TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động”
Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Đây là một trong nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả giữa Báo Lao động Thủ đô với Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội nhằm giúp cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động ngành Giao thông vận tải Thủ đô hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Luật Công đoàn và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách có các đại biểu: Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; ông Trần Nhật Quang - Bí thư Chi bộ, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội; ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội…
Quang cảnh buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Về phía Ban Tổ chức có các đại biểu: Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội…
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của hơn 200 đoàn viên, người lao động ngành Giao thông vận tải Hà Nội.
Tham gia chương trình có các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật về lao động, Công đoàn và bảo hiểm xã hội, gồm: Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn).
9h05: Phát biểu tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Phát triển sản xuất luôn phải gắn với việc bảo đảm cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; người lao động được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Đối với ngành GTVT, là một lĩnh vực đặc thù, lực lượng lao động trực tiếp tại các công trình hạ tầng giao thông, các dự án giao thông rất đông; môi trường lao động luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm. Thực tiễn tại một số nơi, công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường vẫn còn tồn tại, hạn chế, một số công trình, dự án vẫn để xảy ra tai nạn lao động…
Phó Tổng biên tập Báo lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
“Đằng sau mỗi người lao động là một gia đình. Chúng ta còn phải băn khoăn, trăn trở khi đâu đó vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động, ở đâu đó quyền lợi, đời sống, môi trường làm việc của người lao động còn chưa được đảm bảo. Điều đó thôi thúc tổ chức Công đoàn, cơ quan báo chí xác định đặt nhiệm vụ tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ người lao động; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp…” - ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.
Để buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến diễn ra thành công, đại diện Báo Lao động Thủ đô đề nghị đoàn viên, CNVCLĐ tham dự chương trình mạnh dạn, cởi mở trao đổi để có thể cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình. Chuyên gia sẽ giải đáp, giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận những kiến thức mới, quy định mới của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, cũng như tiền lương, bảo hiểm và an toàn lao động.
9h15: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh mỗi chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách đều có chủ đề rất thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của đông đảo công nhân, viên chức, lao động; góp phần cùng tổ chức Công đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong đoàn viên, người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động” là cơ hội để đoàn viên công đoàn và người lao động tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của bản thân. Thực tế cho thấy, đối với mỗi công nhân lao động, ngoài việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thì cũng cần nắm rõ những kiến thức về pháp luật lao động, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Với những lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động trong ngành Giao thông vận tải thì việc tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết.
Đoàn viên, NLĐ tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
“Vì vậy, tôi đề nghị các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham dự chương trình hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình; tôi cũng mong muốn các chuyên gia sẽ vận dụng tối đa các kiến thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên và người lao động”, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đề nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đề nghị sau chương trình này, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Giao thông vận tải nói riêng, các cấp Công đoàn Thủ đô nói chung tiếp tục có các giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả để triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động nhằm kịp thời cung cấp cho người lao động những thông tin chính xác liên quan đến kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà đoàn viên, người lao động quan tâm.
Các đồng chí Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô và ngành GTVT tặng hoa chuyên gia. |
9h20: Bắt đầu chương trình Đối thoại - giao lưu trực tuyến
Chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Anh Nông Hoài Nam, Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, với doanh nghiệp, khi nào thì cần thành lập đội ngũ an toàn vệ sinh viên?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Khi nói đến an toàn vệ sinh viên hay nói đến mạng lưới an toàn vệ sinh viên, có thể khẳng định đây là một trong những lực lượng quan trọng, kết nối người sử dụng lao động với người lao động để thực hiện công việc an toàn hơn, tốt hơn. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
Anh Nguyễn Huy Nam, Thanh tra Sở Giao thông vận tải: Xin chuyên gia cho tôi hỏi người lao động đã đi làm và đóng bảo hiểm xã hội 18 năm. Nay họ muốn xin nghỉ và 1 năm sau khi nghỉ sẽ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được không?
Anh Nguyễn Huy Nam đặt câu hỏi với các chuyên gia. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện đây là vấn đề nóng và người lao động rất quan tâm. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, hiện vẫn đang có nhiều ý kiến. Trong đó chia làm 2 luồng ý kiến, có thể trả hết hoặc bảo lưu một phần BHXH để khi người lao động muốn quay lại với mạng lưới an sinh thì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù Luật mới hay cũ thì vẫn không bỏ đi quy định về giải quyết BHXH 1 lần. Trường hợp người lao động đã đi làm và đóng BHXH 18 năm nay muốn rút BHXH thì hoàn toàn có thể làm được. Song tôi cũng cần nói rõ, ở nhiều quốc gia và ngay ở Việt Nam cũng không khuyến khích việc rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, tôi thấy ở trường hợp này đã đóng BHXH 18 năm, nếu rút BHXH 1 lần thì sẽ rất đáng tiếc. Chúng tôi khuyên người lao động cố gắng bảo lưu BHXH.
Anh Phạm Minh Dũng, Công ty cổ phần Giao thông Hà Nội: Xin chuyên gia cho biết có quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không?
Anh Phạm Minh Dũng, Công ty cổ phần Giao thông Hà Nội. |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Trong Luật ATVSLĐ có quy định rõ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và Công đoàn cơ sở với công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Cụ thể, Công đoàn cơ sở có các vai trò như: Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động.
Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm.
Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ. Thực hiện công tác khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
NLĐ theo dõi buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và người lao động.
Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động…
Chị Nguyễn Thị Tân, Công ty cổ phần Công trình giao thông 2: Xin hỏi chuyên gia, hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể mà có những quy định khác nhau thì phải thực hiện theo văn bản nào?
Chị Nguyễn Thị Tân, Công ty cổ phần Công trình Giao thông 2. |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Hợp đồng lao động được xác lập giữa người lao động và người sử dụng lao động. Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động đều ghi rõ trong hợp đồng. Tuy nhiên, thường thì các đơn vị dùng hợp đồng mẫu sau đó ghi các điều khoản cơ bản, rồi dẫn chiếu sang Bộ luật Lao động, các văn bản thi hành, các thỏa ước, các quy chế nội bộ.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà |
Thỏa ước lao động tập thể là nội dung bao trùm liên quan đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có các chính sách an sinh của doanh nghiệp dành cho người lao động trên cơ sở thỏa thuận với nhau. Còn hợp đồng lao động là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Về cơ bản, sẽ không có điểm mâu thuẫn giữa hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể. Chỉ ở trong một số trường hợp có chênh lệch như giờ làm thêm, thời gian làm việc, hoặc hợp đồng thì không xác định thời hạn ký đã lâu trong khi thỏa ước thì mới lập vài năm... Nếu có chênh thì đương nhiên phải thực hiện theo Thỏa ước lao động tập thể.
Anh Đỗ Văn Hào, Thanh tra sở Giao thông vận tải: Tôi xem trên báo, đài thấy một số nơi người ta đổ xô đi rút BHXH một lần. Hoạt động này nên hay không nên? Khi rút BHXH một lần người lao động bị những ảnh hưởng gì?
Anh Đỗ Văn Hào nêu câu hỏi thắc mắc |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Rút BHXH một lần không nên vì càng sau này chính sách BHXH càng có lợi cho người lao động. Nếu người lao động tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như:
- Được nhận lương hưu đều đặn hằng tháng: Mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.
- Về quyền lợi BHYT: Được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người hưởng chế độ hưu trí là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nếu có thẻ BHYT sẽ chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. Nếu nhận BHXH một lần
- Về chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Thứ nhất là trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết. Thứ hai là trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
Cán bộ Công đoàn cơ sở, người lao động theo dõi buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến. |
Như vậy, nếu người lao động tham gia BHXH đến khi hưởng lương hưu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu và đặc biệt ở một số đơn vị có những người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ngay cả khi chết thì thân nhân cũng được hưởng chế độ tử tuất trong khi nếu người lao động nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất, số tiền khi nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Với chế đội bảo hiểm một lần thì chúng tôi cũng khuyên không nên lấy dù ít hay dù nhiều.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà chia sẻ thêm: Bản thân chúng tôi gặp nhiều vụ việc như chuyên gia Dương Thị Minh Châu nói. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ trở về con số 0, đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Do vậy, trong trường hợp bần cùng bất đắc dĩ thì chúng ta mới phải rút.
Chị Nguyễn Ngọc Bích, Công ty Đường sắt Hà Nội: Công ty tôi có trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn một năm, nhưng tự ý nghỉ việc mà không đến công ty. Sau một thời gian, họ quay lại công ty để làm việc. Xin hỏi, công ty tôi có quyền sa thải người lao động này không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường và họ tự ý nghỉ mà không báo cáo trong 5 ngày liên tiếp hoặc 20 ngày cộng dồn 1 năm mà lao động nghỉ không có lý do thì đơn vị của bạn hoàn toàn có thể sa thải. Tuy nhiên, với trường hợp người lao động đã làm việc lâu năm, chúng ta phải tìm hiểu lý do để quan tâm, chia sẻ hơn tới người lao động.
Anh Trịnh Tiến Đạt, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, kế hoạch ATVSLĐ có phải lấy ý kiến của Công đoàn cơ sở không?
Anh Trịnh Tiến Đạt, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Kế hoạch ATVSLĐ giúp doanh nghiệp có một khoản tài chính để thực hiện công tác ATVSLĐ. Khi lập kế hoạch ATVSLĐ phải thực hiện đánh giá rủi ro cho các hoạt động tại doanh nghiệp, dựa trên các hoạt động liên quan đến vấn đề tuyên truyền, huấn luyện, khám sức khỏe, căn cứ nhiều yếu tố để lập nên kế hoạch ATVSLĐ.
Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi |
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chỉ liệt kê ra các danh mục mà không có dự kiến chi phí do đó nhiều kế hoạch bị vỡ. Do đó, khi lập kế hoạch ATVSLĐ người sử dụng lao động phải bàn với Ban chấp hành Công đoàn, để xem với những kinh phí đó nội dung nào làm năm nay, nội dung nào làm ở các năm tiếp theo, bộ phận nào thực hiện làm, tránh tình trạng lập ra kế hoạch nhưng không thực hiện được.
Mỗi kế hoạch ATVSLĐ, ngoài chế độ của người lao động như khám sức khỏe, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tuyên truyền huấn luyện, còn có một nội dung rất quan trọng là cải thiện điều kiện làm việc, liên quan đến kỹ thuật an toàn và kỹ thuật vệ sinh. Vì vậy, mỗi kế hoạch ATVSLĐ hằng năm doanh nghiệp đưa ra phải lấy ý kiến của Công đoàn.
Chị Phùng Thanh Thủy, Công ty cổ phần Giao thông 2: Người lao động đóng bảo hiểm ngắt quãng, chuyển nhiều đơn vị có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay không? Nếu có điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Chị Phùng Thanh Thủy |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã nêu trên đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện. Đó là đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn; Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Chúng ta căn cứ thời gian đó để tính xem thời gian chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể cộng nối. Đến thời điểm cuối cùng sẽ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Kiều Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Hà Nội tặng hoa NLĐ tham gia phần giao lưu tại chương trình |
Người lao động lưu ý trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc anh chị phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Nếu không nộp trong khoảng thời gian đó coi như là các anh chị không có nhu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Anh Trần Mạnh Cường, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây: Xin chuyên gia cho tôi biết, người lao động phải làm gì khi Công ty không chốt sổ bảo hiểm khi người lao động nghỉ việc?
Anh Trần Mạnh Cường nêu câu hỏi với chuyên gia |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo luật là đơn vị sử dụng lao động phải bắt buộc chốt sổ BHXH. Trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động cố tình “chây ì” người lao động hoàn toàn có thể nhờ Công đoàn Công ty tham gia hỗ trợ. Nếu vẫn không chốt sổ BHXH bạn hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa. Đây là quyền lợi chính đáng của người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Công ty Metro Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định thì người lao động được hưởng những gì?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
NLĐ nhận quà khi trả lời đúng câu hỏi phần giao lưu tại Chươg trình. |
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ. Người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc. Ngoài ra, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi mỗi bên.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có những văn bản ghi nhận công sức, đóng góp của người lao động mà họ có thể đề xuất, điều đó không trái với luật. Khi mà thực hiện đầy đủ những thủ tục này thì mối quan hệ rất tốt. Đặc biệt, sau khi chúng ta nghỉ ở doanh nghiệp cũ thì nên giữ thái độ tốt vì nó sẽ là lợi thế khi đến làm việc ở doanh nghiệp mới vì hai bên chắc chắn sẽ có sự trao đổi với nhau.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu (bổ sung): Thời gian chúng ta hưởng trợ cấp thôi việc thì chúng ta phải trừ đi thời gian chúng ta hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Anh Phạm Quang Lý, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội: Xin chuyên gia cho biết mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ là bao nhiêu?
Anh Phạm Quang Lý, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội. |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Chưa có văn bản nào quy định rõ về đơn giá kinh phí này. Khi nói đến vấn đề ATVSLĐ, Pháp luật quy định toàn thể người lao động phải được huấn luyện về ATVSLĐ. Có 2 loại huấn luyện là huấn luyện lần đầu và huấn luyện định kỳ. Luật cũng đang quy định có 6 nhóm được huấn luyện ATVSLĐ.
Nhóm 1 là cán bộ quản lý, nhóm 2 là người làm công tác chuyên trách hoặc bán chuyên trách về an toàn lao động, nhóm 3 là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, nhóm 4 là người lao động thông thường, nhóm 5 là cán bộ y tế và nhóm 6 là an toàn vệ sinh viên.
Về cơ bản là toàn bộ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động cần được huấn luyện để trang bị những kiến thức về ATVSLĐ nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong quá trình lao động sản xuất.
Bà Tạ Thị Bích Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội tặng quà NLĐ. |
Tuy nhiên hiện nay, Luật không nói rõ mỗi doanh nghiệp phải đầu tư bao nhiêu tiền cho huấn luyện ATVSLĐ cho doanh nghiệp cũng như trên một người lao động. Theo tôi, hiện nay công tác này đã được xã hội hóa, các doanh nghiệp làm dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ có khoảng 400 doanh nghiệp. Vì vậy, các đơn vị có thể trao đổi, đàm phán với các doanh nghiệp này để thỏa thuận mức giá hợp lý.
Chị Phạm Thị Thanh Hoa, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục thì được hưởng quyền lợi gì so với việc tham gia không liên tục?
Chị Phạm Thị Thanh Hoa, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Luật Bảo hiểm y tế quy định: “100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến”.
Khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên như sau: Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám bệnh, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh tặng quà đoàn viên, NLĐ trả lời câu hỏi phần giao lưu tại Chương trình. |
Quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục tiếp theo là trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở được tính từ ngày 1/1, Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người bệnh kể từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 5 năm liên tục đến hết ngày 31/12 của năm đó.
Vì vậy, không phải trường hợp nào đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Để được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau. Thứ nhất: Có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám chữa bệnh; thứ hai: Có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục.
Chị Hoàng Thị Ánh Ngọc, Công ty cổ phần Công trình Giao thông 2 Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, người lao động có đội tuổi từ 55-57 tuổi chưa tham gia đóng BHXH bắt buộc thì có phải đóng BHXH bắt buộc không? Trường hợp, người lao động có đơn xin không đóng BHXH bắt buộc có được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Có rất nhiều người lao động khi hết tuổi lao động (đủ tuổi nghỉ hưu) nhưng vẫn tham gia vào thị trường lao động và đi làm. Người lao động đủ thời gian tham gia BHXH và đủ điều kiện nhận lương hưu sẽ không được người sử dụng đóng BHXH bắt buộc nữa. Lúc này người lao động có thể nhận lương hưu và cả tiền lương người sử dụng lao động thỏa thuận trả. Và ngược lại, chỉ cần có hợp đồng lao động, chưa đủ năm hưởng lương hưu thì bắt buộc phải đóng BHXH.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, người lao động đi làm sớm sau nghỉ thai sản nhận được quyền lợi gì?
Anh Nguyễn Văn Hiệp. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu đi làm sớm thì phải nghỉ tối thiểu 4 tháng đã mới được đi làm sớm, chưa nghỉ thai sảnít nhất 4 thì chưa được đi làm. Người lao động cũng bắt buộc phải đóng BHXH. Và khi đi làm người lao động vẫn được hưởng các chế độ như những người lao động bình thường khác, chỉ không được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản.
Chị Ngô Thị Thanh Bình, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Xin hỏi chuyên gia, đối tượng được hưởng theo chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 gồm những người nào?
Chị Ngô Thị Thanh Bình, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội. |
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Hiện nay Chính phủ đang rà soát, xây dựng các văn bản để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Từ ngày 1/7/2024 này, đối tượng cải cách tiền lương tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức viên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang chứ không tập trung vào người lao động trong quan hệ lao động thông thường.
Đề án chính sách cải cách tiền lương chưa chính thức được ban hành do đó chúng ta sẽ cần phải đợi thêm một thời gian nữa.
Chị Nguyễn Thị Hải, Thanh tra Giao thông đường bộ: Xin hỏi chuyên gia, tôi có 1 người bạn, chồng làm trong quân đội và được hưởng BHYT theo chồng. Tuy nhiên, khi bạn đi làm ở công ty, công ty yêu cầu phải đóng BHXH theo công ty. Vậy, phải làm gì để bạn vừa được hưởng BHYT theo chồng vừa được hưởng BHXH theo theo công ty?
Chị Nguyễn Thị Hải, Thanh tra Giao thông đường bộ. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều kiện tham gia BHYT chúng ta phải nói rõ hơn là khi chúng ta tham gia BHXH là đã bao gồm chung 4 Luật chi phối là Luật BHXH, Luật BHYT, Luật ATVSLĐ và Luật Việc làm. Ở đây BHYT quy định nhóm đối tượng tham gia theo đối tượng ưu tiên. Ví dụ, đối tượng ưu tiên là người lao động và chủ sử dụng lao động, nhóm thuộc ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100%...
Ở đây, nếu người lao động có hợp đồng lao động làm việc mà thuộc trường hợp đóng BHXH thì mới thu BHYT. Vì BHYT đang thu với hợp đồng lao động có từ 3 tháng trở lên, BHXH lại quy định là thu từ 1 tháng trở lên.
Người lao động là đối tượng tham gia bắt buộc đóng BHXH thì nhóm thuộc ngân sách Nhà nước hỗ trợ như thân nhân sĩ quan, học sinh… đều tham gia theo hợp đồng lao động. Bạn của chị không thể sử dụng thẻ thân nhân sĩ quan vì nằm trong Luật BHYT rồi vì nó xếp theo thứ tự ưu tiên của việc tham gia BHYT.
Chị Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội:
1, Tôi có bạn tôi năm nay 53 tuổi nhưng hiện tại mới tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng ban đầu thấp và quan niệm là sau này sẽ đóng cao hơn để được hưởng mức tương đối. Xin hỏi chuyên gia, bạn tôi làm như vậy có được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tham gia BHXH tự nguyện, chúng ta có thể tham gia bất kỳ độ tuổi nào. Khi chúng ta tham gia thấp thì chúng ta được hưởng thấp. Người đang tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Như vậy, ta thấy người tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, việc thay đổi này phải được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
2, Có một số đơn vị không nhờ được doanh nghiệp thu đoàn phí mà phải đi thu trực tiếp từ đoàn viên, điều này rất khó khăn. Vậy Công đoàn cơ sở có cách nào để thu được đoàn phí?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Hiện nay, hầu như lương của doanh nghiệp trả cho người lao động qua chuyển khoản. Thậm chí, một số chợ ở vùng quê còn treo biển “vào chợ không trả tiền mặt”. Như vậy để thấy chuyển đổi số đã đến từng ngõ ngách của đời sống. Việc thu phí Công đoàn cũng vậy. Trong trường hợp phải thu phí Công đoàn theo lối truyền thống thì tốt nhất là Công đoàn cơ sở nên thỏa thuận với doanh nghiệp khấu trừ phí Công đoàn khi trả lương cho người lao động. Thông tin này sẽ được công khai tới người lao động.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền luôn được Công đoàn ngành GTVT Hà Nội chú trọng triển khai. Đây là năm thứ 8 Công đoàn ngành phối hợp với Báo Lao động Thủ đô và đều thấy hiệu quả rõ nét.
Sau 2 giờ tập trung làm việc liên tục nhiều câu hỏi về những vấn đề liên quan thiết thực đến người lao động như: Công tác An toàn, vệ sinh lao động; đặc biệt là việc nhận diện những vấn đề nổi cộm về BHXH, Luật Lao động… Tại buổi Đối thoại, các chuyên gia đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để phòng tránh các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động. Những tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng của các chuyên gia đã giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. “Công đoàn ngành GTVT Hà Nội luôn hướng tới cơ sở, hướng về người lao động. Qua chương trình hôm nay Công đoàn ngành mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp có hiệu quả của các đồng chí để cán bộ, đoàn viên, người lao động yên tâm, tin tưởng với các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, để tiếp tục hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng ngành GTVT Thủ đô ngày càng phát triển”, bà Tạ Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh. |
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Đích đến của Đề án 06 là người dân được hưởng thụ dịch vụ ở bất kỳ đâu, tạo công bằng xã hội
Công nghệ AI liệu có thể thay thế giáo viên giảng dạy?
Hợp tác để tạo bước đột phá thực hiện Đề án 06 của thành phố Hà Nội
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Đưa nông sản OCOP Hà Giang đến người tiêu dùng Thủ đô
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Tin khác
TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới
Giao lưu, trực tuyến 30/10/2024 09:00
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 30/10/2024 08:48
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:43
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:37
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Giao lưu, trực tuyến 02/10/2024 08:39
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:05
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:04
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu
Hoạt động 28/08/2024 08:25
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu
Hoạt động 28/07/2024 08:15
Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện 25/07/2024 07:31