Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa: Mái ấm của những ước mơ khuyết tật
Trái tim nhân hậu – Thắp sáng những cuộc đời lặng lẽ
Người sáng lập trung tâm, bà Đoàn Thị Hoa, là một người phụ nữ bình dị nhưng mang trái tim vĩ đại. Cơ duyên để bà mở trung tâm bắt đầu từ một chuyến đi thiện nguyện năm 2005. Trong một lần tặng quà tại cô nhi viện, bà gặp một em nhỏ bị khuyết tật. Sau giây phút vui mừng khi nhận quà, ánh mắt em lại tràn đầy âu lo. Khi được bà hỏi han, em thổ lộ rằng điều ước lớn nhất của mình không phải là những món quà, mà là có một cái nghề để tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Lời nói giản dị nhưng đầy đau đáu ấy đã khắc sâu vào tâm trí bà Hoa.
Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định dành hết tâm huyết để giúp những người khuyết tật. Ý tưởng này không được gia đình ủng hộ ngay từ đầu. Bà Hoa đã phải kiên nhẫn thuyết phục, chia sẻ những tâm tư về sự thiệt thòi mà người khuyết tật phải chịu. Cuối cùng, gia đình bà đồng ý sử dụng mảnh đất của gia đình để xây dựng trung tâm. Năm 2007, Trung tâm Dạy nghề Từ thiện Quỳnh Hoa chính thức ra đời. Với vốn liếng ít ỏi, bà mượn thêm từ họ hàng để mua sắm máy móc và đón nhận 15 học viên đầu tiên.
Bà Đoàn Thị Hoa - người sáng lập Trung tâm Dạy nghề Từ thiện Quỳnh Hoa. |
Khởi đầu với muôn vàn khó khăn: thiếu kinh phí, thiếu kinh nghiệm và đặc biệt là sự hoài nghi từ mọi người xung quanh. Không chỉ phải lo nơi ăn, chốn ở cho học viên, bà Hoa còn phải tìm kiếm các nghề phù hợp để dạy. Mỗi học viên đều có những hạn chế riêng – người bị dị tật bẩm sinh, người không thể phát âm, người khác lại bị liệt nửa người – khiến việc lựa chọn nghề trở thành một bài toán hóc búa. Thế nhưng, bà Hoa không nản lòng. Bà tìm hiểu, học hỏi và mời những người có kinh nghiệm để dạy các nghề như may, móc len, làm thủ công giấy cuộn, dán vàng mã... Nghề nào phù hợp, bà đều cố gắng triển khai để học viên có thể tự tay làm ra sản phẩm.
Trung tâm không chỉ là nơi dạy nghề, mà còn là mái nhà, là chỗ dựa tinh thần cho những người khuyết tật. Ở đây, họ không chỉ học cách làm việc mà còn học cách tin vào bản thân, học cách sống tự lập. Qua nhiều năm, những con người tưởng như chỉ có thể sống dựa dẫm vào gia đình giờ đây đã tự tạo ra những sản phẩm đẹp mắt từ đôi bàn tay và khối óc của chính mình.
Dẫu vậy, hành trình của bà Hoa và trung tâm chưa bao giờ hết khó khăn. Khi sản phẩm được làm ra, bài toán đầu ra lại là một thách thức lớn. Do chất lượng và tốc độ sản xuất của người khuyết tật không thể so sánh với người bình thường, các sản phẩm chỉ phù hợp với những đơn hàng nhỏ lẻ hoặc bán tại hội chợ. Không ít lần sản phẩm bị trả về vì lỗi, khiến bà Hoa và các học viên phải đối mặt với những nỗi buồn và sự hụt hẫng.
Đến nay, trung tâm đã đi vào ổn định với các sản phẩm chính như tranh giấy cuộn, hoa giấy, móc khóa len, thiệp handmade... Những sản phẩm này được làm ra bằng sự khéo léo và tỉ mỉ, không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng câu chuyện của nghị lực và niềm tin. Tuy vậy, bà Hoa vẫn không ngừng trăn trở về việc tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch.
Dù đã ở tuổi gần lục tuần, bà Hoa vẫn dành trọn tâm sức cho trung tâm. Với các học viên, bà không chỉ là một người thầy mà còn là người mẹ của họ. Tấm lòng nhân ái, sự kiên trì và hy sinh của bà đã thắp sáng ước mơ của hàng trăm người khuyết tật, giúp họ tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Trung tâm Dạy nghề Từ thiện Quỳnh Hoa không chỉ là một nơi học nghề, mà còn là biểu tượng của tình yêu thương, sự sẻ chia và khát vọng vượt lên số phận.
“U ơi, con cảm ơn u”
Đến nay, sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Dạy nghề Từ thiện Quỳnh Hoa đã trở thành mái nhà chung của hơn 500 người khuyết tật. Những con người mang trên mình khiếm khuyết về cơ thể từ khiếm thính, khiếm thị, ảnh hưởng của chất độc da cam dioxin đến dị tật vận động, đều tìm được sự che chở và một cuộc sống mới tại đây.
Bước vào trung tâm dạy nghề thiện nguyện Quỳnh Hoa, điều đầu tiên đọng lại trong tâm trí chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ với ánh mắt tràn đầy yêu thương và sự tận tụy. Trong không gian chỉ rộng khoảng 100m2, với gần 30 con người đặc biệt đang miệt mài làm việc từ những đôi tay thoăn thoắt, khéo léo cuộn, dán giấy đến lắp ghép những chiếc hộp đựng bút hay món đồ lưu niệm. Nếu không để ý kỹ, thật khó để nhận ra rằng phía sau những đôi tay ấy là những cơ thể mang nhiều khiếm khuyết.
Chăm chú hoàn thiện sản phẩm. |
Trong căn phòng ấy, thi thoảng lại có tiếng gọi “u Hoa ơi” cất lên. Các học viên nơi đây thường trìu mến gọi người phụ nữ ấy như vậy. Từng góc nhỏ trong căn phòng, từng chiếc bàn làm việc đều thấm đẫm câu chuyện về những con người vươn lên từ nghịch cảnh, như chính trung tâm Quỳnh Hoa, nhỏ bé nhưng tràn đầy sức sống, đang từng ngày thay đổi cuộc đời của hàng trăm số phận kém may mắn.
Khi được hỏi về biệt danh ấy, bà Hoa cười hiền hậu: “Tôi coi các con như con đẻ của mình. Có lần, con ruột tôi đùa rằng “Mẹ quý con nuôi hơn con đẻ”. Tôi chỉ nhẹ nhàng trả lời, tôi đã may mắn nuôi được 3 đứa con trưởng thành, để tôi còn sức khỏe giúp đỡ những mảnh đời yếu thế”.
Không chỉ đóng vai trò là người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, bà Hoa còn là người truyền cảm hứng để các em vươn lên trong cuộc sống. Với nhiều học viên, những ngày đầu bước vào trung tâm là những ngày đầy bỡ ngỡ và khó khăn. Nhưng dưới sự dìu dắt của “u Hoa”, từng người một dần trưởng thành. Bà chia sẻ: “Ban đầu, nhiều em còn ngây ngô, không biết gì. Nhưng chỉ sau một thời gian, các em đã có thể tự mình làm ra một sản phẩm và hàng tháng các em cũng nhận được một chút tiền lương. Nhìn nét mặt rạng rỡ của các em, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc ”. Trong số đó, rất nhiều người đã vượt qua giới hạn của bản thân để học nghề, trở thành những người thợ lành nghề, quay về với cuộc sống đời thường và có công việc ổn định. Không những vậy, nhiều người còn tự lập được về kinh tế và tiếp tục giúp đỡ những người khuyết tật khác tại quê nhà.
Tỉ mỉ gắn từng viên nhựa để tạo hình hộp lưu niệm, chị Lan Anh (25 tuổi, quê Hà Nội), một học viên đặc biệt đã gắn bó 11 năm với Trung tâm Từ thiện Quỳnh Hoa, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi được học nghề cùng các bạn và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi thích ở đây hơn ở nhà vì có bạn bè, có công việc để làm và không cảm thấy cô đơn. Ban đầu, tôi không biết gì về các sản phẩm, nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của các cô giáo, tôi học hỏi rất nhanh. Giờ đây, tôi đã trở thành một trong những người thành thạo nhất”.
Sản phẩm thủ công độc đáo được thực hiện bởi các học viên đặc biệt tại Trung tâm Dạy nghề Từ thiện Quỳnh Hoa. |
Tuy vậy, không phải lúc nào hành trình gắn bó với từng học viên của bà Đoàn Thị Hoa cũng diễn ra dễ dàng. Có những lúc, bà phải đối mặt với sự chống đối, thậm chí là buông xuôi từ các em. Thế nhưng bà chưa bao giờ cho phép bản thân mình gục ngã hay dừng bước. Bà luôn tự nhắc nhở chính mình, mỗi người sẽ cần thời gian để thay đổi, nếu bà không kiên nhẫn, các em sẽ mất đi chỗ dựa cuối cùng. Không ít lần, “u Hoa” cảm thấy mệt mỏi đến kiệt sức. “Có hôm tôi mệt tới mức không ăn nổi cơm, nhưng tôi vẫn cố gắng. Mỗi lần thấy các em hát ngọng mà yêu đời, tôi lại như được tiếp thêm năng lượng”, ánh mắt của bà lại ánh lên một tia hy vọng. Và có lẽ, những khoảnh khắc như vậy giúp người mẹ này hiểu rằng, những nỗ lực của bà là hoàn toàn xứng đáng.
Ngoài ra, ở Trung tâm Dạy nghề Từ thiện Quỳnh Hoa, điều làm nên nét đặc biệt tại nơi đây không chỉ nằm ở sự tận tâm của “u Hoa”, mà còn thể hiện thông qua sự gắn bó đầy xúc động giữa bà và các học viên. Dưới sự dìu dắt của bà, bà đã tác hợp cho nhiều cặp đôi khuyết tật nên duyên vợ chồng, để các học viên được xây dựng gia đình và có cơ hội tìm được công việc ổn định. Không ít người, dù đã rời xa trung tâm nhưng họ vẫn luôn nhớ về “u Hoa” như một người mẹ thứ hai, người đã thay đổi cuộc đời họ. “Nghe các em nói, “u ơi, con cảm ơn u, nhờ u đời con mới có tương lai”, tôi thấy mọi nỗ lực mình bỏ ra đều thật xứng đáng. Chính các em đã cho tôi hiểu rõ ý nghĩa thực sự của công việc này”, bà xúc động tâm sự.
Chia sẻ với chúng tôi về những dự định tương lai, bà Đoàn Thị Hoa cho biết, con gái của bà - chị Quỳnh sẽ tiếp tục điều hành trung tâm khi bà không còn đủ sức khỏe để đảm nhận. “Tên trung tâm là kết hợp giữa tên tôi và tên con gái. Tôi mong rằng trung tâm tình nguyện Quỳnh Hoa sẽ được duy trì mãi mãi”, bà Hoa nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giải quyết dứt điểm vướng mắc của 3 dự án tại Hà Nội
Viettel tăng trưởng 2 con số, nộp ngân sách nhà nước 44,3 nghìn tỷ đồng
Quy định mới về dạy thêm, học thêm
Herbalife Việt Nam lần thứ ba là nhà tài trợ chính thức chương trình “Chào Năm Mới” tại Hà Nội
Siêu ưu đãi tại Aeon Mall dành cho chủ thẻ quốc tế SHB
Phố Hàng Mã "thay áo" đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
Tin khác
Chuyện về người tuần đường mẫn cán
Gương sáng 31/12/2024 08:17
Cô giáo sáng tác vè giúp trò củng cố bài học hiệu quả
Gương sáng 21/12/2024 22:32
Nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh
Gương sáng 19/12/2024 16:28
Những cống hiến thầm lặng của nữ bác sĩ gây mê hồi sức
Gương sáng 07/12/2024 16:39
Thầy Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết
Gương sáng 25/11/2024 22:31
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Gương sáng 25/11/2024 14:33
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57