Xuân mới, quyết tâm cao
Đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội: Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn
Công tác tài chính Công đoàn là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện đảm bảo cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn; hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực trong đôn đốc thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn; đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao. Công tác chi tài chính Công đoàn đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và phúc lợi đoàn viên.
Kết quả, hằng năm LĐLĐ thành phố Hà Nội đã hoàn thành dự toán tài chính Công đoàn. Cụ thể, thu kinh phí Công đoàn bình quân đạt 118%; thu đoàn phí Công đoàn đạt 109% dự toán Tổng LĐLĐ Việt Nam giao; chi tài chính Công đoàn theo đúng dự toán được giao. Công tác thực hiện công khai dự toán, quyết toán cho các cấp Công đoàn được duy trì hàng năm, đảm bảo theo đúng quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. 100% báo cáo quyết toán các Công đoàn cấp trên cơ sở được kiểm tra đồng cấp trước khi nộp về LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Thực tế cho thấy, tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng nguồn tài chính Công đoàn đủ mạnh, phát triển bền vững.
Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam về thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn; chủ động phối hợp với ngành Thuế, các sở, ngành của Thành phố nhằm tăng cường các biện pháp thu kinh phí Công đoàn; tiếp tục đổi mới phương thức thu, nộp, quản lý tài chính, tài sản Công đoàn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hóa, tích cực triển khai thu kinh phí khu vực doanh nghiệp qua tài khoản Công đoàn Việt Nam, tạo sự công khai minh bạch trong thu kinh phí Công đoàn các cấp để tránh tình trạng thất thoát.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về công tác tài chính Công đoàn nhằm đưa công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn vào nền nếp, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng chế độ quản lý của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chủ động cân đối nguồn kinh phí được sử dụng hằng năm, phân bổ các mục chi đúng quy định; tổ chức chi đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đặc biệt ưu tiên chi cho các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động.
LĐLĐ Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc xây dựng và thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn thu, tiến tới các đơn vị thực hiện tự chủ, đảm bảo chi hoạt động thường xuyên; chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp Công đoàn trực thuộc chủ động nâng cao năng lực kinh doanh, tìm kiếm các đối tác tiềm năng; đổi mới phong cách phục vụ và thu hút khách hàng. Nâng cao doanh thu và tỉ suất lợi nhuận, đảm bảo nâng cao thu nhập cho người lao động, phấn đấu hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu tài chính được giao, góp phần tăng nguồn thu cho tổ chức Công đoàn.
-------------------------
Đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội: Tăng cường giải pháp phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn
Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, vì thế các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này.
Nổi bật là, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả 7 Đề án thí điểm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, đi đôi với củng cố, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh; ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” và về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”; ký kết “Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và các Quận, Huyện, Thị ủy; Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”…
Nhờ đó, trong nhiệm kỳ qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và có trên 288.000 lượt cán bộ Công đoàn các cấp được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Công đoàn.
Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội được tổ chức vào trung tuần tháng 10/2023 đã thống nhất các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, trong đó, có chỉ tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, toàn Thành phố có 1 triệu đoàn viên; phấn đấu hằng năm có trên 90% cán bộ Công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Công đoàn và 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở tham gia lần đầu được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.
Để thực hiện chỉ tiêu trên, ngay sau Đại hội, LĐLĐ Thành phố đã tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề án thí điểm, các mô hình mới nhằm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh; tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động để thu hút, tập hợp đoàn viên, thành lập CĐCS; đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở theo hướng chủ động, thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi có nguyện vọng gia nhập tổ chức Công đoàn.
Song song với việc triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, LĐLĐ Thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, coi đây là một giải pháp cấp thiết, tiên quyết để nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở. Cụ thể, LĐLĐ Thành phố sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Công đoàn, tập trung ở cả 3 khía cạnh: Kiến thức chuyên môn, lý luận; phương pháp tổ chức; tư tưởng và kinh nghiệm hoạt động để xây dựng được đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong thực tiễn triển khai hoạt động, LĐLĐ Thành phố sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn để triển khai hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
-------------------------
Đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội: Đổi mới các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai sâu rộng, hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và sự đồng tình, ủng hộ từ phía doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp.
Năm 2023, toàn Thành phố đã có 445 tập thể và trên 1.000 cá nhân được khen thưởng trong các phong trào thi đua. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người đăng ký tham gia và đứng thứ hai về số sáng kiến tham gia, đạt 320% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Phát huy kết quả đã đạt được trong công tác Thi đua - Khen thưởng, bước sang năm mới 2024, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với phương châm đoàn viên, người lao động là trung tâm, Công đoàn cơ sở là địa bàn hoạt động. Nội dung các phong trào thi đua được triển khai cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực.
Trong đó, đối với khối doanh nghiệp, tập trung phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, tổ chức các Hội thi thợ giỏi… với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động”. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, tập trung phát động thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và chủ đề công tác năm 2024 theo Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, Thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Để phong trào thi đua đạt hiệu quả, các cấp Công đoàn lựa chọn nội dung, tổ chức phát động phong trào thi đua trong CNVCLĐ năm 2024 theo 2 đợt. Đợt 1: Từ tháng 1/1/2024 đến 31/7/2024 với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”. Đợt 2: Từ 1/8/2024 đến 31/12/2024 với chủ đề: “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024”.
Bên cạnh việc phát động các phong trào thi đua, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai, công bằng, có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương.
Tin tưởng rằng, với truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô sẽ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp Công đoàn Thành phố phát động. Từ đó, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hoàn thành các chỉ tiêu cốt lõi của tổ chức Công đoàn và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
-------------------------
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội: Xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ Thủ đô có năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 9.208 Công đoàn cơ sở, với tổng số 371.860 nữ đoàn viên/664.031 đoàn viên. Với đặc thù số lượng đoàn viên nữ đông, chiếm trên 50% tổng số đoàn viên của Thành phố, thời gian qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Nữ công; phát huy vai trò của các cấp Công đoàn, Ban Nữ công quần chúng trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vừa được tổ chức thành công trong bối cảnh có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xuất hiện những hình thức việc làm, quan hệ lao động mới, đồng thời cũng phát sinh những thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết ở người lao động, về vai trò đại diện cho người lao động… Từ đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có sự đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút, chăm lo... cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Xác định nữ CNVCLĐ là lực lượng quan trọng, góp phần vào thắng lợi của phong trào CVNCLĐ Thủ đô, bước vào nhiệm kỳ 2023 - 2028, LĐLĐ Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp: tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục trong nữ CNVCLĐ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; tập trung xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ Thủ đô có năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới thông qua việc chỉ đạo duy trì việc tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Nữ Khoa học LĐLĐ Thành phố, Câu lạc bộ Nữ công Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm tạo môi trường để nữ CNVCLĐ được nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống và công tác; phát huy nội lực, tiềm năng của lực lượng nữ tri thức, nữ khoa học, nữ cán bộ công chức, viên chức là đoàn viên công đoàn tham gia đóng góp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công quần chúng các cấp; tăng cường mối quan hệ và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng, tranh thủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của lao động nữ.
Đặc biệt, trong bối cảnh công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn hạn chế như lao động nữ làm công ăn lương có thu nhập trung bình tháng còn thấp hơn nam giới; tỷ lệ nữ lao động tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số đơn vị, địa phương còn thấp... trong thời gian tới, LĐLĐ sẽ đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; chỉ đạo các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở tăng cường giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... ; vận động lãnh đạo, chủ sử dụng lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để nữ CNVCLĐ được tham gia vào các khóa đào tạo, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ; vận động nữ CNVCLĐ tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, các hội thi, cuộc thi nâng cao tay nghề tại đơn vị, doanh nghiệp; chỉ đạo các cấp Công đoàn quan tâm động viên nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;
LĐLĐ Thành phố tin tưởng hoạt động Công đoàn và phong trào nữ CNVCLĐ trong thời gian tới sẽ có những bước khởi sắc với sự chung sức, đồng lòng của các nữ CNVCLĐ, sự cộng hưởng trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là các tổ chức Công đoàn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Hà Nội: Phát hiện hơn 100 bộ hài cốt vô danh khi thi công hệ thống thoát nước đã được dự đoán trước
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Tin khác
Tổ chức thành công hoạt động đối thoại điểm bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ
Liên đoàn Lao động TP 16/09/2024 18:23
Công đoàn hai Thủ đô Hà Nội và Viêng Chăn (Lào): Thặt chặt quan hệ hữu nghị - hợp tác
Liên đoàn Lao động TP 12/09/2024 12:35
Công đoàn Thủ đô làm theo lời Bác
Liên đoàn Lao động TP 02/09/2024 07:51
Công đoàn Thủ đô luôn quan tâm công tác gia đình và trẻ em
Liên đoàn Lao động TP 21/08/2024 06:01
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ
Liên đoàn Lao động TP 15/08/2024 09:39
Xây dựng Tổ chức mạnh bắt đầu từ cơ sở
Liên đoàn Lao động TP 29/07/2024 08:53
Tổ chức Công đoàn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 06:00
Công đoàn Thủ đô viết tiếp trang sử vàng
Liên đoàn Lao động TP 28/07/2024 05:50
Công đoàn Thủ đô: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
Liên đoàn Lao động TP 24/07/2024 12:53
Công đoàn Cơ quan LĐLĐ Thành phố kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Liên đoàn Lao động TP 19/07/2024 08:26