Sân khấu nỗ lực kéo khán giả
Ảm đạm như chợ chiều
Đạo diễn Ngọc Hùng - quản lý của Sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết, những năm qua, game show, truyền hình thực tế, phim truyền hình dài tập và hiện nay là phim chiếu rạp đã thu hút một lượng đông đảo các diễn viên, nghệ sĩ chạy sô, khiến các sân khấu luôn trong tình trạng thiếu diễn viên trầm trọng. Việc lên sàn tập chủ yếu diễn ra vào nửa đêm, thậm chí nhiều vở phải hủy diễn vì không đủ nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm vì nếu diễn ở sân khấu thường xuyên, cát xê cao lắm cũng chỉ "đủ sống", còn muốn dư dả thì nghệ sĩ phải chạy sô bên ngoài.
Cảnh trong vở kịch Tấm Cám của Sân khấu kịch IDECAF |
Nhưng dù diễn hay không thì các ông bà bầu vẫn phải trả tiền thuê sân khấu, như năm ngoái, IDECAF phải trả 130 triệu đồng thiếu nợ nhà hát dù không diễn. NSND Hồng Vân từng than thở, nếu không đủ tiền trang trải thì sẽ đóng cửa Sân khấu kịch Hồng Vân.
Thực ra, sân khấu IDECAF sống được đến hiện nay là nhờ Công ty Thái Dương của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn kinh doanh rất tốt ở lĩnh vực khác như rối nước, rối cạn, nhà hàng - khách sạn. Còn Sân khấu kịch Hồng Vân cũng có nguồn kinh phí dựng vở hoàn toàn lấy từ lợi nhuận kinh doanh của hệ thống nhà hàng do Giám đốc Sản xuất Lê Tuấn Anh điều hành.
Năm ngoái, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần) đã tạm ngưng hoạt động. Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ khi chuyển địa điểm biểu diễn về đường Bắc Hải (Q.10), khán giả đã giảm tới 50%. Những sân khấu kịch mới thành lập như Hồng Hạc, Family, Sen Việt... chỉ biểu diễn cầm chừng với vài ba suất mỗi tháng.
Nhìn chung, do thiếu vắng khán giả và cả thiếu kịch bản hay, mới mẻ nên hầu hết các sân khấu từ Hoàng Thái Thanh, IDECAF đến Thế Giới Trẻ, Phú Nhuận... đều phải dựng hay diễn lại vở cũ từng trải qua "thời hoàng kim", rất ít đầu tư dựng vở mới.
Đã vậy, khán giả ngồi nhà cũng có thể xem những nghệ sĩ sân khấu mình yêu thích xuất hiện trong rất nhiều chương trình trên truyền hình, nhất là các game show hài, nên họ khá đắn đo khi phải chạy ra đường, đến sân khấu mua vé và chờ xem kịch.
Từ đầu năm đến nay chỉ có vở Tấm Cám của IDECAF là bán được vé, thậm chí là "sốt vé” (giá chợ đen lên tới 1,5 triệu đồng/cặp), theo ông Huỳnh Anh Tuấn. Dù các sân khấu đều ngại tiết lộ, nhưng việc hủy suất diễn hoặc bán vé lỗ là chuyện không hiếm.
Nỗ lực kéo khán giả
Năm nay, Sân khấu kịch IDECAF tròn 20 năm tuổi. Để chào mừng sự kiện này, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã quyết định giảm giá vé 30% cho tất cả các vở diễn từ tháng 6 đến tháng 12. Riêng vở Tấm Cám thì tăng giá vé lên 30% để bù lỗ cho các vở kịch khác và giảm bớt áp lực vé chợ đen, đến tháng 11 mới giảm giá.
Kèm theo mức giá giảm 30%, IDECAF còn "dụ” khán giả xem kịch bằng khuyến mãi tặng kèm mỗi vé một voucher giảm 30% tiệc buffet tại Nhà hàng Nón Lá của Công ty Thái Dương.
Tuy nhiên, IDECAF vẫn phải chọn giải pháp tái dựng các vở cũ đã "ăn khách" để tiết kiệm chi phí, như Xóm vịt trời, Sát thủ 2 mảnh, Con ma nhà hát, Thú yêu thương... Bên cạnh đó, IDECAF cũng dàn dựng lại một số vở kịch lịch sử để dàn diễn viên trẻ biểu diễn tại sân khấu số 7 Trần Cao Vân và các trường học với giá vé rất rẻ.
Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng giảm giá vé 30% trong tháng 8 và tháng 9. "Tôi vẫn đang đi bán từng tấm vé, đi tìm từng khán giả. Sân khấu của tôi rất mới, lại ở xa trung tâm thành phố (quận 6) nên chưa nhiều người biết tới. Tôi làm đủ mọi cách, nào là phát tờ rơi, quảng cáo, thậm chí "gõ cửa" từng trường học tặng vé chỉ để họ biết đến sân khấu của mình. Thậm chí giảm giá vé 50% cho những công ty và tập thể mua vé số lượng lớn, miễn sao có khán giả đến xem để diễn viên có thêm tinh thần diễn", bà chủ Trịnh Kim Chi cho biết.
Bên cạnh các vở kịch kinh dị và tâm lý xã hội hiện đại, Trịnh Kim Chi còn mạnh dạn đầu tư cho kịch cổ trang, dàn dựng theo kiểu kỳ án, như vở Kỳ án cung tâm kế với sự tham gia biểu diễn của một số nghệ sĩ sân khấu cải lương nổi tiếng như Tú Sương, Thanh Điền...
Sân khấu kịch Hồng Vân tổ chức bán vé trực tuyến (có giảm giá) qua trang mạng Hotdeal và Cùng mua để thu hút khán giả. Trong tháng 8 (tức tháng 7 âm lịch), sân khấu này diễn các vở kịch kinh dị, hài, như Đá đoạt hồn, Người vợ ma, Thoát xác, Góc tối showbiz, đặc biệt là vở mới 3D Cung tâm kế (Xóm trọ phần 3).
Dù cũng thiếu gương mặt ngôi sao như các sân khấu khác nhưng Sân khấu kịch Hồng Vân luôn có Minh Nhí, Anh Vũ và Hồng Vân cùng một số diễn viên trẻ như: Hòa Hiệp, Kha Ly, Ốc Thanh Vân, Thanh Duy... và dàn diễn viên tiềm năng tự đào tạo.
Ít bị ảnh hưởng khủng hoảng nhất, thời gian qua, Sân khấu Thế Giới Trẻ hoạt động tương đối ổn định, rất hiếm khi phải trả lại vé. Mặc dù dàn diễn viên của Thế Giới Trẻ đang nổi tiếng như Thu Trang, La Thành, Khả Như, Quang Tuấn, Hoàng Phi, Diệu Nhi, Lê Phương, Khương Ngọc, Thuận Nguyễn, Gia Bảo khá đắt sô đóng phim điện ảnh, tham gia game show truyền hình, phim truyền hình, nhưng họ đều trân trọng sân khấu này - nơi nuôi dưỡng họ khi còn vô danh - nên luôn cố gắng bảo đảm lịch diễn, ít nhất cũng được 2 - 3 suất/tuần.
Nhắm tới số đông khán giả trẻ, kịch mục của Thế Giới Trẻ tập trung vào hài kịch, kinh dị - thể loại khán giả có thể xem đi xem lại nhiều lần, chẳng hạn như Chuyện tình ở Bangkok, Họa hồn, Hai chàng bảo mẫu, Dream Boys, Am khuya... mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nên liên tục được diễn đi diễn lại và vẫn có số lượng khán giả khá tốt.
Thế Giới Trẻ đang đầu tư vở mới Chuyện hậu trường - kịch bản có tên gốc Vai diễn cho mỗi người - của cố tác giả Lưu Quang Vũ để ra mắt vào hạ tuần tháng 8 này.
Bên cạnh tiếp tục lịch diễn các vở Chuyện bây giờ mới kể, Sông dài, Nửa đời hương phấn, Rau răm ở lại, Lan và Điệp, trong tháng 8 này, Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ lên sàn tập vở mới nhân thời điểm nghệ sĩ đang bớt sô do phim truyền hình đang chững lại. Như vậy, dù khó khăn nhưng Hoàng Thái Thanh vẫn kiên trì với mục tiêu mỗi năm sẽ dựng từ 2 - 3 vở mới như tâm huyết của hai nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Khởi tranh Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội
Thể thao 02/11/2024 18:27
Dự đoán tỉ số Leverkusen và Stuttgart: Chủ nhà nắm lợi thế, liệu có 3 điểm cho Leverkusen?
Thể thao 02/11/2024 07:26
Khai mạc Vòng chung kết toàn quốc Giải Bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024
Thể thao 01/11/2024 15:17
Gần 400 vận động viên tham gia Hội khỏe Hội Nhà báo thành phố Hà Nội năm 2024
Thể thao 01/11/2024 13:42
Thay huấn luyện viên, MU tỏa sáng tại League Cup
Thể thao 31/10/2024 07:59
Tiếng hát Hà Nội 2024: Nơi hội tụ và tỏa sáng tài năng âm nhạc
Âm nhạc 30/10/2024 19:54
Nhận định, dự đoán tỷ số Empoli và Inter Milan: 3 điểm cho đội khách?
Thể thao 30/10/2024 09:50
Tuyển Futsal Việt Nam đánh bại Australia với cơn mưa bàn thắng
Thể thao 30/10/2024 06:26
Tuyển Việt Nam thi đấu kiên cường, nhưng vẫn chịu kết cục đáng tiếc trước Trung Quốc
Thể thao 30/10/2024 06:23
Nhà thiết kế Trần Phương Hoa ra mắt bộ sưu tập mới tại Vancouver Fashion Week
Thời trang 29/10/2024 10:21