Tấm lòng thiện nguyện của cô giáo mầm non
Ấm áp từ những tấm lòng thiện nguyện Lan tỏa yêu thương Đem trái tim để chữa lành trái tim |
Ấm lòng bệnh nhân nghèo
Với bản tính hồn hậu và lòng yêu trẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, trước nhiều ngả rẽ vào đời, chị Nguyễn Giáng Hương đã chọn cho mình con đường trở thành cô giáo mầm non. Năm 1999, chị tốt nghiệp Khoa Mầm non Trường Đại học sư phạm Hà Nội và được nhận vào công tác tại Trường Mầm non Việt - Bun, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ước mơ đã thỏa, cô giáo Nguyễn Giáng Hương luôn dành trọn tâm huyết cho công việc. Chị không ngừng học hỏi, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dạy dỗ, chăm sóc trẻ cũng như luôn ân cần, gần gũi, dành trọn tình yêu thương cho các bé học sinh. Chị được lãnh đạo nhà trường đánh giá là một giáo viên giỏi, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; được các bậc phụ huynh, các bé học sinh tin yêu, coi như người mẹ thứ hai.
Cô giáo Nguyễn Giáng Hương luôn dành trọn tình yêu thương cho các bé học sinh. |
Được làm công việc yêu thích, gieo tình yêu thương tới nhiều thế hệ bé thơ, thế nhưng, trong lòng cô giáo Nguyễn Giáng Hương vẫn còn nhiều day dứt. Chị tâm sự: “Qua lời kể của người thân, bạn bè cũng như bản thân chứng kiến, tôi thấy trong cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh cần được giúp đỡ và rất muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình để san sẻ với họ phần nào”.
Với tâm nguyện như vậy nên năm 2016, khi có cơ duyên gặp gỡ với trưởng nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” (nhóm được thành lập năm 2015) Thành Thị Thu Lương, chị Giáng Hương đã hăng hái tham gia và nhanh chóng trở thành một thành viên nòng cốt của nhóm. Hoạt động nổi bật của nhóm là nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại một số bệnh viện như: Bạch Mai, Thanh Nhàn, Việt Đức, Xanh Pôn, Phổi Trung ương, Phổi Hà Nội, Đống Đa…
“Đa số người bệnh nội trú dài ngày đều gặp khó khăn về kinh tế do phải chi phí thuốc men, điều trị tốn kém, nhất là những người ở xa, hoàn cảnh càng khó khăn hơn. Một bát cháo, lưng cơm đối với họ cũng vô cùng thiết thực, ý nghĩa” - chị Giáng Hương bộc bạch.
Thời gian đầu mới thành lập, nhóm chỉ phát cháo vào 2 buổi sáng cuối tuần, nhưng từ năm 2021 tới nay, nhóm tăng cường phát cháo miễn phí 3 buổi sáng thứ ba, năm và Chủ nhật với khoảng 10.000 suất/tuần. Thế là, cứ vào mỗi buổi chiều thứ hai, thứ tư, thứ Bảy, bất kể thời tiết nắng nóng hay gió mưa, rét mướt, thay vì trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn việc trường, cô giáo Nguyễn Giáng Hương lại vội vã đến địa điểm tập trung của nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” tham gia công việc chuẩn bị để sáng hôm sau lại dậy sớm tới đây nấu cháo, vận chuyển tới bệnh viện phát cho các bệnh nhân nghèo trước khi về trường với đàn em thơ.
Theo chị Nguyễn Giáng Hương, những công việc liên quan đến nấu cháo như đi chợ, nhặt rau, gọt, thái củ quả, sơ chế thực phẩm… tuy không nặng nhọc nhưng cũng bận rộn, tất bật, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và không ít thời gian, tâm sức của những người tham gia. “Với đồ ăn, thức uống, yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đồ ăn dành cho người bệnh thì càng cần phải sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng, vì thế tôi và các thành viên trong nhóm phải hết sức cẩn thận, kỹ càng từ khâu lựa chọn thực phẩm cũng như trong quy trình chế biến” - chị Giáng Hương cho biết.
Sau một ngày bận rộn việc trường, thay vì nghỉ ngơi, cô giáo Nguyễn Giáng Hương lại dành thời gian tham gia công tác chuẩn bị nấu cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo |
Cũng theo chị Giáng Hương, mặc dù công việc đơn giản, nhưng do chị và các thành viên khác của nhóm đều có gia đình, con cái, có những công việc chuyên môn khác nhau nên để có thể tham gia hoạt động thiện nguyện này thì phải sắp xếp thời gian khoa học, nhiều khi phải gác lại những kế hoạch của cá nhân, gia đình và giảm thời gian ngơi nghỉ của bản thân.
“Thế nhưng, khi chứng kiến gương mặt vui mừng, cảm động của những bệnh nhân khó khăn đón nhận từng suất cháo ấm nóng, gương mặt khắc khổ của họ giãn ra bởi nụ cười, và nói lời cảm ơn mọi vất vả khó khăn của chúng tôi đều tan biến”- chị Giáng Hương tâm sự.
Giúp đỡ trẻ em khó khăn
Là cô giáo mầm non nên dường như trái tim của chị Giáng Hương cũng nhạy cảm hơn trước khó khăn của các em nhỏ. Chị tâm sự, khi nghe chồng kể chuyện về các em bé vùng cao không đủ cái ăn, cái mặc, co ro tím tái trong manh ảo mỏng giữa những ngày rét đại hàn, tái tim chị như thắt lại.
Để giúp các em có manh áo ấm, một mặt, chị Giáng Hương trực tiếp đan những chiếc khăn, áo, mũ bằng len để gửi tặng các các em mặt khác, chị nhờ phụ huynh vận động, hướng dẫn và dạy các con học sinh ở trường biết dành lại những bộ quần áo không còn mặc nữa, thu gom sách vở, đồ chơi để gửi tặng các bạn nhỏ ở vùng cao. Việc làm ý nghĩa này không chỉ góp phần giúp trẻ vùng cao có áo ấm để mặc, sách để học mà còn dạy các con biết sẻ chia, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội.
Chị Giáng Hương và bạn bè trong nhóm thiện nguyện "Mùa thu và những người bạn" tận tay chia sẻ những suất cháo đầy nghĩa tình giúp ấm lòng bệnh nhân nghèo |
Chị cũng vận động gia đình, người thân, bạn bè dành kinh phí mua quần áo mới tặng cho trẻ em khó khăn ở các vùng miền. Năm 2021, chị đã vận động người thân, bạn bè ủng hộ kinh phí mua 100 bộ quần áo cho trẻ em ở vùng cao huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và 100 bộ quần áo cho trẻ em ở tỉnh Sơn La. Năm 2022, trước những thiệt hại nặng nề bị lũ quét của người dân Nghệ An, chị tiếp tục vận động ủng hộ mua được 150 áo khoác và 200 bộ quần áo gửi cho các em nhỏ ở huyện Tương Dương và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. “Gửi tới các em được chút hơi ấm, lòng tôi cũng ấm hơn” - chị Hương bày tỏ.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ cái ăn, cái mặc trước mắt, chị Hương còn đau đáu tâm nguyện góp phần chăm lo việc học hành và tương lai lâu dài cho trẻ em vùng cao, thông qua việc giúp đỡ xây trường học cho các em. Mong muốn là thế, nhưng để thực hiện điều đó thì không hề đơn giản, bởi số tiền xây dựng trường khá lớn.
Do đó, chị Hương cùng các thành viên trong nhóm thiện nguyện lại trăn trở tìm tòi nhiều ý tưởng, cách thức, biện pháp gây quỹ xây dựng trường, bắt đầu từ việc bán hàng nông sản online. Chị Giáng Hương kể, các thành viên của nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” mỗi người mỗi công việc khác nhau, vì vậy tranh thủ các dịp cuối tuần, thay vì đi du lịch hay nghỉ ngơi, các thành viên chia từng nhóm nhỏ thu gom nông sản, ưu tiên việc giải cứu nông sản cho bà con nông dân, sau đó đăng bán trên trang cá nhân. Khách của ai thì người đó tự giao hàng và số lãi thu được sẽ cùng gom góp lại để lấy tiền gây quỹ xây trường.
Cùng với bán hàng nông sản, các thành viên của nhóm đã tận dụng, sưu tầm nguyên liệu phế thải như vải vụn, lá cây để làm ra những sản phẩm thủ công độc đáo hoặc những bức tranh đẹp bán gây quỹ, trong đó ấn tượng nhất phải kể tới việc ghép tranh từ lá bồ đề. Theo đó, các anh chị đã kì công hái những chiếc lá bồ đề về ngâm rửa và cạo sạch hết phần màu xanh chỉ còn để lại xương của lá rồi bằng đôi bàn tay khéo léo sắp xếp tạo ra những bức tranh đa dạng về hình dáng và rất đặc sắc được nhiều người ưa chuộng và tin dùng. Số tiền thu được từ việc bán tranh ghép bằng lá bồ đề đã đóng góp hữu ích cho việc xây dựng trường.
Đến nay, nhóm thiện nguyện của chị đã xây được 6 điểm trường cho các con tại Hà Giang, Sơn La, Điện Biên và hiện đang chuẩn bị xây dựng điểm trường thứ 7 tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Mãi lan tỏa yêu thương
Hoạt động thiện nguyện của chị Giáng Hương cùng nhóm “Mùa thu và những người bạn” cũng không chỉ có vậy. Trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, nhóm đã bán được 100 tấn hoa quả để giúp đỡ giải cứu cho bà con nông dân ở Hải Dương, đóng góp xây 10 ngôi nhà chống lũ cho bà con ở vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị.
Dịp 27/7 hàng năm, chị Giáng Hương cùng bạn bè trong nhóm thiện nguyện lại làm hoa đăng dâng các nghĩa trang liệt sĩ để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn |
Cũng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Giáng Hương và nhóm thiện nguyện không quản ngại hiểm nguy đã đến chia sẻ và động viên, tặng quà cho các chiến sĩ Công an cắm chốt chống dịch và tham gia cùng với với hội chữ thập, các ban ngành chức năng, doanh nghiệp hảo tâm đi tặng quà, hỗ trợ từng gia đình, cá nhân gặp khó khăn trong mùa dịch. Ngoài ra, vào tháng 7 hàng năm, chị cùng các thành viên trong nhóm đều làm hoa đăng dâng các nghía trang liệt sĩ tại Hà Nội, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên Hà Giang, Điện Biên, Thái Bình, Phú Thọ…
Miệt mài, cần mẫn như con ong dâng mật ngọt cho đời, hành trình thiện nguyện của chị Giáng Hương và bè bạn vẫn vượt mọi khó khăn, kéo dài, lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp tới cộng đồng. Được hỏi bí quyết nào đã giúp chị đảm đương tốt công việc chuyên môn mà vẫn bền bỉ với công việc thiện nguyện như vậy, chị Giáng Hương chia sẻ: “Tình yêu thương cho đi là còn mãi, lòng nhân ái càng chia sẻ sẽ càng thêm đầy. Tôi may mắn vì không bao giờ phải đơn độc trên hành trình thiện nguyện của mình mà luôn có sự ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình của nhà trường, đồng nghiệp, các phụ huynh học sinh và đặc biệt là của gia đình vì thế tôi rất an tâm, ấm lòng và có động lực để tiếp tục hướng về phía trước. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cùng các đồng nghiệp, bạn bè tích cực hơn nữa các phong trào thiện nguyện để tình yêu thương và niềm hạnh phúc mãi được lan tỏa”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hải Phòng: Hơn 1.000 người diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp Thành phố năm 2024
Hải Phòng: Huyện An Dương biểu dương phong trào thi đua “Hai tốt” năm học 2023 - 2024
Tỷ giá USD hôm nay (13/11): Đồng USD thế giới tiếp tục tăng
Giá xăng dầu hôm nay (13/11): Vẫn duy trì mức thấp
Giá vàng hôm nay (13/11): Giá vàng trong nước và thế giới vẫn miệt mài giảm
Dự báo thời tiết khu vực Hà Nội ngày 13/11: Ngày nắng, sáng sớm có sương mù
Truy tố nhóm đối tượng cho vay nặng lãi, ném mắm tôm ép người vay trả nợ
Tin khác
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10
Bác sĩ trẻ tâm huyết, sáng tạo vì sứ mệnh cứu người
Gương sáng 02/11/2024 13:11
Nữ nông dân khởi nghiệp thành công từ nuôi bò sữa
Gương sáng 30/10/2024 14:39
Nghệ nhân tuổi 75 "vượt bão" giữ nghề đúc đồng truyền thống
Gương sáng 30/10/2024 12:24
Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn hết lòng vì người lao động
Gương sáng 28/10/2024 06:05
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ sáng kiến cải tiến tự động hóa
Gương sáng 23/10/2024 06:05
Nữ thủ lĩnh Công đoàn năng động, tâm huyết
Longform 21/10/2024 22:18