải đóng BHXH.
Chị Thu Hà giáo viên trường Trưng Vương đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định nêu trên để thỏa thuận với người lao động về tiền lương ghi trong hợp đồng lao động theo đúng quy định. Cách ghi tiền lương trong hợp đồng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 1/12/2015 của Chính phủ.
Đổi với vấn đề chế đô đóng BHXH từ 1/1/2018 dựa vào các căn cứ: lương chức danh + phụ cấp + Bổ sung khác (trong đó có một số không phải đóng BHXH theo quy định)
Nguyễn Thu Thanh, trường mầm non Bà Triệu: Một chị cán bộ trong cơ quan tôi sinh tháng 9/1963, tháng 10/2018 này chị được nghỉ hưu. Trong quá trình làm việc từ năm 2011 đến năm 2017, chị ấy liên tục được tặng bằng khen, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và đã được nâng lương trước thời hạn 3 lần liên tiếp. Tôi nghe một số người nói, việc nâng lương như vậy là sai, có phải thế không, thưa chuyên gia?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Căn cứ Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức thì trường hợp chị bạn của chị là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước đã lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản được nâng lương trước hạn là đúng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hảo - công ty điện lạnh Hà Nội đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Tuy nhiên cũng theo Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn số lần được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, như sau: Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh.
Căn cứ điều này, trường hợp nữ cán bộ mà chị hỏi nếu chỉ làm việc trong một ngạch và giữ một chức danh trong suốt thời gian công tác mà có 3 lần liên tiếp được nâng lương trước thời hạn là trái quy định. Nếu chị ấy thay đổi chức danh hoặc ngạch công tác thì có thể được nâng lương trước thời hạn nhiều hơn 1 lần khi có thành tích xuất sắc.
Cán bộ nhân sự doanh nghiệp hỏi: Tôi làm cán bộ nhân sự của một doanh nghiệp, tôi xin hỏi các chuyên gia, ngày lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp, vậy người lao động đi làm vào ngày nghỉ bù đó thì tính lương thế nào, có được sắp xếp nghỉ bù nữa không? Tôi dự định đề xuất với công ty khi người lao động đi làm vào ngày nghỉ bù Chủ nhật (do Chủ nhật trùng vào ngày lễ) được trả 200% tiền lương và sắp xếp 1 ngày nghỉ không lương khác cho nhân viên trong tháng thì có đúng quy định không?
Anh Vũ Xuân Trường Công ty CP Sách Hà Nội đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Khoản 5, Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần quy định tại Điều 110 Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Khoản 3, Điều 115 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Điểm b, Khoản 1, Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần được trả lương ít nhất bằng 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm.
Như vậy, trường hợp công ty chị làm việc bố trí người lao động làm việc vào ngày nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần trùng vào ngày lễ, tết (ngày kế tiếp ngày lễ, tết) thì phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động bằng ít nhất 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc mà công ty đang áp dụng.
Chị Nguyễn Thị Thu Thanh Trường mầm non Bà Triệu đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 106 Bộ luật Lao động được hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ thì, sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.
Trường hợp không huy động làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng và đã trả lương cho người lao động làm việc vào ngày nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày lễ, tết theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 97 của Bộ luật Lao động, bằng 200% tiền lương, thì không cần thiết bố trí ngày nghỉ bù không hưởng lương cho người lao động nữa.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thu bổ sung: Nếu trong trường Doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trước và hoán đổi ngày làm việc trong tuần thay bằng ngày nghỉ thì người lao động sẽ không được hưởng 200%.
Anh Phạm văn Thắng - công ty Sigma đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Anh Vũ Xuân Trường – Chủ tịch Công đoàn Công ty Sách Hà Nội hỏi 2 vấn đề: 1 là, bạn tôi là là nam (năm nay 54 tuổi), đã đóng bảo hiểm được 34 năm, vậy có được về hưu hay không? 2 là, một bạn nữ (năm nay 52 tuổi) đã đóng bảo hiểm được 26 năm, năm 2019 muốn về hưu thì có được không và sẽ được nhận mức lương bao nhiêu phần trăm?
TS. Nguyễn Xuân Thu: Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 thì người nam bạn anh thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã đủ nhưng tuổi nghỉ hưu chưa đủ. Vậy nếu muốn nghỉ hưu cần phải giám định sức khỏe, nếu sức khỏe bị giảm trừ còn từ 61% trở lên thì được nghỉ hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Đối với người bạn nữ của anh cũng như vậy, cũng chưa đủ tuổi nghỉ hưu mặc dù thời gian đóng BHXH đã đủ nên cũng cần phải giảm định sức khỏe. Nếu đủ điều kiện thì mới được nghỉ hưu.
Chị Thúy Hiền - Công ty Viettrantour đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Chị Đinh Thị Lan – giáo viên Trường THCS Trưng Vương hỏi: Xin cho biết thế nào là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Một giáo viên hỏi: Trường em có một chú bảo vệ là thương bệnh binh đang ký hợp đồng 6 tháng, vậy chú có phải đóng bảo hiểm y tế không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Người bảo vệ này đã có BHYT của thương bệnh binh mà theo quy định thì có BHYT ồi thì không phải đóng thêm BHYT tại trường nữa. Còn nếu BHXH vẫn yêu cầu phải đóng BHYT thì người lao động hoặc nhà trường nên gửi đơn hoặc công văn lên cơ quan bảo hiểm yêu cầu giải thích rõ.
Một nữ cán bộ hỏi: Người lao động ký hợp đồng dài hạn được chiến sĩ thi đua 1 -2 năm có được tăng lương hay không? Có quy định nào về vấn đề này không?
Chuyên gia Nguyễn Thị Oanh: Khi người lao động kí hợp đồng lao động vấn đề nâng lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Ngoài ra căn cứ vào cơ chế của doanh nghiệp quy định điều kiện nâng lương không bị khống chế 1 lần/năm
TS. Nguyễn Xuân Thu bổ sung: Nhà nước không quy đinh doanh nghiệp bắt buộc phải tăng lương, tuy nhiên xét vào quy định 49 năm 2013 mỗi lần tăng bậc lương sẽ tăng 5% so với lần tăng trước. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho rằng mức tăng như vậy sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, theo đó hiện nay đang đưa 2 hướng giải quyết: thứ nhất, bỏ tăng quy định tăng 5% để cho doanh nghiệp tự cân đối thỏa thuận với người lao động; thứ hai, đưa ra một khung không phải 5% mà có thể giảm xuống 2-3%
Sau hơn hai giờ diễn ra sôi nổi, hàng trăm câu hỏi liên quan đến chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội của CNLĐ trực tiếp tại hội trường và bạn đọc gửi qua hộp thư điện tử đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, thấu đáo. Dù vậy, do khuôn khổ có hạn của chương trình, vẫn còn những băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc chưa được giải đáp.
Bạn đọc có thể tiếp tục gửi các câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc đến báo Lao động Thủ đô qua hộp thư điện tử của báo Lao động Thủ đô. Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối chuyển câu hỏi của các bạn tới các chuyên gia, đại diện các ban, ngành chức năng để giải đáp, và sẽ đăng tải thông tin trả lời qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo giấy Lao động Thủ đô cũng như báo điện tử laodongthudo.vn hoặc trả lời bằng văn bản tới CNVCLĐ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Ứng Hòa
Vì lợi ích đoàn viên 18/11/2024 21:04
LĐLĐ quận Ba Đình: Phối hợp để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động
Công đoàn 18/11/2024 19:38
Công ty CP Công trình Giao thông Hà Nội: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ
Vì lợi ích đoàn viên 16/11/2024 10:15
Công đoàn tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi là con đoàn viên, người lao động bị tử vong do bão số 3
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 16:09
Giám sát nâng cao chất lượng hoạt động nữ công tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 15/11/2024 15:46
Mang Tết đủ đầy đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 14/11/2024 13:57
Giám sát chuyên đề Nữ công tại Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội
Vì lợi ích đoàn viên 13/11/2024 17:06
Sân chơi mới cho người lao động luyện tập thể thao
Vì lợi ích đoàn viên 09/11/2024 09:11
Công đoàn Y tế Việt Nam ký 2 thỏa thuận hợp tác nâng cao phúc lợi đoàn viên
Vì lợi ích đoàn viên 08/11/2024 16:25